Bảo tồn di tích cội nguồn theo quan điểm Bác Hồ và Đảng Cộng sản Việt Nam

Trong giải quyết vấn đề cách mạng, tư tưởng Hồ Chí Minh thường bao gồm 4 bước với 8 chữ: điều tra, phân tích, tổng hợp và hành động. Bí quyết chiến thắng của Người là biết khai thác tốt nhất thế mạnh bản thân và trong mỗi con người; biết rèn luyện hiểu biết được cho là lục bảo (6 bảo vật, bao gồm: tâm; trí; khí; lực; cách sống, làm việc và lòng trung thực) và cửu tri (biết mình; biết người; biết thời; biết đủ; biết dừng; biết nguồn gốc; biết sợ; biết nhẫn nhịn và biết thay đổi).

Sáu bảo vật và 9 điều hiểu biết đã được Người vận dụng nhuần nhuyễn trong nghiên cứu, phân tích lịch sử cội nguồn dân tộc. Nhờ đó, mặc dù điều kiện cách mạng và kháng chiến chống các thế lực xâm lược hùng mạnh (Pháp, Mỹ) cực kỳ gian khó, song dân tộc ta đã giành được thắng lợi rất vẻ vang. Nhân kỷ niệm ngày sinh của Hồ Chủ tịch, bài viết lược ghi những giá trị việc làm đối với lịch sử cội nguồn trong các cuộc chiến giữ nước thần kỳ.

Nhìn nhận về văn hóa cội nguồn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ lãnh đạo quốc gia

Trong muôn vàn khó khăn của những năm tiền khởi nghĩa, tháng 2 năm 1941, mở đầu Trường ca Lịch sử nước ta Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Gốc tích nước nhà là một vấn đề lớn, cực kỳ thiêng liêng. Làm rõ được vấn đề này sẽ thức tỉnh được tinh thần dân tộc để tạo sức mạnh chiến thắng mọi thế lực xâm lăng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng mở ra con đường tìm về sự thật Tổ tiên, Người đã chỉ ra cách bảo vệ di sản của Tổ tiên bằng việc làm cụ thể. Những năm đầu thập niên 1940, Bác đã soạn ra nhiều bài ca, gợi lại hình ảnh lịch sử đất nước để vận động cách mạng. Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngay từ buổi đầu Người đã ký ban hành sắc lệnh số 65 ghi rõ: “Cấm phá hủy những đình, chùa, đền, miếu, cung điện, thành quách, lăng mộ và những nơi thờ tự chưa được bảo tồn. Cấm phá hủy những bi ký, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng, giấy má có ích cho lịch sử mà chưa được bảo tồn”.

Hồ Chủ tịch là người đầu tiên khẳng định giá trị to lớn của văn hóa Hùng Vương và vai trò của các giá trị đó đối với lịch sử hiện nay. Trong tác phẩm “Lịch sử nước ta” Bác thường xuyên nhắc đến khái niệm Rồng, Tiên để nhớ về thời kỳ lịch sử xa xưa của dân tộc, thời kỳ mà con người gắn bó mật thiết với nhau như anh em ruột thịt. Từ đó, Người khuyên mọi người: “Hỡi ai con cháu Rồng Tiên/ Mau mau đoàn kết vững bền cùng nhau”.

Trong lời kết tập sách “Lịch sử nước ta”, Người nhấn mạnh: “Dân ta xin nhớ chữ đồng/ Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”. Với truyền thống con Rồng cháu Tiên, Bác Hồ đã phát hiện ra triết lý sống, đạo lý làm người của cả dân tộc, đó là sự đùm bọc thương yêu lẫn nhau, tinh thần đoàn kết giữa những người cùng chung số phận.

12 năm sau, trên đường về tiếp quản Thủ đô, cùng Đại đoàn quân Tiên phong, Bác dừng chân tại Đền thờ các vua Hùng ở Phú Thọ. Tại đây, Bác căn dặn chiến sĩ: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Đó là mệnh lệnh của lãnh tụ đối với toàn quân, nhưng cũng là lời thề thiêng liêng mà Bác đã thay mặt toàn dân thề trước anh linh của các vua Hùng. Đó cũng là tình cảm và trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với Tổ tiên và các thế hệ mai sau. Khái niệm “giữ lấy nước” mà Bác nói không chỉ có ý nghĩa giữ lấy mảnh đất sinh sống và bờ cõi cương vực của đất nước mà còn là giữ lấy và phát huy những giá trị tinh thần - hồn thiêng của dân tộc.

Bảo tồn di tích cội nguồn theo quan điểm Bác Hồ và Đảng Cộng sản Việt Nam - 1

Bác Hồ cùng Đại đoàn quân Tiên phong tại Đền thờ các vua Hùng ở Phú Thọ. Ảnh tư liệu 

Làm theo tư tưởng của Người, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhà văn hóa nổi tiếng, đã nhiều lần nhắc tới lịch sử cội nguồn. Tại Hội nghị khảo cổ bàn về thời kỳ Hùng Vương dựng nước, ngày 16 tháng 12 năm 1968, ông đã khẳng định: Đây là những vấn đề có liên quan đến nguồn gốc xã hội Việt Nam, liên quan đến diễn biến lịch sử, đến tương lai dân tộc của cả thế hệ ngày nay và mai sau. Chỉ riêng điểm này cũng đáng để tập trung lực lượng nghiên cứu, bởi chúng ta có thể dựa được vào đây để tìm ra ánh sáng về những vấn đề cực kỳ quan trọng, cực kỳ to lớn mà hiện nay trên thế giới ai cũng phải coi trọng, đó là phương thức sản xuất châu Á. Nghiên cứu thời gian lịch sử này là việc có ý nghĩa rất quan trọng, chưa ai đánh giá được hết ý nghĩa của những kết quả sẽ thu hoạch được.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho rằng, nghiên cứu về một thời gian lịch sử mà không tìm được trong sách sử là việc làm không đơn giản. Sách vở chắc chẳng có nhiều, song tài liệu tìm hiểu trong dân gian thì có thể với những khả năng tốt và quý báu. Như vậy, để giải quyết những vấn đề của thời gian lịch sử hàng mấy nghìn năm thì còn một nguồn tư liệu là di tích người xưa để lại còn chôn vùi trong lòng đất. Phải nói lại điều này dù nó rất thô sơ để đánh giá một cách cơ bản và đúng mức.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho rằng, những di vật ở dưới đất là một kho tàng vô giá, nếu để mất đi thì không có gì bù đắp lại. Nếu không giữ gìn được sẽ mất đi, mà mất thì hết! Rồi đây, sau chiến tranh, chúng ta xây dựng cơ bản; chúng ta đào, cuốc, phá bỏ có thể sự mất mát sẽ to lớn hơn nhiều; phải tìm mọi cách giữ gìn, bảo tồn cho được. Nếu không có cách nào khác thì cứ bảo tồn trong lòng đất. Đem lên mà không làm, bảo quản tốt thì chẳng khác nào phá hoại, làm hư hỏng hoặc để mất đi. Có một kho tàng khác nữa rất quý đó là di tích trong dân gian như các đình, chùa, đền, miếu, văn bia và thư tịch; tiếp đó là phong tục tập quán và ngôn ngữ dân gian. Cần tranh thủ thời gian để sớm nghiên cứu vì những kho tàng này không giữ được lâu.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 24/11/2021, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, đã gửi đi thông điệp cả về đối nội lẫn đối ngoại, khẳng định vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và đã chỉ ra, nhiều di sản văn hóa quý báu của dân tộc có nguy cơ bị xuống cấp, mai một, thậm chí bị tiêu vong.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa còn lúng túng, chậm trễ, nhất là trong việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng. Những yếu kém, bất cập chậm được giải quyết mặc dù đã được nhắc đi, nhắc lại trong nhiều văn kiện, nghị quyết. Sự yếu kém, khuyết điểm này đã gây hệ lụy, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, đến xây dựng con người và môi trường văn hóa của chúng ta.

Những hạn chế, khuyết điểm có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan vẫn là chính. Phương thức lãnh đạo và quản lý văn hóa chậm được đổi mới, chưa thích ứng kịp thời với sự vận động và phát triển văn hóa trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện đường lối văn hóa của Đảng còn thiếu đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả.

Trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị, của đội ngũ cán bộ, đảng viên đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển văn hóa chưa cao. Chúng ta cần phân tích sâu sắc các nguyên nhân này để tìm cách khắc phục, nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc chấn hưng và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời gian tới.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc là một dịp quan trọng để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, quán triệt sâu sắc, toàn diện và đồng bộ hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng, đặc biệt là việc xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã chỉ ra, Chúng ta cần nhận thức sâu sắc, đầy đủ và toàn diện hơn về vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, xứng tầm với sự nghiệp đổi mới và truyền thống lịch sử vẻ vang ngàn năm văn hiến của dân tộc.

Lịch sử cội nguồn từ góc nhìn nghiên cứu

Tổ tiên dân tộc thời dựng nước đã luôn cần cù với tinh thần tự cường, độc lập và tự chủ để sáng tạo một nền minh triết rực rỡ, đóng góp xứng đáng vào nền văn minh nhân loại. Tính chất nổi bật trong nền văn hóa Hòa Bình đã khẳng định, Việt Nam là một trong những cái nôi của loài người. Những di chỉ của văn hóa Hòa Bình, Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn và hệ thống di vật, dấu tích tiền sử để lại trên đất nước là những hiện vật vô cùng quý giá, là sự thật hùng hồn về nguồn gốc và thành tựu văn hóa tiền sử, là nguồn gốc vô tận của sức mạnh trí tuệ và ý chí vươn lên của cả dân tộc. Vượt qua dã tâm của ngoại bang xâm lược, các bậc Tiên hiền và nhân dân nước Việt đã khôn khéo che đậy, bảo vệ, giữ gìn được những thành quả quan trọng của nền văn hóa tiền sử.

Sau thắng lợi oanh liệt phong kiến xâm lược ngoại bang và những đế quốc hàng đầu thế giới, vị thế trên trường quốc tế của Việt Nam đã đổi khác. Giới nghiên cứu và nhiều học giả đã nhìn nhận dân tộc Việt theo nhận thức mới, khám phá mới khác hẳn so với trước đây. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để tìm lại cội nguồn. Kể từ nhiều nghìn năm qua, chưa bao giờ đất nước ta lại có vị thế xứng đáng để khẳng định mình như những thập kỷ gần đây. Đó chính là nhờ dân tộc ta đã trải qua quá trình đấu tranh xây dựng bảo vệ non sông và đặc biệt là hậu duệ đã tiếp nối Tổ tiên đấu tranh quyết liệt và lâu dài để có nước Việt ngày nay.

Hướng về cội nguồn Tiên tổ, tìm hiểu lịch sử dân tộc vốn là đạo lý là tình cảm thiêng liêng của mỗi người dân nước Việt. Trong niềm suy nghĩ ấy, cùng với những trăn trở của lãnh đạo Đảng và Nhà nước về văn hóa cội nguồn, được sự khích lệ từ những người mang nặng tâm huyết đối với Tổ tiên, giới sử học và nhiều nhà nghiên cứu tiền sử nước nhà đã bỏ nhiều công sức vào sưu tầm, thu thập thư tịch cổ, những di tích do tiền nhân để lại, bao gồm cả văn bia, gia phả, thần phả, huyền sử, kinh phật, văn thơ câu đối, những bài minh… còn lưu giữ, cất giấu được. 

Cùng với sưu tầm tư liệu, nhiều tổ chức khoa học và cá nhân nghiên cứu đã sử dụng những thành tựu đạt được để khai thác những tài liệu thu thập; khảo sát ghi chép và xác định lại những địa danh chứng tích của Tổ tiên xưa. Sự tham gia tích cực của một số nhà ngoại cảm, tâm linh, cảm xạ cũng đã cung cấp thêm nhiều thông tin làm tăng giá trị tư liệu nghiên cứu.

Sưu tập, khảo cứu tiền sử, những vấn đề cách đây nhiều ngàn năm lịch sử đòi hỏi sự hội tụ công sức trí tuệ và tâm huyết của các nhà nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực. Nó đòi hỏi nhiều thời gian và nhiều thế hệ tham gia. Cuộc trường chinh vạn dặm hướng về cội nguồn rất cần sự tham gia của các thế hệ đời sau và đông đảo người Việt Nam ở nước ngoài, không thể chỉ một số người hoặc một số cơ quan chuyên trách là có thể làm được

Từ sau Quyết định 07/2009/QĐ-TTg ngày 14 tháng 7 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức nghiên cứu khoa học, nhiều nhóm nghiên cứu tự nguyện đã được hình thành. Cho đến nay, những tài liệu khảo sát với hàng vạn vật chứng đã tìm thấy ở nước ta. Tài liệu cơ bản về điều tra lãnh thổ đã hoàn thành, nhiều kết quả khảo sát về gen trên thế giới đã được công bố, Ngọc phả Hùng vương cũng đã phát lộ.

Với nguồn thông tin thu nhận được, các nhà nghiên cứu trong nước đã hình thành chuyên đề “Sự thật gốc tích nước nhà Việt Nam và Tổ tiên dân tộc Việt đời đời rực rỡ”.  Chuyên đề không nói ai đúng ai sai mà chỉ nhằm vào đoàn kết cùng đi tìm sự thật về Tổ tiên. Tổ tiên chúng ta đã để lại cho dân tộc một truyền thống cực kỳ quý báu. Với bản chất đặc thù, dân tộc ta có bản lĩnh và đạo lý truyền thống riêng. Truyền thống giá trị văn hóa của Tổ tiên nếu được khơi dậy sẽ thức tỉnh trong tâm hồn dân tộc nguồn sức mạnh vô giá.

Tổ tiên đất Việt thời tiền dựng nước

Tổ tiên khai quốc và các Tiên hiền đất Việt là những vĩ nhân có đời sống hết lòng vì dân vì nước được xưng tụng là Phật, Thánh, Thần, Tiên và Đại Bồ tát… đã khai sáng quốc gia, dân tộc; tạo nền móng đạo lý, khuôn mẫu để phát triển đất nước, góp phần vào tiến bộ trong sự tiến hóa của loài người.

Người Việt cổ đã có mặt ở nhiều nơi từ thời đồ đá cũ. Kết quả khai thác tư liệu cổ dựa theo “Bách Việt thiệu tổ cổ lục”, “Cổ lôi Ngọc phả truyền thư”, “Nguyên tộc tứ đường phả ký” và những khảo sát điền dã của các nhà nghiên cứu đã phác họa được nét nổi bật về sự phát triển của thời kỳ tiền sử trong tầm nhìn vạn năm. Theo đó, địa danh trung tâm có dấu ấn văn hóa tiền sử xưa nhất được xác định là Vân Lôi - Cảnh Tiên, Tây Phương - Cực Lạc; tiếp đó là Hoàng Xá - Sài Sơn, Trầm Sơn - So Sở và cuối cùng là Phong Châu xưa tức vùng Tổng Xốm trong địa bàn Hà Nội ngày nay.

Nơi khởi nguồn của người Việt Thường, một tộc người cổ xưa tiến bộ nhất từ hàng vạn năm trước là vùng Lôi Bằng với làng Vân Nôi (thuộc xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, Hà Nội). Cụm di tích Đình - Chùa Vân Lôi và Đền Cảnh Tiên trong khu vực đã qua bao đời tu bổ, phục dựng đến nay vẫn còn giữ nguyên được bức Đại tự “Lịch Đại Đế Vương”. Nước Phật khởi đầu với Địa Mẫu - Đế Thiên là Nhà nước Cực Lạc. Trung tâm của nhà nước Cực Lạc gồm các khu đồi và suối của thôn Yên Lạc, xã Cần Kiệm. Ở đây có Chùa Cực Lạc, mộ và đền thờ Địa Mẫu cùng Chùa Tây Phương trên núi Câu Lâu thuộc thôn Yên, xã Thạch Xá.

Phả ký trong vùng có ghi: “Thời Bàn Cổ có 2 ông bà đời sau đặt tên theo thế đất là ông “Tứ Tượng” và bà là “Nữ Oa” sống ở Vân Lôi. Để mưu sinh bà đã vượt sông sang vùng Cực Lạc khai khẩn, cải tạo hang đá làm nhà ở. Sau đó, ông tự bắc cầu qua sông để tiện qua lại. Ông mất ở Vân Lôi, mộ táng trước Chùa Long Vân (xã Bình Yên, Thạch Thất); còn bà được tôn là Địa Mẫu, mất ở Cực Lạc, chôn trước cổng Chùa. Ngọc phả ở nhiều đình đền có chép lại “Di Đà sinh tại Lôi Bằng, đời sau tôn là Đế Thiên, tên nước là Cực Lạc. Người định đô tại Lôi bằng sau đó dời đến Tây Phương - Cực Lạc.

Nhờ đạo đức cao cả của 2 ông bà Tổ, sau được Hòa Hy (Phật Di Đà) giáo hóa, các bộ tộc và con người Việt Thường có đời sống vui vẻ; tự do hôn thú, cư trú; giúp nhau vô tư trên tinh thần bình đẳng, bác ái, vô lượng, vô biên. Dòng Đế Hòa, Việt Thường chủ trì 72 họ với 100 Bộ Chúa Núi. Khi Địa Mẫu tuổi cao đã giao cương vực cho con cả Hòa Hy là Đế Viêm. Đế Viêm có 2 người anh em họ là Nguyễn Hữu Sào và Toại Nhân. Toại Nhân còn gọi là Cát Tiên Ông hay Lưỡng Long Cát, dạy dân biết dùng lửa nấu ăn chín, còn Hữu Sào lấy cây làm tổ, giúp người đỡ bị hại.

Sau thời Phục Hy là thời kỳ Viêm Đế lập nước Viêm Bang. Bắt đầu từ đây, Quốc danh Cực Lạc là gốc tồn tại song song với mọi quốc hiệu tiếp theo. Đế Viêm dùng nhân nghĩa giáo hóa chúng sinh, đặt lệ 3 năm học Đạo trước khi làm quan. Ông đã phát triển, nâng tầm kỹ xảo và sáng chế điền khí, mở mang đồng ruộng. Ông sinh ra Đế Khôi tức Thần Nông.

Khi Thần Nông còn trẻ, Đế Viêm bị gia nô là Hiến Viên làm phản, mẹ Thần Nông là bà Tiên Nữ đưa con về lánh nạn ở Thổ Long thị (chợ Rồng đất) do vợ Hữu Sào nuôi dưỡng. Thần Nông được Hữu Sào và Toại Nhân phò tá cùng với 100 Bộ Chúa Núi đã đánh đuổi Hiến Viên, thống nhất giang sơn xưng là Đế Thần cai quản từ Trường Giang trở về Nam.

Trung tâm thời đại Thần Nông còn tồn tại cho đến ngày nay là cụm 3 chùa Trầm Hang -Vô Vi và Rồng Tiên với những lễ hội lưu lại cho nhiều thế hệ đời sau.

Kế nghiệp Thần Nông là Đế Tiết cùng em trai là Đế Thừa là những người khai khẩn, cải tạo vùng đất Tương, mở đầu công cuộc xây dựng kinh đô Phong Châu. Đế Thừa còn gọi là Sở Minh Công giỗ ngày mùng 9 tháng Giêng đời sau còn gọi là Đức Thánh Hai, thờ ở đình chùa Phú Lãm (Hà Đông).

Sau thời Đế Tiết, Đế Thừa, gia phả họ Nguyễn Vân làng Vân Nội có ghi: “Tổ Bà Đỗ Quý Thị húy là Sơn Trang hiệu Dương Vương xuất gia đắc đạo ở Tây Vực, Phật hiệu là Hương Vân Cái Bồ tát. Bà là vợ cả Đế minh sinh ra Lộc Tục (Kinh Dương Vương). Đạo đức của Bà đã ăn sâu vào lòng người, đạo nho tôn là Đệ nhất Thánh Mẫu Thiên Tiên thờ ở Tam Bảo tòa tượng Cửu Long.

Ốc Tổ Nam Phương Bản Tổ Kinh Dương Vương là Thủy Tổ trực hệ dòng tộc Nguyễn Vân ở Vân Nội, Phú Lương thuộc Quận Hà Đông. Tên thật của Người là Nguyễn Quảng húy Lộc Tục tự Phúc Lộc, sinh ngày 15 tháng 8 và hóa ngày 25 tháng Chạp. Người là cha của Quốc Tổ Lạc Long Quân. Lạc Long Quân tên thật là Nguyễn Khoản, tự Sùng Lãm được vua cha Ốc tổ truyền ngôi lấy hiệu là Hùng Long Quân, lấy Quốc hiệu là Văn Lang, kinh đô đóng ở Phong Châu. Về già, Quốc Tổ về quê mẹ ở Bảo Cực nay là Bảo Đà (Bình Đà, huyện Thanh Oai). Khi Người mất, được an táng tại Ba Gò đồng, giỗ ngày 28 tháng hai”.

Thay lời kết

Đối chiếu với những dấu tích hiện còn, nhiều địa danh cổ và thực tế hiện nay có sự thống nhất. Tổng hợp những tư liệu thu nhận được cho phép rút ra, Việt Nam có thể là một trong những cái nôi loài người ở Đông Nam Á với nền văn hóa Hòa Bình được Hội nghị Quốc tế năm 1932 thừa nhận xuất hiện từ trên 16.000 năm trước cùng với người nguyên thủy tồn tại qua các hình thái của tổ chức thị tộc, bộ tộc, bộ lạc sinh tụ và phát triển trên một vùng lãnh thổ rộng lớn.

Tìm hiểu, kiểm chứng những địa danh, di tích hiện còn liên quan đến kinh đô cổ, có thể nhận thấy: Nếu kinh đô cổ ở vùng này thì nó đã nằm trên một dải bán sơn địa, sau lưng là nguồn lâm sản, phía trước là đồng bằng sông ngòi thuận lợi cho nghề trồng lúa và đánh bắt thủy sản.

Với những phát hiện khảo cổ và từ những di cốt, di vật được khẳng định tồn tại từ trước công nguyên, rất có thể Phong Châu xưa của các Vua Hùng đã nằm ở vùng Tổng Xốm ngày nay. Rất cần có những biện pháp cụ thể để bảo tồn trong quá trình hiện đại hóa Thủ đô.

Lê Thành Ý

Tin liên quan

Tin mới nhất