Tà Nung

Hai vị khách Tây ghé quán, ông Khá dừng câu chuyện, đứng lên chào bằng một câu tiếng Anh. Người phụ nữ ăn mặc rất trang nhã nở nụ cười đáp lại, nhìn qua một lượt quang cảnh xung quanh rồi quay sang nói câu gì đấy với người đàn ông đi cùng. Cả hai người đều tỏ ra rất hài lòng, tôi đoán họ khen quán cà phê này vừa ý trong mắt họ…

Hai người chọn một cái bàn nhỏ gần cửa sổ nhìn ra khu vườn, chỗ một cây phong cổ thụ có gắn những giò phong lan rừng đang toả hương hoa thơm ngát, vài chiếc lá phong đỏ ối vừa rơi bên song. Cô thiếu nữ đem tờ menu ra đưa cho khách, lễ phép đứng bên cạnh chờ đợi. Người khách nữ dùng ngón tay trỏ lướt trên từng hàng chữ, mỗi lần như vậy lại ngước lên nhìn người đàn ông có vẻ dò hỏi. Họ thảo luận một lúc thì gọi món. Ông chủ từ nãy đến giờ vẫn giữ nguyên nụ cười trên môi theo dõi hai vị, khi họ quay lại nhìn, ông gật đầu tỏ ý rất hân hạnh được phục vụ.

Mấy người khách đến trước đã lần lượt chào chủ quán ra về. Hai vị khách mới đến vừa dùng cà phê vừa xì xồ trò chuyện. Tôi không muốn bỏ lỡ câu chuyện về xứ sở cà phê nên gợi ý:

- Người Pháp thật là có con mắt tinh đời. Họ phát hiện ra cao nguyên này rất thích hợp để trồng các loại cây công nghiệp, đặc biệt là cà phê, đúng không ạ?

- Đúng vậy. Vùng này chủ yếu là đất đỏ bazan màu mỡ, không khí mát mẻ trong lành có thể làm nơi nghỉ dưỡng, lại rất thích hợp để trồng các loài cây có nguồn gốc Âu - Mỹ.

- Hình như dưới triều nhà Nguyễn, ở đây được gọi là “Miền Thượng du”, chỉ có các dân tộc thiểu số sinh sống thì phải?

- Gần như vậy. Người Kinh rất ít, chủ yếu là các dân tộc Gia rai, Xơ đăng, Ê đê, Chu ru, M’nông… Mỗi dân tộc sống trong các buôn làng biệt lập với nhau, có ngôn ngữ và tập quán riêng. Khi người Pháp chiếm được Nam kì và Trung kì, họ lập tức chú ý ngay đến cao nguyên này, là một vùng chiến lược có ý nghĩa quan trọng cả về chính trị, quân sự và kinh tế…

Nghe giọng ông Khá rất say sưa, có vẻ ông cũng hứng thú kể chuyện, nên tôi tìm cách “khai thác”:

- Ông hẳn là người rất am hiểu về vùng đất này, ông có thể nói rõ hơn một chút nữa không?

Ông Khá nhìn quanh quan sát người ra vào trong quán, lát sau mới quay sang tôi gật đầu:      

- Để tôi nhớ xem… Người Pháp đến đây, đầu tiên họ lợi dụng dân bản địa là cư dân các dân tộc thiểu số, lập ra các “ông vua” của mỗi xứ, là các tù trưởng của bộ lạc. Nhờ các “ông vua” này mà họ điều khiển được các bộ tộc để dễ bề cai trị và sai khiến. Tuy nhiên, người dân tộc thiểu số có tập quán du canh du cư, không quen với các kỹ năng trồng trọt nên việc phát triển cây công nghiệp trên cao nguyên đối với họ là bất khả thi. Nhưng các nhà tư bản đời nào chịu bỏ qua cơ hội béo bở này, vì vậy họ đã nghĩ cách liên kết với chính phủ tiến hành các cuộc di dân, đưa người Kinh từ đồng bằng lên xây dựng các đồn điền. Từ đó mới có các đồi chè, các rẫy cà phê, cao su tít tắp…

Tà Nung - 1

Đèo Tà Nung

Ông Khá nói đến đây thì nhìn ra ngoài vườn, vẻ trầm ngâm và đôi mắt xa xăm. Ông lại rít một hơi thuốc, từ từ nhả khói… 

Phải công nhận quán cà phê vùng ngoại ô này là một nơi lý tưởng cho những ai thích hòa mình với thiên nhiên. Những cây táo, cây hồng đang vào mùa trĩu quả. Những chiếc lồng đèn vàng đỏ treo trên cây lắc lư nhẹ nhàng theo từng cơn gió thoảng; mấy chú chim chào mào mũ đỏ chuyền cành rồi nghểnh cổ thi nhau hót véo von. Dây hồng leo thả cho bò lên các cây cột gỗ trước cổng ra vào, hoa trắng hoa đỏ chen nhau bên cạnh giàn bông giấy. Mấy cái chòi lợp bằng mây tuy giản dị nhưng rất tinh tế, complet với các bộ bàn ghế xinh xắn đặt ở giữa chòi cũng đan bằng mây... Thật đúng nghĩa “cà phê vườn”, khách đến có thể vừa nhâm nhi ly cà phê thơm phức vừa được đắm mình giữa cái không khí trong trẻo mang hơi thở của núi rừng… 

Ông Khá tiếp tục câu chuyện bằng một giọng trầm hơn và chậm rãi, như vừa kể vừa tìm trong ký ức những thước phim ghi lại thời quá khứ gian nan của tổ tiên, khi họ mới đặt chân đến xứ sở này:

- Từ cuối thế kỷ XIX, những nhóm người Kinh đầu tiên đến trước đã chọn được những chỗ thuận lợi để định cư, là những nơi gần nguồn nước và đất đai tương đối bằng phẳng. Với chế độ ưu đãi là cấp không sáu tháng lương thực cho những người đi làm đồn điền và những lời hứa hẹn về một cuộc đổi đời, người Pháp đã nắm trong tay hàng ngàn nông phu với mức lương rẻ mạt. Là con dân của một nước thuộc địa, người dân phải chấp nhận sự cai trị của họ, và cũng chỉ mong sao có cuộc sống yên ổn, hằng ngày không phải đương đầu với đạn bom và cơn đói. Những nhóm người đến sau sẽ phải tiếp tục đi lên những vùng cao hơn, giáp với núi non và gần với các tộc người thiểu số. Cuộc sống và công việc cũng vì thế mà gặp nhiều khó khăn hơn… Gia đình bà nội tôi cũng là một thành phần trong số đó. Bà nội khi ấy mới mười chín tuổi, cùng gia đình chồng gồng gánh đi về phương Nam, cuối cùng đến đây là đi theo một cuộc di dân của chính phủ…

Chiều đang xuống dần, trên nền trời hiện ra những áng mây vàng tuyệt đẹp. Tôi dõi tầm mắt theo bóng một chú chim rừng vừa lướt qua trước mặt, chú chim cõng hoàng hôn trên đôi cánh, bay vút về phía sườn đồi, nơi thảm hoa dã quỳ đang khoe sắc vàng tươi.

Uống cà phê buổi chiều có vẻ không hợp nhưng mùi thơm tỏa ra thật khó cưỡng, tôi bưng tách cà phê lên hít hà:

- Cà phê thơm ngon quá. Quán mình mua của thương hiệu nào vậy ạ?

Chủ quán cười giòn tan: 

- Cà phê gia truyền, không có tên thương hiệu nhưng cũng được nhiều người khen ngon…

  - Ôi thật vậy ạ? Nhưng dù sao thì cũng nên có một cái tên để khách ghé quán sẽ nhớ lâu hơn chứ ạ? 

- Vâng. Vậy thì cứ gọi là “cà phê Chồn” cho dễ nhớ.

Ông Khá nhìn vẻ kinh ngạc của tôi, ông lại đưa điếu thuốc lên khoé miệng và dường như vừa cố giấu một nụ cười tinh quái…

*  *  *

Ông Khá thật là một người đáng mến và phải là người yêu quý vùng đất này đến mức nào thì mới có được lòng hiếu khách đến như vậy. Đã hẹn từ chiều hôm qua, nên mới bảy giờ sáng tôi đã có mặt tại quán cà phê. Thấy tôi đến, ông niềm nở:

- Mời chị dùng tách cà phê nóng này, đợi thằng cháu tôi đến sẽ dẫn chị đi tham quan những đồi cà phê và cả rừng hoa ở bên kia đèo nhé. 

- Vâng, rất cảm ơn ông. Ông chu đáo quá!

Từ trong khu vườn, tôi ngước nhìn lên chỏm núi mờ ảo phía xa, ẩn trong làn mây và sương bồng bềnh. Không khí vẫn còn se lạnh. Nhấm nháp gần cạn tách cà phê cũng là lúc những tia nắng đầu tiên bắt đầu nhô lên từ phía sau đỉnh núi, chiếu xuyên qua màn sương mây bỗng hóa thành những tia rực rỡ tựa ánh hào quang. Không để tôi phải đợi lâu, ông Khá dẫn đến trước mặt tôi một cậu trai chừng mười tám đôi mươi, thân hình rắn rỏi, làn da rám nắng nhưng tươi tắn. Cậu ta nhìn tôi cười vui vẻ khoe hai hàm răng trắng bóng. Ông Khá giới thiệu:

- Đây là thằng Đam Zí, người dân tộc Ê đê, nó không có cha mẹ, đi lang thang từ bên Gia Lai qua đây từ năm mười tuổi. Thằng con trai tôi thương tình nhận làm con nuôi, cho đi học. Nó cũng học hết cấp hai rồi, bây giờ làm “hướng dẫn viên” du lịch cho khách tham quan. Nó dẫn chị đi thì yên tâm. Thằng nhỏ này lái xe cừ lắm đấy!

Đam Zí ra hiệu cho tôi ra cổng, ngay chỗ chiếc xe máy phân khối lớn đang dựng sẵn. Tôi cảm ơn và chào tạm biệt chủ quán rồi ngồi ngay ngắn đằng sau xe. Đam Zí bắt đầu rồ máy… 

Chiếc xe phóng đi như một mũi tên, chừng mười phút sau đã đến chân đèo. Đam Zí bảo tôi:

- Chị bám chắc vào nhé. Mình chuẩn bị cho xe lên đèo nè.

- Được rồi, em cứ cho xe chạy thoải mái, miễn đừng vứt chị xuống đất thì ok.   

Trước khi đến Đà Lạt, tôi đã được nghe nói đến con đèo này nằm trong địa phận xã Tà Nung nên gọi luôn tên đèo là Tà Nung. Đó là con đường kết nối thành phố Đà Lạt với huyện Lâm Hà, thuộc tỉnh lộ 725, với chiều dài gần ba mươi cây số, gồm nhiều đoạn quanh co khúc khuỷu… 

Biết vậy nhưng khi đặt chân đến đây mới cảm nhận hết vẻ đẹp hùng vĩ của Tây Nguyên và được thả mình vào giữa màu xanh trùng điệp của núi rừng. Cung đường đèo mang đến cho người đi cảm giác phiêu lưu, và có cơ hội khám phá thiên nhiên tráng lệ bởi núi non sông suối êm đềm hòa quyện thành một bức tranh sơn thủy hữu tình. Một bên là vách núi dựng đứng, một bên là thung lũng với những rừng thông bạt ngàn. Tiếng thông reo vi vút trong gió sớm hòa với tiếng chim khuyên ríu rít gọi nhau đón nắng mai, cảm thấy lòng lâng lâng thư thái. Đang cuối mùa Thu, hoa dã quỳ vào mùa nở rộ. Hoa tràn từ trên đỉnh núi xuống thung lũng, nơi đâu cũng ngập trong sắc hoa vàng, tỏa hương thơm hăng hắc làm ấm cả không gian. 

Đúng như lời ông Khá đã giới thiệu về cậu “hướng dẫn viên”: Đam Zí thực sự là một tay lái lụa. Cậu ta cho xe lượn qua những khúc cua hiểm trở một cách khéo léo rất điệu nghệ. Tôi cảm thấy yên tâm “phó thác” cho cậu quyết định cuộc hành trình. Đến lưng chừng đèo, ngang tầm mắt là rặng núi với những đám mây trắng xốp vấn vít lượn quanh. Nhìn về thung lũng phía xa xa, thấy phố xá với nhà cửa và các công trình kiến trúc nằm san sát bên nhau, xếp hàng xếp lớp từ trên cao xuống thấp. Có lẽ ở nước ta chỉ Đà Lạt mới có kiểu kiến trúc lạ lùng này. 

Tà Nung - 2

Đà Lạt mùa hoa dã quỳ.

Đam Zí cho xe rẽ vào một con đường mới mở, từ xa đã thấy biển hiệu treo trên đỉnh đồi cao: “Puppy Farm”, đi đến nơi mới hiểu nôm na là “trang trại Cún”. Thực chất đây là một tiệm cà phê - giải khát với quy mô lớn, một không gian rộng rãi khoáng đạt trải dài từ trên đồi thông cao vòi vọi xuống dưới thung lũng đã được quy hoạch thành vườn hoa với nhiều chủng loại; có khu vui chơi, nơi chăn nuôi dê và các loài cún cưng du nhập từ châu Âu… Người đến tham quan tấp nập, nhất là giới trẻ. Các cô cậu tha hồ đùa giỡn với các con thú, mua thức ăn bày bán sẵn cho chúng ăn rồi quay phim chụp ảnh. Đúng là một điểm đến thú vị, một nơi thư giãn sau những ngày bận rộn với công việc.

Tạm biệt Puppy Farm, Đam Zí đưa tôi đến với khu du lịch Thúy Thuận. Cũng vẫn theo mô hình quán cà phê - giải khát, nhưng Thúy Thuận được thiết kế theo phong cách bồng lai tiên cảnh, từ tầm cao hướng thẳng xuống thung lũng bằng lối kiến trúc độc đáo. Ở đây có thác nước đổ xuống giữa rừng hoa, tạo nên âm thanh du dương hòa quyện trong hương thơm ngào ngạt khiến du khách như lạc vào cõi tiên. Đặc biệt, trong khuôn viên Thúy Thuận còn có một xưởng cà phê rộng lớn, du khách có thể thoải mái vào tham quan…

Sau khi nghỉ trưa ở Thúy Thuận, tiếp tục hành trình, chúng tôi đi qua những quả đồi phủ kín cây cà phê. Cà phê trồng men theo sườn đồi núi, từ trên đỉnh tràn xuống dưới thung lũng. Cây trên cao, cây dưới thấp đều được đón nhận ánh nắng mặt trời nên phát triển khỏe mạnh xanh tươi. Đi qua một khu vườn, Đam Zí nói với tôi:

- Rẫy cà phê này là của gia đình mình đấy. Gần đến mùa thu hoạch rồi.

- Vậy à. Chị có thể vào xem chút được không?

- Được chứ. Chị vào đấy xem đi.

Tôi xuống xe, bước vào rẫy cà phê. Chao ôi, lần đầu tiên được mục sở thị những chùm quả cà phê chi chít trên cành. Quả xanh chen lẫn quả chín. Có cành vẫn còn đơm hoa. Chợt nhớ câu chuyện ông Khá kể, là con chồn rất thích ăn thứ quả chín này, tôi tò mò hái vài quả nếm thử. Ồ, có vị ngọt dịu và bùi bùi thơm thơm. Thảo nào, chồn thích ăn là phải. Đột nhiên nhớ câu chuyện truyền thuyết về cà phê, tôi đã đọc trong một cuốn sách nào đó từ rất lâu. Truyện kể rằng, vào giữa thế kỷ mười bảy, những người chăn dê ở Ethiopia thấy trong đàn dê của họ có những con dê sau khi về chuồng vẫn chẳng chịu nằm ngủ mà chạy nhảy không mệt mỏi cho đến tận đêm khuya. Họ theo dõi chúng và phát hiện ra rằng những chú dê này đã tìm ăn một thứ quả chín màu đỏ giống như trái anh đào của một loài cây lạ trong rừng. Họ bèn hái ăn thử loại quả đó, thế là suốt đêm không ngủ mà vẫn tỉnh táo và không thấy mệt. Những người chăn dê đem chuyện kể với các thầy tu trong tu viện. Các vị tu sĩ đã đến tận nơi xem và nếm thử. Điều kỳ diệu cũng xảy ra: các vị đã thức cầu nguyện suốt đêm mà vẫn sảng khoái như thường! Dần dà từ đấy người ta mới biết đến hương vị cà phê và công dụng của nó. Đúng là tạo hóa đã ban cho con người biết bao ân huệ, và cà phê cũng là một món quà quý giá từ thượng đế!

Rời khỏi rẫy cà phê, Đam Zí đưa tôi đến với “The Florest - Hoa trong rừng”. Đoạn đường đến với khu du lịch này hết sức hiểm trở vì độ dốc. Phải vượt qua quãng đường chừng bốn năm cây số với những đoạn lên xuống rất ác liệt, khiến tôi nhiều phen sợ thót tim. Nhưng rồi bù lại, khi đã đến thung lũng thì được đắm mình trong một không gian thơ mộng hiền hòa. Dưới khung trời ngập nắng, cánh đồng cỏ lau hồng êm ả nhẹ nhàng đung đưa theo làn gió. Từng nhành lau khẽ rung rinh theo từng nhịp thở của đất trời, hòa cùng những bước chân thong thả, khiến lòng người càng cảm thấy bình yên. Những hạt mầm mọc lên từ đất, được nuôi dưỡng bởi dòng nước trong mát và không khí thanh sạch của núi rừng, đã tạo nên một thảm cỏ ngút ngàn xanh mơn man thật nên thơ. Những loài hoa từ mọi miền tổ quốc cũng tụ hội về đây. Dưới ánh nắng vàng ươm, nào hổng ry, cúc đại đóa, cẩm tú cầu… vốn ngự trị rất lâu ở xứ sở này đang đùa vui cùng tam giác mạch từ Hà Giang, hoa cải dầu từ Mộc Châu…, tất cả đang đua nhau khoe sắc thắm. Bên cạnh hồ nước là một trại nuôi dê, những chú dê non ung dung gặm cỏ rồi tung tăng chạy xuống uống nước hồ trong vắt. Chao ôi, cuộc sống thật đáng yêu.  

Tà Nung - 3

Có lẽ nhiều người muốn tận hưởng giây phút được chứng kiến cảnh mặt trời từ từ lặn xuống giữa đại ngàn trong một ngày nắng đẹp.

Khi ánh hoàng hôn rót mật xuống cánh đồng cũng là lúc du khách đến tham quan đông vui nhất. Có lẽ nhiều người muốn tận hưởng giây phút được chứng kiến cảnh mặt trời từ từ lặn xuống giữa đại ngàn trong một ngày nắng đẹp. Rồi những tia nắng cuối ngày tỏa ra chào tạm biệt đồi hoa, bầu trời Tà Nung cũng vừa kịp thắp lên sắc tím hồng đầy mê hoặc, cảnh tượng thiên nhiên kỳ thú này tôi chưa từng thấy bao giờ.

Quay trở về quán cà phê của ông Khá, ông lại niềm nở đón tôi bằng một rổ hồng chín mọng thơm lừng vừa hái trên cây trong vườn nhà. Những quả hồng trứng thon thon xinh xắn đong đầy tấm chân tình của gia chủ đối với khách, khiến tôi vô cùng cảm động. Tôi hẹn ông sáng hôm sau lại ghé quán, để nghe ông kể tiếp câu chuyện đẹp như truyền thuyết về những bậc tiền bối trong gia tộc - những người đầu tiên chế biến ra món “cà phê Chồn” huyền thoại…

Tôi chợt nhận ra, tất cả những nơi tôi vừa đến đều được tạo dựng nên từ tình yêu quê hương xứ sở của những con người sinh sống trên mảnh đất này. Đó là cách họ mời gọi và níu giữ bước chân du khách. Khi có tình yêu, người ta sẽ làm nên những điều kỳ diệu.   

Tùy bút của Trần Thiên Hương

Dòng Tràng giang của Huy Cận
Dòng "Tràng giang" của Huy Cận

Mỗi tác phẩm văn học ra đời thường được nảy sinh từ một hoàn cảnh cảm hứng nào đó. "Tràng giang" là bài thơ được...

Tin liên quan

Tin mới nhất

“Họ đã sống như thế” - Mảng sáng tối ở xã hội đương đại

“Họ đã sống như thế” - Mảng sáng tối ở xã hội đương đại

Đọc tiểu thuyết “Họ đã sống như thế” (NXB Hội Nhà văn, 2024) của nhà văn Vũ Tuyết Mây với 400 trang in, tôi có cảm nhận Vũ Tuyết Mây phải có trải nghiệm sâu rộng mới gửi vào những trang sách, một mảng đề tài xã hội gồm: tri thức, công chức, viên chức và người lao động, phân bố ở nhiều nghề phục vụ nông nghiệp (trong đó ngành đỉnh cao là công nghệ).