Tôi hết lòng chăm cháu để con gái đi công tác, con rể nói 2 câu khiến tôi tối sầm mặt
Tôi không thể tin vào tai mình. Tối hôm đó, tôi nằm quay mặt vào tường, không ngủ được.
Năm nay tôi 68 tuổi, đã nghỉ hưu vài năm nay. Cuộc sống của tôi trôi qua nhẹ nhàng bên khu vườn nhỏ sau nhà, cho đến khi con gái tôi phải đi công tác đột xuất hơn một tháng ở miền Trung. Vì thương con, tôi không đắn đo mà xách đồ sang nhà nó, phụ giúp trông hai đứa cháu gồm bé Na đang học lớp 1 và cu Tí mới đi mẫu giáo.
Tôi nghĩ đơn giản rằng, đã là mẹ thì con gái dù lớn cỡ nào cũng vẫn cần mình. Còn cháu thì là máu mủ, chăm chúng có gì đâu mà ngại. Dũng, con rể tôi khi ấy cũng gật đầu đồng ý, thậm chí có phần cảm kích vì được mẹ giúp đỡ. Tôi cũng không nghĩ nhiều, chỉ chú tâm lo liệu mọi việc từ bữa cơm đến giấc ngủ cho bọn trẻ.
Ban đầu, mọi thứ diễn ra suôn sẻ. Tôi dậy sớm nấu đồ ăn sáng, đưa đón cháu đi học. Tối đến lại lọ mọ nấu cơm, giặt giũ. Cứ thế, tôi đảm đương hết việc nhà để con rể tập trung đi làm. Tôi thấy mình có ích, lòng cũng an vui.
Nhưng rồi, chuyện xảy ra vào một chiều muộn sau giờ tan học. Hôm ấy, bé Na mang về bài kiểm tra tiếng Việt điểm kém. Tôi còn chưa kịp hỏi han thì Dũng đã cau mặt, trách móc con bé. Trong cơn giận, con rể buông một câu khiến tôi chết sững:
- Mẹ đừng can thiệp. Việc dạy con là việc của con, không phải việc của mẹ.
Tôi không thể tin vào tai mình. Lúc đó tôi chỉ nhắc nhẹ rằng con bé hôm trước bị sốt, chắc còn mệt nên học hành chểnh mảng. Tôi nghĩ mình đang bảo vệ cháu, nhưng có lẽ với Dũng, tôi đang “xía” vào chuyện dạy dỗ của nó. Câu nói đó không chỉ là sự gạt phăng lời góp ý, mà như một nhát dao cắt phăng sợi dây tôi nghĩ là thân tình giữa mẹ vợ – con rể.
Tôi nghĩ mình đang bảo vệ cháu, nhưng có lẽ với Dũng, tôi đang “xía” vào chuyện dạy dỗ của nó. (Ảnh minh họa)
Tối hôm đó, tôi nằm quay mặt vào tường, không ngủ được. Tôi bắt đầu tự hỏi, liệu có phải mình đang làm quá? Có phải sự tận tâm của tôi đang vô tình trở thành gánh nặng?
Tôi định bụng sẽ giữ khoảng cách hơn, nhưng cuối tuần sau, thấy Dũng chuẩn bị đưa cả hai đứa nhỏ đi công viên một mình, tôi không đành lòng. Tôi nhẹ nhàng đề nghị được đi cùng để hỗ trợ, vậy mà cậu ấy gắt lên:
- Mẹ không hiểu à? Con muốn tự lo cho con của con.
Tôi như bị đẩy lùi về phía sau. Trái tim tôi vỡ vụn, chưa bao giờ trong đời tôi thấy mình bị từ chối một cách quyết liệt đến vậy, bởi chính người con rể mà tôi từng hết lòng chăm lo. Tôi chỉ muốn giúp, chứ nào có ý giành phần? Nhưng hóa ra trong mắt con rể, sự giúp đỡ của tôi lại là sự can thiệp khó chịu.
Từ hôm đó, không khí trong nhà trở nên căng thẳng. Tôi và Dũng không nói chuyện với nhau. Bọn trẻ cũng vì thế mà trở nên dè dặt, nhìn người lớn bằng ánh mắt lo lắng. Tôi cảm thấy mình như người thừa, có mặt cũng không ai cần, mà vắng mặt cũng chẳng ai nhớ.
Một buổi chiều, tôi đem chuyện kể với bà hàng xóm thân quen. Bà chỉ nhẹ nhàng bảo:
- Chị càng cố gắng, nó càng thấy mất quyền kiểm soát. Đàn ông hay vậy, làm gì cũng muốn là người cầm trịch. Chị lùi một bước thử xem?
Câu nói đó khiến tôi giật mình. Tôi đã quá quen với việc điều khiển, tổ chức, sắp đặt, đến mức quên mất rằng đây là mái ấm của con gái tôi, nơi tôi chỉ là người hỗ trợ, không phải người quyết định.
Trái tim tôi vỡ vụn, chưa bao giờ trong đời tôi thấy mình bị từ chối một cách quyết liệt đến vậy, bởi chính người con rể mà tôi từng hết lòng chăm lo. (Ảnh minh họa)
Hôm sau, tôi chủ động ngồi xuống nói chuyện thẳng thắn với con rể. Tôi nói rằng tôi xin lỗi vì đã quá nhiệt tình mà không để ý đến cảm xúc của cậu ấy. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là đang giúp, chứ không hề có ý “can thiệp”. Thật bất ngờ, Dũng cũng nhẹ nhàng thừa nhận rằng dạo này con quá căng thẳng vì công việc và không kiểm soát được lời nói. Cuộc trò chuyện ấy, ngắn thôi, nhưng đã gỡ được nút thắt suốt cả tuần căng như dây đàn.
Sau đó, tôi thay đổi cách giúp đỡ. Tôi không ở lại cả ngày nữa, chỉ ghé sang vào buổi chiều, mang ít trái cây hoặc canh nóng cho bọn trẻ. Tôi để Dũng chủ động yêu cầu khi cần, không chen vào những lúc không được mời. Không khí gia đình dần dịu lại. Một hôm, chính Dũng là người rủ tôi cuối tuần đi cùng cả nhà ra ngoài chơi, vừa dã ngoại vừa trông cháu. Tôi hiểu, đó là cách con rể “nói lời xin lỗi” theo kiểu đàn ông.
Giờ đây, tôi không còn tham lam chuyện làm hết mọi việc nữa. Tôi học cách lui về sau, quan sát và hỗ trợ khi cần thiết. Bọn trẻ vui vẻ hơn, con gái gọi điện về cũng yên tâm hơn.
Tôi hiểu ra một điều, làm mẹ, làm bà, không phải cứ hết lòng là đủ. Đôi khi, lùi lại một bước mới là cách giữ gìn hạnh phúc cho cả một gia đình.
Bình luận