Tết miệt vườn

Bạn học định cư ở Mỹ nhắn tin qua messenger: Giữa tháng chạp năm nay tôi và gia đình về quê ăn Tết, ông coi làm “thổ địa” kiêm “hướng dẫn viên du lịch” giùm tui nghen. Bạn nói thêm, chủ yếu là về thưởng thức cái Tết miệt vườn của mình, chứ từ khi xa quê, lên Sài Gòn sống rồi qua Mỹ định cư, mình chưa một lần được hưởng được cái không khí Tết quê nhà, nhớ lắm. Bạn nhắc, tôi giật mình, hình như chính người “nhà quê” như tôi đôi lúc cũng lơ đễnh chuyện Tết nhứt vì cắm đầu cắm cổ cày kiếm tiền để tồn tại. Và sáng nay, trong cái se se lạnh của gió mùa Đông Bắc khuếch tán xuống phương Nam, tôi đã cảm nhận được không khí Tết đang rộn rã tràn về.

Người miệt vườn chuẩn bị Tết rất sớm. Sớm nhất có lẽ là người dân chuẩn bị bông Tết cho nhà mình. Vạn thọ và cúc là hai loại bông mà hầu hết các gia đình miền Tây phải có trong nhà vào dịp Tết. Để tiết kiệm chi phí cho mấy ngày xuân, nhiều người tự gieo trồng  vạn thọ và cúc tại nhà để chưng Tết. Nếu là vạn thọ thường thì xuống giống vào ngày rằm tháng mười, còn vạn thọ Pháp (nhập từ Thái Lan, bông to và ngắn ngày) thì gieo sau đó một tuần. Nhìn những cây vạn thọ con được chuyển từ bầu sang chậu để dọc đường quê là bạn biết mùa xuân đang dần đến.

Tết miệt vườn - 1

Ảnh minh họa

Giữa tháng mười một âm lịch thì trồng khổ qua, bầu, mướp. Khổ qua dồn thịt hầm là món không thể thiếu trong bếp người miền Tây vào ba ngày Tết. Tận dụng hàng rào trước nhà, người ta trồng năm ba dây khổ qua là đủ để Tết có một nồi hầm ngon lành. Còn bầu mướp thì ăn sau Tết khi đã ngán thịt. Bầu luộc vừa chín tới, chấm chao hoặc hột vịt luộc giầm nước mắm tỏi ớt là món “chống ngán” lý tưởng của dân... nhậu. Còn mướp thì nấu canh tép, hến hay thịt bầm đều ngon sau những ngày thịt thà tràn trề.

Nói chung, bước vào tháng mười âm lịch hàng năm thì bạn sẽ thấy không khí Tết rục rịch tràn về, điều mà ở thành thị không bao giờ cảm nhận được.

Nhưng, rộn ràng nhất là khi bước vào tháng Chạp, khi đêm phương Nam lành lạnh, khi vạt nắng trước hiên nhà vàng ruộm, khi bông bần rụng trắng bờ sông thì cũng là lúc không gian chuẩn bị chuyển mùa từ đông sang xuân. Miền Nam không có bốn mùa rõ ràng, người ta cảm nhận nó bằng trực giác, bằng sự nhạy cảm và bằng những tập quán sinh hoạt cộng đồng.

Tết miệt vườn - 2

Người miệt vườn chuẩn bị Tết rất sớm. Sớm nhất có lẽ là người dân chuẩn bị bông Tết cho nhà mình.

Xưa, bước vào tháng Chạp, thôn quê rộn rã, nhộn nhịp khi các hoạt động chuẩn bị cho một mùa Tết đồng loạt diễn ra. Tráng bánh tráng, quết bánh phồng, làm mứt các loại. Bạn sẽ không bao giờ quên được mùi khói khuya khi các lò tráng bánh nhóm lửa bắc nước chuẩn bị tráng bánh. Khói lá dừa và khói củi bị sương khuya “đè” xuống, bay lãng đãng dọc đường quê, lan toả mùi dân dã, mùi Tết trong không gian, để khi đi xa không kịp về Tết bạn sẽ nhớ và thương vô cùng. Rồi tiếng quết bánh phồng đúng nhịp như tiếng thời gian trôi trên đồng hồ, huỳnh huỵch, huỳnh huỵch..

Những năm xa quê mưu sinh, khi cận Tết, trong ký ức tôi luôn vang lên tiếng quết bánh phồng, tươi đẹp và nguyên vẹn. Nhớ tiếng gọi nhau í ới để cùng nhau phụ cán bánh; nhớ tiếng bọn trẻ quê xúm lại coi người lớn quết bánh. Và, nhớ làm sao những âm thanh bình dị, giản đơn, dân dã trong đêm khuya những ngày cận Tết, nó ám ảnh, nó tạo sự nôn nao, bồn chồn cho người viễn xứ mỗi khi mùa Tết về.

Điều đặc biệt của công việc quết bánh phồng là quyết hết nhà này sẽ tới nhà khác chứ không phải một mình mình làm, kiểu vần công. Hôm nay làm cho nhà này thì mai làm cho nhà kia và di chuyển như vậy cho đến khi hết xóm nhà nào cũng có bánh Phồng ăn Tết. Cả xóm nhưng chỉ có duy nhất một cái cối quết bánh phồng. Cái cối quết bánh phồng ngày xưa quý lắm, là cối đá xanh được chở trên núi về, chứ loại cối xi măng thì không sử dụng được lâu bền. Giờ thì nhiều thứ đã được công nghiệp hoá, sản xuất đại trà, buôn bán quanh năm như bánh tráng, bánh phồng nên những âm thanh rộn rã Tết xưa chỉ còn là hoài niệm, là ký ức đẹp tuổi thơ mỗi khi xuân về.

Nhắc đến Tết thì không thể không nhắc tới các loại mứt. Những loại mứt thường có trong ngày Tết là mứt gừng, mứt bí, mứt chùm ruột, mứt chuối, mứt dừa... những loại mứt dễ làm thủ công tại nhà vì có nguyên liệu sẵn mà không phải tốn tiền mua. Khoảng giữa tháng Chạp là thấy trước sân nhà nào cũng có những mâm, những xề phơi mứt, hình ảnh làm nôn nao, háo hức trong lòng khi biết Tết đã gần kề. Trong những hình ảnh kể trên, xề chuối già phơi khô luôn ám ảnh tôi suốt một đoạn đời xa xứ kiếm sống. Chuối già đốn xuống để cho chín muồi, rồi lột vỏ, ép, đêm phơi khô.

Mùi chuối già chín phơi khô lạ lắm, thương lắm, cái mùi quê, cái mùi dân dã, cái mùi yêu thương gia đình hình như được hoà quyện vào đó gây nhớ, gây thèm khi đi xa. Chuối già phơi khô xắt nhỏ kết hợp với gừng ngào mứt rất ngon. Vị ngọt vừa phải của chuối lẫn với chút cay đằm của gừng tạo một hương vị đặc trưng không lẫn vào bất cứ một mùi vị nào khác. Ngoài ra, chuối già phơi khô còn được trẻ em cuốn vào cái bánh tráng ướt để ăn, như một thứ bánh ngọt lạ miệng, ngon một cách độc đáo.

Tết miệt vườn - 3

Không gian Tết xưa ở điểm tham quan Căn nhà màu tím.

Đó là những hoạt động chuẩn bị Tết diễn ra trước rằm tháng Chạp hàng năm. Bắt đầu từ ngày rằm tháng Chạp, không khí Tết sôi động hẳn lên khi nhà nhà lặt lá mai, người người lặt lá mai. Kinh nghiệm dân gian, mai vàng muốn nở vào đúng mùng một Tết thì phải lặt lá vào chiều mười bốn tháng Chạp, và dao động trước sau một hai ngày tuỳ nụ mai lớn hay nhỏ.

Lặt lá mai là một tập quán sinh hoạt có từ xưa ở châu thổ sông Cửu Long. Đêm mười bốn, rằm tháng Chạp trăng sáng vằng vặt, cả nhà bắt ghế ra sân lặt lá mai, chuyện trò rôm rã, náo nhiệt từ đầu trên tới xóm dưới, âm thanh cuộc sống vang rộn trong đêm trăng. Sau mấy ngày lặt lá mai, sân nhà, vườn nhà và những con đường liên ấp, liên xã sẽ được quét dọn sạch sẽ, tinh tươm, để bắt đầu bày trước sân, trước đường các loại bông, kiểng được trồng trước đó. Bông vạn thọ, bông cúc, bông giấy, bông sống đời... được trưng bày ngay ngắn để tạo mỹ quan xinh đẹp, hấp dẫn trước nhà mình.

Sau Tết đưa Ông Táo (23 tháng Chạp), thì các món ăn đặc trưng của Tết miền Tây được các mẹ, các dì, các chị chuẩn bị sẵn sàng. Trước hiên nhà treo lạp xưởng phơi lủng lẳng, ngoài sân là củ kiệu, tôm khô, dưa cải... mùi Tết dậy lên trong không Bây giờ là nửa đầu tháng Chạp, đã có những đêm phương Nam lành lạnh do khuếch tán của gió mùa Đông Bắc, đã có bông bần rụng trắng bờ sông và đã có nắng ruộm vàng qua hiên nhà. Dọc đường quê, không khí Tết đã bắt đầu miên man trên các cành cây ngọn cỏ, làng xóm yên ả thanh bình trong những buổi chiều nhạt nắng.

Bạn nhắc qua messenger: Ông nhớ chừa cho tôi một cây mai, để khi về tôi leo lên lặt lá, nghen. Và nữa, ông cũng nhớ “để dành” cho tôi một... buổi chiều, có bãng lãng khói bếp bên sông, có nắng quái, có lá vàng rơi và có một mùa xuân ấm nồng phía trước.

Đào Ngọc Vinh

Tin liên quan

Tin mới nhất