Phát triển nguồn nhân lực văn hoá nghệ thuật: “Tôi luyện, trọng dụng tài năng của văn nghệ sĩ”

Theo Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam Vương Duy Biên: "Tài năng và năng khiếu của văn nghệ sĩ cần được phát hiện sớm, được chăm lo đào tạo, bồi dưỡng bài bản và chu đáo, rồi lại phải được bảo vệ, tôi luyện và trọng dụng thì mới phát huy được và mang lại lợi ích cùng những giá trị chân, thiện, mỹ cho xã hội. Đảng, Nhà nước, các ngành, tổ chức xã hội cần tạo điều kiện thuận lợi, tôn trọng tự do sáng tạo cá nhân, tăng cường những giải pháp mạnh mẽ để chăm lo đào tạo, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ".

Phát triển nguồn nhân lực văn hoá nghệ thuật có vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Trong những năm gần đây, các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước đã quan tâm đến đời sống của những người hoạt động nghệ thuật. Tuy vậy, đâu đó vẫn còn những tiếng thở dài của văn nghệ sĩ khi nói về chế độ đãi ngộ, vẫn còn những người vội vã rời khỏi sân khấu để đi làm nghề tay trái…

Thấu hiểu những điều đó, đại diện cơ quan quản lý nhà nước, những người hoạt động chuyên môn đã bàn bạc, tìm cách giải quyết thực trạng này tại Hội thảo Văn hóa năm 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” diễn ra ngày 17/12 tại Bắc Ninh.

Bên lề Hội thảo, phóng viên Thời báo Văn học nghệ thuật (Arttimes.vn) đã có cuộc phỏng vấn NSND Vương Duy Biên - Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Phát triển nguồn nhân lực văn hoá nghệ thuật: “Tôi luyện, trọng dụng tài năng của văn nghệ sĩ” - 1

NSND Vương Duy Biên - Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Ảnh: Phạm Hằng 

- Thưa NSND Vương Duy Biên, văn nghệ sĩ được nhìn nhận như là một nhân tố quan trọng, tầng lớp tinh hoa trong công cuộc chấn hưng văn hóa. Ông đánh giá như thế nào về thực trạng đội ngũ văn nghệ sĩ hiện nay?

NSND Vương Duy Biên: Muốn văn học nghệ thuật nói riêng và văn hóa nói chung phát triển mạnh mẽ và đúng hướng cần đặc biệt quan tâm phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ. Để làm tốt điều này, trước hết chúng ta cần nhìn thẳng vào thực trạng đội ngũ văn nghệ sĩ hiện nay và đề ra những giải pháp phát triển hiệu quả trong thời kỳ mới.

Số lượng văn nghệ sĩ cả nước do Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố quản lý là hơn 42.000 người, trong đó ở Trung ương gần 20 ngàn người và tỉnh, thành phố gần 24 ngàn người. Đội ngũ văn nghệ sĩ hiện nay chủ yếu được phân hóa theo độ tuổi thành hai bộ phận chính:

Bộ phận thứ nhất là những văn nghệ sĩ lớn tuổi, hầu hết đã từng tham gia hoạt động của các đơn vị nghệ thuật trong hệ thống cơ quan nhà nước, họ là thế hệ những văn nghệ sĩ “gạo cội” đã gắn bó với cách mạng và kháng chiến, là lực lượng nòng cốt giữ quan điểm sáng tác của Đảng. Số đông văn nghệ sĩ cao tuổi được rèn luyện và thử thách trong thực tiễn, có tài năng và vốn sống, trước những biến động lớn của thời cuộc và những khó khăn trong đời sống thường ngày vẫn giữ được phẩm chất, kiên định quan điểm sáng tác phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc.

Trong những năm gần đây, thế hệ văn nghệ sĩ cao tuổi cũng đã có những đổi mới, họ quan tâm nhiều hơn đến những góc cạnh đời thường, vượt qua những công thức, né tránh trước đây, làm phong phú và sâu sắc thêm chủ nghĩa nhân văn trong văn hóa. Các sáng tác văn học nghệ thuật của thế hệ văn nghệ sĩ cao tuổi ngày càng nhạy bén, mạnh dạn phê phán cái xấu, các biểu hiện biến chất, thoái hóa về nhân cách, đạo đức, lối sống, góp phần cảnh tỉnh, ngăn chặn xu hướng tiêu cực trong đời sống xã hội.

Phát triển nguồn nhân lực văn hoá nghệ thuật: “Tôi luyện, trọng dụng tài năng của văn nghệ sĩ” - 2

Lời Bác dạy năm xưa: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”

Bộ phận thứ hai là lớp văn nghệ sĩ trẻ, họ là những người nhiệt huyết, năng động, thích hành nghề tự do. Họ có nhiều cố gắng tìm tòi cái mới, đem đến cho đời sống văn học, nghệ thuật một triển vọng phát triển mới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Xuất hiện ngày càng nhiều tài năng trẻ trong tất cả các ngành nghệ thuật. Tác phẩm của họ tự xuất bản, tổ chức biểu diễn, làm phim theo đơn đặt hàng của các tổ chức phi chính phủ, cơ sở tư nhân.

Nội dung tác phẩm của lớp văn nghệ sĩ trẻ chủ yếu đề cập tới hiện thực đời sống xã hội đương đại với cách nhìn, cách nghĩ của giới trẻ. Tác phẩm ít có chiều sâu về tư tưởng, giá trị nhân văn nhưng lại được các cơ quan truyền thông quảng bá rộng rãi có tác động không nhỏ đến thị hiếu thẩm mĩ của công chúng, nhất là tầng lớp bình dân và giới trẻ. Một bộ phận văn nghệ sĩ trẻ có biểu hiện dễ dãi, bằng lòng với tình trạng nghiệp dư, “ăn xổi ở thì”, chiều theo thị hiếu tầm thường, thậm chí lập dị, ngộ nhận dưới danh nghĩa các trào lưu văn học nghệ thuật phương Tây.

Ngoài ra, một lực lượng văn nghệ sĩ không nhỏ, hoạt động khá hiệu quả là văn nghệ sĩ hoạt động tự do, tuy không nằm trong tổ chức nào của nhà nước nhưng những hoạt động của họ, sáng tạo của họ vẫn bám vào đời sống xã hội, thậm chí đã có những tác phẩm vượt ra khỏi biên giới Việt Nam, tiến ra thế giới (không dùng kinh phí nhà nước). Những giá trị nghệ thuật đã đan xen giữa bản sắc văn học nghệ thuật với những khuynh hướng mới và hiện đại của thế giới làm phong phú hơn của hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật nước nhà.

- Như ông vừa nhấn mạnh, muốn văn học nghệ thuật nói riêng và văn hóa nói chung phát triển mạnh mẽ và đúng hướng cần đặc biệt quan tâm phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ. Việc đầu tư hỗ trợ sáng tác và chăm lo đời sống văn nghệ sĩ hiện nay có đang được quan tâm đúng mức, thưa ông?

NSND Vương Duy Biên: Việc đầu tư hỗ trợ sáng tác và quan tâm đời sống văn nghệ sĩ là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong các chiến lược chấn hưng, phát triển văn hóa. Đảng và Nhà nước ta đã luôn đánh giá cao vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ trí thức và luôn dành cho sự nghiệp phát triển văn hóa nói chung và văn học, nghệ thuật nói riêng. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Bộ, ngành Trung ương, các Hội văn học nghệ thuật chuyên ngành từ Trung ương đến địa phương và nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, nhiều địa phương như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hòa Bình… đã xây dựng chương trình hành động cụ thể với nhiều đề án xây dựng, phát triển văn học nghệ thuật; quan tâm bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ và đầu tư kinh phí, có cơ chế, chính sách phát triển văn học nghệ thuật.

Đường lối của Đảng và chiến lược của Nhà nước là đúng đắn, đầy đủ, tuy nhiên, những nghị quyết, chỉ thị, chủ trương đúng đắn đó lại chưa thể đi vào cuộc sống một cách trọn vẹn, chưa thấm sâu vào đời sống xã hội để có những tác động và chuyển biến tích cực. Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, ban ngành về thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản khác của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ còn chưa đầy đủ, công tác triển khai thực hiện ít được quan tâm, chưa thật sự quyết liệt. Một số cấp ủy Đảng, chính quyền hiện nay chưa thực sự quan tâm tới văn nghệ sĩ, còn có sự thiếu hiểu biết về văn học nghệ thuật, đánh giá chưa đúng, chưa toàn diện các giá trị tác phẩm văn học nghệ thuật.

Phát triển nguồn nhân lực văn hoá nghệ thuật: “Tôi luyện, trọng dụng tài năng của văn nghệ sĩ” - 3

Đại diện cơ quan quản lý nhà nước, những người hoạt động chuyên môn đã bàn bạc, tìm cách giải quyết thực trạng này tại Hội thảo Văn hóa năm 2022 

Ở một số địa phương, do không hiểu tính đặc thù của văn học nghệ thuật, áp dụng máy móc, vội vã thay cán bộ chủ chốt, đưa người không có nghiệp vụ chuyên môn sang lãnh đạo dẫn đến tình trạng yếu kém, mất đoàn kết. Đời sống văn nghệ sĩ cơ bản là còn rất khó khăn, việc chăm lo đời sống cho văn nghệ sĩ còn lúng túng, vì thiếu nguồn ngân sách và thiếu cơ chế tạo điều kiện.

Nguồn vốn đầu tư cho văn nghệ sĩ chưa tương xứng, chưa đáp ứng được chỉ tiêu phát triển của ngành văn hóa, cũng như còn thấp so với đầu tư trong lĩnh vực kinh tế và một số lĩnh vực khác. Kinh phí của Chính phủ và từng địa phương chi cho các hoạt động văn học, nghệ thuật còn hạn chế nhất là các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng hải đảo. Nguồn cán bộ quản lý là văn nghệ sĩ giỏi tại các địa phương thiếu hụt, nên ảnh hưởng tới các hoạt động văn học, nghệ thuật. Công tác đào tạo, bồi dưỡng văn nghệ sĩ trẻ nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức.

Ở các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, những văn nghệ sĩ tiêu biểu, có bề dày sáng tác, có uy tín cao ra đi rất nhiều, thiếu cán bộ thực sự đủ tầm để thay thế. Đảng và Nhà nước cũng nên quan tâm đối với văn nghệ sĩ hoạt động tự do, bởi rất nhiều trong số họ có tài năng, cũng khát khao cống hiến, sáng tạo… vì thế có chính sách khuyến khích như đầu tư, đặt hàng, bồi dưỡng, đào tạo... để các văn nghệ sĩ (trong nhà nước hay ngoài nhà nước) đều được ghi nhận, công bằng nếu đóng góp tốt, hiệu quả để phát triển văn học nghệ thuật của nước nhà.

- Xin ông cho biết nguyên nhân dẫn tới những hạn chế trong sự phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ hiện nay?

NSND Vương Duy Biên: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên, trong đó vấn đề về tư tưởng, nhận thức, trình độ chuyên môn và sự thiếu hụt đội ngũ văn nghệ sĩ tài năng, tâm huyết là một trong những vấn đề mấu chốt.

Sự chuyển biến vô cùng mạnh mẽ của thế giới do tác động của quá trình toàn cầu hóa với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là công nghệ thông tin đã khiến cho đội ngũ văn nghệ sĩ ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam lúng túng, bị động, không theo kịp sự phát triển “quyền lực mềm” của một số quốc gia phát triển thông qua công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo.

Nhiều cơ quan, lãnh đạo ở các cấp quản lý, ngành, địa phương chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của văn hóa nói chung và của văn học, nghệ thuật nói riêng. Chưa có cơ chế phù hợp, đủ mạnh, hữu hiệu để đưa các chủ trương của Đảng, chiến lược và chính sách của Nhà nước vào cuộc sống, thích ứng cao với sự biến đổi toàn cầu và với cơ chế thị trường.

Mặt khác, nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp phát triển văn hóa nói chung, cho văn học, nghệ thuật nói riêng còn rất thấp. Nguồn lực tái sinh để tái đầu tư từ chính sự nghiệp phát triển văn hóa, do phát triển công nghiệp văn hóa đưa lại cũng còn rất hạn chế.

Bên cạnh đó, có thể thấy rõ là phần đông đội ngũ văn nghệ sĩ vẫn còn thụ động và thiếu khát vọng, chưa dấn thân và chưa theo kịp sự biến đổi của thực tiễn ở trong nước và trên thế giới. Chỉ một số bộ phận thích nghi tương đối tốt với cơ chế thị trường, nhưng lại sớm bộc lộ những khuynh hướng chạy theo những thị hiếu tầm thường, theo lợi ích cá nhân. Nhân tài, nghệ sĩ sáng tạo tâm huyết và táo bạo rất thiếu vắng hoặc chưa được trọng dụng một cách hiệu quả, đãi ngộ chưa xứng đáng với lao động sáng tạo.

- Để phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ trở thành những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa nghệ thuật, ông đề xuất những giải pháp nào?

NSND Vương Duy Biên: Từ việc nhận diện nguyên nhân dẫn tới những hạn chế trong sự phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ hiện nay, tôi xin mạnh dạn đề xuất những giải pháp như sau:

Thứ nhất, cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ. Các tổ chức, lực lượng cần được nghiên cứu, học tập, phổ biến, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, quy định, hướng dẫn của Đảng về văn hóa nghệ thuật, đội ngũ văn nghệ sĩ để hiểu sâu sắc hơn về vị trí, vai trò, chức trách, nhiệm vụ của đội ngũ văn nghệ sĩ; nhận thức đúng về ý nghĩa, tầm quan trọng, sự cần thiết, những thuận lợi, khó khăn, yêu cầu và những giải pháp nâng cao chất lượng của đội ngũ văn nghệ sĩ trong giai đoạn hiện nay.

Thứ hai, cần có hành lang pháp lý và một Chiến lược quốc gia phát triển văn học, nghệ thuật. Chiến lược phát triển này cần được nghiên cứu, chuẩn bị và thẩm định khoa học, kỹ càng, để đảm bảo tính khả thi, tính định hướng, mở đường, bao trùm từ cơ chế lãnh đạo, quản lý, quy hoạch đội ngũ, cơ chế, giải pháp đột phá, kế hoạch triển khai, đảm bảo nguồn lực đầu tư và đặc biệt là phát triển đội ngũ và tổ chức.

Thứ ba, tăng cường các nguồn lực đầu tư từ Nhà nước về tài chính, cơ sở vật chất và nhất là về cơ chế, nhưng phải xác định đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm thì mới phát huy được hiệu quả tối ưu, tránh được lãng phí. Trong đó, cần ưu tiên đầu tư để phát triển đội ngũ và tổ chức, ươm tạo và bồi dưỡng nhân tài. Bên cạnh đó cũng dành sự ưu tiên đầu tư phát triển những ngành đào tạo, những môn nghệ thuật không thể thích ứng hoặc khó thích ứng được với cơ chế thị trường, nhưng vô cùng cần thiết với sự phát triển của toàn lĩnh vực và để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc như: các loại hình nghệ thuật truyền thống, kịch hát dân tộc, tuồng, chèo, cải lương, dân ca các dân tộc ít người. Đồng thời có cơ chế để đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, nhất là thu hút các nguồn đầu tư từ ngoài ngân sách nhà nước, từ xã hội và nhất là từ cộng đồng doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nước ngoài.

Thứ tư, quan tâm, chăm lo đến tài năng và đời sống của đội ngũ văn nghệ sĩ. Tài năng và năng khiếu của văn nghệ sĩ cần được phát hiện sớm, được chăm lo đào tạo, bồi dưỡng bài bản và chu đáo, rồi lại phải được bảo vệ, tôi luyện và trọng dụng thì mới phát huy được và mang lại lợi ích cùng những giá trị chân, thiện, mỹ cho xã hội. Đảng, Nhà nước, các ngành, tổ chức xã hội cần tạo điều kiện thuận lợi, tôn trọng tự do sáng tạo cá nhân, tăng cường những giải pháp mạnh mẽ để chăm lo đào tạo, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ.

Thứ năm, củng cố, kiện toàn các trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật cả về tổ chức, đội ngũ giảng viên, chương trình, giáo trình. Tăng phương tiện, kỹ thuật giảng dạy, học tập; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ đội ngũ văn nghệ sĩ; tăng cường liên kết, đào tạo chuyên ngành văn học nghệ thuật, công nghiệp văn hóa ở các quốc gia phát triển.

Thứ sáu, tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển thị trường văn học nghệ thuật, hướng tới hình thành và phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo ở Việt Nam. Trong đó, đẩy mạnh sự hình thành thị trường về các tác phẩm văn học, nghệ thuật làm cho các tác phẩm văn học, nghệ thuật thật sự trở thành hàng hóa, đội ngũ văn nghệ sĩ sống được bằng tác phẩm của mình. Tăng cường xúc tiến, hỗ trợ phát triển thị trường trong và ngoài nước về trao đổi, mua, bán... các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Ban hành các chính sách và cơ chế thúc đẩy thị trường văn hóa phát triển, trong đó tạo được sự cạnh tranh lành mạnh sáng tạo văn học nghệ thuật.

Phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ cần tránh được sự ỷ lại vào nguồn lực của Nhà nước và không coi sự sáng tạo là một công việc cấp bách, hoạt động văn học nghệ thuật như một dạng viên chức nhà nước sẽ không khuyến khích sáng tạo... cũng như sự tự rèn luyện, trau dồi, học tập nhằm đổi mới tư duy, thay đổi suy nghĩ, nâng tầm sáng tạo đáp ứng được công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của NSND Vương Duy Biên!

Phạm Hằng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Tập khảo cứu đầu tiên về ngành in ấn thời thuộc địa

Tập khảo cứu đầu tiên về ngành in ấn thời thuộc địa

Nghề in ấn là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của văn hóa, đặc biệt trong lĩnh vực báo chí và xuất bản, tuy nhiên chưa có cuốn sách nào ở Việt Nam thực sự viết về ngành in ấn thời thuộc địa. Từ nhận định đó, tác phẩm “Lần theo dấu chữ – Thời kỳ đầu in ấn sách báo chữ Latinh ở Việt Nam (1862-1920)” của tác giả Trịnh Hùng Cường đã phác nên những nét cơ bản quan trọn