Moskva
Moskva là một trong những thành phố lớn nhất thế giới với vẻ đẹp vừa cổ kính trang trọng, vừa năng động hiện đại. Đây là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế, ngoại giao… của nước Nga.
Moskva (tiếng Anh Moscow) trước đây là thủ đô Liên Xô (Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết), ngày nay là thủ đô Liên bang Nga. Sự ra đời của Moskva gắn liền với tên tuổi Quốc công Iuri Dolgoruki, con trai của Quốc công Vladimir Monomakh, vị quốc công đầu tiên của Công quốc Suzdal.
Dưới thời trị vì của mình, Quốc công Dolgoruki đã đánh chiếm được nhiều vùng đất đai trên sông Volga vào thế kỷ X - XIV.
Từ thế kỷ XII, đã có một nhà quý tộc giàu có Stephan Ivanovic Kuska sinh sống tại làng Kuskovo nằm trên bờ sông Moskva, nhưng không chịu thần phục Dolgoruki, Stephan đã bị xử tử. Đến năm 1147, làng Kuskovo theo lệnh của Dolgoruki đổi thành Moskva. Cùng năm đó, Dolgoruki mời Quốc công Sviatoslav bạn liên minh của mình khoản đãi trọng thể các vị khách quý và biếu họ nhiều tặng vật quý. Cũng từ đó, Moskva không ngừng được phát triển và trở thành một trung tâm của nước Nga. Vì vậy, năm 1147, được coi là năm thành lập Moskva nhưng mãi hơn 800 năm sau, năm 1954, dưới chính quyền Xô Viết, tượng đài Iuri Dolgoruki mới được dựng lên. Đó là tượng đài người kỵ sĩ đang cưỡi con tuấn mã lồng lên với vẻ oai phong của người kỵ sĩ Nga. Tượng đài Dolgoruki được đặt trên bệ bằng đá hoa cương khá cao.
Điện Kremlin
Moskva ngày nay là thủ đô Liên bang Nga, là trung tâm chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, khoa học... của nước Nga, đồng thời cũng là một trong những trung tâm quan trọng bậc nhất của thế giới hiện đại. Moskva một thành phố vào loại đông dân nhất thế giới với dân số hiện nay khoảng hơn 13 triệu người.
Moskva nằm ở trung tâm phần đất châu Âu của nước Nga trong lưu vực giữa sông Oka và sông Volga. Moskva tọa lạc bên bờ sông Moskva.
Từ nửa sau thế kỷ XV, Moskva là thủ đô của nhà nước Nga thống nhất. Năm 1712, Pyotr Đại đế dời đô về Saint Petersburg, Moskva được xem là thủ đô thứ hai của đế chế Nga. Trong những năm kháng chiến chống quân xâm lược từ tháng 9 - 10/1818, Moskva lọt vao tay Napoléon I, Moskva bị tàn phá nặng nề.
Trong Đại chiến thế giới thứ II, các quân đoàn của phát xít Hitler ồ ạt định tấn công vào thủ đô Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết, nhưng chúng đã bị Hồng quân Liên Xô chặn đứng và tiêu diệt ngay trên phòng tuyến thành phố. Moskva được bảo vệ an toàn.
Trong những năm 1880, là nơi những nhóm Mác xít xuất hiện đầu tiên. Đầu thế kỷ XX, Moskva trở thành một trong những trung tâm lớn nhất của chủ nghĩa tư bản độc quyền Nga. Tháng Chạp năm 1905, nổ ra cuộc khởi nghĩa vũ trang ở Moskva là đỉnh cao nhất của cuộc Cách mạng Nga lần thứ nhất. Đến ngày 15/11/1917, một tuần sau khi Cách mạng tháng Mười Nga thắng lợi ở Petrograd, Chính quyền Xô Viết được thành lập ở Moskva.
Ga tàu điện ngầm Moskva.
Từ ngày 12/3/1918, Moskva là thủ đô của Cộng hòa Liên bang Nga. Từ ngày 30/12/1922 - 8/1991 là thủ đô của Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết (Liên Xô), sau đó là thủ đô của Liên bang Nga cho đến ngày nay.
Moskva có nhiều khu phố cổ, được thiết kế theo vòng tròn xuyên tâm. Trung tâm nội đô các khu phố cổ là quần thể kiến trúc Kremlin, cạnh đó là Quảng trường Đỏ lịch sử. Quảng trường là một khoảng không gian lát đá tảng, nó đã để lại trong lòng người dân Nga bao ấn tượng huy hoàng và sâu lắng. Nhân dân Liên Xô nói chung và người dân Nga vẫn chưa quên những cuộc diễu binh ngày 1/5, ngày Chiến thắng phát xít 30/4 hàng năm ở Quảng trường Đỏ. Theo các nhà sử học thì quảng trường này là một bộ phận quan hệ khăng khít với quần thể kiến trúc Kremlin. Trên Quảng trường Đỏ, ngay những ngày đầu đã chứng kiến một sự kiện lịch sử đau lòng, đó là cuộc hành quyết man rợ người thủ lĩnh cuộc chính biến của những người nông dân Nga nghèo khổ chống bọn Tartar ở vùng Crưm thế kỷ XVII và chống bọn xâm lược Phổ (1670 – 1671) là Stefan Racin vào ngày 6/6/1671.
Xung quanh Quảng trường Đỏ là quần thể kiến trúc Kremlin, một khu phố có nhiều lâu đài, cung điện, nhà thờ và kho vũ khí. Những tòa lâu đài, cung điện, nhà thờ ở đây phần lớn đều có mái vòm hình củ hành.
Kremlin được xây dựng vào năm 1147 và bức tường nguyên thủy của nó được hoàn thành vào năm 1157. Quần thể kiến trúc Kremlin lúc đầu chỉ có nhà thờ Đức Mẹ về trời (Cathedral of the Assumption). Nhiều thế kỷ trôi qua, các triều đại nối tiếp thay thế nhau đã để lại cho hậu thế nhiều công trình tráng lệ. Đó là cung điện Terem, một trong ba cung điện lớn được xây dựng sớm nhất và cũng là cung điện cổ nhất của quần thể kiến trúc Kremlin, nơi ở của Nga Hoàng cho đến khi rời thủ đô về St. Petersburg năm 1712. Cung điện thứ hai gọi là cung điện Nhiều Mặt, do Ivan III (Ivan Đại đế) xây dựng làm nơi tổ chức các buổi yến tiệc hoặc hội nghị. Dưới Chính quyền Xô Viết, đây là nơi làm việc của các nhà lãnh đạo Liên Xô. Cung điện thứ ba là Đại điện Kremlin (Great Kremlin Palace), được xây dựng từ thế kỷ XIX, là nơi ở tại Moskva của Nicolas I.
Tại đây năm 1961, để chuẩn bị cho Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô, người ta xây dựng Điện Kremlin bằng bê tông và kính. Nó là một công trình lớn nhất được xây dựng dưới thời Khrushchev, gồm một hội trường lớn với 6.000 chỗ ngồi. Trên khán đài trang trí một bức phù điêu chân dung V.I. Lénine, xung quanh có tia mặt trời tỏa sáng. Ngày nay, đây là sân khấu trình diễn ba lê, bức phù điêu không còn.
Cụm kiến trúc Kremlin còn có nhà thờ lớn St. Basil, nằm trên Quảng trường Đỏ. Đây là ngôi nhà thờ đẹp, hình dáng cuốn hút, màu sắc rực rỡ, với những mái vòm cuốn, những đường cong lượn và nhiều ngọn tháp cao thấp khác nhau, những chóp hình nón và mỗi kiến trúc đều mang một kiểu và màu sắc khác nhau. Nhà thờ St. Basil được xây dựng năm 1550 để kỷ niệm Hoàng đế Ivan đánh tan quân xâm lược Mông Cổ đồn trú ở Kazan. Nhà thờ St. Basil còn có tên Paul Kurosaki, nhưng người dân quen gọi St. Basil, tên của nhà tiên tri, người đã tiên đoán đúng ngày Moskva bị hỏa hoạn năm 1557.
Moskva
Trong cụm kiến trúc Kremlin, tuy đã có nhà thờ Đức Mẹ về trời là ngôi nhà thờ cổ nhất, lớn nhất, được xây dựng trên nền của một ngôi nhà thờ nhỏ dưới thời Ivan I, khoảng năm 1330. Một thế kỷ rưỡi sau, Ivan III, cho rằng ngôi nhà thờ này chưa thể là biểu tượng cho thành phố hùng vĩ nên ông đã quyết định xây một ngôi nhà thờ vĩ đại hơn, nhưng không được các nhà xây dựng trong nước ủng hộ. Năm 1475, ông đích thân mời kiến trúc sư người Italia Alberti Fioravanti thiết kế xây dựng. Sau 4 năm, Fioravanti đã hoàn thành ngôi nhà thờ Đức Mẹ Đồng Trinh mới và ông yêu cầu được trở về quê hương Italia. Đề nghị đó đã làm Ivan nổi giận, ra lệnh tống giam ông. Fioravanti đã chết trong một vài năm sau trong cảnh tù đày.
Tại đây còn có tòa Thượng viện (Senate) rất hiện đại được xây dựng dưới thời Nữ hoàng Catherine, do kiến trúc sư Matvei Kazakov thiết kế, dùng làm nơi hội họp của Hội đồng Tư vấn. Sau Cách mạng tháng Mười Nga, là nơi làm việc của V.I Lénine. Hiện là Dinh Tổng thống Nga.
Trong quần thể kiến trúc Kremlin đáng chú ý nhất là quả chuông và khẩu đại bác thời Sa Hoàng là hai cổ vật lớn nhất thế giới do con người làm ra. Khẩu đại bác nặng 40 tấn với chiều cao và chiều dài trên 5m, đặt tại một góc Quảng trường Ivan Đại đế, được chế tạo năm 1586, dưới triều Fyodor, con trai Ivan tàn bạo. Theo lý thuyết, viên đạn của nó có đường kính 890mm. Chiếc xe kéo đại bác được trang trí phù điêu hình Fyodor trông rất dữ dằn với con sư tử Nga hung dữ đang đánh tan kẻ thù nguy hiểm của nước Nga.
Ở gần chân tường gác chuông trưng bày quả chuông được đúc năm 1731 – 1735, nặng 200 tấn, đường kính chuông hơn 6m. Nhưng khi đúc chuông xong, đánh thử không kêu lắm. Trước đó cũng đã có một quả chuông nhỏ hơn, nặng 130 tấn, được đúc vào giữa thế kỷ XVIII nhưng đã bị trận hỏa hoạn năm 1701 phá hủy. Ba mươi năm sau, năm 1731, Nữ hoàng Anna ra lệnh nhặt những mẫu chuông cháy vỡ, cho đúc thành quả chuông lớn hơn nhưng khi đúc xong, quả chuông bị nứt vỡ một mảnh. Mảnh vỡ này nặng 7 tấn. Đó là quả chuông còn tới nay.
Trong Điện Kremlin có tháp chuông Ivan Đại đế, cao gần 100m bằng đá hoa cương trắng, được xây dựng từ thế kỷ XVI và hoàn thành vào năm 1600. Trong thời gian trị vì của Boris Godunov, trên tháp có treo quả chuông nặng 64 tấn, được đúc vào thế kỷ XIX.
Trên Quảng trường Đỏ còn có lăng V.I. Lénine do kiến trúc sư Alexey Shchusev
thiết kế, xây dựng năm 1924 để bảo quản thi hài của Lénine lâu dài. Các nhà lãnh đạo Liên Xô nhấn mạnh rằng, nơi yên giấc ngàn thu của Lénine phải là một kiệt tác nghệ thuật kiến trúc hiện đại nhưng đơn giản. Lăng Lénine là một khối hình trụ vuông. Mặt trước ốp đá granite đỏ, bên trong đặt đặt quan tài Lénine bằng kính trong suốt. Hiện có những thế lực muốn chuyển thi hài Lénine đi nơi khác. Tuy vậy, hàng ngày vẫn có vô số người Nga và du khách ngoại quốc xếp hàng vào lăng viếng Lénine.
Quảng trường Đỏ và quần thể kiến trúc Kremlin được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Quảng trường Đỏ được xây dựng năm 1490. Nhiều đời Nga hoàng đã chọn quảng trường này làm nơi thông báo và tuyên bố sắc lệnh. Đặc biệt ngày 7/11/1941, khi Moskva bị phát xít Đức bao vây, thì tại quảng trường đã diễn ra cuộc duyệt binh lịch sử kỷ niệm 24 năm Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại. Kết thúc buổi lễ, các chiến sĩ Hồng quân Liên Xô, trong đó có 7 chiến sĩ người Việt Nam (do Bác Hồ chọn đưa sang Liên Xô học tập, 5 người quê Nghệ An, 1 người Thanh Hóa và 1 người Hà Tĩnh) tham gia đã tiến thẳng ra mặt trận chiến đấu bảo vệ thủ đô. Trong 7 chiến sĩ tham gia Hồng quân bảo vệ Moskva ấy, có 5 chiến sĩ được Nhà nước Liên Xô tặng thưởng Huân chương Chiến tranh Vệ quốc hạng Nhất, theo Quyết định ngày 12/12/1986 của Đoàn Chủ tịch Xô Viết Tối cao Liên Xô và có bảng lưu danh tại Bảo tàng Con đường tưởng niệm.
Tại Moskva có Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (cũ) được thành lập năm 1724, dưới thời Pyotr Đại đế. Trước năm 1877, gọi là Viện Hàn lâm Khoa học Petersburg. Từ tháng 5/1877 trở đi là Viện Hàn lâm Khoa học Nga, tháng 7/1925 là Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, hiện là Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga. Nơi đây có 75 trường đại học, trong đó nổi tiếng nhất là Trường Đại học Tổng hợp M.V. Lomonosov. Lomonosov (1711 – 1765) là nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ. Trường được xây dựng năm 1755, lúc đầu trường chỉ có 3 khoa: Triết, Luật và Y học. Trong nửa đầu thế kỷ XVIII, trường đã đóng vai trò quan trọng trong đời sống giáo dục, đào tạo của Nga.
Sau sự sụp đổ của chế độ nông nô Nga năm 1861 và nước Nga tiến theo chủ nghĩa tư bản, nhà trường đã có những bước chuyển biến căn bản. Cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, nhiều nhà khoa học lớn như K.A. Timiryazev, A.P. Pavlov, N.E. Zhukovski... đã làm việc ở trường.
Sau Cách mạng tháng Mười năm 1917, nhà trường có những thay đổi đáng kể, tạo nhiều điều kiện cho con em nhân dân lao động được vào học tập ở trường. Từ năm 1913 - 1963, nhà trường mở thêm khoa “Dự bị công nhân”. Đến năm 1941, chỉ riêng hệ chính quy, Trường Tổng hợp Lomonosov đã có 5.000 sinh viên, hơn 30 giáo sư và cộng tác viên khoa học của trường đã trở thành viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (cũ).
Quảng trường Đỏ
Trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại (1941 -1945) đã có hàng ngàn sinh viên nhà trường tình nguyện lên đường ra mặt trận. Sau gần 2 năm phải đi sơ tán, mùa xuân năm 1943, trường đã trở về lại Moskva. Trong thời kỳ này nhà trường vẫn đào tạo hơn 3.000 sinh viên. Các nhà khoa học của trường đã có những đóng góp quan trọng cho công cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc và phát triển kinh tế.
Sau Đại chiến Thế giới thứ II, trường có những bước phát triển mới cả về chất lượng đào tạo và cơ sở vật chất. Tòa nhà chính của trường được xây trên đồi Lénine. Ngày
1/9/1953, các nhà khoa học của trường bắt đầu làm việc trong tòa nhà mới với các phòng thí nghiệm và giảng đường. Nhân dịp này, trường mở nhiều khoa mới, số lượng sinh viên từ 13.000 lên đến 26.000 năm 1992.
Từ năm 1959, trường trở thành một trung tâm đào tạo sinh viên và nghiên cứu sinh quốc tế. Hiện trường có 18 khoa và 8 viện nghiên cứu trực thuộc; 300 bộ môn thuộc các ngành khoa học khác nhau. Hàng năm 1.500 nghiên cứu sinh bảo vệ luận án phó tiến sĩ và 250 bảo vệ luận án tiến sĩ.
Trường còn có nhà xuất bản riêng, hàng năm ấn hành khoảng 400 đầu sách giáo khoa với số lượng 3 triệu bản. Nhà trường có một thư viện mang tên Gorki với gần 8 triệu bản sách.
Moskva có 26 nhà hát chuyên nghiệp, trong đó Nhà hát Bolshoi nổi tiếng nhất thế giới cùng với hàng chục thư viện lớn, trong đó Thư viện Quốc gia mang tên Lénine là niềm tự hào của nhân dân Nga.
Moskva có 65 viện bảo tàng, trong đó đáng chú ý nhất là Viện Bảo tàng Mỹ thuật Tretyakov là Viện Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia Nga tại Moskva. Bảo tàng này do một thương gia Nga tên là Tretyakov (1832 - 1898) xây dựng và sưu tầm tranh từ năm 1856. Khi Tretyakov qua đời năm 1898, bảo tàng này vẫn mang tên ông và được một Hội đồng những nhà nghệ thuật nổi tiếng như: Senov, Ostroukhov... quản lý. Đến tháng 8/1918, chuyển thành Bảo tàng Quốc gia. Năm 1917, bảo tàng chỉ mới có 4.000 tác phẩm, thì đến năm 1956, số tác phẩm tăng lên 35.000 và hiện nay là 60.000 bức tranh, tượng và nhiều tác phẩm thuộc mỹ thuật thực dụng.
Viện Bảo tàng Nghệ thuật Puskin là viện bảo tàng lớn nhất nước Nga về nghệ thuật nước ngoài. Tiền thân của nó chỉ là “Phòng Mỹ thuật, do giáo sư Ivan Vladimirovich Svettaiev sáng lập. Các sưu tập ban đầu gồm các khuôn điêu khắc Hy Lạp, La Mã cổ đại và phương Tây thời Trung cổ và thời Phục hưng. Bảo tàng còn có một thư viện với hàng vạn đầu sách quý về lịch sử mỹ thuật thế giới cổ đại.
Từ năm 1898 - 1912, bảo tàng được xây dựng theo thiết kế của kiến trúc sư Klein. Từ 1923 - 1924, bảo tàng tiếp nhận bộ sưu tập nghệ thuật phương Tây của Bảo tàng Tretyakov và toàn bộ sưu tập đồ họa của Bảo tàng Rumyantsev. Từ 1920 – 1930, nhận thêm hiện vật từ Bảo tàng Ermitage (St. Petersburg) của các danh họa: Nicolas Poussin, Rembrandt, Paul Rubens, Lucas Cranach, Chardin... Trong đó quý nhất là bộ sưu tập hội họa của Tsukino. Nhiều nhà họa sĩ nổi tiếng thế giới như: Léger, Matisse, José Ribera... đã gửi tác phẩm của mình tặng bảo tàng này.
Moskva là một thành phố đẹp, nơi có nhiều vườn hoa, công viên, cây xanh. Người dân Moskva lịch thiệp, hiếu khách, một trung tâm văn hóa, chính trị, ngoại giao kinh tế.. của nước Nga.

Praha, thành phố châu u theo phong cách phương Tây, một thành phố cổ với nhiều nghệ thuật đặc sắc được bảo tồn khá...
Bình luận