Được tôn vinh vẫn phiền lòng

Những người tài danh, có đóng góp lớn cho xã hội thuộc mọi lĩnh vực được ghi nhận, tôn vinh là việc cần thiết. Đó vừa là sự trân trọng của cộng đồng, vừa là để khích lệ họ tiếp tục có nhiều cống hiến hơn nữa. Sẽ rất tốt đẹp và có ý nghĩa nếu việc tôn vinh được làm chu đáo, cẩn trọng, đúng mức, không nói quá hoặc nói chưa hết, chưa tới mức độ cống hiến của đối tượng.

Từng đã có nhiều tên tuổi được tôn vinh thuộc đủ mọi nghề nghiệp, lĩnh vực hoạt động: Nhà khoa học, văn nghệ sĩ, doanh nhân, nhà quản lý, chính khách… Và hình thức tôn vinh cũng khá phong phú: Tổ chức truyền hình trực tiếp các buổi vinh danh, thực hiện các chương trình phát thanh, truyền hình giới thiệu thân thế sự nghiệp, viết sách, báo ca ngợi, tổ chức phỏng vấn, để đối tượng giao lưu với công chúng... Trong bài viết này, tôi chỉ xin bó hẹp trong lĩnh vực tôn vinh các nhạc sĩ.

Được tôn vinh vẫn phiền lòng - 1

Ảnh minh họa

Đóng góp trong lĩnh vực nào cũng có giá trị, nếu thực sự có hiệu quả cho đời sống xã hội. Nhưng riêng trong âm nhạc cần thấy giá trị của các nhạc sĩ sáng tác đã có sứ mạng không thể cân đo, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tinh thần, tình cảm của rất nhiều người nếu tác phẩm của họ có giá trị, ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng nhiều thế hệ công chúng. Tuy nhiên, tôi luôn nghe được những lời phàn nàn từ phiá các nhạc sĩ được tôn vinh (nếu đang sống). Hoặc người nhà, của họ (nếu đã qua đời).

Một nhạc sĩ gạo cội, nổi tiếng từ thời kháng chiến chống Pháp, là tác giả rất nhiều bài hát quen thuộc ai ai cũng ưa thích cho tôi biết: Thỉnh thoảng, nhất là những dịp có ngày kỷ niệm lớn, ông thường được phóng viên báo chí đến phỏng vấn hoặc đề nghị được viết bài giới thiệu.

Hơn nửa thế kỷ hoạt động, lên báo, lên đài, tới cả trăm lần nên dễ hiểu là nhạc sĩ này không mặn mà với ý định của nhà báo, nhất là nay tuổi đã cao, sức khoẻ suy giảm nhiều. Tuy nhiên, do nể và trân trọng tờ báo, ông đã nhận lời. Đã nhận, ông nhiệt tình trò chuyện để giúp phóng viên hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng ông đã bị “dội một gáo nước lạnh” khi ngay vào chuyện, bạn phóng viên hỏi: “Xin nhạc sĩ kể tên một số bài hát tiêu biểu của ông?”.

Phải kiềm chế lắm, ông mới không đuổi khéo khách về. Ông cố gắng nhã nhặn nói: “Bạn không biết bài nào là tiêu biểu của tôi, có nghĩa tôi không được công chúng biết đến, vậy chẳng có lý do gì để bạn nhắc đến tôi trong một số báo kỷ niệm ngày lễ trọng đại này. Có lẽ bạn nên tìm đến các nhạc sĩ nổi tiếng, người nào mà bạn biết rõ họ có những bài hát gì tiêu biểu”.

Biết mình nói hớ, bạn phóng viên phải xin lỗi, thanh minh, phân trần mãi, vị nhạc sĩ mới đưa ra một lô tài liệu gồm những bài báo đã viết về ông cho nhà báo tham khảo, rồi khéo léo cáo lui, không muốn tiếp thêm. Khi bài báo ra, ông chẳng hề nhận được báo biếu mà tình cờ đọc được, thấy bài viết về mình nhạt nhẽo, vô thưởng vô phạt, điều đáng nói thì không nói, chỉ lặp lại những ý dông dài ở những bài trước đó. Rồi ông nói với tôi “Được tôn vinh mà bực mình vậy đấy cậu ạ”.

Vị nhạc sĩ khả kính, quá nổi tiếng phiền lòng quả là rất dễ hiểu: Người viết chẳng hiểu gì về ông, về âm nhạc, đã viết lấy được. Tôi còn thấy bài nói về ông đã lọt thỏm trong tờ báo, chỉ chiếm chừng 1/3 trang, với tấm ảnh chân dung ông nhỏ xíu (có lẽ do cần tiết kiệm diện tích mà người ta đã cố thu nhỏ). Điều đáng nói là ngay trang báo bên cạnh có bài viết về mấy cô ca sĩ trẻ chưa được nhiều người biết, chiếm hết cả trang báo, ảnh cô nào cũng to (ăn mặc… mát mẻ), to hơn cả ảnh vị nhạc sĩ kia phải tới ba, bốn lần!

Một nhạc sĩ lớn khác đã qua đời, khi còn sống ông cũng phàn nàn: “Họ đặt vấn đề làm chương trình về mình. Mình yêu cầu một nhạc sĩ vừa là nhà lý luận nổi tiếng, vừa có khoa nói rất hay, lại rất hiểu mình làm MC (người dẫn chương trình). Người này từng xuất hiện nhiều lần trên truyền hình, được người xem tán thưởng. Vậy mà cuối cùng họ không đáp ứng, đã để một MC của nhà đài làm việc này, hạn chế rất nhiều hiệu quả”.

Một nhạc sĩ đã qua đời hơn 10 năm, tuy có nhiều bài hát hay được công chúng ái mộ nhưng không hiểu sao mãi vừa rồi mới được giới thiệu một chương trình trọn vẹn. Gặp phu nhân của ông, tôi vừa khoe được xem chương trình này, cứ tưởng bà phải quý hoá lắm, không ngờ cũng phàn nàn sau tiếng thở dài: “Tôi rất cảm ơn người ta vẫn còn nhớ đến chồng mình mà giới thiệu, chứ hồi còn sống, ông ấy chẳng mấy khi lên báo chí, truyền hình. Nhưng có hai đề nghị chính đáng của tôi không được họ đáp ứng. Thứ nhất là có một vài bài trong chương trình người nghe đã quen với giọng ca trên đài vì ca sĩ này hát rất hay, ai cũng công nhận. Nay vẫn đang còn hát trên các sân khấu, vẫn sung sức chứ đâu phải đã mất giọng, già nua gì, tôi cũng biết rõ đang ở Hà Nội và sẵn sang trình diễn lại. Vậy mà người làm chương trình cứ nhất định để một bạn trẻ khác hát, đã không diễn tả được đúng tinh thần bài hát, vì cứ nức nở, uốn éo, nghe rất phản cảm. Thứ hai là nếu có phần người khác phát biểu về tác phẩm, tôi đề nghị mời một nhạc sĩ vừa thân với ông nhà tôi, vừa từng có bài viết rất sâu sắc, đầy đủ về ông ấy đăng trên báo. Tôi đã đưa bài báo ấy cho họ xem nhưng cuối cùng họ đã bỏ qua, thay vì là những người khác phát biểu rất chung chung, hời hợt...”.

Bà còn cho biết thêm, nhiều bài khác trong chương trình cũng không được thể hiện đứng với nội dung, sắc thái khiến nhiều người ưa thích tác phẩm của cố nhạc sĩ đều không thoả mãn. Bà nói thêm: “Biết thế này, tôi từ chối có lẽ tốt hơn, vì ở suối vàng, chắc chắn ông ấy sẽ không hài lòng. Khổ! Ông ấy đâu phải người ham hố việc được lăng-xê, giới thiệu gì”.

Cũng phu nhân một nhạc sĩ lớn khác, sau khi đọc một vài bài báo của một người đã nói: “Người ta hết lời ca ngợi người nhà mình thì cảm ơn thôi, nhưng nhiều chi tiết không chính xác. Trước hết là ông nhà tôi không thân thiết với anh ấy (người viết các bài báo - TG) đến mức có thể kể những chuyện đại loại như vậy. Và những điều đó cũng không đúng sự thực…”. Người qua đời rồi thì nói về họ như thế nào chẳng được, nhất là tán dương, đề cao. Nhưng vì tự trọng, tôn trọng sự thật mà người nhà của họ đã không hài lòng với những gì người khác bịa đặt, dẫu có theo chiều hướng tôn vinh.

Tất nhiên, không thể có sự hoàn hảo tuyệt đối khi thực hiện những chương trình giới thiệu tác giả, tác phẩm trên các phương tiện truyền thông dẫu những người thực hiện có ý thức trách nhiệm, năng lực, trình độ đến đâu. Nhưng như vậy không có nghĩa không cố gắng để thoả mãn cao nhất đòi hỏi của công chúng.

Xem ra, những phàn nàn từ phía đối tượng được tôn vinh (hoặc người nhà) rất chính đáng, không hề là những đòi hỏi vô lý, bất khả thi, không thể đáp ứng. Cần hiểu họ muốn được tôn trọng, được thoả mãn việc ghi nhận đúng giá trị cho cá nhân họ chỉ là một phần, mà quan trọng hơn là việc tiếp cận với chân giá trị thực, và tôn trọng số đông công chúng - những người đã quá quen thuộc và yêu mến tác phẩm của họ.

Bản thân tôi có một bài hát được nhiều chiến sỹ hưởng ứng. Đó là bài Khúc quân hành mùa xuân. Một lần - cũng đã lâu - tình cờ tôi đọc được một bài báo nói về bài hát này. Tác giả chưa phải là một cây bút quen biết, kể về sự ra đời của bài hát, đại ý là tôi đã từng đặt chân đến rất nhiều điểm tựa trên các vùng cao biên giới, cùng nếm trải thực tế với các chiến sỹ bộ đội biên phòng nên đã viết nên một ca khúc rất sinh động, có sức thuyết phục cao, được các chiến sỹ trẻ ưa thích…

Tất nhiên là tôi rất cảm ơn người viết báo đã trân trọng và đề cao tác phẩm của mình. Nhưng cũng lấy làm ngạc nhiên là họ chưa hề gặp tôi lần nào để hỏi về nguyên do ra đời bài hát mà chỉ hoàn toàn hư cấu, suy luận chủ quan, rất không đúng với sự thật. Tôi viết bài đó chẳng từ một cuộc thâm nhập thực tế nào cả, càng không đặt chân lên biên giới mà viết trên giường bệnh tại Bệnh viện E hồi mùa thu năm 1982.

Số là năm ấy, tôi bị tai nạn giao thông, gẫy chân, phải vào bệnh viện bó bột mất 2 tháng. Suốt 60 ngày phải nằm gần như bất động trên giường bệnh, tôi mong sớm bình phục để được đi lại, hoạt động nên thấy các bé chạy nhảy ở sân bệnh viện thì rất thèm. Lại cũng đúng lúc đó, nhạc sỹ An Thuyên từ Quân khu 4 ra Hà Nội có việc gì đó, nghe tin tôi gẫy chân nằm viện, đã vào thăm.

Lúc đó, anh chưa ra Hà Nội học Nhạc viện mà còn công tác ở QK4. Anh nói đang làm một chương trình cho lực quần chúng của quân khu đi tham gia hội diễn ca múa nhạc diễn quần chúng toàn quân. Anh cần bài mới, hình thức hát tập thể hoặc hành khúc thì càng tốt vì bài đơn ca đã có nhiều. Viết sao cho trẻ trung, hiện đại để phù hợp với các chiến sỹ trẻ.

Thế là nằm trên giường bệnh, tôi nhanh chóng cho ra đời bài hát. Và An Thuyên sau đó triển khai dàn dựng rồi đem đi Hội diễn, được huy chương Vàng. An Thuyên đã qua đời, tôi mãi nhớ kỷ niệm này với anh. Nhờ anh, bài hát đã có đời sống tốt. Sự thể ra đời bài hát là như vậy. Giá mà người viết báo lần ấy chịu khó tìm gặp tôi để nghe kể đúng sự thật có phải hay biết bao!

Còn nhiều trường hợp khác mà sau khi xem (hoặc đọc) những gì được “tôn vinh”, các nhạc sĩ (hoặc người nhà), sau lời cảm ơn gượng gạo dành cho những người thực hiện là sự phàn nàn, không hài lòng mà chung quy chỉ bởi những người đã hoặc là hạn hẹp thời gian, hoặc là bất cấp về trình độ, năng lực và có thể cả hai. Đã vậy, lại thiếu sự lắng nghe, tôn trọng những nguyện vọng rất khiêm tốn, chính đáng, hoàn toàn khả thi được đưa ra từ gia đình đối tượng tôn vinh.

Đã có ý giới thiệu, tôn vinh, hãy xử sự lịch sự bằng việc tạo nên những chương trình, bài viết công phu, hoàn chỉnh nhất, hãy mời những người đích đáng nhất để thể hiện tác phẩm (nếu là ca sĩ), để nói về tác phẩm (nếu là nhạc sĩ, nhà lý luận). Tất cả hãy vì hiệu quả cao nhất của chương trình.

Mong rằng tình trạng trên sớm được khắc phục mới mong đạt được hiệu quả của mục đích tôn vinh vốn dĩ có rất nhiều ý nghĩa như đã nói .

Nguyễn Đình San

Tin liên quan

Tin mới nhất