Dốc 50 triệu cho cháu luyện thi nhưng nhận lại điểm liệt tốt nghiệp, 4 năm sau cháu khiến tôi nghẹn ngào

Năm đó cháu trai tôi trượt tốt nghiệp phổ thông vì nó dính điểm liệt một môn. Tôi chết lặng, nhìn bảng điểm mà không tin vào mắt mình.

Tôi làm thuê bốc dỡ hàng ở chợ. Cuộc sống chẳng dư dả gì, nhưng từ năm 29 tuổi, tôi nhận đã nhận nuôi cháu trai. Đó là con của chị gái tôi. Năm đó sau khi ly hôn, chị đã bỏ đi biệt xứ. Bố mẹ nó đều không ngó ngàng gì tới thằng bé nên tôi thương tình đành nhận nuôi. Lúc về ở với tôi, thằng bé mới 7 tuổi, người gầy nhẳng, mắt luôn ướt như sắp khóc.

Tôi không có vợ con, sống một mình trong căn phòng trọ lợp tôn, tường ố vàng vì mưa dột. Vậy mà từ ngày có nó, tôi không còn thấy cô đơn. Tôi chạy chợ, tối về lo cơm nước, dạy nó học, chăm nó từng chút một. Có người bảo tôi dại, lo thân chưa xong còn nuôi thêm đứa nhỏ. Nhưng tôi nghĩ khác, đời tôi có thể khổ, nhưng đứa trẻ vô tội ấy phải có cơ hội khác.

Cháu trai tôi học giỏi lắm, thông minh lại phép. Từ cấp một đến cấp 2, năm nào cũng được giấy khen. Tôi vui lắm, có bao nhiêu tiền cũng dốc hết cho nó học. Có lần, vì không đủ tiền đóng học thêm, tôi phải lén bán chiếc điện thoại cũ, đổi lấy vài trăm nghìn đưa cho nó. Thằng bé cầm tiền, chỉ hỏi đúng một câu:

- Cậu bán điện thoại rồi à?

Tôi cười, xoa đầu nó:

- Miễn cháu học tốt, cái gì cậu cũng bán được.

Thế nhưng khi vào cấp 3, nó theo bạn theo bè, bắt đầu chểnh mảng, chơi bời lêu lổng nên kết quả học tập tụt dốc không phanh.

Dốc 50 triệu cho cháu luyện thi nhưng nhận lại điểm liệt tốt nghiệp, 4 năm sau cháu khiến tôi nghẹn ngào - 1

Năm xưa tôi đã nhận nuôi cháu trai. (Ảnh minh họa)

Năm nó lớp 12, tôi bắt đầu lo xa. Tôi gom góp 50 triệu mời thầy dạy giỏi nhất thị xã về luyện thi cho nó trong 3 tháng cuối. Mỗi ngày nhìn nó học đến nửa đêm, tôi vừa thương, vừa mừng. Trong lòng tôi, kỳ thi sắp tới chính là ván cược lớn nhất của cuộc đời mình.

Ngày cháu trai thi đại học, tôi dậy từ 4 giờ sáng, nấu xôi đậu đỏ cho nó mang theo. Nhìn nó bước vào trường thi, tôi chỉ kịp dặn một câu:

- Cháu hãy làm bài hết sức mình, mọi thứ còn lại để cậu lo.

Những ngày thi, tôi luôn đứng đợi ngoài cổng trường để chờ cháu. Có hôm mưa lớn, tôi đội áo mưa rách đứng gần 3 tiếng chỉ để nhìn nó bước ra, hỏi một câu “Làm được không?” và nhận về cái gật đầu đầy mệt mỏi.

Nhưng rồi ngày biết điểm đến, điểm số như gáo nước lạnh tạt thẳng vào mặt tôi. Cháu trai tôi trượt tốt nghiệp phổ thông vì nó dính điểm liệt một môn. Tôi chết lặng. Ngồi ngay giữa căn phòng chật hẹp, tôi nhìn bảng điểm mà không tin vào mắt mình.

Tôi không quát, cũng chẳng trách, chỉ buông một câu:

- Thế là... xong rồi à?

Cháu trai cắn môi rất lâu, rồi mới nói:

- Cậu ơi, cho cháu một năm nữa. Lần này cháu thi lại. Cháu không xin cậu thêm gì đâu. Cháu sẽ đi làm thêm, tự lo tiền học.

Tôi nhìn đôi vai gầy run lên từng hồi, trong lòng quặn thắt. Đêm đó tôi mất ngủ, nằm trằn trọc nghĩ về 50 triệu kia, số tiền khó khăn lắm tôi mới chắt chiu được, giờ coi như tan thành mây khói. Nhưng rồi sáng hôm sau, tôi đến gặp thầy Lâm, người từng dạy cho nó, nhờ thầy tiếp tục giúp.

Một năm trôi qua, cháu trai tôi như biến thành người khác. Sáng nó đến trung tâm luyện thi, chiều đi làm thêm, tối về học bài tới khuya. Có lần nó ngất xỉu vì kiệt sức, tôi khóc, bảo nó nghỉ một buổi, nó chỉ nói đúng một câu:

- Nếu lần này cháu không đậu, cháu không còn mặt mũi nhìn cậu.

Kỳ thi lần thứ hai diễn ra, tôi không dám kỳ vọng quá nhiều, chỉ cầu ông trời cho nó một cơ hội.

Dốc 50 triệu cho cháu luyện thi nhưng nhận lại điểm liệt tốt nghiệp, 4 năm sau cháu khiến tôi nghẹn ngào - 2

Tôi nhìn bảng điểm của cháu trai mà không tin vào mắt mình. (Ảnh minh họa)

Ngày biết điểm, tôi đang ở chợ thì nhận được cuộc gọi. Đầu dây bên kia, giọng nó vỡ òa:

- Cậu ơi… cháu đậu tốt nghiệp rồi. Với điểm số này, cháu nghĩ mình có thể vào đại học trọng điểm.

Tôi rụng rời tay chân, ngồi bệt xuống sạp hàng, nước mắt rơi không kìm được. Mấy người bán hàng xung quanh tưởng tôi bị gì, chạy lại đỡ, tôi chỉ bật cười, nói:

- Cháu tôi thi đậu rồi.

Và như dự đoán, cháu trai tôi đỗ vào một trường đại học trọng điểm ở Hà Nội. Trước ngày lên đường, tôi mua cho nó chiếc laptop cũ và vali mới. Đưa nó ra bến xe, tôi dặn dò đủ điều, lòng không nỡ rời. Nó ôm tôi thật lâu, rồi nói:

- Cháu sẽ học thật tốt, cậu chờ cháu thành người nha!

Những tháng năm sau đó, nó ít gọi về. Ban đầu tuần một cuộc, rồi hai tuần, rồi cả tháng mới liên lạc. Tôi giận, cũng có chút buồn. Nhưng một lần gặp một người bạn của nó, tôi mới biết nó đang tham gia đủ loại hoạt động, cuộc thi, hội thảo… nên không rảnh. Tôi chợt hiểu, nó đang sống hết mình với thế giới mà trước đây chưa từng có cơ hội chạm tới.

Mỗi lần về thăm, nó lại cao lớn, chững chạc hơn. Nó kể về trường, về bạn bè, về dự định tương lai với ánh mắt sáng long lanh. Có lần, sau bữa cơm, nó ngồi cạnh tôi rồi nói nhỏ:

- Sau này cháu đi làm, sẽ mua nhà có phòng riêng cho cậu. Mà cậu cũng phải chuẩn bị tinh thần bế cháu nha. Lúc đó con cháu sẽ giao cho cậu chăm đấy.

Tôi bật cười, nhưng tim thì run run vì xúc động. 4 năm đại học trôi qua như một cái chớp mắt. Ngày nó tốt nghiệp, tôi có mặt giữa sân trường, giữa hàng trăm phụ huynh khác. Cháu trai tôi đứng trên bục nhận bằng, nở nụ cười rạng rỡ. Tôi lặng người, nước mắt rơi lặng lẽ. Bao nhiêu năm cơ cực, bao nhiêu đêm không ngủ, bao nhiêu đồng tiền mặn mồ hôi giờ đây đều xứng đáng.

Cháu trai tôi đã trưởng thành. Và tôi tin, dù đời có bão giông đến đâu, nó cũng không gục ngã. Bởi vì trong tim nó luôn có một nơi gọi là gia đình, nơi có một người cậu đã từng đánh cược cả cuộc đời chỉ để nuôi lớn một giấc mơ.

Cẩm Tú

Tin liên quan

Tin mới nhất

Bồi dưỡng những hạt nhân tiêu biểu trong đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật

Bồi dưỡng những hạt nhân tiêu biểu trong đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật

Lớp bồi dưỡng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trẻ lần thứ 9 do Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 25/7 đến ngày 28/7 tại Ninh Bình, với sự tham gia của 118 học viên là các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình; cây viết trẻ, nhà báo, biên tập viên từ các cơ quan báo chí, nhà xuất bản, Hội văn học nghệ thuật; giảng viên giảng dạy các chuyên ngành thuộc lĩnh v