Những chuyện bên lề ở một trại viết văn học

Chính từ trại viết này, Chu Lai đã hoàn thành tiểu thuyết “Mưa đỏ” được rất nhiều giải thưởng văn học (Mới đây nhất Nhà hát chèo Hải Phòng mới dựng thành tiết mục biểu diễn, được khán giả chèo đất Cảng vỗ tay nhiệt liệt).

1-

5 năm lại đây, qua ba thế hệ Giám đốc NXB Quân đội, mỗi bận NXB tổ chức trại sáng tác về đề tài “Lực lượng vũ trang – Chiến tranh cách mạng” của NXB Quân đội và Trung tâm Hỗ trợ sáng tác Văn học nghệ thuật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp  tổ chức, tại các thành phố Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu, Cần thơ... thì cả 5 lần, người được NXB Quân Đội tín nhiệm cử làm Trại trưởng là Đại úy Xuân Hùng, biên tập viên văn học của NXBQĐ. Các trại viên tham gia trại trân quý bởi ông Trại trưởng Trại sáng tác trẻ người nhưng nghĩa tình, lễ phép, giữ nguyên quân kỷ nhưng cũng rất mềm mại ân tình, tận tình chăm sóc, lại giàu sức động viên các nhà văn nhà thơ nhất là các bậc trưởng thượng hoàn thành tốt các tác phẩm của mình, để trở thành những món ăn tinh thần không thể thiếu cho người chiến sỹ, đóng góp xứng đáng cho nền văn học đương đại của nước nhà về đề tài “Lực lượng vũ trang – Chiến tranh cách mạng”.

Những chuyện bên lề ở một trại viết văn học - 1

Khai mạc trại viết

Nhưng đến trại viết lần này, khi đại úy Xuân Hùng đã được thăng chức Thiếu tá, Trưởng phòng biên tập VHVN của Nhà xuất bản, thì anh có cương vị mới là tham gia chỉ đạo Trại sáng tác, và nhiệm vụ Trưởng trại được giao cho hai biên tập viên phòng VHVN là Đại úy Đức Hà và Thựợng tá Trần Đức Tĩnh thay nhau gánh vác hai giai đoạn.

Nếu đại úy Đức Hà, vốn tốt nghiệp Tổng hợp Văn và nhiều thời gian giảng dạy tại Học viện sỹ quan Chính trị, thì Thượng tá Trần Đức Tĩnh là lính cựu, từng tốt nghiệp Học viện lục quân, và tham gia công tác sáng tác và biên tập văn học của NXB Quân đội nhiều thời gian qua. Nhìn chung các anh đều trình độ cao, thẩm văn tinh tế, và cư xử với các bác, các anh chị văn chương ngọt ngào và tâm lý.

Dù bận công việc tai Hà Nội, nhưng Ban giam đốc NXB bao gồm Giám đốc Phạm Xuân Trường, các phó Giam đốc Nguyễn Văn Sáu, Lê Xuân Thành, các trưởng  phòng như Xuân Hùng… đều quan tâm theo dõi rất sát sao Trại viết, quan tâm sức sáng tạo cũng như sức khỏe của mỗi trại viên Trại sáng tác. Đây chính là nguồn sức mạnh cho mỗi lần trại sáng tác của NXB QĐ là mỗi mùa bội thu tác phẩm về  đề tài “Lực lượng vũ trang – Chiến tranh cách mạng” của nước nhà...

2-

Cũng đã 5, 7 năm, lần ấy Trại sáng về đề tài “Lực lượng vũ trang – Chiến tranh cách mạng” được tổ chức tại Đà Lạt, có thêm thời gian chuyên sâu 3 tháng cho các nhà văn viết tiểu thuyết dài hơi. Ba “lão tướng” đăng ký tham gia: Hà Phạm Phú, Hà Đình Cẩn, Chu Lai. Ngoài 70 tuổi rồi, các ông lại chơi trội bằng việc tự lái ô tô “xuyên Việt” đến với Trại. Thấy ba bác này, ba tài hoa, ba cá tính... đi cùng nhau, nhiều người e có lẽ chỉ đến Nam Định là tan đàn xẻ nghé, anh đi đường anh tôi đường tôi mà thôi. Nhưng may thay cho mãi đến Đông Hà, nhà văn Hà Đình Cẩn mới có đôi chút dỗi hờn với nhà văn Chu Lai, định khoác ba lô ra tàu “chào các anh em ngược”... Nhưng chẳng hiểu Hà Phạm Phú khuyên can thế nào, khi bình minh vừa ló rạng, đã thấy Hà Đình Cẩn và Chu Lai ngồi gật gù cà phê hết mực tri âm tri kỷ. Rồi cả ba lại lên xe, Chu Lai lại ung dung tay lái: “Nhìn đất nhìn trời nhìn thẳng” vào Đà lạt xa xôi.

Chính từ trại viết này, Chu Lai đã hoàn thành tiểu thuyết “Mưa đỏ” được rất nhiều giải thưởng văn học (Mới đây nhất Nhà hát chèo Hải Phòng mới dựng thành tiết mục biểu diễn, được khán giả chèo đất Cảng vỗ tay nhiệt liệt)

Những chuyện bên lề ở một trại viết văn học - 2

Nhà văn Hà Đình Cẩn (trái) và nhà văn Chu Lai trên đường xuyên Việt.

3-

Đến đợt Trại này, bộ ba “xe pháo mã” này thiếu đi ông “Mưa đỏ” ở Hà Nội, còn hai lão tướng Hà Phạm Phú, Hà Đình Cẩn lai ba lô lên đường vào Đà Nẵng dự trại.

Cũng kể từ ngày trại viết chuyên sâu, thì nay nhà văn Hà Phạm Phú mới “tái xuất giang hồ”. Hóa ra những năm qua, ông về quê nhà Hạ Đan Phú thọ “Trồng cây gây rừng”. Ngay trong mảnh vườn trong Từ đường họ Hà của ông, ông đã tự tay trồng được 1.800 cây quế nay đã vươn cao, thơm lừng cả một miền đất. Cũng là ân tình và tài hoa với một bàn tay chỉ quen cầm bút văn chương!

Trong khi đó thì nhà văn Hà Đình Cẩn 4 năm qua không vắng mặt một trại viết nào. Ông tắm biển, ông vẫy vùng văn chương, ông thiền và nghĩ ngợi,và cứ mỗi năm là một tiểu thuyết mới, chuẩn đến mức biên tập viên Xuân Hùng cứ việc mang in chứ chẳng cần chỉnh sửa gì!

...Cứ chiều chiều ở Trại viết, từng đôi lững thững đi dạo cho “ngót cơm” và tâm tình. Hà Đình Cẩn nói cười và dạo cùng Hà Phạm Phú. An Bình Minh thầm thì cùng Nguyễn Minh Ngọc. Hai nhà văn nữ Biên Linh và Linh Tâm sánh bước bên nhau. Lại Trần Khánh Toàn và Nguyễn Trọng Tân, Trương Chí Hùng và Nguyễn Thanh Hải… Xem ra đều tâm đắc và tri âm tri kỷ vô cùng...

4-

Hoàng Dự cũng là một thú vị của văn chương. Kể từ tiểu thuyết “Đường đời”, gần 20 năm nay cây bút tài hoa mải mê với báo chí này mới trở lại với văn chương. Điều lạ là ông viết bằng láp tốp,  chỉ mổ cò một ngón, mà chữ nghĩa cứ rào rào tuôn chảy. Một phát đã hơn 500 trang. Trong khi nhiều nhà văn gắng viết cho đủ 300 trang in cho một tiểu thuyết, thì Hoàng Dự đêm đêm lại phải dụng công... cắt bớt chữ nghĩa bản thảo, để từ 550 trang còn lại 400 trang vừa sức bạn đọc.

Những chuyện bên lề ở một trại viết văn học - 3

Nhà văn Hoàng Dự (thứ hai từ trái qua) và các tác giả tham gia trại viết.

Châu La Việt thì rất mức độ. Anh đến Trại viết, luôn lắng nghe tâm sự của anh em đồng nghiệp tham gia trại viết sẽ viết những gì, và anh tự hiểu mình sẽ phải viết điều gì cho Trại viết thêm phong phú về đề tài. Ví như Trại năm này tổ chức trên đất mảnh đất Quảng Nam, Đà Nẵng, anh hiểu rằng phải có một tiểu thuyết của Trại viết về mảnh đất này, mảnh đất ngợi ca bao nhiêu cũng không đủ trong cuộc kháng chiến vừa qua. Và bởi thế bản thảo “Một tình yêu xứ Quảng” của Châu La Việt  ra đời. Bút lực không được dồi dào như Hoàng Dự (hai người ở cùng phòng), nhưng Châu La Việt cho hay cũng quyết tâm tiểu thuyết này sẽ không dưới 300 trang, đủ mọi “hỉ nộ ái ố” để chạm đến trái tim bạn đọc...

Triệu Phong

Tin liên quan

Tin mới nhất