Trẻ giận dỗi ăn vạ khiến mẹ khó xử, chuyên gia tâm lý mách cách xử trí hiệu quả
Trẻ khóc lóc, ăn vạ... đặt ra thức thách cho bố mẹ trong việc nuôi dạy con.
Trẻ em trong giai đoạn phát triển thường gặp phải những cảm xúc mạnh mẽ và đôi khi không thể kiểm soát. Một trong những hành vi phổ biến là ăn vạ, khóc lóc và thậm chí đánh bố mẹ.
Bởi trẻ nhỏ thường chưa phát triển đầy đủ khả năng nhận thức và diễn đạt cảm xúc. Khi đối mặt với những tình huống căng thẳng, hay không được chiều theo ý muốn...
Ảnh minh họa.
Điều này có thể là cách để trẻ thể hiện sự thất vọng mà đôi khi là phương tiện để tìm kiếm sự chú ý và an ủi từ bố mẹ. Việc trẻ đánh bố mẹ trong những trường hợp này có thể xuất phát từ sự tức giận hoặc cảm giác bất lực, và không phải lúc nào cũng mang ý nghĩa xấu.
Tuy nhiên, hành vi trên cũng gây ra căng thẳng trong mối quan hệ giữa trẻ và bố mẹ. Bố mẹ có thể cảm thấy mệt mỏi, lo lắng và đôi khi không biết cách xử lý tình huống. Nếu không được giải quyết đúng cách, hành vi này có thể dẫn đến sự xung đột và khoảng cách giữa bố mẹ và trẻ.
Hiện tượng này cũng gây ra những khó khăn trong việc nuôi dạy, đặt ra những thách thức về cách ứng xử và giáo dục trong gia đình. Vì vậy, việc tìm hiểu về hành vi này là cần thiết để có cách ứng xử phù hợp, giúp trẻ phát triển tính cách, tâm lý lành mạnh hơn.
Tình huống: Đứa trẻ được mẹ đưa đi chơi cùng hai chị họ, khi đến giờ cô bé không muốn về nhà và quay ra đánh mẹ, phá đồ đạc trước đám đông.
Người mẹ cho biết thường ngày cô bé ngoan và vâng lời, đây là lần đầu có hành vi lạ, chị đoán rằng có thể trẻ nghĩ mẹ thương người khác hơn mình, theo chuyên gia đây có phải là nguyên nhân chính không? Có nguyên nhân nào khác khiến đứa trẻ bộc phát hành vi này?
Trong tình huống này chúng ta cần xem xét thêm trong cuộc sống hàng ngày, thời gian trẻ và mẹ ở cùng nhau, có sự hiện diện của hai chị họ thì chắc chắn đứa trẻ sẽ có sự so sánh, quan sát giữa mình với người khác. Cụ thể là cách mẹ đối xử với mình và người khác thế nào.
Có thể, trẻ mang cảm giác rằng mẹ sẽ thương người khác hơn mình, thông qua hành vi mẹ đối xử âu yếm, nhẹ nhàng hơn với các chị.
Ngoài ta, có thể xuất phát từ những nguyên nhân khác. Thứ nhất, khi tương tác với gia đình, trẻ có khả năng nhận biết mẹ, bố không thể nào phạt mình trước mặt người khác, nên đôi khi trẻ cố tình ăn vạ, khó chịu để thách thức kiên nhẫn của bố mẹ.
Thứ hai, trong khi trẻ vui vẻ, hạnh phúc chơi với các chị, lúc này người mẹ nói rằng "đã đến giờ về nhà", trẻ có thể nhận diện đây là hành vi gây hấn, tước đoạt niềm hạnh phúc từ phía mẹ.
Trong trường hợp này, có 3 nhóm nguyên nhân chính khiến trẻ bộc phát hành vi. Tuy nhiên, kèm thêm một nguyên nhân sâu xa hơn có thể xuất phát từ việc trước đây trẻ từng manh nha những hành động trên, nhưng chưa được bố mẹ phát hiện, nhận biết ra để điều chỉnh một cách ổn thỏa. Và trẻ cũng chưa có cơ hội để tái lập lại hành vi này. Vì vậy, trong trường hợp trên đã phần phụ huynh bất ngờ.
Thưa chuyên gia , trong tình huống trên người mẹ nên xử lý thế nào? Có nên sử dụng hình phạt hay kỷ luật nghiêm khắc như đánh con trong những tình huống như thế này không?
Trong tình huống trên, đứa trẻ đã đánh mẹ đây là hành vi không thể chấp nhận được. Nếu lúc này, người mẹ đánh lại trẻ có nghĩa mẹ cũng đang làm sai. Vì vậy, chuyên gia chưa bao giờ ủng hộ việc bố mẹ dùng đòn roi với con.
Điều quan trọng người mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân vì sao trẻ có hành vi này, hãy cố gắng giúp trẻ bình tĩnh bằng nhiều cách khác nhau, tùy vào đặc thù tính cách của con. Các lý tưởng nhất là tạm thời cách ly trẻ với gia đình và hai chị họ trước, để trẻ bình tâm lại. Hoặc mẹ có thể liên tục tương tác mắt, để trẻ hiểu rằng đang có mẹ ở bên.
Sau khi trẻ đã bình tĩnh trở lại, người mẹ nên giúp con hiểu mọi chuyện đã xảy ra như vậy, mô tả và nhắc lại câu chuyện. Tiếp theo, người mẹ nên hỏi trẻ "Tại sao con có hành vi như vậy?" hay "Cảm nhận của con đang thế nào?"... Trước khi người mẹ phạt con, cần phải biết rõ con mình trước. Khi rõ ràng trẻ đã làm sai, trong tình huống này trẻ biết điều đó sai nhưng vẫn thực hiện. Lúc này, người mẹ có thể áp dụng một số hình phạt. Các phạt thế nào còn tùy vào độ tuổi, hay phản ứng của trẻ trong cuộc trò chuyện với mẹ.
Cách nào tốt nhất để khôi phục tâm trạng và sự bình tĩnh cho cả trẻ và mẹ sau một tình huống căng thẳng như vậy?
Trong tình huống này, cả hai đều sẽ căng thẳng. Ở đây chúng ta thường tập trung vào sự căng thẳng của trẻ, nhưng đối với người mẹ khi đứng trước tình huống bất ngờ sẽ có một cách điều chỉnh cảm xúc.
Thứ nhất, người mẹ nên hít thở sâu, liên tục nhắc nhở mình rằng tình huống đã xảy ra, nên tập trung vào việc giúp con kiểm soát cảm xúc thay vì tập trung vào sự uất ức của mình. Đây là điều quan trọng để người mẹ bình tĩnh trở lại.
Sau khi cảm xúc ổn thỏa, sự điềm đạm, ân cần của mẹ sẽ giúp trẻ học cách điều chỉnh cảm xúc tốt hơn.
Có phương pháp nào để giúp trẻ nhận ra cảm xúc của mình và học cách biểu đạt một cách tích cực hơn không?
Có nhiều cách để giúp trẻ nhận ra cảm xúc của mình tùy thuộc vào phương pháp giáo dục của gia đình. Theo tâm lý học, có những phương pháp sau:
Áp dụng phần thưởng: Khi trẻ học được cách điều chỉnh cảm xúc tốt, lúc này bố mẹ nên giúp trẻ duy trì, phát triển hành vi này thông qua lời khen, món quà nhỏ....
- Hình phạt: Bố mẹ nên sử dụng hình phạt mới mục đích giúp con sửa đổi, hạn chế hành vi xấu. Vì vậy, bố mẹ cần xác định rõ đâu là hình phạt phù hợp.
Nếu áp dụng không đúng cách, có thể khiến trẻ sợ hình phạt, chứ không phải nhận biết về hành vi chưa phù hợp của mình. Điều này dễ dẫn đến trường hợp trẻ học cách để không bị phát hiện. Thực tế, một số hình phạt như quát mắng trẻ trước mặt người khác, lấy đi đồ chơi yêu thích... có thể không phù hợp.
Vì vậy, bố mẹ cần ngồi lại bàn luận với nhau, xem xét hình phạt nào là phù hợp với con mình, nhằm giúp trẻ cải thiện vấn đề này tốt hơn.
Bình luận