Vợ thủ môn Đặng Văn Lâm khoe body quá "mlem" sau sinh 2 tháng, dân tình nổ tranh cãi chuyện không ở cữ
Vợ thủ môn Đặng Văn Lâm sau sinh hơn 2 tháng: Eo giảm 34cm, không đau lưng, không rụng tóc dù không ở cữ.
Sau màn khoe body "đỉnh chóp" của mẹ bỉm, dân tình tranh cãi chuyện không ở cữ
Sau sinh, Yến Xuân - vợ của thủ môn Đặng Văn Lâm thường xuyên chia sẻ những hình ảnh về body của mình khiến hội chị em không khỏi trầm trồ vì quá "mlem". Dù chỉ mới sinh con được 2 tháng 17 ngày, nhưng vòng eo của cô đã giảm 34 cm, từ 96cm xuống chỉ còn 62cm. Tổng cộng, bà xã thủ thành tuyển Việt Nam đã giảm 12,5kg, về mức 50kg.
Trong hình ảnh được chia sẻ, Yến Xuân diện áo croptop khoe bụng phẳng lì, gọn gàng đến khó tin. Cô còn công bố bảng "check sức khỏe hậu sản", liệt kê rõ các triệu chứng mà nhiều mẹ sau sinh thường gặp: Không đau lưng - Không ù tai - Không lạnh người - Không rụng tóc. Chỉ mắt hơi kém, điều duy nhất cô “đánh dấu tick”.
Yến Xuân khoe body cực "cháy" sau gần 3 tháng sinh con đầu lòng.
Không chỉ vậy, nữ HLV thể hình còn nhắn vui với cộng đồng: “Team không ở cữ điểm danh ạ” – ngụ ý bản thân vẫn tắm rửa, sinh hoạt bình thường và thậm chí ngâm lạnh mỗi ngày, không kiêng khem quá mức sau sinh như nhiều người vẫn thường làm theo kinh nghiệm dân gian.
Bài đăng của Yến Xuân nhanh chóng gây bão mạng xã hội. Bên dưới, hàng loạt mẹ bỉm sữa để lại bình luận ngưỡng mộ vóc dáng lẫn thần thái của cô: “Body đỉnh quá chị ơi!”, “Nhìn không ai nghĩ chị mới sinh con gần 3 tháng luôn á!”, “Xin vía lấy dáng sau sinh ạ!”
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng xuất hiện nhiều luồng ý kiến trái chiều liên quan đến việc cô tuyên bố không ở cữ. Nhiều người chia sẻ trải nghiệm cá nhân như: “Xưa chị cũng không ở cữ, sau 6 tháng trở đi mới thấy sức khỏe giảm hẳn, bắt đầu lạnh dần”, “Không ở cữ trong 1-2 năm đầu không thấy gì đâu, nhưng em xong tầm 6 năm rồi thấy tay chân lạnh, gai người, thậm chí bị tiền đình”, “6 năm sau sinh chị bị tiền đình, ù tai, lạnh chân tay… Nói chung nên nghe lời các cụ”...
Ngoài mắt kém, bà xã Đặng Văn Lâm chưa gặp nhiều vấn đề sức khỏe khi không ở cữ.
Có người thuộc team không ở cữ như Yến Xuân thì cho biết: “Em không ở cữ, 2 năm rồi vẫn khỏe re. Ăn uống, tập luyện, sinh hoạt điều độ thì không sao cả. Chị ha”. Một mẹ bỉm qua 3 lần sinh nở chia sẻ: "Chị sinh 3 đứa đều tự chăm con nên không có ở cữ luôn. Có thấy yếu, có thấy lạnh nhưng đều là do chăm sóc cơ thể chưa đúng, chăm đúng thì người tự ấm tự hồng hào lại thôi, tóc cũng vậy, qua đợt rụng thì mọc dầy lại à. Cốt lõi là chăm sóc cơ thể đủ chất, tập luyện thể dục cho máu huyết lưu thông".
Trước những bình luận lo ngại, Yến Xuân cũng thẳng thắn đáp lại với tinh thần nhẹ nhàng: “Nếu 6-7 năm sau mới có triệu chứng thì một trong những nguyên nhân có thể là do mình lão hóa và chăm sóc sức khỏe chưa tốt ạ”. Tuy nhiên khi nghe quá nhiều lời cảnh báo về "hậu quả" của việc không ở cữ, bà xã Đặng Văn Lâm bày tỏ: "Nghe mọi người nói cũng sợ quá. Đang bổ sung canxi, sắt, vitamin, phơi nắng, ngủ đủ, tập thể dục. Để coi thêm mấy tháng nữa".
Nữ HLV rất chăm luyện tập lấy lại vóc dáng, thậm chí vừa chơi đùa với "cục cưng" và dùng chiếc xe đẩy như một công cụ tập luyện.
Mẹ bỉm thoải mái về tinh thần và hạnh phúc để vừa chăm con, vừa chăm sóc cơ thể sau sinh.
Ở cữ sau sinh: Truyền thống và góc nhìn hiện đại
Trong văn hóa Á Đông, ở cữ sau sinh được xem là thời kỳ “vàng” để người mẹ hồi phục thể lực, tránh mắc các di chứng lâu dài. Theo quan niệm truyền thống, phụ nữ sau sinh cần kiêng tắm, kiêng ra gió, kiêng ăn đồ lạnh và hạn chế vận động suốt 1 tháng (hoặc 3 tháng 10 ngày với những người kỹ tính).
Tuy nhiên, góc nhìn hiện đại đã thay đổi đáng kể. Nhiều bác sĩ sản khoa khuyên rằng:
- Việc kiêng cữ quá mức (như không vệ sinh cơ thể, không ra ngoài) không còn cần thiết, thậm chí có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần và sức khỏe.
- Mẹ sau sinh hoàn toàn có thể tắm nước ấm, vận động nhẹ nhàng, và duy trì tinh thần vui vẻ.
- Quan trọng hơn cả là chế độ dinh dưỡng đầy đủ, ngủ đủ giấc và vận động phù hợp, giúp giảm nguy cơ trầm cảm sau sinh và hồi phục nhanh.
Tất nhiên, cơ địa mỗi người là khác nhau. Có người ở cữ nghiêm ngặt vẫn gặp di chứng, trong khi người khác sinh hoạt bình thường lại phục hồi tốt. Do đó, các chuyên gia khuyến khích mẹ sau sinh nên lắng nghe cơ thể và tham khảo ý kiến bác sĩ, không nhất thiết phải áp dụng rập khuôn theo kinh nghiệm dân gian.
Bình luận