Trẻ hướng nội hay hướng ngoại sẽ có tương lai hơn? Câu trả lời của chuyên gia càng ngẫm càng thấm
Chúng ta dễ dàng nhận thấy, có những khác biệt trong tính cách giữa đứa trẻ hướng nội và trẻ hướng ngoại.
Từ khi một đứa trẻ được sinh ra, bố mẹ thường tò mò về những dấu hiệu đặc biệt để đoán trước tính cách của con mình. Nhiều phụ huynh còn thắc mắc, liệu con có sở hữu khả năng hài hước tự nhiên, hay có tính nghiêm túc và cởi mở.
Con sẽ là đứa trẻ thích những cuộc phiêu lưu mạo hiểm, hay có khuynh hướng tìm kiếm sự an toàn và yên tĩnh. Như vậy, bố mẹ có thể đoán biết được một phần tính cách của con là đứa trẻ hướng nội hay hướng ngoại.
Điều này thể hiện sự tò mò và mong muốn thấu hiểu rõ con cái. Bố mẹ hy vọng thông qua việc nhận biết những đặc điểm này, có thể tạo ra một môi trường thích hợp để phát triển, hỗ trợ con trong việc khám phá bản thân, và xây dựng cái tôi riêng. Trên thực tế, trong quá trình trưởng thành, bố mẹ cũng đóng một vai trò rất lớn trong việc định hình nhân cách của con.
Tuy nhiên, người xưa thường nói, "Cha mẹ sinh con, trời sinh tính". Con cái cũng là một bản thể riêng biệt, có quyền được phát triển theo những gì tự nhiên nhất mà con có. Việc ép buộc con thay đổi, trở thành một người như bố mẹ mong muốn có thể khiến trẻ dễ bị tổn thương, khó chịu và thậm chí là phát triển lệch lạc, đánh mất đi chính con người thật của mình.
Hướng nội hay hướng ngoại chỉ nói lên tính cách của trẻ, không quyết định thành bại trong tương lai (Ảnh minh hoạ).
Vì vậy, quan trọng nhất là bố mẹ và người lớn cần tôn trọng, cũng như chấp nhận tính cách của con, tạo điều kiện để trẻ phát triển và khai thác những ưu điểm vốn có. Bố mẹ cần cung cấp sự hỗ trợ và khuyến khích phù hợp, để giúp trẻ phát triển các kỹ năng xã hội, tự tin và sự cân bằng trong cuộc sống.
Đứng trước nhiều nghi vấn của hầu hết các bậc phụ huynh từ trước đến nay, về vấn đề hướng nội và hướng ngoại sẽ dễ dàng tạo dựng cuộc sống thành công, hạnh phúc hơn. Chuyên gia tâm lý Quang Thị Mộng Chi đã có chia sẻ những quan điểm của bản thân, dưới góc độ là một nhà nghiên cứu về tâm lý, giáo dục trẻ em.
Thông qua những thông tin dưới đây, các bậc phụ huynh sẽ có cái nhìn chuẩn xác, và cách giáo dục đúng đắn trong quá trình hình thành, cũng như phát triển tính cách của con.
Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học KHXH&NV ĐHQG - TPHCM.
Chuyên gia có thể cho biết những điểm khác nhau giữa đứa trẻ hướng nội và đứa trẻ hướng ngoại?
Hướng nội và hướng ngoại thường được mọi người nhìn nhận về sự khác biệt ở cách thể hiện trong giao tiếp của mỗi người. Ví dụ như có người thích giao tiếp, hoạt bát và quảng giao, nhưng cũng có người trầm tính, ít nói và ít các mối quan hệ. Thậm chí có những suy nghĩ rằng hướng nội là nhút nhát, e dè, là thiếu chủ động, vì thế nên nó mang tính tiêu cực. Tuy nhiên, cách hiểu này chưa đúng.
Hướng nội và hướng ngoại thể hiện cách mỗi người lấy, hay sạc lại năng lượng. Cụ thể là, nếu như người hướng ngoại lấy năng lượng từ các mối quan hệ, từ các cuộc gặp gỡ trò chuyện với người khác thì người hướng nội lấy năng lượng từ chính bản thân mình, tìm về trú ngụ trong nội tâm của mình. Người hướng ngoại sẽ muốn bước chân ra đường để có những sự gặp gỡ, còn người hướng nội có xu hướng ở một mình, thích những không gian trầm lắng.
Như vậy, những đứa trẻ hướng ngoại sẽ có những đặc điểm như: sôi nổi, thích đi đây đi đó, gặp gỡ, kết giao nhiều bạn bè, rất khó chịu và bức bối khi phải ở trong nhà nhiều. Trái với đó, trẻ hướng nội thường hay tỏ ra suy tư, bình thản trong việc đưa ra quyết định, thích ở nhà nhiều hơn, thích những cuộc nói chuyện “có chiều sâu nội tâm” hơn, mà đôi khi người lớn hay gọi vui là “ông cụ non”, “già so với tuổi”.
Đứa trẻ hướng nội hay hướng ngoại sẽ có tương lai hơn, vì sao?
Hướng nội hay hướng ngoại không làm nên thành công hay thất bại của một người, vì mỗi đặc điểm tính cách này đều có ưu và nhược điểm riêng. Nếu biết tận dụng ưu điểm và hạn chế nhược điểm, cũng như được đặt ở đúng môi trường phù hợp, và tăng cường giáo dục tích cực thì đều có thể gặt hái thành công cả.
Nếu trẻ hướng nội và hướng ngoại đều được phát triển những kỹ năng mềm, và có nền tảng kiến thức tốt, tự tin vào năng lực bản thân, có những giá trị sống phù hợp, tích cực thì không có lý do gì để ít có tương lai hơn kiểu tính cách còn lại.
Nếu như thiên hướng tính cách được xem xét trong quá trình định hướng nghề nghiệp, thì cũng rất có ích để trẻ được phát huy thế mạnh của mình. Như người hướng ngoại thì hợp với những công việc đòi hỏi phải gặp nhiều người liên tục với số lượng lớn như tổ chức sự kiện, hướng dẫn viên du lịch,… còn người hướng nội thích hợp với công việc tập trung, chú tâm với bản thân hơn như biên tập viên, thiết kế, lập trình, người chăm sóc sức khoẻ,…
Chuyên gia nghĩ gì về 2 kiểu quan điểm trái ngược nhau của nhiều người đối với trẻ hướng nội và hướng ngoại. Quan điểm thứ nhất: "Trẻ hướng nội có khiếm khuyết về tính cách và dễ thất bại", quan điểm thứ hai: "Những đứa trẻ có cái miệng lanh lợi thường có điểm số trung bình. Ngược lại, những đứa trẻ im lặng và ít nói thường học rất giỏi"?
Cả hai quan điểm trên đều thể hiện cách nhìn mang tính định mệnh, theo kiểu một người sinh ra thế nào thì số phận nó sẽ gắn liền với những điều tương ứng. Tuy nhiên, con người chúng ta thì lại không như thế, chúng ta có khả năng phát triển và thay đổi mình mỗi ngày, để không ngừng hoàn thiện bản thân và thích ứng với đa dạng môi trường.
Vậy nên, đứa trẻ hướng nội không phải là người dễ thất bại, hay ngược lại đứa trẻ hướng ngoại cũng không phải đứa trẻ học kém. Quan trọng là đứa trẻ ấy rèn luyện bản thân như thế nào, nỗ lực ra sao trong hành trình phát triển bản thân mình. Và cũng không kém phần quan trọng trong cách giáo dục của cha mẹ để giúp con tiến bộ mỗi ngày.
Đối với trẻ hướng nội, bố mẹ nên có cách ứng xử, giáo dục phù hợp nào để con phát triển tốt nhất?
Cách hỗ trợ tốt nhất của bố mẹ dành cho con cái, là cho phép con được tự do thể hiện chính mình, và được chấp nhận với những đặc điểm con người của con, dù cho con có là người hướng nội hay hướng ngoại.
Con được tôn trọng sở thích, năng khiếu và phát triển theo khuynh hướng phù hợp với chính mình, thì dù là hướng nội hay hướng ngoại cũng đều dễ thành công. Chúng ta đều biết giao tiếp là cách hiệu quả để xây dụng những mối quan hệ trong xã hội, và đó cũng là cách để giúp mỗi đứa trẻ học hỏi, phát triển cũng như tạo cơ hội cho những thành công của trẻ.
Nếu như những đứa trẻ hướng ngoại sẽ dễ thiết lập các mối quan hệ, có mạng lưới quen biết rộng khắp thì những đứa trẻ hướng nội lại có những mối quan hệ thân thiết và sâu sắc hơn. Nên, đó không phải là cái quyết định thành công hay thất bại. Những đứa trẻ có kiến thức, có kỹ năng, có đạo đức và khiêm tốn trong thể hiện bản thân thì vẫn luôn được yêu mến, được trọng dụng.
Do vậy, bố mẹ chỉ nên cân nhắc về xu hướng tính cách hướng nội hay hướng ngoại, để không yêu cầu con phải đi ngược với khuynh hướng của chính mình và tôn trọng điều đó, còn lại thì cứ tạo điều kiện cho con được học hỏi và trải nghiệm như con mong muốn và có hứng thú. Khi con được là chính mình, được thúc đẩy phát triển theo khuynh hướng tự nhiên của mình thì cũng tự khắc thành nhân, và có cơ hội thành công cao trong cuộc sống.
Bình luận