Nghĩ từ một liên hoan

Đó là Liên hoan sân khấu thủ đô lần thứ 5 vừa được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 25/9 đến 2/10/2022. Liên hoan này được tổ chức 2 năm một lần và là sự phối hợp tổ chức giữa Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam và Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội.

Liên hoan diễn ra “thông đồng bén giọt” với sự tổ chức tốt, chu đáo, không có “trục trặc” nào đáng tiếc xảy ra. Anh chị em diễn viên gặp gỡ, học hỏi nhau vui vẻ. Nhiều buổi diễn có đông người xem. Nhiều vở được đầu tư công phu với lao động nghệ thuật nghiêm túc, đạt hiệu quả sân khấu cao. Nhiều gương mặt diễn viên trẻ giàu triển vọng xuất hiện cùng với những diễn viên gạo cội tài năng đã tạo nên một số vở diễn hài hòa. Đó là những thành công có thể ghi nhận ngay từ Liên hoan lần này.

Nghĩ từ một liên hoan - 1

Ban Tổ chức trao Huy chương Vàng cho các diễn viên xuất sắc tại Liên hoan sân khấu thủ đô lần thứ 5.

13 vở diễn của 13 đơn vị sân khấu đã tham dự. Đó là những đơn vị của Hà Nội và Trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội cùng với một vài đơn vị sân khấu xã hội hóa - tức của tư nhân. Có những đơn vị ở TP Hồ Chí Minh cũng ra tham dự.

Cần thấy con số nói trên chỉ vừa đủ để tổ chức Liên hoan chứ chưa phong phú bởi thiếu vắng nhiều đơn vị sân khấu lớn, có uy tín như Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Đoàn kịch Bộ Công an và rất nhiều đơn vị của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác. Dù sao, nếu có nhiều đơn vị tham gia hơn thì đương nhiên sự thành công sẽ được coi là lớn hơn.

Điều rất đáng nói là trong 13 vở diễn, không kể chương trình của Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp Kỹ Hà Nội  – vì là xiếc, chỉ có hai vở mang tên “Án tình” của Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh và “Hoa cúc nhà trời” của Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội có đề tài đương đại. 8 trên 13 vở có đề tài lịch sử. Một vở khai thác từ tác phẩm “Truyện Kiều” bất hủ của Nguyễn Du. Một vở đề tài chiến tranh (chiến đấu ở Quảng Trị).

Nghĩ từ một liên hoan - 2

Cảnh trong vở “Trung Trinh liệt nữ”, Huy chương Vàng Liên hoan Sân khấu thủ đô 2022. 

Trong mọi loại hình nghệ thuật, đề tài đương đại luôn phải được ưu tiên số một. Liên hoan lần này rõ ràng để lộ sự né tránh của các đơn vị về đề tài này. Một điều không thể không nói ở đây là trong 2 năm qua, đại dịch Covid-19 là một tai họa lớn xảy ra trên toàn cầu. Nước ta cũng gánh chịu tác hại nặng nề, ảnh hưởng vô cùng lớn đến toàn xã hội và cuộc sống mỗi gia đình, mỗi cá nhân.

Đó là một hiện thực lớn. Có thể coi đây là một sự kiện lịch sử. Nhưng đã không có một vở diễn nào đề cập đến đề tài này. Không thể coi tác phẩm viết về đề tài này là “chạy theo thời sự” mà đây chính là lúc thể hiện rõ nhất bản lĩnh của cả dân tộc và phẩm cách mỗi con người. Rõ ràng đề tài này là mảnh đất tốt để sân khấu “dụng võ”, đặc biệt là kịch nói. Thật đáng tiếc khi sân khấu đã lãng quên. Không thể không nhìn nhận sự thiếu vắng đề tài đương đại là một sự hạn chế, khiếm khuyết lớn cần được khắc phục ở những lần Liên hoan tiếp theo.

Đề tài lịch sử cũng tốt, vẫn cần tiếp tục được khai thác. Nhưng nên dụng công tìm những nội dung, vấn đề mới mẻ chưa được đề cập. Khai thác lại những nội dung đã có quá nhiều tác phẩm nói đến, ví như vụ án Lệ Chi Viên và oan án chu di tam tộc của Nguyễn Trãi quả là bất lợi bởi đã có quá nhiều tác phẩm (kịch nói, chèo, cải lương, tuồng, văn chương, thậm chí cả âm nhạc).

Nói lại, phải khai thác khía cạnh nào thật độc đáo, khác lạ mới mong được công chúng chú ý. Trong các vở có đề tài lịch sử xuất hiện trong Liên hoan lần này, ghi nhận vở “Huyền tích chùa Một Cột” của sân khấu Lệ Ngọc là vở diễn xuất sắc, được công chúng hào hứng đón nhận trước hết bởi nội dung này chưa ai đề cập, sau là sự đồng đều nổi trội ở tất cả các khâu: Kịch bản, đạo diễn, diễn viên…

Vở diễn đã nói đến sự hình thành ngôi chùa Một Cột được coi là độc đáo nhất ở Việt Nam, thậm chí cả thế giới mà người tạo nên là vua Lý Thái Tông – một trong những vị vua anh minh trong lịch sử Việt Nam. Vậy nên, về sau, nếu có tác phẩm nào khai thác nội dung này ắt phải lao tâm khổ tứ nhiều bởi thành công đầu tiên của “Huyền thoại chùa Một Cột” ít nhiều đã là một cái bóng dễ trùm lấp nếu tác phẩm sau không có những khám phá, sáng tạo đặc biệt.

Ghi nhận công sức rất đáng kể của nhiều đơn vị trong việc dàn dựng, tạo nên nhiều vở có không khí sân khấu tốt. Nhưng người xem đã băn khoăn về sự sáng tạo này: Liệu có giữ được đặc điểm của loại hình sân khấu là việc xây dựng những mâu thuẫn, đẩy lên cao trào và giải quyết mâu thuẫn ấy để kết thúc vở? Mâu thuẫn nói ở đây không chỉ là sự đối kháng của hai thế lực ta và địch, tích cực và tiêu cực, tiên tiến và lạc hậu mà cao tay hơn là sự xây dựng mâu thuẫn trong tâm lý của nhân vật.

Một trong những vở kịch hay nhất của cố tác giả Lưu Quang Vũ là “Nguồn sáng trong đời”. Trong vở này, tất cả các nhân vật đều không có ai là nhân vật tiêu cực, phản diện mà xem thấy rất “căng”, diễn biến của kịch buộc người xem phải chăm chú theo dõi. Và đến khi “nút” mâu thuẫn của vở được “cởi”, họ thấy mỹ mãn và để lại những cảm xúc thật mãnh liệt. Quả tình viết được một vở dạng như vở này là rất khó. Không rõ kịch bản ra sao, đạo diễn khi đưa lên sân khấu thay đổi như thế nào nhưng người xem thấy rõ là không ít vở rất ít tính kịch mà là những câu chuyện, những sinh hoạt được sân khấu hóa.

Nếu những nội dung đó kể trên sách, báo sẽ bằng chữ. Còn kể trên sân khấu là lời thoại và cử chỉ của các nhân vật. Nhiều vở chỉ nên gọi là câu chuyện sân khấu (chuyện xảy ra trên sân khấu) thay vì là kịch – kể cả kịch hát. Có lẽ ở đây nên trở lại tên các chủng loại văn nghệ: Âm nhạc là phải có nhạc điệu chứ không thể đơn điệu, ngang phè, phản giai điệu; thơ là phải có vần, hư nhiều hơn thực, ngôn từ phải rất chắt lọc, chọn lựa (đẹp như thơ); văn là phải giầu chất văn chứ không thể là những mớ từ ngữ khô cứng như báo chí chỉ nhằm mục đích chính là thông tin chính xác.

Cũng như vậy, kịch là phải có mâu thuẫn căng (kịch liệt). Dẫu có sáng tạo, cách tân, phá cách đến thế nào thì cũng không thể ra khỏi những đòi hỏi của chủng loại. Xin nhớ là lâu nay, vẫn có một thuật ngữ “hoạt cảnh”, tức chưa phải là kịch. Liệu nhiều vở trong Liên hoan lần này – và nhiều Liên hoan, Hội diễn trước đây – có chỉ là hoạt cảnh được nâng cấp một cách công phu mà chưa phải là kịch?

Tất nhiên, không thể bảo thủ để cứ giữ khư khư những gì thuộc về truyền thống mà hôm nay đã trở nên lỗi thời, lạc hậu. Không chỉ trong lĩnh vực nghệ thuật mà mọi lĩnh vực đều như vậy. Nhưng sáng tạo, cách tân mà không đem lại hiệu quả gì hơn, thậm chí làm sụt giảm cảm thụ thẩm mỹ của công chúng thì rõ ràng là điều không thể khuyến khích mà phải được “bật đèn đỏ”.

“Hoạt cảnh” cao cấp như đã nói là điều đầu tiên của sự “sáng tạo” này rất nên được khắc phục. Hiện tượng thứ hai là lạm dụng múa, hát trong nhiều cảnh không mấy cần thiết đã gây loãng tác phẩm, làm ngưng trệ tiết tấu chung, kéo dài thời gian của cả vở. Rất nhiều phần múa hát ở nhiều vở có thể lược bỏ. Không nhiều vở khi xô ghế đứng dậy, ra về, khán giả còn thấy “thòm thèm”, muốn xem thêm mà ngược lại, thấy sốt ruột, mệt mỏi.

Liên quan đến điều này, cần nói là nhiều vở xử lý âm thanh – trong đó có âm nhạc. Ậm nhạc trong sân khấu chỉ để làm nền, phụ họa, giúp người xem cảm nhận thêm tâm lý nhân vật chứ không phải để thưởng thức như một tác phẩm âm nhạc độc lập. Bởi vậy các đạo diễn cần khống chế âm nhạc sao cho vừa liều lượng. Sự lấn lướt của âm nhạc ở nhiều vở diễn đã góp phần kéo tụt hiệu quả cuối cùng của cả vở.

Có nhiều diễn viên diễn giỏi, hát hay nhưng đã để lộ sự cường điệu một cách không cần thiết. Gào thét, quát tháo hơi quá “đô” (dose - liều lượng). Ví như trong Liên hoan có mấy nhân vật thái hậu (mẹ vua), khán giả thường thấy rất giống nhau ở sự ghê gớm, đáo để, thâm hiểm, gian xảo, ai cũng quát tháo, gào thét, thể hiện uy quyền. Riêng nhân vật Thái hậu trong vở “Huyền tích chùa Một Cột” có phần được tiết chế, diễn viên thể hiện tâm lý sâu sắc, khắc phục được tình trạng trên.

Nghĩ từ một liên hoan - 3

Một cảnh trong vở "Mưa đỏ"

Tại Liên hoan lần này, thấy có nhiều diễn viên có tài, đảm đương tốt vai trò. Nhưng có vẻ giống nhau. Có lẽ khâu kịch bản chưa có gì đặc sắc nên các bạn đã không có đất diễn? Vở “Án tình” của Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh không có sự nổi trội về mọi phương diện nhưng riêng hai diễn viên vào hai vai chính gây được ấn tượng, khiến người xem nhớ được. Nhân vật Như trong vở này là một trong những vai nữ hay nhất của Liên hoan với lối diễn chân thực, có chiều sâu, rất xúc cảm.

Liên hoan đã khép lại. Dù sao thì trong bối cảnh còn nhiều khó khăn sau 2 năm chúng ta phải đương đầu với Đại dịch Covid-19 mà tổ chức được như vậy đã là rất đáng biểu dương. Tuy nhiên, nghệ thuật luôn đòi hỏi sự khắt khe với những chuẩn mực cao. Khi người xem còn chưa thỏa mãn về tác phẩm thì đó là dấu hiệu đáng mừng bởi trình độ cảm thụ của họ đã được nâng cao. Đó chính là động lực để nghệ thuật, trong đó có sân khấu phát triển.

Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ V – 2022 vừa chính thức khép lại. Trong khuôn khổ Liên hoan, công chúng đã được thưởng thức 13 tác phẩm sân khấu thuộc các loại hình nghệ thuật: chèo, cải lương, kịch nói, xiếc tạp kỹ với các nội dung, những câu chuyện về đề tài lịch sử, dân gian, đề tài chiến tranh cách mạng, đề tài hiện đại…

Kết quả, Ban tổ chức đã trao Huy chương Vàng cho ba vở diễn xuất sắc gồm: “Mưa đỏ” của Nhà hát Kịch nói Quân đội, “Vương quyền - Vụ án Tống Thị Quyên” của Chi hội biểu diễn nghệ thuật Thăng Long – Hội Sân khấu Hà Nội và “Trung Trinh liệt nữ” của Nhà hát Chèo Hà Nội. Trao bốn giải thưởng cho các cá nhân xuất sắc.

Trong đó, riêng vở “Mưa đỏ” của Nhà hát Kịch nói Quân đội mang về ba giải cá nhân xuất sắc gồm: Nhà văn Chu Lai – giải Tác giả xuất sắc, NSND Lê Hùng giải Đạo diễn xuất sắc, họa sĩ Đặng Minh Tuấn giành giải Họa sĩ xuất sắc. Nghệ sĩ Hoài Anh giành giải Biên đạo múa xuất sắc (vở “Trung trinh liệt nữ”).

Ngoài ra, BTC còn trao 4 Huy chương Bạc cho vở diễn xuất sắc, 4 giải Nhạc công xuất sắc. Giải thưởng cho diễn viên gồm: 26 Huy chương Vàng, 33 Huy chương Bạc, Bằng khen cho diễn viên nhỏ tuổi nhất.

Nguyễn Đình San

Tin liên quan

Tin mới nhất