Nhận diện xu hướng, khơi thông nguồn lực phát triển văn hóa

Sáng 17/12, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh, Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề: ‘’Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa’’ chính thức khai mạc với 800 đại biểu tham dự trực tiếp. Hội thảo nhằm cụ thể hoá, thực tiễn hoá và thể chế hoá việc triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết của Trung ương và kết luận của Hội nghị văn hoá toàn quốc năm 2021.

Chủ trì Hội thảo có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh.

Nhận diện xu hướng, khơi thông nguồn lực phát triển văn hóa - 1

Ban chủ trì Hội thảo 

Đến dự Hội thảo còn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đồng chí Bộ trưởng, Bí thư, Phó Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, đại diện Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ban, ngành Trung ương, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, Ủy ban nhân dân, Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện một số cơ sở nghiên cứu, đào tạo về văn hóa, nghệ thuật và một số doanh nghiệp, hiệp hội.

Nhận diện xu hướng, khơi thông nguồn lực phát triển văn hóa - 2

Toàn cảnh Hội thảo 

Văn hóa Việt Nam sau 35 năm đổi mới: Nhiều thành tựu nhưng đầy thách thức

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội - Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thảo Trần Thanh Mẫn cho biết: Kế thừa thành công, kinh nghiệm của các diễn đàn, hội thảo trước đây; với tinh thần chuẩn bị “từ sớm, từ xa” của Quốc hội; nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, lãnh đạo Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, đề xuất tổ chức Hội thảo về chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”.

“Hội thảo sẽ tập trung đánh giá tình hình thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa; việc huy động, bố trí nguồn lực cho bảo tồn và phát triển văn hóa và các vấn đề đặt ra từ thực tiễn. Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh việc huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa đáp ứng yêu cầu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Nhận diện xu hướng, khơi thông nguồn lực phát triển văn hóa - 3

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội - Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thảo Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc Hội thảo 

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cho biết, trong hơn 35 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, nền văn hoá Việt Nam đã có những bước phát triển, đổi thay mạnh mẽ, trở nên ngày càng phong phú và đặc sắc, thống nhất trong đa dạng. Tuy nhiên, phải nhìn thẳng vào thực tế rằng, trong một thời gian dài, nhiều nơi, nhất là trong xây dựng các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa vẫn chưa được đặt đúng vị trí, chưa phát huy được vai trò tham gia thúc đẩy các lĩnh vực khác của đời sống xã hội và theo đó, nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hoá còn rất khiêm tốn, chưa thật sự xứng tầm.

Đặc biệt, với cách tiếp cận mới về vai trò của văn hoá trong phát triển, các chiến lược, kế hoạch và nguồn lực cho phát triển văn hóa vẫn chưa được kết nối đồng bộ với các chiến lược, kế hoạch và nguồn lực phát triển của các ngành, lĩnh vực khác và chưa đặt trong sự phát triển tổng thể, hài hoà nhưng có trọng tâm, trọng điểm của phát triển quốc gia, của các vùng miền và các địa phương trong cả nước.

Nhận diện xu hướng, khơi thông nguồn lực phát triển văn hóa - 4

Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng phát biểu đề dẫn Hội thảo 

"Hội thảo hôm nay là dịp để nhận diện rõ hơn không chỉ những thành tựu hết sức tự hào đã đạt được mà cả những hạn chế, bất cập trong việc thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển văn hoá, con người Việt Nam những năm qua", Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh. 

Xây dựng con người là trọng tâm, cốt lõi của phát triển văn hóa

Khẳng định mối quan hệ khăng khít giữa xây dựng văn hóa với xây dựng con người, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Con người là chủ thể sáng tạo, truyền bá, thụ hưởng văn hóa, là trung tâm của chiến lược phát triển. Xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp là trọng tâm, cốt lõi của phát triển văn hóa; mọi hoạt động văn hóa đều phải hướng tới xây dựng, phát triển con người.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, sau hơn 35 năm Đổi mới, việc triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã đạt được nhiều khởi sắc, làm cho đời sống tinh thần của con người, xã hội phong phú, đa dạng hơn, mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân từng bước được cải thiện.

Tuy nhiên, so với những thành tựu đạt được về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành tựu phát triển văn hóa, xây dựng con người thời gian qua còn chưa tương xứng. Những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực xây dựng văn hóa, con người đã được Đảng chỉ rõ từ lâu, nhưng chậm được khắc phục. Những năm gần đây, đạo đức trong xã hội có chiều hướng xuống cấp đáng lo ngại.

Bên cạnh đó, có hiện tượng phai nhạt lý tưởng, lối sống thực dụng, vị kỷ, vô cảm; sự vô trách nhiệm, thiếu kỷ luật trong lao động, hoạt động công vụ; một số biểu hiện, xu hướng lệch lạc trong sáng tác, trình diễn, cảm thụ văn học, nghệ thuật,… chưa được khắc phục. Môi trường văn hóa bị ô nhiễm và có những diễn biến phức tạp. Những tệ nạn, tiêu cực trong hoạt động, quản lý văn hóa chậm được ngăn chặn, đẩy lùi, tác động xấu đến quá trình phát triển văn hóa, xây dựng đạo đức, nhân cách, lối sống của con người Việt Nam.

Nhận diện xu hướng, khơi thông nguồn lực phát triển văn hóa - 5

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại Hội thảo

Nêu lên một số định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, phát huy nguồn lực xây dựng nền văn hóa Việt Nam “dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học”, Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, cần đẩy nhanh quá trình thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi về phát triển văn hoá. Cải cách và hoàn thiện thể chế văn hóa cần được phát huy đồng bộ thông qua nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý vĩ mô của Nhà nước song hành cùng trao quyền tự chủ nhiều hơn đối với các tổ chức, cá nhân trong hoạt động văn hóa.

Ngoài ra, cần phát huy toàn diện và đầy đủ các nguồn lực văn hóa bao gồm nguồn nhân lực con người và nguồn lực tài chính, nguồn vốn ngân sách nhà nước và nguồn vốn từ quá trình xã hội hóa, sự đóng góp của cộng đồng các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước cùng tham gia phát triển văn hóa.

Phát huy “vai trò tiên phong” của ngoại giao văn hóa

Tại Hội thảo, đánh giá tình hình triển khai Chiến lược Ngoại giao văn hoá (NGVH) từ năm 2016 đến nay, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết, Đại hội XIII đã đề ra nhiệm vụ cho đối ngoại là tiếp tục phát huy “vai trò tiên phong” trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần bảo vệ đất nước “từ sớm, từ xa”, huy động các nguồn lực bên ngoài góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”. Đại hội XIII đặt nhiệm vụ “mở rộng và nâng cao hiệu quả ngoại giao văn hóa, đóng góp thiết thực vào quảng bá hình ảnh, thương hiệu quốc gia và tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước”.

Để thực hiện tốt hai nhiệm vụ trên thì đến nay, ngoại giao văn hóa (NGVH) đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền ngoại giao toàn diện, hiện đại của Việt Nam giúp thực hiện hai mục tiêu là phục vụ đường lối đối ngoại và phát triển văn hóa: Góp phần tích cực trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam với cộng đồng quốc tế, tôn vinh trí tuệ, phẩm chất, cốt cách, lý tưởng cao đẹp của người Việt Nam và nâng tầm giá trị văn hóa Việt; tham gia thu hút đầu tư, du lịch, đóng góp vào phát triển bền vững kinh tế - xã hội của các địa phương và cả nước; đồng thời góp phần tăng cường sức mạnh mềm quốc gia...

Nhận diện xu hướng, khơi thông nguồn lực phát triển văn hóa - 6

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc phát biểu tại Hội thảo 

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc khẳng định, thời gian tới, tất cả các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục phối hợp triển khai mạnh mẽ và hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của Chiến lược NGVH đến năm 2030, trên một số trọng tâm chính:

Thứ nhất, thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ trên mọi mặt giữa Việt Nam và các nước, vùng lãnh thổ, các tổ chức khu vực và quốc tế; Thứ hai, thúc đẩy hội nhập sâu, rộng trong các lĩnh vực về văn hoá tại các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế; trong đó tiếp tục đưa quan hệ hợp tác của Việt Nam và UNESCO đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả; Thứ ba, NGVH là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị. Trong đó, Bộ Ngoại giao là cơ quan đầu mối giúp tham mưu, đôn đốc, đồng hành với các bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp hội nhập quốc tế, tiếp cận nhanh với tri thức mới của nhân loại, tranh thủ tối đa các nguồn lực để phục vụ phát triển bền vững đất nước.

Thứ tư, tiếp tục quảng bá các giá trị văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, trong đó chú trọng việc lan tỏa các giá trị, tư tưởng, quan điểm nhân sinh quan, thế giới quan tiến bộ và cao đẹp của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là thông qua hình ảnh, giá trị tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các danh nhân được UNESCO vinh danh; Thứ năm, lời giải cho bài toán tìm nguồn lực cho phát triển ngoại giao văn hóa chính ở phương châm “lấy địa phương, người dân, doanh nghiệp làm trung tâm” - họ vừa là chủ thể thụ hưởng vừa là đối tác.

Tại phiên thảo luận sáng 17/12, Hội thảo còn ghi nhận những ý kiến tâm huyết từ Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan về giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá trong xây dựng nông thôn mới; Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức nêu lên định hướng, chính sách và nguồn lực cho phát triển công nghiệp điện ảnh và công nghiệp âm nhạc ở Thành phố Hồ Chí Minh; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê K’đăm trình bày chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.

Phạm Hằng

Đồng thời, trong khuôn khổ phiên thảo luận sáng 17/12, diễn ra thảo luận bàn tròn giữa Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm; PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương; GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; KTS. Hoàng Thúc Hào, Phó Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam; Nhạc sĩ Quốc Trung. 

Nhận diện xu hướng, khơi thông nguồn lực phát triển văn hóa - 8

Phiên thảo luận bàn tròn giữa các đại biểu 

Theo đó, các đại biểu tập trung làm rõ các vấn đề như Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển nông thôn mới, trong đó có rất nhiều tiêu chí, những cấu phần liên quan đến văn hóa; Bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá - văn nghệ dân gian; Chống những nội dung văn hóa độc hại trên mạng xã hội và các nền tảng ngoại; Hoàn thiện luật pháp để xử lý vi phạm và tạo điều kiện cho công tác quản lý...

 

Tin liên quan

Tin mới nhất

Tập khảo cứu đầu tiên về ngành in ấn thời thuộc địa

Tập khảo cứu đầu tiên về ngành in ấn thời thuộc địa

Nghề in ấn là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của văn hóa, đặc biệt trong lĩnh vực báo chí và xuất bản, tuy nhiên chưa có cuốn sách nào ở Việt Nam thực sự viết về ngành in ấn thời thuộc địa. Từ nhận định đó, tác phẩm “Lần theo dấu chữ – Thời kỳ đầu in ấn sách báo chữ Latinh ở Việt Nam (1862-1920)” của tác giả Trịnh Hùng Cường đã phác nên những nét cơ bản quan trọn