Mượn danh hoa hậu để bán dâm
(Arttimes) – Việc loạn danh hoa hậu, ai cũng có thể trở thành hoa hậu đã không còn là chuyện “xưa nay hiếm gặp”. Càng nhiều nơi tổ chức, càng xuất hiện nhiều cuộc thi cẩu thả, cẩu thả từ băng rôn, sân khấu cho đến giải thưởng. Và thậm chí, chuyện mua giải đã trở nên công khai một cách “trắng trợn”…Rồi đằng sau những giải thưởng danh giá đó là hàng loạt những vụ “ hoa hậu bán dâm”, thăng hạng để nâng giá “đi khách”.
Hoa hậu bán dâm với giá hàng nghìn USD
Chuyện hoa hậu bán dâm hàng nghìn USD đã không còn là chuyện lạ. Có rất nhiều hoa hậu sa chân trở thành những “con điếm” cao cấp mà không hề xấu hổ với danh hiệu mà mình được nhận trước đó. Hoa hậu bán dâm, hoa hậu tú bà…đã trở thành cụm từ được tìm kiếm rất nhiều trên mạng xã hội.
Điển hình ngày 12/7, Cục Cảnh sát hình sự (C02) Bộ Công an phối hợp Công an phường Bến Nghé (TPHCM) kiểm tra một khách sạn 4 sao, trên đường Tôn Đức Thắng (quận 1, TPHCM) và bắt quả tang 3 người mẫu bán dâm.
Trong 3 người đẹp bán dâm, có nghi vấn cho rằng có người từng đoạt danh hiệu hoa hậu người Việt tại nước ngoài.
Qua làm việc, 3 “chân dài” này khai nhận được Lục Triều Vỹ (sinh năm 1993, quê Đà Nẵng) điều đến khách sạn này bán dâm cho 3 doanh nhân với giá từ 18.000 - 30.000 USD.
Không chỉ 3 người đẹp này, có thông tin cho rằng không ít các cô gái trong đường dây này đều được Lục Triều Vỹ gắn mác là hoa hậu, diễn viên... trong showbiz để ra giá hàng chục ngàn USD với khách hàng.
Đây không phải lần đầu tiên showbiz Việt “chấn động” bởi scandal bán dâm. Năm 2017, một đường dây mại dâm khác do các “tú bà” từng giành giải trong các cuộc thi sắc đẹp cầm đầu cũng được Công an TP HCM triệt phá. Đường dây này lôi kéo hàng chục người mẫu, diễn viên điện ảnh, ca sĩ cả chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư tham gia.
Cuối tháng 8/2018, Công an TP.HCM từng triệt phá đường dây mại dâm cao cấp do Kiều Đại Dũ (tên gọi khác là Pi, sinh năm 1996, quê Bình Định) điều hành.
Thời điểm đó, Dũ môi giới cho á hậu N.T.D. (24 tuổi, quê Hà Giang) và MC tên C.V. (22 tuổi, quê Long An) bán dâm cho 2 người đàn ông tại một khách sạn trên đường Nam Quốc Cang (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1) lần lượt với giá 7.000 USD và 1.500 USD.
Chấp nhận thỏa thuận, 2 cô gái sẽ chia lại hoa hồng cho Dũ số tiền 3.400 USD. Á hậu và MC trong lúc bán dâm bị Công an TP.HCM ập vào bắt quả tang.
Tại cơ quan điều tra, á hậu và nữ MC khai trong suốt năm 2018 đã được Kiều Đại Dũ nhiều lần môi giới bán dâm tương tự, thu lời bất chính hàng nghìn USD.
Vụ án môi giới mại dâm của Kiều Đại Dũ được xét xử tại TAND TP.HCM vào tháng 7/2019. "Tú ông" 9X sau đó bị tuyên 5 năm tù về tội Môi giới mại dâm.
Hoa hậu trở thành “Tú bà”
Không chỉ bán dâm, những hoa khôi, hoa hậu còn trở thành tú bà trong những cuộc trao đổi nhan sắc. Tiêu biểu trong số những tú bà đó là đường dây do Nguyễn Thị Ngọc (Á khôi 1 cuộc thi Cuộc chiến sắc đẹp năm 2017), Nguyễn Thị Tiền (chị gái Ngọc - làm MC tại các phòng trà), Phạm Thị Thanh Hiền (quê Quảng Bình, Hoa khôi thời trang Việt Nam 2017) và Nguyễn Thị Kim Chi (sinh năm 1996) tổ chức.
Đường dây môi giới mại dâm này có giá 500-2.500 USD/lần. Ngoài ra, người môi giới còn điều phối, tổ chức cho các diễn viên, ca sĩ đi tour dài ngày với khách tới các tỉnh, thành và nước ngoài (Singapore, Malaysia, Thái Lan) mức giá 1.000 USD/ngày/người.
Ngọc và những người trong đường dây phạm pháp đã thu lợi bất chính từ các hoạt động môi giới mại dâm và trực tiếp bán dâm hàng chục triệu đồng.
Tháng 4/2019, TAND TP.HCM tuyên Nguyễn Thị Tuyền 3 năm 6 tháng tù giam, Phạm Thị Thanh Hiền 2 năm 6 tháng tù giam, Nguyễn Thị Ngọc 2 năm tù treo và Nguyễn Thị Kim Chi 18 tháng tù treo.
Gần chục năm về trước, Hoa hậu Nam Mê Kông 2009 V.T.M.X cũng bị bắt và nhận mức án hơn 2 năm tù về tội môi giới mại dâm. Cựu hoa hậu này cùng 2 người khác đã điều hành đường dây gái gọi giá 2.500 USD gồm các ca sĩ, người mẫu, diễn viên. Không chỉ đứng ra môi giới, người đẹp này còn trực tiếp “đi khách”...
Những người trực tiếp đi khách theo chỉ đạo của hoa hậu được hưởng khoảng 40% số tiền, 60% còn lại được chia về cho Mỹ Xuân và đồng bọn.
Vụ án của hoa hậu Mỹ Xuân được đưa ra xét xử vào giữa năm 2013 tại TAND TP.HCM. Cựu hoa hậu nhận mức án 2 năm 6 tháng tù.
Sử dụng “vốn tự có” trên danh nghĩa hoa hậu để làm những việc bất chính, vậy liệu rằng các cơ quan quản lý có lên tiếng, hay vẫn để ngoài tai, mặc cho các hoa hậu tự xưng “hành nghề”. Và liệu rằng, với những hành vi vi phạm thuần phong mỹ tục, văn hóa của dân tộc thì ngôi vị hoa hậu đó có thực sự xứng đáng?
Siết chặt hay nới lỏng các cuộc thi sắc đẹp
Mới đây, dự thảo quy định mới về hoạt động nghệ thuật biểu diễn do Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) soạn thảo đã làm dấy lên nhiều lo ngại từ phía các nhà tổ chức các cuộc thi hoa hậu, người mẫu. Lý do, trước đây vì thả nổi mà tràn lan thi hoa hậu, loạn danh hiệu, thì sau một thời gian xiết chặt, đến lúc phía quản lý mở cửa thoải mái trở lại, liệu chuyện nhà nhà thi hoa hậu khi xưa có tái diễn?
Nếu trước đây, mỗi năm chỉ có 2 cuộc thi sắc đẹp quy mô quốc gia được cấp phép, cùng 3 cuộc thi cấp vùng/ngành, 1 cuộc thi cấp tỉnh thì bây giờ sẽ không giới hạn số lượng, quy mô cuộc thi sắc đẹp trong nước.
Cục Nghệ thuật biểu diễn chỉ cấp phép cuộc thi hoa hậu quốc tế tại Việt Nam hoặc các cuộc thi cấp quốc gia như: Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Thế giới người Việt. Còn các cuộc thi do đơn vị, công ty tổ chức tại địa phương sẽ giao toàn bộ quyền điều hành, chỉ đạo cuộc thi cho địa phương, cấp trung ương chỉ đề ra nguyên tắc và giám sát.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: "Việc cấp phép trước đây của chúng ta vô tình tạo nên thương hiệu cho một cuộc thi. Chính sự vô tình đó dẫn đến việc người ta lấy thương hiệu để xin tài trợ, quảng bá rầm rộ cuộc thi, dẫn đến hệ lụy. Vì muốn tránh như thế, chúng ta sẽ không có cấp phép từ Cục Nghệ thuật Biểu diễn nữa, mà trả lại quyền này cho địa phương”.
Tương tự như cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt, cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2019 cũng sẽ có nhiều đối thủ khác trên đấu trường nhan sắc.
Cũng theo ông Sơn, điều chỉnh quy định đi thi quốc tế là hợp lý, bởi tùy theo thực tiễn cuộc sống mà thay đổi cách quản lý. Tương tự, Dự thảo cũng bỏ quy định điều kiện thí sinh dự thi người đẹp là nữ, có vẻ đẹp tự nhiên chưa qua phẫu thuật thẩm mỹ.
Có nhiều người cho rằng, việc nới lỏng, làm thông thoáng các quy định cấp phép thi hoa hậu khá cần thiết, vì nếu quản lý quá chặt thì người ta lại đem các cuộc thi nhan sắc ra nước ngoài tổ chức, càng thả nổi về chất lượng các cuộc thi. Trước đây, nhiều người đẹp chấp nhận bị phạt để thi chui các cuộc thi quốc tế, khi có giải lại mang về để nâng cấp thương hiệu và sắc đẹp của mình. Điều đó cũng không hợp lý, vì khi đi thi, họ không đại diện cho Việt Nam, mà chỉ đại diện cho chính cá nhân mình.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến trái chiều, cho rằng sắp tới liệu việc gỡ bỏ cấp phép này sẽ khiến xuất hiện quá nhiều hoa hậu, hoa khôi, nữ hoàng... dẫn đến những cuộc thi kém chất lượng. Xuất hiện những cô gái tài sắc không đủ mà vẫn thành Miss nọ kia, rồi đổi tình lấy tiền, ra nước ngoài ăn mặc hở hang dưới cái mác thí sinh của Việt Nam.
Thậm chí khi bị khán giả ghét bỏ, có thí sinh vẫn cố đấm ăn xôi với danh hiệu. Rồi bỏ tiền mua bài xuất hiện quảng cáo ở khắp các mạng xã hội khoe lối sống giàu có, sang chảnh, phát ngôn kém suy nghĩ. Lâu ngày có thể lại thấy cô nọ anh kia bán dâm, cặp đại gia. Có danh tiếng thì lại càng dễ lợi dụng danh tiếng làm việc xấu, lừa đảo. Trước kia ít cuộc thi còn chưa quản nổi, nói gì lúc quá nhiều cuộc thi...
Vì vậy, theo dự thảo Nghị định mới, các người đẹp đi thi quốc tế không nhất thiết phải lọt Top 3 các cuộc thi sắc đẹp trong nước. Họ chỉ cần có giấy mời và đáp ứng yêu cầu của ban tổ chức cuộc thi quốc tế đó.
Dự thảo Nghị định mới cũng sẽ bỏ điều kiện thí sinh dự thi người đẹp là nữ, có vẻ đẹp tự nhiên chưa qua phẫu thuật thẩm mỹ và phải đạt danh hiệu chính để dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế, các nội dung này sẽ do đơn vị tổ chức quy định và chịu trách nhiệm kiểm soát, xử lý.
Nguyễn Thủy
Bình luận