Thiết bị nào trong nhà tốn điện hơn điều hòa? Sự thật có thể khiến bạn bất ngờ
Bạn đã từng kiểm tra lượng điện tiêu thụ từng thiết bị trong nhà mình chưa? Có thể bạn sẽ bất ngờ với thủ phạm khiến hóa đơn điện “phình to” mỗi tháng.
Trong tâm trí nhiều người tiêu dùng, điều hòa vẫn được xem là "sát thủ tiền điện" số một trong mùa hè. Tuy nhiên, một số thiết bị quen thuộc khác trong gia đình cũng có thể gây ra hóa đơn điện cao không kém, thậm chí hơn, nếu không được sử dụng hợp lý.
Điều hòa – “kẻ tốn điện” nổi tiếng nhưng chưa chắc nhất bảng
Không thể phủ nhận rằng điều hòa là một trong những thiết bị tiêu thụ điện hàng đầu, nhất là trong các hộ gia đình sống ở vùng nóng như TP.HCM hay miền Trung. Hay các tòa nhà cao tầng, căn hộ chung cư xây bằng bê tông cốt thép có khả năng giữ nhiệt rất cao, cũng có thể làm tăng đáng kể nhu cầu làm mát bằng điều hòa.
Một chiếc điều hòa 1 HP (khoảng 9.000 BTU) có công suất tiêu thụ trung bình 1.000 – 1.200 W khi chạy ổn định, có thể lên đến 1.500 W trong lúc khởi động hoặc hoạt động ở công suất cao.
Nếu sử dụng liên tục 6 – 10 tiếng mỗi ngày trong mùa nóng, điều hòa có thể tiêu thụ từ 5 đến 10 kWh/ngày, tương đương 150 – 300 kWh/tháng. Với mức giá điện trung bình 2.500 đồng/kWh, chi phí điện hàng tháng có thể dao động từ 375.000 – 750.000 đồng.
Tuy nhiên, điều hòa thường chỉ được dùng nhiều vào mùa hè. Ngoài mùa nóng, thời gian sử dụng giảm đáng kể, giúp lượng điện tiêu thụ được cắt giảm.
Những “ứng viên ngầm” tiêu tốn điện không kém điều hòa
- Bình nóng lạnh
Có 2 loại bình nóng lạnh, gồm bình nóng lạnh gián tiếp và bình nóng lạnh trực tiếp. Bình nóng lạnh gián tiếp là loại máy nước nóng sử dụng điện trở (hoặc thanh nhiệt) để làm nóng nước trong một bình chứa lớn, sau đó cung cấp nước nóng qua đường ống đến các thiết bị vệ sinh như vòi sen, vòi rửa mặt, bồn tắm,...
Bình nóng lạnh trực tiếp là loại máy nước nóng không có bình chứa, hoạt động theo nguyên lý: nước chảy đến đâu được làm nóng đến đó, gần như ngay lập tức, thông qua thanh nhiệt công suất lớn nằm bên trong máy.
Bình nóng lạnh, đặc biệt là loại gián tiếp, thường có công suất rất cao, khoảng 2.500 – 3.000 W. Nếu gia đình bạn dùng bình nước nóng 1 giờ/ngày, mỗi tháng sẽ tiêu tốn từ 75 – 90 kWh, tương đương 187.500 – 225.000 đồng.
Thực tế, nhiều người có thói quen bật bình nóng lạnh trước khi tắm… rồi quên tắt. Trong trường hợp đó, thiết bị sẽ tiếp tục duy trì nước nóng bằng cách kích hoạt liên tục, gây tiêu tốn điện không kém gì việc bật điều hòa cả ngày.
Nếu trong nhà có 4–5 người dùng bình nóng lạnh liên tục, tổng lượng điện tiêu thụ có thể vượt cả điều hòa, nhất là ở các vùng lạnh.
- Bếp điện từ
Sự phổ biến của bếp từ trong các căn hộ chung cư hiện đại khiến thiết bị này trở thành một trong những “khách quen” trên hóa đơn điện hàng tháng. Một bếp từ đơn có công suất trung bình 2.000 W. Nếu bạn nấu ăn 1 tiếng mỗi ngày, mức tiêu thụ điện là 60 kWh/tháng (khoảng 150.000 đồng).
Tuy nhiên, nhiều gia đình sử dụng bếp đôi và nấu ăn cả sáng, trưa, tối, mỗi lần 30–60 phút. Khi đó, tổng thời gian sử dụng có thể lên tới 90–120 giờ/tháng, tiêu thụ 180–240 kWh, tương đương 450.000 – 600.000 đồng/tháng, xấp xỉ hoặc thậm chí vượt mức điện năng tiêu thụ của điều hòa.
Ngoài ra, bếp từ thường dùng kết hợp với máy hút mùi, lò nướng, nồi chiên không dầu… tất cả đều là những thiết bị có công suất cao.
- Máy sấy quần áo
Ở các khu vực ẩm thấp, mưa nhiều hoặc gia đình có trẻ nhỏ, máy sấy là thiết bị quan trọng để đảm bảo quần áo khô ráo, sạch khuẩn. Tuy nhiên, máy sấy quần áo có công suất từ 2.000 – 2.800 W, tùy loại.
Chỉ cần dùng 1 giờ/lần, 15 lần/tháng, mức tiêu thụ đã đạt gần 40 – 45 kWh, tương đương khoảng 100.000 – 112.500 đồng. Nếu dùng thường xuyên hơn, con số này sẽ nhân đôi hoặc nhân ba.
Nguy hiểm hơn, nhiều loại máy sấy cũ, hiệu suất thấp hoặc bị nghẹt bụi có thể tiêu tốn gấp rưỡi lượng điện bình thường cho cùng một mẻ sấy.
- Tủ lạnh
Tủ lạnh dù có công suất tương đối nhỏ (khoảng 100 – 200 W) nhưng hoạt động liên tục ngày đêm. Nhờ hệ thống cảm biến và cơ chế ngắt tự động, trung bình một tủ lạnh tiêu thụ khoảng 30 – 60 kWh/tháng, tương đương 75.000 – 150.000 đồng.
Nếu tủ lạnh không được vệ sinh định kỳ, bị đóng tuyết hoặc thiếu gas, lượng điện tiêu thụ sẽ tăng mạnh. Các dòng tủ lạnh đời cũ không có công nghệ Inverter cũng có hiệu suất tiêu tốn điện cao hơn nhiều so với các mẫu hiện đại.
Điều hòa chắc chắn là một trong những thiết bị tiêu tốn điện lớn, đặc biệt khi dùng lâu và mở ở nhiệt độ quá thấp. Nhưng nếu chỉ xét về lượng điện tiêu thụ thì bình nóng lạnh, bếp điện từ và máy sấy quần áo hoàn toàn có thể vượt mặt điều hò, đặc biệt nếu được sử dụng với tần suất cao và không kiểm soát.
Để tiết kiệm điện, bạn nên lắp thiết bị Inverter cho các thiết bị công suất lớn như điều hòa, tủ lạnh, máy giặt. Tắt thiết bị khi không dùng, không để ở chế độ chờ.
Ngoài ra, bạn nên sử dụng hợp lý, ví dụ như chỉ bật bình nóng lạnh ngay trước khi tắm, khi sử dụng thì tắt đi, hẹn giờ điều hòa ban đêm, phơi quần áo nếu có nắng,... Đồng thời, nên bảo trì định kỳ các thiết bị lớn để đảm bảo hiệu suất hoạt động.
Cuối cùng, điều quan trọng không chỉ là loại thiết bị nào đang được sử dụng, mà là cách bạn đang sử dụng chúng. Một chiếc điều hòa tiết kiệm có thể “dễ thở” hơn nhiều so với bếp từ chạy cả ngày hay bình nóng lạnh bật liên tục đấy.
Bình luận