Chiến lược phát triển đường cao tốc Việt Nam

(Arttimes) - Cách đây 20 năm (2002), đoạn cao tốc đầu tiên là Pháp Vân - Cầu Giẽ (Hà Nội) dài 30 km được đưa vào sử dụng. Từ đó đến nay, cả nước mới khai thác 1.163 km đường cao tốc, tương ứng với 18% so với quy hoạch, tốc độ xây dựng bình quân 74 km/năm, chỉ bằng 1,5% tốc độ làm đường cao tốc của Trung Quốc trong cùng giai đoạn.

Nghị quyết số 13-NQ/TW của BCH Trung ương khóa XI đề ra đến năm 2020 có 2.000 km đường cao tốc đưa vào sử dụng nhưng mới đạt 48%. Nguyên nhân do thiếu vốn, việc đầu tư chưa hợp lí, phân bổ chưa hài hòa các vùng kinh tế trọng điểm, vùng động lực và vùng khó khăn. Đặc biệt tiến độ dự án chậm, giá xây dựng thuộc hàng đắt đỏ trên thế giới,v.v…

Chiến lược phát triển đường cao tốc Việt Nam - 1

Ảnh minh họa

Đến năm 2030 cả nước có 5.000 km đường bộ cao tốc

Theo chiến lược phát triển hạ tầng giao thông, đến năm 2030 cả nước có 5.000 km đường bộ cao tốc. Mạng cao tốc bao gồm các trục chính có lưu lượng xe cao, liên kết với hệ thống đường bộ, kết cấu hạ tầng của các phương thức vận tải khác nhằm khai thác đồng bộ, chủ động, hiệu quả dịch vụ vận tải. Đồng thời kết nối với hệ thống đường cao tốc các nước trong khu vực để hội nhập quốc tế.

Mục tiêu chiến lược là nhanh chóng hình thành mạng đường bộ cao tốc quốc gia, kết nối các trung tâm kinh tế trọng điểm, các cửa khẩu chính, đầu mối giao thông quan trọng có nhu cầu vận tải lớn, tốc độ cao, hạn chế ách tắc giao thông. Trong đó, tập trung nguồn lực xây dựng tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông và những tuyến nối với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, v,v…

Thực hiện đường lối của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội và định hướng phát triển kinh tế - xã hội 4 vùng trọng điểm, ngày 01/3/2016 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 326/QĐ-TTg về Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu lâu dài của đất nước.

Theo đó, triển khai 21 tuyến đường, tổng chiều dài 6.411 km, riêng tuyến Bắc Nam và tuyến Bắc Nam phía đông có tổng chiều dài 2.083 km, tuyến phía tây dài 1.269 km. Theo quy hoạch:

Khu vực phía Bắc gồm 14 tuyến cao tốc hướng tâm kết nối với Thủ đô Hà Nội, tổng chiều dài 1.368 km: Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn (143 km), Hà Nội - Hải Phòng (105 km), Hà Nội – Lào Cai (264 km), Hà Nội – Thái Nguyên (62 km), Thái Nguyên – Bắc Kạn (43 km), Láng - Hòa Lạc (30 km), Hòa Lạc - Hòa Bình (26 km); Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long (176 km), Hạ Long - Móng Cái (128 km), Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh (160 km), Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) 144 km; Chợ Bến (Hòa Bình) - Yên Mỹ (Hưng Yên): 35 km; Đoan Hùng (Phú Thọ) - Tuyên Quang: 18 km, Phủ Lý – Nam Định: 25 km.

Khu vực miền Trung – Tây Nguyên gồm 3 tuyến, tổng chiều dài 264 km: Hồng Lĩnh - Hương Sơn (Hà Tĩnh): 34 km; Cam Lộ - Lao Bảo (Quảng Trị): 70 km và Quy Nhơn (Bình  Định) – PleiKu (Gia Lai): 160 km.

Khu vực phía Nam có 7 tuyến chính tổng chiều dài 983 km, gồm: Biên Hòa (Đồng Nai) – Phú Mỹ - Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu): 76 km; Dầu Giây (Đồng Nai) – Liên Khương – Đà Lạt (Lâm Đồng): 208 km; TP Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một (Bình Dương) – Chơn Thành (Bình Phước): 69 km; TP Hồ Chí Minh – Mộc Bài (Tây Ninh): 55 km; Châu Đốc - An Giang - Cần Thơ – Sóc Trăng: 200 km; Hà Tiên – Rạch Giá (Kiên Giang) – Bạc Liêu: 225 km; Cần Thơ - Cà Mau: 150 km.

Đường cao tốc vành đai Hà Nội: Vành đai 3 (54 km), vành đai 4 (124 km). TP Hồ Chí Minh: Vành đai 3 (89 km), vành đai 4 (198 km).

Theo các dự án, quỹ đất sử dụng với tổng số 42.043 ha, diện tích có sẵn 8.688 ha, cần bổ sung 33.355 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm 16.402 ha.

Về vốn, huy động từ ngân sách Nhà nước; Chính phủ vay hoặc bảo lãnh vay, phát hành trái phiếu công trình và huy động vốn đầu tư của các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước dưới hình thức đối tác công tư (PPP) như BOT, BT, BTQ,v.v….       

Đường cao tốc Bắc Nam phía đông và 12 dự án thành phần

Trong chiến lược phát triển đường cao tốc giai đoạn 2021-2030 trọng tâm là xây dựng tuyến Bắc Nam phía đông có chiều dài 2.063 km với 6 làn xe (trước mắt xây dựng mặt đường 4 làn xe), chạy song song với QL 1A (cũ) và tuyến đường bộ ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang.

Theo Nghị quyết số 44/2022/QH 15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư đường cao tốc Bắc Nam phía đông và Nghị quyết của Chính phủ thực hiện giai đoạn 2021–2025 có 12 dự án thành phần với chiều dài tổng cộng 729 km, tổng mức đầu tư 146.990 tỉ đồng (bình quân 211,5 tỉ đồng/km). Trong đó, xây dựng và thiết bị 95.800 tỉ đồng, giải phóng mặt bằng, tái định cư 19.000 tỉ đồng (14.983 hộ dân bị ảnh hưởng), chi phí quản lí, tư vấn 12.000 tỉ đồng và dự phòng 20.000 tỉ đồng.

Các dự án thành phần thực hiện theo phương thức chỉ định thầu để rút ngắn thời gian. Bộ GTVT có thẩm quyền quyết định đầu tư, thẩm định, phê duyệt dự án theo quy định của pháp luật. Thủ tướng Chính phủ quyết định chỉ định thầu đối với các gói thầu xây lắp.

Việc tổ chức lập, thẩm định, quyết định phê duyệt 12 dự án phải hoàn thành vào ngày 30/6/2022 để đồng loạt khởi công trước ngày 31/12/2022, thông xe kĩ thuật vào cuối năm 2025, khai thác từ năm 2026 và tổ chức thu phí hoàn vốn.

Các dự án thành phần, bao gồm những đoạn: Bãi Vọt – Hàm Nghi 36 km, (vốn đầu tư 7.403 tỉ đồng), Hàm Nghi – Vũng Áng (Hà Tĩnh) 54 km (10.185 tỉ đồng), Vũng Áng – Bùng 58 km (11.185 tỉ đồng), Bùng – Vạn Ninh 51 km (10.526 tỉ đồng), Vạn Ninh – Cam Lộ 68 km (10.591 tỉ đồng), Quảng Ngãi – Hoài Nhơn 88 km (20.898 tỉ đồng), Hoài Nhơn – Quy Nhơn 69 km (12.548 tỉ đồng), Quy Nhơn – Chí Thạnh 62 km (12.298 tỉ đồng), Chí Thạnh – Vân Phong  51 km (10.601 tỉ đồng), Vân Phong – Nha Trang 83 km (12.906 tỉ đồng), Cần Thơ – Hậu Giang 37 km (9.769 tỉ đồng) và Hậu Giang – Cà Mau 72 km (17.485 tỉ đồng).

So sánh chi phí với các nước trên thế giới

Theo các chuyên gia, chi phí làm đường cao tốc ở Việt Nam cao hơn 1,5 – 2 lần so với các nước xung quanh như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, thậm chí cao hơn cả Mỹ. Nước Mỹ xây dựng 1 km đường cao tốc 4 làn xe, bình quân ở 25 bang giá 5,8 triệu USD/km, nơi cao nhất 7 triệu USD/km. Trung Quốc xây dựng bình quân  6 – 7,6 triệu USD/km. Trong khi đó ở Việt Nam, đoạn TP Hồ Chí Minh - Trung Lương – Dầu Giây xuất đầu tư 18 triệu USD/km, riêng phần xây dựng 13,5 triệu USD/km. Đặc biệt, tuyến Bến Lức (Long An) - Long Thành (Đồng Nai) suất đầu tư 28,2 triệu USD/km. Đành rằng có những cầu lớn thì suất đầu tư tăng cao nhưng so với Hồng Kông (Trung Quốc) xây cầu vượt biển nhưng suất đầu tư thấp hơn nhiều.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đường cao tốc 4 làn xe ở khu vực miền núi, trung du phía bắc bình quân 7,4 triệu USD/km, khu vực  miền Trung  và Nam Bộ 10,5 triệu USD/km. khu vực đồng bằng Bắc Bộ 10,6 triệu USD/km, 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía đông bình quân 9-9,5 triệu USD/km, v.v…Nguyên nhân giá thành rất cao được cho là sử dụng kĩ thuật lãng phí (thiết bị), năng lực quản lí dự án, giải phóng mặt bằng chậm kéo dài thời gian thi công, trượt giá, trả lãi vay, nhân công,v.v…có thể dẫn đến tăng 50% chi phí.

Nhiều chuyên gia, nhà kinh tế cho rằng giá thành tăng cao còn do tiêu cực.

Trong khi GDP của nước ta thấp hơn 5-10 lần so với nhiều nước trong khu vực, có giá nhân công rẻ hơn, đường cao tốc chủ yếu đi qua đất nông nghiệp, kinh phí giải phóng mặt bằng không cao, nguyên vật liệu sẵn,v.v…nhưng giá thành cao vượt trội so với các nước là vô lí. Trong khi đó, chất lượng công trình nhiều tuyến vài năm đã xuống cấp nghiêm trọng, tuổi thọ kém hơn đường cao tốc các nước. Điển hình các tuyến TP Hồ Chí Minh – Trung Lương, Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Đoạn Đà Nẵng – Quảng Ngãi dài 139 km, đầu tư 34.516 tỉ đồng (bình quân 246,5 tỉ đồng/km) do Tổng Công ty Phát triển Đường cao tốc (VEC) thi công, chất lượng rất kém mặc dù có tới 50 cuộc thanh tra, kiểm tra. Tại dự án này có 36 bị can bị truy tố do vi phạm pháp luật, tham nhũng gây thiệt hại 811 tỉ đồng ngân sách Nhà nước,v.v…

None

Kim Quốc Hoa

Tin liên quan

Tin mới nhất

Đạt Võ – Kim Ryna: Cặp đôi song ca “Triệu View”

Đạt Võ – Kim Ryna: Cặp đôi song ca “Triệu View”

Tôi biết đôi song ca Đạt Võ – Kim Ryna qua kênh YouTube Giọng ca để đời. Ai thường nghe bolero qua các trang mạng ít nhất cũng đã từng nhấn vào kênh YouTube Giọng ca để đời để nghe những bản bolero đặc sắc. Và Giọng ca để đời ngoài đời thực là một góc không gian ấm cúng (Tôn Thất Tùng, Q1, TP.HCM), vừa đủ cho một nhóm bạn trên dưới 30 người đến cùng nhau ca hát 1-2 tháng một lần. Hiệ