Hành trình mạnh mẽ của em bé 1kg: Từ lồng kính đến vòng tay mẹ và những ngày níu giữ sự sống (P2)

Chiều ngồi ở dãy ghế trước phòng kangoroo 3 của khu sơ sinh E bệnh viện Từ Dũ, gió thổi lồng lộng con ạ, mẹ ngồi nghĩ không biết chúng ta sẽ ở đây bao lâu, chẳng ai nói trước được điều gì.

Lời nhắn gửi của người mẹ:

Mẹ đã đắn đo rất nhiều và quyết định viết lại câu chuyện này để tặng cho chính mình và con cũng như những bà mẹ không may gặp phải hoàn cảnh tương tự như mẹ. Mọi người sẽ hiểu hơn quá trình nuôi dưỡng một em bé xíu xiu như thế nào cũng như đồng hành cùng con trong suốt tuổi thơ của mình ra làm sao. Chỉ cần có niềm tin và trái tim yêu thương chúng ta sẽ vượt qua được mọi nghịch cảnh. Hãy chọn đối đầu và bước tiếp, tương lai sẽ dẫn lối chúng ta đến nơi cần phải đến. Đừng bỏ cuộc các bạn nhé!

Mẹ cùng hai mẹ bầu khác đi vào phòng đợi mổ, hai người kia đều mạnh dạn bước đi, họ gặp chồng ở trước phòng mổ, chỉ có mình mẹ là lẻ loi chống chọi với nỗi sợ hãi từ bên trong. Mẹ được dẫn đi vào phòng nhỏ nhỏ chừng khoảng 20 mét vuông. Ở đây các bác sĩ y tá đang tất bật chuẩn bị cho ca mổ, họ nói chuyện vui vẻ bình thường như chẳng có gì nao núng. Mẹ nghe đâu đó ở phòng này ca trước bắt em bé 29 tuần ra rồi, giờ là đến lượt của mẹ. 

Người ta yêu cầu mẹ khom lưng xuống để tiêm thuốc tê vào tủy sống. Tạch! Mẹ nghe một cảm giác buốt chạy dọc sống lưng rồi từ bụng đến chân mẹ chẳng còn cảm giác gì nữa. Họ đỡ hai chân mẹ lên bàn mổ rồi phủ một lớp bạt xanh che chắn. Hai ống oxy được gắn vào mũi hỗ trợ cho mẹ thở tốt hơn, mọi người cứ đi qua đi lại mẹ cảm nhận mọi thứ thật rõ ràng. 

Khi con được bắt ra bác sĩ bảo mẹ nhớ nghen: “Bé gái sinh lúc 13h42', 1kg”. Mọi cảm xúc trong mẹ như tê liệt, mẹ cảm nhận bác sĩ xách mẹ lên thông qua kéo sợi chỉ may lại vết mổ. Mẹ nghĩ chắc ba ở ngoài kia cũng sẽ lo lắng lắm đây, không biết rồi sẽ về đâu khi con chỉ mới 28 tuần tuổi và vỏn vẹn đúng 1kg mà thôi! 

Mẹ nghe bác sĩ kêu người đưa ba vào nhìn mặt con rồi đem gửi ở dưỡng nhi. Ở phòng mổ, tất cả ekip đều được mặc áo xanh bảo vệ, có vẻ như là mấy lớp áo nên chắc sẽ không thấy lạnh. Còn mẹ, chỉ được đắp lên một lớp áo xanh nên mẹ cảm nhận rõ những đợt lạnh của máy điều hòa phà vào người. Mẹ run lên không tự chủ. Sau một hồi khâu vá, bác sĩ cũng bảo xong để kết thúc ca mổ và chuẩn bị đưa mẹ về phòng hồi sức. Kế bên mẹ là một mẹ bầu khác cũng vừa hoàn thành ca mổ xong, nhưng cô ây không lạnh run như mẹ. Cô y tá thấy mẹ lạnh run lên bần bật liền đắp thêm cho mẹ một lớp chăn nhưng cũng không làm mẹ ấm hơn. Mẹ trải qua cảm giác tê buốt ấy gần mười lăm phút thì mới không còn run nữa. Mẹ cứ nằm chờ và chờ thay hết chai nước thuốc này đến nước biển khác; cứ mơ mơ tỉnh tỉnh không biết bao lâu cho đến khi họ đẩy mẹ về phòng gặp gia đình. 

Ba đăng ký cho mẹ phòng dịch vụ hai giường. Ở đây phòng được chia làm hai ngăn bởi một tấm màn cửa. Bên kia cũng là một gia đình khác nhưng ở đấy người ta có em bé kề bên. Còn mẹ… thì…! 

Hành trình mạnh mẽ của em bé 1kg: Từ lồng kính đến vòng tay mẹ và những ngày níu giữ sự sống (P2) - 1

Họ đẩy mẹ xuống và giao lại cho ba con. Ba thấy mẹ vô cùng hốt hoảng, còn cậu 5 thì cũng loay hoay giữ đồ. Ba kêu mẹ ráng ăn cháo cho mau lại sức, nhưng mẹ cảm thấy không muốn ăn nên chỉ cố nuốt vài muỗng. Thế rồi không hiểu vì lý do gì mà mẹ cảm thấy buồn nôn khó chịu mà không kịp nói gì với ba, chỉ kịp quay sang một bên và nôn ra mọi thứ. Lúc này mẹ chỉ muốn lịm đi. Ba rối rít lau dọn, còn mẹ thì chỉ nằm đó, chẳng thiết tha nói gì thêm. 

Những ngày ở đó chống chọi với vô số kim tiêm và những cơn đau thắt đến tột cùng nhưng mẹ không hề khuất phục. Chỉ cần nghĩ đến sinh linh bé nhỏ của mẹ đang nằm lẻ loi ở đâu đó trong phòng dưỡng nhi mà mẹ có thêm nghị lực hơn vạn lần. Mẹ cố gắng ăn uống vực dậy tinh thần và tập đi vì mẹ biết rằng chỉ cần mẹ nỗ lực cố gắng, bé con của mẹ cũng sẽ như thế. 

Sáng chủ nhật ngày 4/2/2024 mẹ còn đang nằm thiu thiu trên giường, một tay vẫn còn đang truyền nước biển thì điện thoại mẹ reo lên; đầu dây bên kia là giọng của chú Phương – tài xế xe van vẫn hay chở mẹ đi làm mỗi ngày giọng hốt hoảng: “chú Huy mất rồi con, mới mất sáng nay. Vợ chú Huy không biết ai nên điện báo cho chú.” Mẹ vừa nghe tin mà tay chân rụng rời. Mới vài ngày trước chú ấy còn rủ mẹ cùng đi qua nhà máy vậy mà… Cuộc sống này quá đỗi vô thường con ạ. Mẹ chỉ hi vọng rằng mỗi kiếp con người chúng ta đến với thới giới này một cách bình an và ra đi thanh thản mà thôi. 

Mẹ vừa trải qua cú sốc của bản thân còn chưa xong nay lại nhận thêm tin dữ. Cuộc sống là vậy con nhỉ! Mọi thứ đến với chúng ta quá bất ngờ, dù chưa kịp chuẩn bị đó nhận nhưng nó vẫn diễn ra. Việc của chúng ta chỉ là đón nhận và cố gắng vượt qua mà thôi! Mẹ không biết bằng cách nào mà mẹ có thể trải qua những điều khủng khiếp như thế này, điều mà không bao giờ, chưa từng và chưa dám nghĩ sẽ xảy đến với mình. 

Rồi mẹ cũng được xuất viện về nhà! Trước khi về, bác sĩ cho mẹ được qua thăm con một lần, vì con còn rất yếu nên chỉ có thể đứng ngắm nhìn con ở ngoài mà thôi. Ba và mẹ được cô hộ lý dẫn đi băng qua bao nhiêu phòng, lướt qua bao nhiêu người chỉ để hi vọng sớm nhìn mặt con thật nhanh. Lúc ở trước cửa phòng sơ sinh, chỉ một trong hai người được vào thăm con mà thôi. Mẹ giành lấy cơ hội này để được tận mắt nhìn đứa con thơ bé bỏng của mẹ với bao nhiêu là dây nhợ chằng chịt xung quanh. Vì con chỉ mới 28 tuần còn quá yếu phải nhờ máy trợ thở nằm thoi thói trong lồng kính hình chữ nhật trong suốt; bác sĩ không cho mẹ vào mà chỉ đứng ngoài cửa thông qua lớp kính phòng nhìn vào bên trong. Rồi bác đi vào và bế con lên cho mẹ xem nhanh vài giây rồi đặt con yên vị lại trong lồng kính, bàn chân con chỉ độ bằng ngón tay cái của mẹ mà thôi. 

Mặt mẹ ép chặt vào tường kính, dù cố nén nỗi đau trong lòng nhưng nước mắt mẹ vẫn cứ lặng lẽ rơi. Con đỏ hỏn, bé xíu chỉ một 1kg thôi. Trời ơi! Mẹ đã làm gì con để ra nông nỗi này. Rồi bác sĩ đuổi vội mẹ ra ngoài vì sợ ảnh hưởng đến công việc của các bác trong đây và lây nhiễm vi khuẩn cho các con, mẹ buộc phải rời đi ngay. Mẹ lê bước chân ra khỏi phòng, băng qua hai chặng cửa để về với ba. Mẹ chẳng muốn nói gì với ba, chỉ im lặng rời đi. 

Hành trình mạnh mẽ của em bé 1kg: Từ lồng kính đến vòng tay mẹ và những ngày níu giữ sự sống (P2) - 2

Mẹ biết ba cũng rất muốn được gặp lại con, nhưng ba biết bản năng của người mẹ muốn gặp lại đứa con sau mấy tháng mang nặng của mẹ lớn lao như thế nào nên ba nhường cho mẹ. Rồi đây, cuộc chiến giành lại sự sống của mẹ con ta sẽ ra sao? Chẳng ai biết trước được điều gì con nhỉ!

Mẹ về nhà mà lòng không yên giây phút nào, hết tự trách bản thân rồi khóc, rồi lại cố gắng tự khuyên nhủ mình phải mạnh mẽ hơn để chăm sóc cho con, để cùng con cố gắng giành lấy sự sống từ tay tử thần. Mỗi ngày trôi qua đối với mẹ thật không dễ dàng gì. Ngày nào mẹ cũng điện thoại lên số điện thoại dưỡng nhi để hỏi bác sĩ về tình hình sức khỏe của con. Người ta nói con bị viêm ruột, phải thở máy CT PAD, con còn yếu lắm chỉ ăn được 2 ml sữa mỗi cữ mà thôi. Nghe đến đây mà tim mẹ vỡ tan, mẹ không tài nào có thể nghĩ rằng sẽ có ngày mình phải đối diện với những tin tức tồi tệ đến như vậy, nhưng có vẻ đó chưa phải là những gì mẹ phải đối mặt tiếp theo. 

Một hôm, mẹ nhận được cuộc gọi của bác sĩ báo người nhà phải lên để mua cây kim tim nhỏ để truyền cố định cho con, ba nghe vậy vội bắt xe grab lên ngay mà không chần chừ giây phút nào. Có lẽ những ai đã làm cha làm mẹ rồi sẽ hiểu lòng cha mẹ dành cho con của mình như thế nào. 

Rồi một ngày, bác sĩ điện thoại báo mẹ phải lên nuôi con, giờ đã có giường rồi nên ba và mẹ chuẩn bị đi ngay sau đó. Mẹ còn nhớ rất rõ đó là một chiều mùng 7 tết âm lịch, ba và mẹ được hướng dẫn nhận giường ở ngoài hành lang. Hai vợ chồng nằm co ro không biết khi nào con ra, con nhỏ như thế mà nằm hành lang gió lạnh và nhiều người qua lại như thế này liệu có ổn? Thế là ba và mẹ quyết định xin vào trong phòng cho mẹ con mình được ấm áp hơn. Mẹ cứ chạy ra chạy vào chỗ trực với hi vọng xin được một giường cho mẹ con mình an tâm chỗ ngủ không bị gió sương quật ngã. Ông trời cũng không phụ lòng mẹ, cuối cùng cũng xin được một giường ở phòng kangaroo 3, ở đó có một cặp vợ chồng mới được cho về. Mẹ mừng lắm!

Sau khi bàn bạc cẩn thận với mẹ xong ba sẽ chạy về rước bà nội lên để cùng mẹ chăm sóc con, còn ba phải đi làm kiếm tiền nuôi gia đình và đưa rước chị Hai đi học. Chị Hai ở nhà cũng rất buồn và nhớ mẹ, nhưng giờ đây mẹ chẳng thể làm gì khác vì con đang rất rất cần mẹ. Đang nằm nghĩ ngợi trên giường thì cô y tá bước vào và yêu cầu mẹ đi nhận con. Đây là lần thứ hai mẹ con mình gặp nhau và mẹ sẽ tự tay chăm sóc cho con rồi đó. Bồng con trên hai tay mà mẹ không dám thở mạnh, con có xíu xiu chỉ hơn con mèo con một chút, ánh mắt còn đờ đẫn miệng thì dính chi chít những mảnh da khô. 

Mẹ thương con khôn xiết và tự trách mình hàng vạn lần. Cùng với mẹ có đến vài chục mẹ khác cũng bế bé con trên tay và được bác sĩ tận tình hướng dẫn các loại thuốc bổ sung cho các con, uống mấy giờ như thế nào và xử lý khi con tím tái ngưng thở ra làm sao. Mẹ cố gắng quan sát cẩn thận và ghi nhớ mọi hướng dẫn đễ làm theo. Học gần xong thì bà nội và ba vào, căn phòng chật chội lại càng chật chội hơn. Ba lẻn qua đám đông và đi đến lại gần để báo cho mẹ biết rồi vội vã đi ra để các mẹ khác tiếp tục học và thực hành. Cô điều dưỡng phát cho con 3 bộ đồ trắng xíu xiu dành cho bé sinh non, phát thêm cho mẹ 2 khăn quấn để ấp con vào lồng ngực sưởi ấm cho con. Thế đó, con được mẹ và bà nội thay phiên nhau ấp kangaroo liên tục 24 giờ mỗi ngày, dùng thân nhiệt để ổn định nhiệt độ cho con và bơm sữa cho con theo cữ. 

Những ngày đầu con được nhét ống dẫn qua bằng mũi rồi sẽ được mẹ và bà nội bơm 5ml sữa mỗi 2 tiếng. Rồi tay con truyền thuốc bằng máy bơm chậm mà mỗi lần di chuyển lên phòng trực bà nội phải xách tay đi theo mẹ. Con thì luôn được ấp trong lồng ngực mẹ không rời. Ngày nào cũng vậy, sáng cho con uống thuốc vài giọt đủ các loại, từ sắt đến canxi, D3k2 rồi thuốc dành riêng cho bé sinh non, bơm từng  giọt từng giọt vào ống thông dạ dày cho con. Mẹ và bà nội không quản ngày đêm cực khổ, vừa thiu thiu ngủ phải ẵm con chạy lên phòng trực truyền thuốc, xong lại pha sữa rồi bơm sữa cho con. Sáng mỗi ngày phải bế con lên cho các bác sĩ khám. Ngày lại qua ngày như thế, cuộc sống chỉ lặng lẽ cố gắng, lặng lẽ chiến đấu cùng con. 

Bên cạnh đó, mẹ cũng được biết thêm nhiều hơn về một khía cạnh khác trong cuộc sống, khía cạnh mà chỉ ở bệnh viện mẹ mới trải nghiệm sâu sắc về sự sống, về cuộc đời và những mong ước giản đơn của các bậc làm cha làm mẹ. Trong phòng kangaroo 3 của mẹ con mình có 5 giường, mỗi giường đều là những câu chuyện khác nhau. Tuy nhiên, các phụ huynh ở đây đa số đều lớn tuổi nên gặp khó khăn trong quá trình dưỡng thai dẫn đến sinh non tự nhiên; còn mẹ thì khác, mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh bình thường, mẹ chỉ bị tiểu đường thai kỳ ăn tiết chế và hầu như không có bất kỳ những bất thường nào khác. Điều duy nhất khiến mẹ ở đây có lẽ là do ngoại lực tác động quá lớn làm bé con của mẹ phải chui ra sớm, và phải cùng mẹ chinh chiến những ngày tháng khó khăn vất vả ở khu sơ sinh bệnh viện Từ Dũ này.

Mỗi sáng sớm, mẹ hay nhìn ra ngoài cửa sổ khi mọi người vẫn còn đang chìm vào giấc ngủ, chỉ có hai hàng cây cao lớn lặng lẽ vươn mình đón nắng sớm. Thỉnh thoảng vài chiếc xe máy chạy lác đác lướt qua mắt mẹ. Ở trên vỉa hè, đâu đó một vài người đang trải báo trên tấm bạt vuông trước tòa nhà báo Giải Phóng. Ngày còn trẻ, mẹ cũng rất thích làm báo, mẹ đã từng nghĩ rằng lớn lên mẹ sẽ làm nhà văn, phóng viên hoặc phát thanh viên của một đài truyền hình nào đó. Thế nhưng, khi đã tốt nghiệp với tấm bằng trên tay mẹ đã dấn thân vào con đường khác, nhưng niềm yêu thích viết lách của mẹ vẫn còn đó. Có lẽ, tòa nhà báo Giải Phóng đối diện bệnh viện Từ Dũ này như một lời nhắc nhở cho riêng mẹ phải theo đuổi đam mê của mình. 

Hành trình mạnh mẽ của em bé 1kg: Từ lồng kính đến vòng tay mẹ và những ngày níu giữ sự sống (P2) - 3

Mẹ ngồi đó, ấp con trước ngực và hướng mắt về khúc đường quen thuộc mà trong lòng mẹ mơ mơ hồ hồ chẳng thiết nghĩ ngợi gì. Có vài giọt nắng đầu tiên xuyên qua tấm kính và rọi xuống mặt giường nơi mẹ đang ấp con, nó như sưởi ấm trái tim lạnh giá của mẹ và tiếp thêm chút ít sinh lực sống, để mẹ còn cố gắng cùng con chiến đấu những tháng ngày trong căn phòng chật chội nhưng rất nhiều sinh mệnh này. 

Mỗi ngày đều đặn mẹ phải làm những công việc giống nhau, thế nhưng mẹ chỉ mong mỗi ngày con tăng lên 5 gram theo tiêu chuẩn tối thiểu của bác sĩ là mẹ mừng lắm rồi. Từ mỗi cữ ăn 5ml rồi 7ml, rồi lại lên 10ml, 12ml. Cứ như thế bé con của mẹ sẽ lớn dần cùng những nỗ lực của mẹ và bà nội. Rồi bác sĩ cũng thay ống thông dạ dày cho con từ mũi đổi sang miệng, để con có thể thở tốt hơn và tập làm quen dần. Những ngày sau đó mẹ cũng cố gắng bơm sữa nhịp nhàng hơn, để con không phải nhói đau khó chịu khi mẹ vô tình bơm sữa quá nhiều và đột ngột vào dạ dày của con. 

Bác sĩ giải thích rằng từ 34 tuần trở lên, các con đều sẽ phản xạ nuốt. Mẹ mong ngày con tháo ống thông dạ dày và có thể bú bình như bao đứa trẻ bình thường khác, con cũng sẽ lớn lên và khỏe mạnh. Rồi con cũng sẽ chạy nhảy tung tăng như chị Hai, chị Trâm và chị Tuyết con của dì Sáu. Mẹ ảo tưởng như vậy thôi vì mẹ biết con của mẹ hơi đặc biệt một chút, con cần thời gian nhiều hơn mọi người.

Chiều ngồi ở dãy ghế trước phòng kangoroo 3 của khu sơ sinh E bệnh viện Từ Dũ, gió thổi lồng lộng con ạ, mẹ ngồi nghĩ không biết chúng ta sẽ ở đây bao lâu, chẳng ai nói trước được điều gì. Các phụ huynh khác có con bị tím tái, ngưng thở phải bế em bé chạy lên phòng trực liên tục, riêng bé con của mẹ thì rất dũng cảm. Từ ngày con ra với mẹ, con chưa một lần bị tím tái, vẫn ăn ngoan ngủ tốt. Mẹ chỉ hi vọng cơ thể con được bình thường như tất cả mọi người. Mẹ rất sợ, sợ khi phải nghĩ đến con vì mẹ mà sinh ra đã thiệt thòi, còn bị khiếm khuyết gì đó thì mẹ thật không biết phải làm sao. Mẹ nghe nói con phải khám mắt, rồi khám tim, phổi, não, thính giác…. Mẹ nghe mà thấy mà sợ hãi vô cùng. 

Ngày con chính thức tháo ống thông dạ dày đã đến, tháo ra thì mẹ rất vui nhưng cũng lo sợ con ăn ít sữa hơn, sẽ tụt cân và phải ở đây lâu hơn. Bà nội đã chuẩn bị sẵn cho con ly thủy tinh nhỏ có chia vạch cùng thêm cái muỗng bé xíu xiu. Nó dùng để đút cho con những muỗng sữa đầu tiên bằng đường miệng, để con cảm nhận sữa mẹ ngọt nhạt ra sao, dễ uống như thế nào. Mẹ và nội thay phiên nhau đút cho con từng muỗng, từng muỗng, kiên nhẫn và nhẹ nhàng. Rồi nội cũng lén đi mua bình sữa thêm cho con, để khi con nuốt tốt sẽ cho con bú bình cho mau lớn. Thế nhưng, việc bú bình đối với những em bé sinh non rất hạn chế, các con rất dễ bị sặc sữa và dẫn đến ngưng thở. 

Mẹ siêng hơn những bà mẹ ở đây, mỗi ngày mẹ đều chăm chỉ ghi lại cân nặng của con, những lời căn dặn chân tình của các y, bác sĩ vì mẹ thấy chẳng ai rảnh rỗi đem thêm một cuốn sổ và cây bút để ghi ghi chép chép như mẹ. Hơn nữa, mẹ cũng viết nhật ký cho hai mẹ con mình và những cảm nhận khác nhau mỗi ngày mà mẹ cùng con trải qua. Cứ như thế, gần hai tháng đằng đẵng trôi qua, con cũng được khám ROP (bệnh lý võng mạc của trẻ sinh non) và con đã được thông qua nhưng cần phải tiếp tục theo dõi. Nghe tin bác sĩ cho về mà mẹ và bà nội vỡ òa hạnh phúc. 

Về nhà, con được ở trong căn phòng quen thuộc của ba và mẹ, không gian rộng rãi yên tĩnh sẽ tốt cho con hơn, con của mẹ cũng sẽ được tắm rửa massge mỗi ngày qua dịch vụ mà mẹ đã đặt sẵn. Mẹ cũng không phải canh để chờ đợi tắm, thấp thỏm chạy tới chạy lui để lấy thuốc, lấy ống bơm sữa, không phải ăn những hạt cơm khô khốc và nhạt nhẽo. Ở nhà có ba và chị Hai, có những bữa cơm nghi ngút khói đang đợi sẵn, ở nhà chúng ta sẽ là một gia đình hoàn chỉnh, con ạ!

* Độc giả có thể đọc phần 1 câu chuyện tại đây: Hành trình mạnh mẽ của em bé 1kg: Những ngày còn nằm trong bụng mẹ (P1)

Tuệ Khương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Trường ca “Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh”- Lời tri ân gửi về quá khứ

Trường ca “Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh”- Lời tri ân gửi về quá khứ

Những ngày tháng tư về, miền biên viễn Tây Ninh nắng trải vàng rực rỡ. Những hàng cây bằng lăng hoa nở tím mùa thương. Tháng tư bình yên trong tiếng reo ca giữa khúc hát giao mùa của trời đất. Bỗng lắng lòng trong giai điệu du dương “Về Gò Dầu thăm dòng Vàm Cỏ Đông/ Lại nhớ người anh hùng năm xưa chỉ huy quyết tử/ Hỏi sông ơi dòng sông còn nhớ/ Ai chém vè năm xưa trong đạn lửa/ Con thuy

Hội Điện ảnh Việt Nam đề nghị xem xét vụ Quyền Linh “bị cắt ghép quảng cáo sữa giả”

Hội Điện ảnh Việt Nam đề nghị xem xét vụ Quyền Linh “bị cắt ghép quảng cáo sữa giả”

Hội Điện ảnh Việt Nam vừa có công văn số 87/HĐA ngày 21/04/2025 gửi Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục An ninh chính trị nội bộ (A03) - Bộ Công an, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) - Bộ Công an xem xét, có biện pháp xử lý những cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trên k