Giỗ tổ Hùng Vương

(Arttimes) - Còn nhớ, tại kỳ họp thứ 11, cũng là kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XI (2002 - 2007), đã đặt lên bàn nghị sự một việc hết sức đáng bàn và cần bàn: Đưa ngày Giỗ Tổ Hùng Vương vào hệ thống những ngày nghỉ lễ chính thức của nhà nước.

Tôi thực sự xúc động, kể từ đó tôi và mọi công dân nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam như tôi sẽ được nghỉ trong ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba âm lịch, tưởng nhớ công lao dựng nước của các vua Hùng.

Giỗ tổ Hùng Vương - 1

Ảnh Trần Cường - thanhnien.vn

Đã có ai đó lên tiếng: Đó là chuyện nhỏ, không nhất thiết phải đưa ra bàn luận giữa Quốc hội, nhất là trong những ngày cơ quan lập pháp nước nhà bộn bề công việc tổng kết nhiệm kỳ qua, chuẩn bị các mặt cho cuộc tổng tuyển cử khóa tới. Cũng có người đã có ý kiến: Tổng số ngày nghỉ lễ chính thức của nước ta vẫn còn quá ít so với các nước lân cận, có nghỉ thêm một ngày trong năm cũng không sao.

Tôi không có số liệu để so sánh với bạn bè anh em, cũng chưa thử tính toán để biết nếu có thêm một ngày nghỉ sẽ ảnh hưởng đến bao nhiêu phần trăm tổng thu nhập quốc dân nhưng chắc chắn là một con số rất đáng kể. Thế nhưng tôi và không ít người vẫn đinh ninh rằng, đây không là việc nhỏ và xin hoan nghênh Quốc hội đã có một quyết định rất đáng hoan nghênh này.

Kể từ năm đó trở về sau, mỗi lần có dịp về Thủ đô dự hội nghị hay công tác, tôi động viên cán bộ viên chức cơ quan Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Trà Vinh và các văn nghệ sĩ tỉnh nhà cùng đi, cố gắng sắp xếp để một lần về Phú Thọ, lên núi Nghĩa Lĩnh dâng lên Quốc tổ một nén tâm hương, thể hiện lòng thành kính với cội nguồn dân tộc.

Trong ngày nghỉ mùng Mười tháng Ba âm lịch năm đó và mãi mãi những năm sau này – tôi – và mọi người Việt Nam như tôi, cả những người đồng bào tôi đang định cư đâu đó trên trái đất này – sẽ nghĩ gì? Nước có nguồn, cây có cội, chim có tổ, người có tông! Đã là con dân của dãy đất gấm hoa hình chữ S, dù là tộc Việt đồng bằng; tộc Thái, tộc H’mông, tộc Mường… Tây Bắc; tộc Tày, tộc Nùng, tộc Dao… Việt Bắc; tộc Ba Na, tộc Ê Đê, tộc Jarai… Tây Nguyên hay là tộc Chăm, tộc Khmer, tộc Hoa… Nam bộ và cả cộng đồng người Việt sống xa Tổ quốc nữa, đều cùng một bọc trứng Âu Cơ, đều là con một nhà, là cây một cội. Không biết có ở đất nước nào, dân tộc nào trên thế giới mà trong từ vựng có được khái niệm ĐỒNG BÀO hàm ý là anh em “cùng bọc” mà ra như người Việt Nam chúng ta không? Mỗi năm một ngày Giỗ Tổ, mỗi năm nghĩa đồng bào một cố kết chặt chẽ hơn.

Chính khái niệm ĐỒNG BÀO ruột thịt ấy đã giúp cho đất nước Việt Nam luôn là một khối thống nhất, vượt lên mọi âm mưu, thủ đoạn chia rẽ thâm độc của kẻ thù, vượt lên đêm dài ngàn năm nô lệ bọn phong kiến phương Bắc, trăm năm thuộc địa và phụ thuộc thực dân, đế quốc phương Tây.

Chính khái niệm ĐỒNG BÀO ruột thịt ấy đã giúp cho cộng đồng người Việt xa xứ và đời đời cháu con của họ – luôn hướng về nguồn cội quê hương.

Chính khái niệm ĐỒNG BÀO ruột thịt ấy sẽ giúp cho cộng đồng các dân tộc Việt Nam mãi mãi là người Việt Nam trong buổi mở cửa giong buồm ra biển lớn hội nhập hôm nay và mai sau.

Nghĩ nhân mùng Mười tháng Ba âm lịch năm nay, tôi và biết bao người Việt Nam như tôi lại sẽ nghĩ về sự diệu kỳ của nghĩa đồng bào người Việt chúng ta!

Theo Thời báo Văn học Nghệ thuật số 15/2021

None

Trần Dũng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Những trải nghiệm tư tưởng của Nguyễn Huy Tưởng trên bước đường lập thân, lập nghiệp

Những trải nghiệm tư tưởng của Nguyễn Huy Tưởng trên bước đường lập thân, lập nghiệp

Cuốn nhật ký “Con đường Văn sĩ” là tác phẩm không chỉ dành cho những ai yêu văn chương của Nguyễn Huy Tưởng mà đó còn là kho tư liệu quý giá để hiểu về ông và rộng hơn là thế hệ nhà văn tiền chiến. Cuốn sách đặc biệt hướng đến độc giả trẻ tuổi – những người đang háo hức và băn khoăn, quả quyết và khắc khoải bước vào đời với những khát khao giống như bậc tiền nhân