“Ước gì mẹ chưa sinh ra con” câu nói vô tình để xả cơn giận, nhưng khiến con muốn rời xa gia đình
Bố mẹ cần nhận thức rõ ràng về sức mạnh và ảnh hưởng của lời nói, từ đó điều chỉnh cách giao tiếp tốt với con.
Lời nói của bố mẹ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc định hình tâm lý và hành vi của trẻ. Chúng là những từ ngữ mang đầy ắp cảm xúc, trải nghiệm và mong muốn, trở thành những phương tiện giao tiếp chính để truyền tải thông điệp và ảnh hưởng sâu sắc đến con.
Trẻ em từ khi chào đời cho đến khi trưởng thành, luôn hướng về bố mẹ như nguồn cung cấp tình yêu, sự chăm sóc, hướng dẫn và mẫu mực. Mỗi lời nói, hành động của bố mẹ đều trở thành những "hạt giống" được gieo vào tâm trí non nớt, ảnh hưởng sâu xa đến quá trình hình thành nhân cách, giá trị và cách ứng xử trong tương lai.
Ảnh minh họa.
Một lời khen ngợi, khích lệ chân thành sẽ giúp trẻ cảm thấy được yêu thương, tạo động lực để phát triển bản thân. Ngược lại, những lời phê bình gay gắt, so sánh thiếu công bằng có thể gây tổn thương, khiến trẻ mất niềm tin vào chính mình.
Khi bố mẹ nói rằng "Ước gì mẹ chưa sinh ra con", có thể khiến trẻ cảm thấy bản thân là "gánh nặng", là "sai lầm" của bố mẹ. Đây là những tác động về tâm lý, ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển.
Trong hoàn cảnh như vậy, trẻ sẽ mất đi những mối quan hệ gần gũi, tin cậy với bố mẹ. Trong trường hợp này, chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Vui đưa ra những lời khuyên hữu ích, giúp trẻ sẽ dần vượt qua nỗi tổn thương, hình thành hình ảnh tích cực về bản thân. Cũng như hỗ trợ bố mẹ tạo dựng mối quan hệ lành mạnh, truyền đạt tình yêu thương đúng cách đến con.
Bố mẹ bày tỏ những câu nói như vậy vì những lý do cụ thể nào? Có phải bố mẹ đang gặp phải những khó khăn, áp lực nào trong việc nuôi dạy con?
Thực tế, có nhiều lý do để bố mẹ nói ra điều này. Có thể, bố mẹ nói trong trường hợp tức giận, bực bội khi con không đạt được kỳ vọng như mong muốn, hay không vâng lời...
Lý do thứ 2, có thể xuất phát từ sự lầm lỡ, không có chủ đích để sinh trẻ ra, nên bố mẹ nhận thấy không trọn vẹn, hay thỏa lòng khi sinh con. Lý do thứ 3 xuất phát từ sự vô ý đến từ cảm xúc khó chịu, học theo từ thời thơ ấu, hoặc hành vi lây lan từ cộng đồng.
Với lý do 1 và 2, đa phần bố mẹ đang trong hoàn cảnh bức xúc về hành vi của con. Trong trường hợp thứ 3, sự vô tình này được xem là cách ứng xử hiển nhiên thì câu trả lời là "không".
Việc bố mẹ nói những lời này có thể gây ra những tác động, hệ quả như thế nào đối với sự phát triển tâm lý, cảm xúc của con cái? Trẻ có nguy cơ mắc các vấn đề về tâm lý, hành vi ở tương lai không?
Thường có nhiều hệ quả liên quan đến cảm xúc, sự phát triển nhận thức và giá trị của trẻ. Khi bố mẹ nói “Ước gì mình chưa từng sinh ra chon” sẽ đồng nghĩa với việc bố mẹ hối hận khi sinh ra con. Nói một cách khác, đó là đứa trẻ không xứng đáng được sinh ra trong cuộc đời.
Câu nói này xem như "liều thuốc độc" làm giảm đi giá trị bên trong của trẻ. Trẻ co nguy cơ mắc các vấn đề về tâm lý, không chỉ ở tương lai, mà ngay cả hiện tại dù ở bất kỳ độ tuổi nào, trẻ đều có nguy cơ.
Trong ba biểu hiện của người trầm cảm, có một biểu hiện dễ thấy đó là mất niềm tin vào bản thân, gây ra các vấn đề về sức khỏe và tinh thần.
Khi trẻ cảm thấy bị bố mẹ từ bỏ, chuyên gia sẽ tư vấn cho trẻ những cách ứng phó, vượt qua và hàn gắn mối quan hệ như thế nào?
Với mỗi trường phái tâm lý, nhà tâm lý sẽ có những cách khác nhau để giúp trẻ ứng phó, vượt qua. Điều này tùy vào đặc thù tính cách, hoàn cảnh trẻ có đang sống cùng bố mẹ hay không. Hay trẻ trong độ tuổi nào, cách trẻ nhận dạng giá trị bản thân của trẻ đang ở mức độ nào.
Một trong những trường phái nổi tiếng đó là CPT, nhà tâm lý sẽ giúp trẻ định hình, nhận diện suy nghĩ chưa chính xác, xuất phát từ niềm tin ban đầu. Ví dụ: Trẻ tin rằng mình không xứng đáng được sinh ra, được yêu thương.
Lúc này, nhà tâm lý sẽ giúp trẻ nhận diện được sự sai lầm trong niềm tin này, và từ đó dần dần thay đổi suy nghĩ, cảm xúc, hành vi theo chiều hướng tích cực hơn.
Bố mẹ có thể xây dựng lại mối quan hệ với con và tạo dựng sự gắn kết, tin tưởng như thế nào? Họ cần có những thay đổi, cải thiện về nhận thức và hành vi gì?
Một thực tế chúng ta cần nhận ra, là lời nói "như cốc nước đổ đi", rất khó để hàn gắn một cách trọn vẹn, đặc biệt khi bố mẹ dùng câu nói trên, mức gây tổn thương cao đến trẻ.
Như vậy, trường hợp bố mẹ nói “Ước gì mẹ chưa sinh ra con” có chủ đích, có thể bên trong bố mẹ đã có những suy nghĩ lệch lạc về bản bân, về mối quan hệ với con. Vì vậy, việc thay đổi, cải thiện về nhận thức và hành vi dường như khó khăn hơn. Thông thường, trẻ lớn lên trong hoàn cảnh này sẽ dễ gặp phải những vấn đề về sức khỏe và tinh thần.
Chuyên gia khuyến cáo, hãy tìm đến nhà tâm lý trị liệu gia đình, nghĩa là có cả bố mẹ và con cùng tham gia. Nhưng trong trường hợp, bố mẹ không thể nhận diện ra được vấn đề của mình, lúc này nên ưu tiên chữa lành tâm lý cho trẻ.
Bình luận