Kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc: Seoul, Thủ đô xinh đẹp trên đôi bờ sông Hàn
Tôi đến Seoul vào một ngày nắng xuân, khi khắp phố phường, công viên... hoa anh đào nở rộ. Được hít thở không khí trong lành từ “sông Hàn huyền thoại” thổi về làm tan biến cơn mệt mỏi sau một chặng đường dài bay. Ra đón tôi là anh bạn nhà báo công tác lâu năm ở xứ sở Kim Chi, giới thiệu với tôi về thủ đô Seoul.
Seoul, thủ đô của Đại Hàn Dân Quốc, nằm trên đôi bờ sông Hàn, cách biển Đông chừng 60 km. Đây là vùng đất vốn có từ thế kỷ IX, với tên gọi Gyeon Seong. Ba phía Đông - Tây - Nam Hàn Quốc đều giáp biển Hoàng Hải. Hàn Quốc là một bán đảo, có địa hình phong phú với 70% diện tích là đồi núi.
Seoul là kinh đô của triều đại Choson do nhà tiên tri, tu sỹ Muhak (có nghĩa không biết gì) thành lập vào năm 1394. Đến nay đã trên 600 năm tuổi, với diện tích 605 km2. Thủ đô Seoul nếu bao gồm cả thành phố cảng lớn Incheon (Nhân Xuyên) có 23 triệu dân sinh sống, là vùng đô thị lớn thứ 2 sau Tokyo Nhật Bản. Hầu như nửa dân số Hàn Quốc sống ở vùng đô thị Seoul. Vì vậy, Seoul đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, văn hoá, chính trị của Hàn Quốc và được mệnh danh là “kỳ tích sông Hàn”.
Thủ đô Seoul hội tụ đủ các yếu tố của một đô thị hiện đại mang tầm cỡ thế giới, nhưng vẫn không đánh mất vẻ đẹp truyền thống vốn có của mình. Seoul nằm trong một thung lũng hình chiếc bát, bao quanh bởi những đồi thông xanh mát rất ngoạn mục, là một trong những thành phố có cảnh quan tự nhiên đẹp nhất châu Á. Về phía Bắc Seoul là ngọn núi Bukhan, phía Nam là núi Nam San (Nam Sơn). Đi sâu về phía Nam là vùng ngoại ô khu Yongsan (Long Sơn), khu Mapo và khu Gangnam là trung tâm thương mại thế giới của Hàn Quốc và là trung tâm giải trí, mua sắm COEX Mall.
Toàn cảnh Thủ đô Seoul. Ảnh Trần Tuấn
Con sông Hàn xinh đẹp chia trung tâm Seoul thành hai khu vực: Phía Nam thành phố nổi tiếng với những khu nhà xa hoa lộng lẫy và là trung tâm mua sắm sầm uất. trong khi phía Bắc thành phố lưu giữ văn hoá và ký ức lịch sử Seoul, nơi diễn ra các sự kiện quốc tế quan trọng. Điều đặc biệt, trong khi hầu hết các thành phố lớn trên thế giới đều toạ lạc ở vùng đồng bằng, ngược lại Seoul lại toạ lạc tại khu vực bốn bề bao quanh đồi núi.
Từ xa xưa đến năm 1884, Seoul là một thành phố đóng cửa với thế giới bên ngoài. Dọc theo biên giới trên đất liền, người ta dựng lên một bức tường ngăn cách. Hễ có một con thuyền nào lai vãng đâu đó sẽ bị tịch thu. Những ai nói chuyện giao dịch với người nước ngoài sẽ bị phạt nặng.
Nhưng kỳ diệu thay, chỉ trong vòng 40 năm gần đây, Hàn Quốc đã phát triển một cách phi thường. Dân số Hàn Quốc hiện là 43,7 triệu người, cứ 4 người dân thì có một người sống ở Seoul. Chỉ tính riêng dân số thủ đô Seoul hiện nay là 10.231.220 người. Seoul là một trong 10 thành phố có số dân lớn nhất châu Á.
Seoul còn là một trong những siêu thị hiện đại. Đây là một hiện tượng hết sức riêng biệt của Seoul, khiến các nhà hoạch định chính sách của Đại Hàn Dân Quốc hết sức lo ngại, nên họ đang có kế hoạch ngăn chặn làn sóng người nông thôn tiếp tục di cư ra thủ đô làm ăn sinh sống. Nếu không ngăn chặn được thì việc bùng nổ dân số đối với Seoul là điều không thể tránh khỏi.
Và cũng thật đáng ngạc nhiên, trong những năm 1950, Seoul đã phải trải qua một cuộc chiến tàn khốc giữa hai miền Nam - Bắc Triều Tiên, Seoul cũng bị tàn phá rất nặng nề, ấy thế mà chỉ trong một thời gian ngắn, Seoul không chỉ hàn gắn vết thương chiến tranh mà còn phát triển hiện đại nhanh chóng và trở thành nơi đăng cai Thế vận hội mùa hè 1988, đạt kết quả rực rỡ.
Hoa anh đào nở rộ ở Seoul. Ảnh Trần Tuấn
Tổng sản lượng quốc dân (GDP) của Hàn Quốc năm 2020 là 1.581 tỷ USD và tính thu nhập theo đầu người đạt 31.000 USD. Nhưng trước đó 30 năm, năm 1990, tổng sản lượng quốc dân chỉ mới 294,5 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người mới có 6.749 USD. Sự tăng trưởng đó có sự đóng góp không nhỏ của thủ đô Seoul và mang tính quyết định. Bởi Seoul không chỉ là trung tâm chính trị, ngoại giao mà còn là trung tâm kinh tế quan trọng lớn nhất của Hàn Quốc.
Hầu như tất cả các khu công nghiệp lớn, then chốt quyết định mức tăng trưởng kinh tế đều tập trung ở Seoul. Seoul còn là đầu mối giao thông huyết mạch. Tại đây có hệ thống đường tàu điện ngầm hiện đại, có khả năng vận chuyển 3,7 triệu người/ngày. Nhiều tuyến đường cao tốc xuất phát từ Seoul đi tới mọi miền đất nước và có thể đi về trong ngày. Hệ thống đường sắt, đường hàng không hiện đại phát triển nhanh chóng. Các dịch vụ thông tin liên lạc của Seoul phát triển nhanh như vũ bão. Hầu hết các gia đình ở Seoul đều sử dụng điện thọai thông minh và máy thu hình màu.
Seoul là thành phố giàu phong cách, trào lưu kiến trúc hiện đại kết hợp với kiến trúc truyền thống một cách hài hòa, càng làm tăng vẻ đẹp cho thủ đô. Đặc biệt vùng ngoại thành tồn tại nhiều làng xã vẫn còn giữ được các kiến trúc truyền thống dân tộc.
Seoul là một trung tâm văn hóa lớn của Hàn Quốc. Tại đây người ta đã dựng lên một nhà hát hiện đại với trên 4.000 chỗ ngồi. Nhưng vĩ đại nhất vẫn là trung tâm nghệ thuật tọa lạc trên sườn núi Umyon nằm về phía Nam Seoul. Đây là một quần thể nghệ thuật tổng hợp đa ngành, được xây dựng trong khoảng 10 năm và khánh thành vào tháng 2 năm 1993, trong đó đặc biệt đáng chú ý là nhà hát opera trên 2.000 chỗ ngồi, nhà hát kịch nói ngót nghét 1.000 chỗ ngồi và nhà hát thử nghiệm khoảng 300 chỗ.
Đến Seoul bạn không thể quên đi thăm các bảo tàng nghệ thuật, nơi sẽ giúp bạn hiểu thêm những nét độc đáo về con người của “xứ sở Kim Chi”. Đó là Bảo tàng Nghệ thuật Leeum Samsung, không chỉ là nơi trưng bày nghệ thuật truyền thống của Hàn Quốc mà còn giới thiệu các tác phẩm đương đại của những nghệ sỹ trong nước và quốc tế. Mỗi toà nhà độc đáo của bảo tàng mang đặc trưng kiến trúc khác nhau được đặt trong khung cảnh nhẹ nhàng cuốn hút của một khu vườn điêu khắc đá nghệ thuật.
Điểm nổi bật và quan trọng nhất là Seoul có 80 trường đại học, trong đó có 4 trường đại học tổng hợp. Seoul cũng là một trong những điểm du lịch hấp dẫn của du khách. Nơi đây ngoài những tòa cao ốc hiện đại, còn có những cung điện vua chúa, những đền đài, lăng tẩm cổ kính.
Đó là cung Cảnh Phúc (cung điện Hoàng gia Gyeongbokgung), là nơi bạn có thể “quay ngược thời gian” tìm về với Hàn Quốc xưa. Cung Cảnh Phúc mang đậm dấu ấn bản sắc văn hoá truyền thống của một quốc gia qua các công trình kiến trúc lâu đời, cổ kính, tráng lệ.
Bên cạnh cung Cảnh Phúc còn có Xương Đức cung (Changdeokgung) là một trong 5 cung điện cổ kính huy hoàng nhất của Hàn Quốc. Nó không chỉ đẹp về kiến trúc mà còn là một nơi ngắm nhìn thú vị với Hậu Hoa viên được xây dựng dưới vương triều Taejong. Là nơi thăm thú, nghỉ dưỡng của các thành viên Hoàng tộc. Xương Đức Cung còn được gọi “khu vườn bí mật”, nơi dân chúng trước đây không bao giờ được đặt chân đến.
Nếu bạn chán cảnh nhà cao cửa rộng, xin mời bạn đến tham quan ngôi làng cổ cách trung tâm Seoul không xa đó là làng Bukchon, một điển hình của văn hoá truyền thống Hàn Quốc với những ngôi nhà được xây dựng từ những năm 1392. Đặc điểm chung nhà ở tại đây được thiết kế mang đậm bản sắc hàn quốc với lối trang trí đơn giản, mộc mạc là những yếu tố tạo nên sự gần gũi, hài hoà với thiên nhiên, vạn vật.
Seoul trước đây là kinh đô của các hoàng đế Đại Hàn, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn đã phát triển nhanh chóng đến chóng mặt và đã trở thành một trong 4 con rồng châu Á.

Khoảng chừng 10 giờ sáng, xe chúng tôi đã chạy tới vùng ngoại vi hai thành phố biển sinh đôi. Tới một quả đồi có tên...
Bình luận