Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam trong kỷ nguyên số

Sáng 23/8, Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Netflix tổ chức Hội thảo “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam trong kỷ nguyên số”. Hội thảo nhằm trao đổi về những cơ hội và thách thức của ngành nhằm tìm ra giải pháp để đón đầu ưu việt làn sóng Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Sự kiện có sự tham dự của đại diện các cơ quan quản lý của các bộ ban ngành như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông…, các thành phố mong muốn tham gia Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN); các chuyên gia trong nước và quốc tế và đông đảo nghệ sỹ, người hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo tại Việt Nam.

Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam trong kỷ nguyên số - 1

Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Huyền Thương)

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư dựa trên nền tảng phát triển công nghệ thông tin, kỹ thuật số, internet, kết nối toàn cầu trên nhiều lĩnh vực và con người đã và đang có những tác động mạnh mẽ đến văn hóa nói chung và các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo nói riêng. Được đánh giá là khu vực có nhiều tiềm năng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam trong thời gian tới, các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam bộc lộ nhiều lợi thế và đứng trước cơ hội vươn lên trở thành một trong những khu vực có khả năng thích ứng cao với những đổi mới như vũ bão của kỷ nguyên số, đóng góp cho sự tăng trưởng về kinh tế và ổn định xã hội của Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Nguyễn Phương Hòa - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế cho biết, sự đột phá của công nghệ số mang lại nhiều cơ hội cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo, đảm bảo sự tiếp cận cho tất cả mọi người. Mặt khác, việc chuyển đổi số, sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo cũng đặt ra nhiều thách thức như vấn đề bản quyền tác giả, mất an toàn, an ninh mạng, tác động trực tiếp đền quyền và sinh kế của những người thực hành văn hóa, nhà sáng tạo.

“Thông qua Hội thảo này, chúng tôi mong muốn tạo cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia nghiên cứu, người thực hành văn hóa, nghệ thuật… trao đổi về bối cảnh trong nước, quốc tế để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo trong môi trường số, phân tích các cơ hội, thách thức Việt Nam sẽ phải đối mặt, lắng nghe chia sẻ kinh nghiệm của một số quốc gia trong khu vực về xây dựng chính sách phát triển công nghiệp văn hóa, sáng tạo đáp ứng nhu cầu người làm sáng tạo và xu thế số hóa hiện nay”, TS Nguyễn Phương Hòa nhấn mạnh.

Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam trong kỷ nguyên số - 2

TS Nguyễn Phương Hòa - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế phát biểu khai mạc hội thảo.

Bà Nguyệt Nguyễn Phillips, Giám đốc Chính sách công khu vực Đông Nam Á của Netflix chia sẻ: “Là một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giải trí trực tuyến hàng đầu thế giới, Netflix hy vọng sẽ đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế sáng tạo Việt Nam bằng cách lan tỏa những câu chuyện của Việt Nam đến với khán giả toàn cầu trên dịch vụ của chúng tôi. Chúng tôi tin rằng Hội thảo này là một diễn đàn quan trọng để khu vực công và tư nhân cùng nhau trao đổi ý kiến và hoàn thiện các chính sách nhằm thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của ngành công nghiệp sáng tạo tại Việt Nam”.

Chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo Việt Nam trong môi trường số

Một trong những điểm nhấn của Hội thảo là việc công bố kết quả nghiên cứu về thực trạng phát triển chính sách các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo trong môi trường số tại Việt Nam. Nhóm tác giả gồm các chuyên gia của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp góc nhìn khá toàn diện và chi tiết gồm hệ thống chính sách vĩ mô, các chính sách thúc đẩy phát triển hạ tầng số, các chính sách về văn hóa và các ngành công nghiệp văn hóa nói chung và các chính sách riêng cho từng ngành công nghiệp văn hóa nói riêng.

Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam trong kỷ nguyên số - 3

Công bố kết quả nghiên cứu về thực trạng phát triển chính sách các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo trong môi trường số tại Việt Nam.

Từ năm 2015, trong bối cảnh nhiều quốc gia đang tích cực theo đuổi các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu (Sustainable Development Goals) thông qua việc thúc đẩy sự phát triển và ứng dụng các công nghệ số, các công nghệ mới của cách mạng công nghiệp lần thứ tư như là chất xúc tác trên cả ba trụ cột phát triển bền vững là xã hội, môi trường và kinh tế, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã có những định hướng, chính sách và văn bản chỉ đạo nhằm tăng cường, thúc đẩy sự khai thác và ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số ở nước ta trên nhiều lĩnh vực ngành nghề nhằm thúc đẩy sự chuyển động một cách chủ động, nhanh và hiệu quả của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong việc thay đổi mô hình, tối ưu hoá hiệu suất và hiệu quả hoạt động và kinh doanh.

Tính cho tới thời điểm này, đã có những chủ trương, chính sách quan trọng thể hiện quyết tâm chính trị và tầm nhìn dài hạn của lãnh đạo cấp cao trong việc thúc đẩy toàn bộ xã hội chủ động nắm bắt thời cơ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Quốc hội, Chính phủ ban hành, sửa đổi nhiều văn bản quy phạm pháp luật và xây dựng các quy hoạch, chiến lược cấp quốc gia, để kịp thời thích ứng với các yêu cầu trong môi trường số, tăng cường công tác quản lý nhà nước, tạo môi trường cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng bình đẳng giữa doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong nước và doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam.

Bộ Thông tin và Truyền thông đang tập trung thúc đẩy phát triển hạ tầng số, bao gồm hạ tầng viễn thông băng rộng, hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, hạ tầng công nghệ số như AI, Blockchain, Big Data và thương mại hóa 5G. Đây là tiền đề quan trọng để đưa các hoạt động từ môi trường thực lên môi trường số được thực hiện đảm bảo 23 an toàn, chất lượng và bền vững. Tới năm 2022, tỷ lệ phủ sóng 4G đạt 99,70% dân số tại Việt Nam.

Năm 2022, số doanh nghiệp công nghệ số tăng nhiều với số lượng doanh nghiệp đăng ký hoạt động năm 2022 ước đạt 75.000 doanh nghiệp, tăng 9,6% so với năm 2021, có những tập đoàn công nghệ lớn, thuộc cả khối doanh nghiệp nhà nước lẫn tư nhân, hàng đầu trong khu vực và các doanh nghiệp công nghệ vừa và nhỏ sáng tạo.

Nhờ các chiến dịch truyền thông rộng rãi về chuyển đổi số quốc gia từ Trung ương đến địa phương, nhận thức của người dân về chính quyền số, xã hội số, chuyển đổi số được nâng cao nên có thể nhanh chóng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ và ứng dụng công nghệ số. Đây cũng được xem là lợi thế để thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo tại Việt Nam.

Bề dày lịch sử với nguồn lực văn hoá phong phú, đa dạng về các giá trị văn hoá, di sản văn hoá là điều kiện thuận lợi cho phép các lực lượng sáng tạo, đặc biệt là lực lượng sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo trẻ ở Việt Nam khai thác và biến nguồn tài nguyên đó thành các sản phẩm và dịch vụ văn hoá sáng tạo có giá trị cao về cả kinh tế lẫn tinh thần, hình thành một lợi thế cạnh tranh lớn cho các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam trong thị trường xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ sáng tạo toàn cầu.

Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam trong kỷ nguyên số - 4

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, trên thực tế, ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam hiện nay vẫn còn tồn tại hạn chế về mặt cơ chế và chính sách để có thể phát triển trở thành ngành công nghiệp văn hoá số.

Cơ chế quản lý nhà nước nặng về bao cấp, chưa khai thác được sự tham gia của cộng đồng người dân, doanh nghiệp trong các hoạt động. Còn thiếu sự hợp tác giữa khu vực công và các doanh nghiệp văn hóa tư nhân. Cơ chế phối hợp đồng bộ trong phát triển văn hóa chưa hiệu quả. Nguyên nhân là do năng lực xây dựng thể chế, quản lý, điều hành, tổ chức thực thi pháp luật, năng lực dự báo, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn yếu…

Vai trò nền tảng thúc đẩy năng lực đổi mới và sáng tạo của toàn bộ các nhân tố trong xã hội của văn hoá vẫn chưa được nhìn nhận một cách sâu sắc thể hiện qua sự thiếu vắng của những chương trình nghiên cứu và phát triển quy mô quốc gia ứng dụng thành tựu của các công nghệ số và công nghệ mới của cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật và sáng tạo.

Mặc dù, Việt Nam có nguồn nhân lực đông và dồi dào, tuy nhiên, chúng ta thiếu hụt nguồn nhân lực số có tay nghề cao. Mặt khác, chất lượng nguồn nhân lực quản lý trong lĩnh vực văn hóa còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển và chuyển đổi số, nhất là ở cấp xã, phường, thị trấn do công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng chưa được quan tâm đúng mức.

Cơ hội của các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam

Theo báo cáo “Chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo Việt Nam trong môi trường số”, một trong những cơ hội lớn của các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam là xu hướng tiêu dùng sáng tạo trên các nền tảng trực tuyến ngày càng chiếm lĩnh nền kinh tế sáng tạo toàn cầu như hiện nay. Xu hướng tiêu dùng số này đưa tới cơ hội của sự sự chuyển dịch của dòng chảy sản phẩm và dịch vụ văn hoá sáng tạo và khiến cho thương mại ngành công nghiệp văn hoá trên nền tảng số ngày càng tăng trưởng mạnh và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số của một số quốc gia cũng như toàn cầu.

Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam trong kỷ nguyên số - 5

Xu hướng tiêu dùng sáng tạo trên các nền tảng trực tuyến ngày càng chiếm lĩnh nền kinh tế. (Ảnh minh họa)

Cơ hội thứ hai là sự lớn mạnh của thị trường tiêu dùng các sản phẩm văn hoá trên nền tảng số. Việt Nam là thị trường lớn, nhiều tiềm năng cho các mô hình kinh doanh mới, dân số đông với khoảng gần 100 triệu dân, có số người dùng Internet băng thông rộng lớn, tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 80% và đang tăng nhanh sẽ tạo nên những thị trường hấp dẫn cho các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Nhóm dân số có độ tuổi từ 15-64 hiện chiếm 69% tổng số dân. Đối với việc phát 28 triển thị trường văn hóa, cơ cấu “dân số vàng” là một thời cơ, bởi đây là nhóm dân cư có nhu cầu lớn về hưởng thụ các dịch vụ, sản phẩm văn hóa, đồng thời là nguồn nhân lực dồi dào để phát triển thị trường văn hóa.

Hội thảo “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam trong kỷ nguyên số” nằm trong chuỗi các hoạt động hợp tác nhằm triển khai Bản ghi nhớ hợp tác văn hóa, kinh tế sáng tạo, thể thao và du lịch giữa Bộ và Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) mà Netflix là thành viên.

Hội thảo cũng là cơ sở để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thêm thông tin, dữ liệu xây dựng Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đồng thời khởi động xây dựng lộ trình của Việt Nam thực hiện Công ước 2005 của UNESCO về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa trong môi trường số.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Người Trung Quốc ùn ùn về quê ăn Tết

Người Trung Quốc ùn ùn về quê ăn Tết

Trong bối cảnh Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang đến gần, người Trung Quốc chen chúc trên ô tô, tàu hỏa và máy bay để về quê ăn Tết, chính thức khởi động mùa Xuân Vận - cuộc di cư thường niên lớn nhất thế giới của loài người.

Honda City và các đối thủ: Thiết kế nào vừa lòng người Việt nhất?

Honda City và các đối thủ: Thiết kế nào vừa lòng người Việt nhất?

Phân khúc sedan hạng B tại Việt Nam luôn nóng bỏng với những cái tên như Honda City, Toyota Vios, Hyundai Accent, Mazda2 và Kia Soluto. Mỗi mẫu xe mang phong cách thiết kế riêng, từ sự sắc sảo, thể thao của City đến vẻ bền bỉ của Vios hay thời thượng của Accent. Vậy đâu là thiết kế chinh phục người Việt nhất?