Xung đột nghệ thuật trong kịch “Hồn trương ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ

“Hồn Trương Ba, da hàng thịt” (viết năm 1981 nhưng đến năm 1984 mới ra mắt công chúng) là một trong những vở kịch đặc sắc nhất, có thể xem là một kiệt tác của nhà soạn kịch đầy tài năng Lưu Quang Vũ. Từ một cốt truyện dân gian, Lưu Quang Vũ đã thay đổi cơ bản, xây dựng thành một vở kịch nói hiện đại, đặt ra những vấn đề mới mẻ, có ý nghĩa tư tưởng, triết lí và nhân văn sâu sắc. Trong truyện dân gian, khi hồn Trương Ba nhập vào xác anh hàng thịt, nhân vật Trương Ba vẫn tiếp tục một cuộc sống bình thường. Lưu Quang Vũ trong vở kịch lại tập trung khai thác tình cảnh trớ trêu, tấn bi hài kịch của một con người không được sống đúng là mình, phải sống một cách vay mượn, chắp vá, “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”. Như vậy, xung đột cơ bản của kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” thực sự bắt đầu từ chỗ kết thúc của tích truyện dân gian.

Xung đột nghệ thuật trong kịch “Hồn trương ba, da hàng  thịt” của Lưu Quang Vũ - 1

Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Ảnh Tư liệu

Mâu thuẫn cơ bản trong kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” là mâu thuẫn giữa thể xác và linh hồn, giữa bản năng và lý trí, giữa ham muốn vật chất và khát vọng tinh thần trong mỗi con người. Mâu thuẫn nói trên cứ tích tụ, dồn nén, đến cảnh VII, được đẩy lên thành xung đột (xung đột bên trong và xung đột bên ngoài), đòi hỏi sự giải quyết dứt khoát. 

Mâu thuẫn này được thể hiện sâu sắc qua lớp kịch Cuộc đối thoại giữa hồn và xác - một ẩn dụ về cuộc đấu tranh bên trong con người giữa tâm hồn thanh cao chống lại sự tầm thường, dung tục. Một cuộc đối thoại đầy căng thẳng, phơi bày những điều sâu kín mà hồn Trương Ba dẫu muốn che đậy cũng không sao che đậy được. Sau ba tháng nhập vào xác hàng thịt, hồn Trương Ba “bắt đầu sợ”, cảm thấy “chán lắm rồi”, chỉ muốn rời xa tức khắc cái “thân thể kềnh càng thô lỗ” của anh hàng thịt. Nhưng hồn Trương Ba đâu có dễ thoát khỏi tình trạng bi hài kịch “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo” của mình. Một khi đã phải mượn “cái thân thể kềnh càng thô lỗ” của anh hàng thịt làm nơi trú ngụ, thì dù muốn hay không, hồn Trương Ba vẫn bị cái thân xác phàm tục ấy sai khiến. Hồn Trương Ba tưởng rằng xác hàng thịt “không có tiếng nói, mà chỉ là cái xác thịt âm u đui mù…”. Nhưng sự thực thì thể xác vẫn có tiếng nói riêng, và tâm hồn “đã luôn luôn bị tiếng nói ấy sai khiến”. Chính vì âm u, đui mù mà thể xác “có sức mạnh ghê gớm, lắm khi át cả cái linh hồn cao khiết”.

Với cách nghĩ đơn giản đã trở thành định kiến, hồn Trương Ba quả quyết xác hàng thịt “chỉ là cái vỏ bên ngoài, không có ý nghĩa gì hết, không có tư tưởng, không có cảm xúc” hoặc nếu có “thì chỉ là những thứ thấp kém, mà bất cứ con thú nào cũng có được: thèm ăn ngon, thèm rượu thịt…”. Xác hàng thịt không phủ nhận điều đó, nhưng cũng đưa ra những bằng cứ chứng tỏ rằng, chính hồn Trương Ba cũng bị cái thân xác phàm tục điều khiển: “ông đứng bên cạnh vợ tôi, tay chân run rẩy, hơi thở nóng rực, cổ nghẹn lại…”, chẳng lẽ “ông không xao xuyến chút gì?”; “cái món tiết canh, cổ hũ, khấu đuôi, và đủ các thứ thú vị khác không làm hồn ông lâng lâng cảm xúc sao? Để thỏa mãn tôi, chẳng lẽ ông không tham dự vào chút đỉnh gì?”. Ném ra những chứng cứ khó bề chối cãi, xác hàng thịt đã dồn hồn Trương Ba vào tình cảnh đuối lí, “không dám trả lời”.

Xung đột nghệ thuật trong kịch “Hồn trương ba, da hàng  thịt” của Lưu Quang Vũ - 2

Cảnh trong vở “Hồn Trương Ba da hàng thịt” - bản dựng đầu tiên của Nhà hát Kịch Việt Nam. Ảnh Tư liệu

Khi hồn Trương Ba vẫn cứ tự hào: “Ta vẫn có một đời sống riêng: nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn…” thì xác hàng thịt giễu cợt: “Nực cười thật! Khi ông phải tồn tại nhờ tôi, chiều theo những đòi hỏi của tôi, mà còn nhận là nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn!”. Khi hồn Trương Ba không còn muốn nghe những “sự thực tàn nhẫn” nữa cũng là lúc xác hàng thịt đã tạo được cho mình một cái thế “thượng phong”, áp đảo: “Ông cứ việc bịt tai lại! Chẳng có cách nào chối bỏ tôi được đâu! Mà đáng lẽ ông phải cảm ơn tôi. Tôi đã cho ông sức mạnh”. Khi hồn Trương Ba phủ nhận: “Ta cần gì đến cái sức mạnh làm ta trở thành tàn bạo” cũng là lúc xác hàng thịt khẳng định dứt khoát: “Nhưng tôi là cái hoàn cảnh mà ông buộc phải quy phục!” và đòi hỏi thân xác cũng “đáng được quý trọng”: “Tôi là cái bình để chứa đựng linh hồn. Nhờ tôi mà ông có thể làm lụng, cuốc xới […], ông cảm nhận thế giới này qua những giác quan của tôi… Khi muốn hành hạ tâm hồn con người, người ta xúc phạm thể xác… Những vị lắm chữ nhiều sách như các ông là hay vin vào cớ tâm hồn là quý, khuyên con người ta sống vì phần hồn, để rồi bỏ bê cho thân xác họ mãi khổ sở, nhếch nhác…”.

Việc hồn Trương Ba không sao thoát khỏi mà buộc phải chung sống, thỏa hiệp với xác hàng thịt nói lên một sự thực chua chát, đồng thời cũng là lời cảnh báo của tác giả: khi con người chấp nhận sống trong dung tục thì tất yếu sẽ bị cái dung tục, tầm thường lấn át và tàn phá những gì trong sạch, đẹp đẽ của tâm hồn.

Trong Cuộc đối thoại giữa hồn và xác, những lời giải thích, phân bua của hồn Trương  Ba thật yếu ớt, tội nghiệp. Hồn Trương Ba bị đuối lí trong tranh luận với xác hàng thịt, có nguy cơ bị cái “sức mạnh ghê gớm” của cái “xác thịt âm u đui mù” lấn át. Lớp kịch đặc sắc này được khép lại bằng tiếng kêu “Trời!” (như tuyệt vọng) của hồn Trương Ba, và hồn Trương Ba buộc phải chấp nhận, “bần thần nhập lại vào xác hàng thịt”. Có thể nói qua lớp đối thoại sâu sắc, đậm chất triết lý này, Lưu Quang Vũ đã chạm đến một vấn đề có ý nghĩa muôn thuở. Đó là vấn đề về mối quan hệ giữa thể xác và linh hồn, giữa bản năng và lí trí, giữa ham muốn vật chất và khát vọng tinh thần. Không thể duy tâm, duy ý chí khi đòi tách cái hồn “ra khỏi cái xác”, “dù chỉ một lát”. Sự gắn bó như hình với bóng giữa hồn và xác là một sự thực, một thực tế khách quan, hoàn toàn không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của mỗi con người. 

Mâu thuẫn, xung đột giữa hồn và xác được tiếp tục triển khai qua các cuộc đối thoại của hồn Trương Ba với những người thân trong gia đình: người vợ, cái Gái và người con dâu. Lớp đối thoại này càng làm cho hồn Trương Ba dằn vặt, đau khổ hơn khi thấy được thái độ, tình cảm của những người thân đối với mình, hiểu sâu sắc hơn tấn bi kịch của mình cùng với những khổ đau mà mình đã gây cho người khác. Cách tổ chức xung đột của Lưu Quang Vũ ở đây thật linh hoạt, uyển chuyển, khi căng, khi chùng, vừa làm phong phú thêm tấn bi kịch, vừa làm tăng thêm xung đột bên trong nhân vật hồn Trương Ba, đẩy nhân vật phải đi đến hành động dứt khoát.

Khi chỉ còn lại một mình, như có một cơn giông tố dữ dội nổi lên trong hồn Trương Ba. Độc thoại nội tâm xuất hiện, diễn tả thái độ đầy giằng xé nhưng cũng thật dứt khoát của hồn Trương Ba đối với cái thân xác anh hàng thịt: “Mày đã thắng thế rồi đấy, cái thân xác không phải của ta ạ, mày đã tìm được đủ mọi cách để lấn át ta… (sau một lát). Nhưng lẽ nào ta lại chịu thua mày, khuất phục mày và tự đánh mất mình? “Chẳng có cách nào khác”! Mày nói thế hả? Nhưng có thật là không còn cách nào khác? Không cần đến cái đời sống do mày mang lại! Không cần!”. Khi đã có thái độ dứt khoát, hồn Trương Ba quả quyết lấy một nén hương châm lửa khẩn cầu Đế Thích. Tiên cờ xuất hiện, màn đối thoại giữa hồn Trương Ba và Đế Thích đóng vai trò mở nút, là nơi gửi gắm quan niệm về cuộc đời và nhân sinh của tác giả, làm bật nổi tư tưởng của tác phẩm. Mỗi lời thoại của hồn Trương Ba với Đế Thích trong cảnh này đều có ý nghĩa sâu xa. 

Qua cuộc đối thoại với Đế Thích, hồn Trương Ba đã bộc lộ quan niệm, thái độ sống đúng đắn của mình. Hồn Trương Ba dứt khoát không chấp nhận cái cảnh phải sống “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”, mong muốn được là mình một cách “toàn vẹn”. Hồn Trương Ba thẳng thắn vạch ra sai lầm của Đế Thích: “Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!”. Đế Thích muốn giúp hồn Trương Ba một lần nữa, để cho hồn Trương Ba nhập vào xác cu Tị. Nhưng hồn Trương Ba vẫn dứt khoát, kiên quyết từ chối (hành động bẻ gẫy cả bó hương là một hành động dũng cảm, quyết liệt). Nhân vật ý thức được rằng, không thể sửa chữa sai lầm này bằng một sai lầm khác, dẫu là ít tệ hại hơn: “Tôi đã chết rồi, hãy để cho tôi chết hẳn!”; “Có những cái sai không thể sửa được. Chắp vá gượng ép chỉ càng làm sai thêm. Chỉ có cách là đừng bao giờ sai nữa, hoặc phải bù lại bằng một việc đúng khác”.

Không phải hồn Trương Ba không ham sống, không yêu quý cuộc sống của mình. Hồn Trương Ba bộc bạch với Đế Thích: “Ông tưởng tôi không ham sống sao? Nhưng sống thế này, còn khổ hơn cả cái chết. Mà không phải chỉ mình tôi khổ. Những người thân của tôi sẽ còn phải khổ vì tôi!”. Ý thức sâu sắc tình cảnh bi hài kịch của mình khi phải sống nhờ vào thân xác người khác, hồn Trương Ba dõng dạc tuyên bố: “Không thể sống với bất cứ giá nào được”. Trong tình huống này, đây là một triết lí sống đúng đắn, thấm đượm tư tưởng nhân văn. Với một quan niệm như thế, hồn Trương Ba nhất quyết “trả thân xác này cho anh hàng thịt”, để cho trên đời này không còn hiện tượng chắp vá tùy tiện, “Không còn cái vật quái gở mang tên Hồn Trương Ba, da hàng thịt nữa”.

Cái chết lần thứ hai của nhân vật là cái chết đầy ý thức, có ý nghĩa thức tỉnh nhận thức và lương tâm của mỗi con người, của cộng đồng và xã hội: Không được thay thế cái sai này bằng cái sai khác, dẫu ít tồi tệ hơn; không thể sống trong tình trạng “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”.  

*

Là ngòi bút tinh nhạy, sắc bén, Lưu Quang Vũ đã phát hiện mâu thuẫn ở mỗi con người trong đời sống hằng ngày, mâu thuẫn của cả xã hội và thời đại của chúng ta. Với “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, Lưu Quang Vũ đã phê phán, khi thì trực tiếp, lúc thì gián tiếp nhưng đều mạnh mẽ, quyết liệt, sâu sắc và chí lí căn bệnh trầm kha của xã hội Việt Nam đương thời. Đó là cung cách làm việc quan liêu, tùy tiện, làm “phiên phiến”, “đại khái”, “làm ào cho xong”, vô trách nhiệm, duy tâm và cũng duy ý chí.

Xung đột nghệ thuật trong kịch “Hồn trương ba, da hàng  thịt” của Lưu Quang Vũ - 3

Vở "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" vừa tái xuất trong diện mạo mới với sự dàn dựng của đạo diễn người Nhật Tsuyoshi Sugiyama cùng nhà sản xuất, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp và các nghệ sĩ: NSƯT Chiều Xuân, NSƯT Kim Oanh, Xuân Tùng, Đinh Hương Thủy, Hoàng Tùng, Mạnh Hoàng, Trường Khang, Thanh Lê, Hirota, Diễm Phương, Đan Phương, Tú Quyên, Bảo Ngọc... trong 3 buổi công diễn 12,13,14/01/2024 tại Nhà hát Kịch Hà Nội.

Dẫu là trời, là tiên là phật đi chăng nữa, cũng không thể quyết định vận mệnh của người khác, của con người một cách tùy tiện, vội vàng, bất chấp quy luật khách quan. Sự can thiệp thô bạo, sự chắp vá phản tự nhiên nào, cũng tạo ra những bi kịch. Đó là tư tưởng vá víu, sửa chữa sai lầm không triệt để, chữa cái sai lầm này bằng cái sai lầm khác. Đó là cái quan niệm cực đoan, quá đề cao tâm hồn, đời sống tinh thần của con người mà không chăm lo thích đáng đến đời sống sinh hoạt vật chất. Sâu xa hơn, đó còn là tình trạng con người phải sống một đời sống giả, mình không phải là chính mình, không dám và cũng không được sống đúng, sống thật với bản thân mình, phải sống trong cảnh “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”.

Từ Trương Ba đến tiên Đế Thích rồi cả Ngọc Hoàng nữa, ai ai cũng phải sống như thế cả. Lời thoại của Đế Thích đã khái quát sâu sắc cái thực trạng tàn nhẫn đó: “Thế ông ngỡ tất cả mọi người đều được là mình toàn vẹn cả ư ? Ngay cả tôi đây. Ở bên ngoài, tôi đâu có được sống theo những điều tôi nghĩ bên trong. Mà cả Ngọc Hoàng nữa, chính người lắm khi cũng phải khuôn ép mình cho xứng với danh vị Ngọc Hoàng. Dưới đất, trên trời đều thế cả, nữa là ông”. Qua “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, Lưu Quang Vũ đã khái quát cao độ, phê phán sâu sắc một hiện tượng “quái gở” đã trở thành phổ biến: đâu đâu cũng đầy rẫy những hiện tượng, những con người phải sống trong tình trạng “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”.

Cảm hứng phê phán mạnh mẽ, quyết liệt là cảm hứng chủ đạo của kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Sự phê phán của ngòi bút Lưu Quang Vũ có tầm phổ quát, khái quát cao độ thực trạng về lối sống, phương thức sống không chỉ của một hạng người mà nhiều hạng người, của nhiều tầng lớp trong xã hội, của cả xã hội và thời đại chúng ta. Dưới đất trên trời, ai cũng như ai, “cũng không tự là mình được, phải sống nhờ vào thân người khác”, “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”, “mỗi người mỗi cảnh, chẳng ai sướng cả”.

Với “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, Lưu Quang Vũ đã chạm được vào cái triết lí về sự thống nhất hữu cơ của cá thể con người, thân xác nào thì linh hồn ấy, đồng thời cũng chạm đến được tấn bi kịch muôn thuở của con người trong mọi xã hội và mọi thời đại, qua đó, thể hiện một khát vọng lớn: mỗi người phải được là chính mình, được sống hoàn toàn là mình, được sống một cách hòa hợp giữa tâm hồn và thể xác. Tác phẩm của Lưu Quang Vũ đề cao, trân trọng giá trị tự nhiên của con người, cổ vũ mạnh mẽ cuộc đấu tranh cho sự hoàn thiện nhân cách con người. “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” là một trong những đỉnh cao của văn học nghệ thuật Việt Nam giai đoạn từ 1975 đến nay, xứng đáng là một kiệt tác.

Trần Đăng Suyền

Tin liên quan

Tin mới nhất

Văn học với mùa xuân thống nhất đất nước 1975

Văn học với mùa xuân thống nhất đất nước 1975

Chiến dịch mùa xuân năm 1975 và đại thắng 30/4 đã qua đi nhưng dư âm vẫn còn ngân vang mãi, trong văn học đương đại, đây là đề tài luôn giữ vị trí quan trọng, tạo nên một trong những dòng chủ lưu của nền văn học dân tộc và hiện đại.