Ma Thiên Lãnh

Đúng là duyên kỳ ngộ! Đang viết dở cuốn tiểu thuyết có phần nói về Gia Long bôn tẩu Nam Kỳ, chuyện kể rằng chỉ vì lời can ngăn không nên dựa vào Pháp để đánh lại Tây Sơn mà Nguyễn Ánh đã giam vợ là bà Phi Yến vào hầm tối ở Côn Đảo. Viết đến đây nghĩ bụng nếu ra được Côn Đảo viếng di tích bà Phi thì hay biết mấy! 40 năm tôi không có dịp quay lại đây kể từ lần đầu tình cờ được ghé thăm đúng 8 tiếng đồng hồ. Lần này may mắn hơn, có người cháu mời ra khai trương một cái khách sạn mi ni ở đây, dập gãy một ngày chuẩn bị laptop, máy ảnh, thế là lên đường.

Côn Đảo đã thay đổi hoàn toàn! Từ một phố huyện âm u ngập tràn âm khí, nay những con đường nhựa rộng đẹp ngang dọc như bàn cờ làm nền cho một đô thị du lịch đã hiện hữu ở khu trung tâm. Những con đường lớn xuyên dọc và bao quanh đảo đã hoàn thành từng đoạn để ngày ngày tiến dần vào vùng rừng núi hoang vu, chấm dứt thế chia cắt địa hình Bắc đảo với Nam đảo tồn tại từ thuở khai thiên lập địa. Ngày đầu tiên tôi dành trọn hai buổi sáng chiều tới viếng thăm các địa danh di tích đã đi vào lịch sử như Cầu tàu 914, Trại giam trung tâm Phú Hải, Sở Lò vôi, Trại giam Chuồng bò, Nghĩa trang Hàng Dương… để rồi buổi tối cùng mọi người vào thắp hương lễ mộ Cô Sáu.

Có ra đến Côn Đảo nghe dân địa phương kể lại mới biết, ngày nay anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu đã hiển thánh nên cô thiêng lắm, những ai đi lễ ra đây cứ lòng thành thì cầu gì được nấy. Dòng khách thập phương nườm nượp đông như trẩy hội. Một truyền mười, mười truyền trăm, ai cũng tâm niệm lễ mộ Cô Sáu mới là mục đích chính, là khóa lễ trọng yếu của chuyến đi. Đã thế lễ mộ Cô là phải đi vào ban đêm mới thật linh nghiệm. Ước lệ thế, mặc định thế từ số đông dần dà đã trở thành tập tục, theo thời gian đã hình thành một tuyến du lịch ra Côn Đảo được mọi người thành kính gọi là tuyến du lịch tâm linh.

Ma Thiên Lãnh - 1

Miếu thờ tù nhân bị chết ở Ma Thiên Lãnh.

Ngày hôm sau thực hiện ý định ban đầu, tôi thuê một cuốc xe ôm trọn gói để đi viếng đền Bà Phi Yến. Từ khách sạn khu phố trung tâm, chỉ mười lăm phút xe ôm dọc đại lộ xuyên đảo Nguyễn Văn Linh, đến một ngã ba, anh xe ôm đánh tay lái rẽ trái chừng dăm chục mét dừng lại trước một cổng tam quan có dòng chữ đắp nổi An Sơn Miếu. Đó, đền thờ bà Phi Yến đó, anh bảo.

Ông thủ từ tên Tư Trước cai quản miếu 18 năm nay dẫn chúng tôi vào gian chính điện thắp hương khấn vái đâu đấy rồi mời ra uống nước. Biết công việc của tôi, ông nhiệt tình kể lại đầu đuôi câu chuyện cũng như lịch sử ra đời ngôi miếu thờ bà Phi. Tôi tranh thủ ghi chép, chụp ảnh lấy tư liệu… kỹ lưỡng mất cả tiếng đồng hồ. Một tập tư liệu quý, và tôi tự nhủ, chuyến đi ngắn mà kết quả thì thật không ngờ!

Sau chuyến đi này tôi có dịp trao đổi lại với nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đắc Xuân ở Huế về sự việc lịch sử này thì ông cho biết, đây là một câu chuyện đang còn gây tranh cãi trong giới nghiên cứu, vì theo chính sử triều Nguyễn thì trong những tháng năm bị quân Tây Sơn truy sát phải trốn chạy khắp vùng đất Nam Kỳ và các đảo hoang ngoài biển, không khi nào có ghi chép Nguyễn Ánh cùng tàn quân chạy trốn ra Côn Đảo.

Thời gian còn quá sớm, tôi đề nghị chú tài xe ôm cứ cho tôi đi lòng vòng thăm thú phong cảnh. Chú bảo chắc độ năm hơn năm ngót nữa, khi con đường bao quanh đảo hoàn thành thì du lịch phượt kiểu nớ mới đủ sức mãn nhãn, chứ bây chừ cảnh đẹp chẳng được bao nhiêu!

Ma Thiên Lãnh - 2

Bia lịch sử cầu Ma Thiên Lãnh

Từ miếu Bà Phi, chúng tôi đi theo một con lộ nhỏ hai bên cỏ mọc xanh mướt, thoạt đầu còn là đường đất, đến một đoạn con lộ bỗng được mở rộng trở thành một con đường lớn thảm nhựa bằng phẳng. Con đường dài rộng cứ thế chạy ven một hồ nước lớn, đứng đầu này không trông thấy đầu kia, nhìn ngang hồ thấy bờ bên kia chỉ mờ mờ một dải. Nước hồ đầy ăm ắp trong vắt in bóng mây trời núi non rừng cây rõ mồn một không một gợn gió. Chú tài bảo con hồ này tên là hồ Quang Trung, quanh năm đầy ắp nước ngọt, là nguồn dự trữ nước sinh hoạt cho cả đảo này. Con đường bao quanh hồ trước đây là đường đất, ít người qua lại, nay mở rộng thành đường lớn, hai bên có vỉa hè cây xanh từ đó trở thành con đường chính nối từ khu trung tâm dân cư cũ sang khu dân cư mới mở, khởi đầu của con đường xuyên đảo mang tên Nguyễn Văn Linh.

Chúng tôi dừng lại ven đường. Êm ả quá và phong cảnh cũng đẹp đẽ quá. Không một bóng người, không một tiếng động nhỏ, thỉnh thoảng một vài cánh cò chớp trắng trên mặt hồ như muốn nhắc đây là phong cảnh thiên nhiên thật sự chứ không phải là một bức ảnh khổ lớn. Đến đây tôi muốn được chia sẻ với các bạn một điều nho nhỏ, nếu có dịp đi du lịch kiểu giang hồ vặt mà ngày nay các bạn trẻ vẫn bảo là đi phượt, theo tôi ta nên chọn kiểu du lịch xe ôm.

Các chú tài người địa phương trước hết đều rất thông thổ đường đi lối về, ngoài ra lại còn biết tường tận mọi điều về phong tục tập quán, lịch sử, địa dư bản địa… tất cả những điều thú vị đó nhận được từ chú tài ôm nhiều khi còn phong phú cuốn hút hơn cả từ những tua chuyên nghiệp. Đấy là chưa kể mỗi khi muốn chụp ảnh kỷ niệm nơi nào đó thì trong phút chốc chú tài của mình lại trở thành tay máy chuyên nghiệp biết tìm những góc máy đẹp nhất mà bấm máy. Thật là nhất cử lưỡng tiện! 

Đến một đoạn đường ven hồ, thấy có cái biển hướng dẫn giao thông dựng ngay trên vỉa hè đề ba chữ lớn Ma Thiên Lãnh với hình mũi tên hướng về bên trái. Đứng chân trên đất Côn Đảo lúc này, mấy con chữ địa danh kia như một nút bấm điện tử nhanh chóng đánh thức tiềm thức trong tôi, hồi ức bỗng chốc ào ào trở về. Đúng rồi, Ma Thiên Lãnh, Ma Thiên Lãnh, đó là một cái tên rùng rợn được nhắc đến nhiều lần trong cuốn tiểu thuyết lừng danh “Vượt Côn Đảo” của cố nhà văn Phùng Quán.

Hồi còn trẻ mỗi khi say sưa đọc cuốn tiểu thuyết này tôi cứ nghĩ Ma Thiên Lãnh cùng với nhiều cái tên khác đều là do tác giả hư cấu đặt ra, bởi vậy hôm nay khi thấy cái biển hướng dẫn giao thông giữa phố có cái tên rất khủng đó tôi không khỏi giật mình. Biển đề Ma Thiên Lãnh là sao vậy chú? Anh tài ôm bảo đó là hướng đi lên Ma Thiên Lãnh. Có xa không, ở đó có gì không? Lên đấy chừng 2 cây số, trên đó có cây cầu và miếu thờ các tù nhân ngày xưa bị Pháp và Nhật đánh chết khi xây cầu! Thế thì chú cho tôi lên đó luôn!

Từ đường ven hồ rẽ ngoặt vào một con đường ven núi, ngay chỗ cua tay áo đã thấy cái biển đề Đường Ma Thiên Lãnh, biển xanh chữ trắng giống như mọi cái biển tên phố quy định của ngành Giao thông Vận tải. Con đường dốc ngược lên phía trước, xe máy cài một số lùi ì ì lên dốc, được một đoạn lại lùi một số nữa, tiếng máy gầm vang mới đủ sức trườn lên phía trước dưới sức nặng tạ rưỡi của cả khách và chủ. Con đường trải nhựa rộng chừng chục mét, bên trái là bờ thành dựng đứng ngăn con suối xây ghép bởi những tảng đá lớn được đục đẽo vuông vức, bên phải là thành núi đá còn hằn rõ những vết đục đẽo nham nhở của bàn tay con người. Ngoái lại phía sau, ống xả con Future 125 phun ra từng luồng dài khói đen khét lẹt núi rừng. Khoảng hai cây số như thế con xe nấc lên từng hồi rồi dừng khựng lại. Anh tài ôm quệt mồ hôi trán bảo, Ma Thiên Lãnh đây rồi chú ơi!

Trước mặt tôi lúc này là một khoảng không gian mở rộng. Con suối đến đây cũng mở rộng ra và chạy vòng sang phải cắt ngang con đường. Phía bên kia suối là một dải đất khá bằng phẳng trải dài ôm lấy sườn dựng đứng của một ngọn núi cao. Anh tài ôm chỉ tay bảo đấy là ngọn Núi Chúa, đỉnh cao nhất của dãy núi Côn Sơn. Thị trấn Côn Đảo nơi chúng ta đang ở nằm ở phía Bắc đảo, bên kia Núi Chúa là vùng rừng nguyên sinh Nam đảo, hiện được quy hoạch là Vườn Quốc gia Côn Đảo. Chiếc cầu lớn chúng ta đang đứng đây Nhà nước mình cho xây dựng để du khách qua nớ có thể đi vào vườn Quốc gia. Con đường này không thể vượt qua Núi Chúa sang Nam đảo, muốn qua bên nớ phải theo con đường khác chạy vòng quanh đảo hiện Nhà nước đang cho xây dựng.

Cạnh cây cầu lớn này, chếch sang trái mấy chục mét chú thấy đấy chính là dấu vết còn lại của hai mố cầu mà người Pháp cho xây từ năm 1930 với ý định mở một con đường hầm  xuyên qua Núi Chúa sang Nam đảo, nhưng rồi sau khi Nhật đảo chính thay Pháp chiếm Côn Đảo năm 1941, họ tiếp tục cho xây cầu cho đến khi cách mạng tháng Tám 1945 nổ ra thì phải bỏ dở dang cho đến ngày nay. Anh tài chỉ vào khối đá xây bảo đây chính là hai mố của cây cầu mang tên Ma Thiên Lãnh. Cái tên nghe rất rùng rợn này, theo các người già trên đảo kể lại, là do các người tù khổ sai thời Pháp đặt ra.

Họ bị xiềng xích tay chân lên đây từng đoàn, công việc hàng ngày lao dịch phá núi xẻ đá xây cầu làm đường, tất cả mọi thứ từ công to cho chí việc nhỏ họ đều phải làm chỉ bằng sức lực chân tay. Khí hậu khắc nghiệt sơn lam chướng khí, ăn đói mặc rét, bị đánh đập tàn nhẫn, bị đá lăn đá đè nên tù nhân ở  đây bị chết rất nhiều. Trong khoảng 15 năm làm đường xây cầu này đã có tới 356 tù nhân bị chết ở đây. Tù nhân Côn Đảo sợ cái lãnh địa chết chóc ma quỷ và âm khí ngút trời này như một điều ám ảnh khủng khiếp nên nghĩ ra cái tên Ma Thiên Lãnh để nhắc nhở nhau và cũng là để khắc sâu mối thù muôn kiếp đối với bọn giặc cướp nước tàn bạo. 

Xúc động nghe câu chuyện kể từ anh tài ôm tôi mới đọc to lên hai câu thơ mà tôi vẫn nhớ:

Bọn Pháp Nhật muốn trước khi trải nhựa.

Lót một lần óc sọ của tù nhân!

Rồi giải thích thêm đó là một trong những câu thơ lưu truyền trong đoàn tù khổ sai làm đường và phá đá xây cầu Ma Thiên Lãnh mà nhà văn Phùng Quán đã kể lại trong tiểu thuyết “Vượt Côn Đảo” của mình.

Tôi ngồi trên phần mố cầu dang dở Ma Thiên Lãnh bên bờ suối, lặng nghe tiếng róc rách nước chảy từ thung sâu vọng lên, và trong cả tiếng gió ngàn vi vút cánh rừng xa, tưởng như vẫn còn vang vọng trong đó tiếng nấc nghẹn ngào uất hận của những người tù khổ sai mà lòng thấy nao nao trĩu nặng. Tôi ngước mắt nhìn lên tấm bia lớn ghi lại sự tích bi thương của cây cầu đá miên man suy nghĩ.

Nhiều, còn nhiều lắm những câu thơ, những hình ảnh và di vật được lưu giữ với một mật độ vô cùng dày đặc trên mảnh đất chật hẹp này. Tất cả hầu như còn là nguyên bản hồn cốt trên một thế kỷ đọa đày vong quốc của những bậc chí sĩ, tiên liệt biết bao thế hệ tiếp nối. Tất cả hòa với nhau gợi cho ta mường tượng ra phần nào lịch sử bi thương của đất nước, của dân tộc mình. Thương xót lắm thay!

Hai mố cầu đá dang dở đứng đó giờ đây chỉ còn là chứng nhân của một giai đoạn đau thương lịch sử. Bắc ngang con suối lớn, từ lâu Nhà nước đã cho xây một cây cầu khác. Vật liệu mới, công nghệ mới chỉ mất mấy tháng là xong. Kể từ đấy, cây cầu Ma Thiên Lãnh mới đã như là một cánh cửa rừng mở ra để đi vào một khu rừng nguyên sinh quý báu đa dạng sinh học mang tên Vườn Quốc gia Côn Đảo. Tôi bước qua cây cầu mang tên Ma Thiên Lãnh và đứng trước cửa rừng của Vườn Quốc gia Côn Đảo, rồi nhờ anh tài ôm bấm cho một kiểu ảnh để ghi lại cái thời khắc đáng nhớ này.

Ma Thiên Lãnh - 3

Cây cầu Ma Thiên Lãnh mới dẫn tới cửa rừng Côn Đảo.

Trước khi ra về anh tài dẫn tôi tới viếng ngôi miếu nhỏ ven sườn núi. Miếu chỉ nhỏ như một miếu cô hồn ven đường giao thông được những người có tấm lòng từ bi lập nên để thờ những oan hồn tai nạn dọc đường. Ngôi miếu Ma Thiên Lãnh này chỉ có một điều khác duy nhất là ở chỗ thành bệ đá có gắn một tấm bia đá nhỏ trên đó khắc mấy con số nguệch ngoạc :“ Ngày 11-6 năm Giáp Dần 29-7-74 ”. Anh tài ôm giải thích, đó là ngày dân địa phương ở đây góp công xây nên ngôi miếu này để thờ những tù nhân bị chết khi xây cầu làm đường ở đây. Hương lạnh khói tàn, rừng núi về chiều mới hoang vắng hiu hắt làm sao!

Trên đường trở về vẫn con đường độc đạo mang tên Ma Thiên Lãnh, anh tài bảo giờ thì khỏe re, leo dốc số nào đổ đèo số đó. Tiếng máy nổ đều đều và  nhẹ như tiếng thở hồi tĩnh sau một chặng đua tốc độ. Có một lúc anh nói với tôi, con đường và cây cầu Ma Thiên Lãnh này có lịch sử đau thương như vậy nhưng ít người biết tới lắm chú à. Một trăm người đi thăm đảo thì may ra có một vài người biết mà tìm tới đây thôi, người mà tới tìm hiểu ghi chép kiểu như chú cũng là hiếm lắm đó!

Nghe anh xe ôm nói vậy tôi thấy có chút chạnh lòng, bởi vậy sau chuyến đi tôi liền viết bài này, chỉ muốn kể với các bạn rằng có một địa danh như thế ở Côn Đảo, để nếu có điều kiện ra thăm xin bạn dành chút thời gian ghé qua thắp một nén hương cho những linh hồn bất hạnh còn đang phiêu dạt tận nơi góc bể chân trời. 

Nguyễn Đắc Như

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và Opera Vầng trăng Him Lam

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và Opera Vầng trăng Him Lam

Sau 8 năm kể từ ngày công diễn vở opera Lá đỏ, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân trở lại ấn tượng với opera Vầng trăng Him Lam, tác phẩm tham gia cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật “Sống mãi với thời gian” giai đoạn 2022 – 2025.