Khác biệt rõ rệt giữa đứa trẻ được nuôi dạy theo kiểu giàu sang và nghèo khó khi lớn lên

Chuyên gia Việt nêu quan điểm về nuôi con kiểu nghèo - kiểu giàu và sự khác biệt của những đứa trẻ khi trưởng thành.

Khác biệt rõ rệt giữa đứa trẻ được nuôi dạy theo kiểu giàu sang và nghèo khó khi lớn lên - 1

Trong thời hiện đại ngày nay, với sự phát triển kinh tế và những yêu cầu ngày càng tăng về cuộc sống vật chất, nhiều bậc bố mẹ có xu hướng đầu tư tất cả những điều tốt nhất cho con cái của mình. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng nuôi dạy con theo quan điểm này.

Một số người cho rằng việc không cung cấp quá nhiều cho con là một cách nuôi dạy tốt nhất, để giúp trẻ hiểu rõ về những khó khăn trong việc kiếm tiền và trân trọng giá trị công việc của bố mẹ.

Do đó, đã xuất hiện hai luồng ý kiến trái ngược nhau. Một là bố mẹ sẽ cung cấp đầy đủ vật chất, tiềm lực tài chính để giúp trẻ tự tin phát triển và khám phá tiềm năng của mình. 

Khác biệt rõ rệt giữa đứa trẻ được nuôi dạy theo kiểu giàu sang và nghèo khó khi lớn lên - 2

Ảnh minh hoạ

Trong khi đó, một số phụ huynh khác cho rằng, nên để trẻ trải qua những áp lực tài chính, và học cách đối mặt với khó khăn. Theo đó, trẻ cần trải qua những trải nghiệm thực tế, để hiểu rõ hơn về giá trị của tiền bạc và khái niệm về tiết kiệm, cũng như quản lý tài chính.

Vậy rốt cuộc, giữa hai quan điểm nuôi dạy con này thì đâu mới là cách giáo dục tốt nhất? Để giúp bố mẹ áp dụng phương pháp nuôi dạy phù hợp, chuyên gia tâm lý Quang Thị Mộng Chi sẽ có những chia sẻ hữu ích về vấn đề này.

Khác biệt rõ rệt giữa đứa trẻ được nuôi dạy theo kiểu giàu sang và nghèo khó khi lớn lên - 3

Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học KHXH&NV ĐHQG - TPHCM.

Khác biệt rõ rệt giữa đứa trẻ được nuôi dạy theo kiểu giàu sang và nghèo khó khi lớn lên - 4

Chuyên gia có thể nêu những điểm khác nhau cụ thể giữa nuôi con theo kiểu giàu sang và nuôi con theo kiểu nghèo khó?

Nếu gia đình có kinh tế thì nuôi con theo kiểu giàu sang hẳn là đỡ vất vả hơn, so với các bậc phụ huynh có kinh tế khó khăn. Bởi vì kinh tế hạn hẹp thì các lựa chọn dành cho con sẽ hạn chế hơn. Thông thường là cha mẹ thì ai cũng muốn đem đến những điều tốt nhất cho con cái, nếu không thể cho con bằng bạn bằng bè thì thường cảm thấy mặc cảm, có lỗi với con.

Tuy nhiên, có một số phụ huynh cho rằng dù gia đình kinh tế khá giả cũng phải nuôi con theo kiểu nghèo khó, để con biết nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Nhiều phụ huynh thường nói với con gia đình mình rất nghèo, thường xuyên từ chối các nhu cầu của con. Điều này không hẳn sẽ mang lại lợi ích như mong muốn. Chúng ta đều biết rằng trẻ có sự so sánh với các bạn đồng trang lứa, nếu như lúc nào trong đầu trẻ cũng nghĩ mình là đứa trẻ con nhà nghèo thì có thể sinh ra sự mặc cảm, tự ti.

Ngoài ra, khi trẻ nhận được 2 thông điệp khác nhau, thậm chí là trái ngược về lời của bố mẹ mô tả gia đình nghèo và cách mà bố mẹ mình tiêu tiền thì sẽ dễ dẫn đến nhiều rủi ro. Nếu như trẻ nhìn thấy bố mẹ mua sắm những thiết bị trong gia đình và cách chi tiêu không giống một gia đình nghèo, thì trẻ sẽ không hình dung được khái niệm giàu, nghèo hoặc khi lớn hơn, trẻ có thể không tin tưởng lời nói của ba mẹ.

Ở chiều ngược lại, một số phụ huynh thường cố gắng chu cấp cho con tất cả, bằng mọi giá để con không cảm thấy tủi thân về gia cảnh của mình. Điều này có thể dẫn đến việc con cái đòi hỏi về vật chất quá mức so với khả năng tài chính của gia đình. Cho nên, không nhất thiết cha mẹ phải áp dụng cực đoan một cách nuôi dạy con theo kiểu giàu sang hay nghèo khó, mà cần cho trẻ hiểu ý nghĩa và giá trị của tiền bạc và cách quản lý tiền thì tốt hơn.

Khác biệt rõ rệt giữa đứa trẻ được nuôi dạy theo kiểu giàu sang và nghèo khó khi lớn lên - 5

Nhiều bố mẹ ngày nay áp dụng quan điểm "Lấy nghèo dạy con trai, lấy giàu nuôi con gái", chuyên gia nghĩ gì về điều này?

Nhiều bậc cha mẹ thường sử dụng quan điểm “Lấy nghèo dạy con trai, lấy giàu nuôi con gái”, vì cho rằng con trai cần có sự gánh vác trách nhiệm về kinh tế khi trưởng thành, và cần nỗ lực nhiều để có thể trở thành người trụ cột trong gia đình sau này.

Còn đối với con gái, các bậc cha mẹ mong muốn con lớn lên không vì đồng tiền mà bị lợi dụng hoặc sa ngã. Tuy nhiên, dù là con trai hay con gái thì cũng cần có sự độc lập về kinh tế, biết cách kiếm tiền và tiêu tiền một cách phù hợp. Do đó tôi không cho rằng, con trai và con gái cần có sự khác biệt trong cách giáo dục về quản lý tài chính.

Khác biệt rõ rệt giữa đứa trẻ được nuôi dạy theo kiểu giàu sang và nghèo khó khi lớn lên - 6

Những đứa trẻ được nuôi dạy bằng “sự giàu có giả tạo” hoặc "sự nghèo khó giả tạo" sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến tâm lý, lối sống và quá trình hình thành nhân cách?

Những đứa trẻ được dạy bằng “sự nghèo khó giả tạo” hay “sự giàu có giả tạo” đều ảnh hưởng lớn đến khả năng nhận thức của trẻ về việc sử dụng tiền bạc, cũng như giá trị sống. Khi trẻ có những nhận thức sai lệch, thì sẽ dẫn đến những thái độ cư xử cũng như hành vi sai lệch, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách và lối sống của trẻ. Trẻ có thể tự ti về bản thân, không muốn phấn đấu để phát triển vì nghĩ mình nghèo hèn, hoặc vung tay quá trán trong việc tiêu tiền vì cho rằng mình giàu có.

Dù là thái cực nào thì cũng sẽ ảnh hưởng theo hướng tiêu cực đến con. Một số cha mẹ dạy con sống nghèo khổ còn có thể dẫn đến việc ghét người giàu, đổ lỗi cho số phận và né tránh việc làm giàu. Ngoài ra, trẻ còn có thể có tâm thế phải “tiêu ít tiền nhất có thể”, điều này dẫn đến việc trẻ không những không lựa chọn được đồ vật hay dịch vụ phù hợp về giá cả và giá trị sử dụng, mà còn có thể dẫn đến việc trở thành người keo kiệt, bủn sỉn.

Còn theo hướng ngược lại, trẻ luôn tiêu xài thoải mái hơn mức tài chính mình có, thì không hình thành được khả năng tích luỹ vốn cho những mục tiêu xa hơn, nên sẽ bị lẩn quẩn trong thiếu thốn tiền bạc khi trẻ lớn lên, nhưng trước mắt là sẽ khiến cha mẹ đau đầu vì áp lực kinh tế.

Khác biệt rõ rệt giữa đứa trẻ được nuôi dạy theo kiểu giàu sang và nghèo khó khi lớn lên - 7

Chuyên gia có thể gợi ý một số trường hợp bố mẹ nên áp dụng 2 kiểu nuôi dạy này?

Thực ra với tôi thì các bậc phụ huynh nên giáo dục con em mình sử dụng tiền sao cho đúng mục đích, và phù hợp với hoàn cảnh của gia đình. Muốn làm được như vậy, các bậc phụ huynh cần phải chia sẻ với con về thực trạng tài chính của gia đình, và cho con được quyền tham gia vào một số quyết định tài chính trong đời sống gia đình mình.

Trẻ cũng sẽ được cho quyền quyết định tiêu những khoản tiền dành cho việc mua sắm cá nhân, và trẻ có trách nhiệm với những quyết định đó. Khi trẻ hiểu được rõ tiêu như thế nào là phù hợp, và biết cách tiết kiệm tiền dự phòng cho những tình huống không may, điều này sẽ giúp trẻ quản lý được tài chính hiệu quả hơn trong tương lai.

Với những gia đình có kinh tế khá giả, các bậc cha mẹ nên dạy con về việc làm sao để có thể kiếm ra đồng tiền và cách quản lý chi tiêu để giúp gia đình có kinh tế khá như thế, để dạy trẻ việc tận dụng nguồn lực sẵn có từ gia đình để có thể phát huy hơn cơ hội học tập và phát triển bản thân.

Với những gia đình kinh tế còn eo hẹp, cha mẹ nên dạy con tiết kiệm trong chi tiêu hơn, bằng cách chọn lựa đồ dùng phù hợp với mức tài chính, hạn chế các nhu cầu chưa thật cần thiết, đầu tư nhiều vào lĩnh vực học tập để phát triển bản thân. Như vậy, bố mẹ đã hướng dẫn con cách chi tiêu hợp lý, xa hơn nữa là hướng đến mục tiêu tích lũy để tạo một nguồn vốn làm đòn bẩy giúp kinh tế trở nên tốt hơn sau này.

Trong cả hai trường hợp, bố mẹ đều nên dạy con về giá trị của tiết kiệm: chỉ mua những thứ mình thực sự cần chứ không chỉ mua thứ mình muốn, và tính toán đến giá trị sử dụng của món đồ hơn là số tiền bỏ ra ban đầu. Đồng thời, bố mẹ cũng sẽ tạo nhiều cơ hội cho con được cân nhắc trong việc sử dụng tiền riêng của con, để tập quản lý chi tiêu từ sớm, hơn là đợi đến lúc con lớn sẽ tự biết.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin mới nhất

“Tôi nợ cuộc đời này cả những thương đau”

“Tôi nợ cuộc đời này cả những thương đau”

Chiến tranh đã lùi rất xa. Cuộc đời đã sang một trang khác. Con người cũng đã chuyển sang một trạng thái tinh thần khác. Nhưng dư ba của chiến tranh thì chưa hề ngưng trong mỗi tâm hồn. Cuộc sống mới với sự ồn ào, náo nhiệt cần có của dựng xây, kiến thiết, nhưng cũng cần có những giây phút bình yên như mặt biển “vùi sâu dưới đáy những gì đau thương” (“Biển hát chiều nay” - Hồn