Sao gọi được là “hay nhất”?

(Arttimes) - Vừa rồi vào mạng internet, tình cờ tôi đọc được cuốn sách 50 bài hát thiếu nhi hay nhất do Nhà xuất bản Văn hoá – Thông tin ấn hành cách đây nhiều năm. Tuy nhiên một số bài hát trong sách không thể dùng từ “hay nhất”, vì thực sự không thuyết phục.

Sao gọi được là “hay nhất”? - 1

Trên bìa cuốn 50 bài hát thiếu nhi hay nhất, phần trên cùng - chỗ đề tên tác giả theo thông lệ là một dòng chữ nhỏ màu trắng trên nền xanh: “Phụ lục bách khoa tri thức học sinh”. Dòng chữ này ai có mắt rất tinh cũng phải tiến sát vào mới đọc được. Tất nhiên loại sách này mang tính chất chọn lọc, tập hợp, sẽ do một hoặc một nhóm người nào đó thực hiện. Và cuốn sách được đề tên là “Theo kết quả của cuộc bình chọn âm nhạc” của mấy cơ quan đều có vị thế, tiếng tăm cả. Kể tên những cơ quan ấy thì hẳn chẳng có ai có thể xem thường: Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Ban Khoa học giáo dục Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Thiếu niên tiền phong. Và đây là 50 bài những người tuyển chọn cho là “hay nhất” của thế kỷ XX.

Từ khi nền tân nhạc Việt Nam ra đời và phát triển đến nay, qua hơn nửa thế kỷ đã có hàng ngàn, hàng vạn bài hát dành cho thiếu nhi ra đời. Tập sách chỉ chọn 50 bài, lại nói là “hay nhất” thì đương nhiên ai cũng hiểu đó là một thứ bậc rất khắt khe, đã được chọn lọc và mặc nhiên bài nào không có tên trong tập này phải từ thứ 51 trở đi, không thể bằng những bài trong số 50 đó. Nhưng thật vô lý vì thiếu vắng nhiều bài không thể không nhắc tên bởi cực kỳ nổi tiếng, thiếu nhi các thế hệ đã từng say mê ca hát. Ví dụ: Nhớ giọng hát Bác Hồ (Thanh Phúc), Chim hót đầu xuân (Nguyễn Đình Tấn), Lỳ và Sáo, (Văn Chung), Chim sơn ca (Đỗ Hoà An), Từ Ra-giơ-líp đến Pác Bó (Phan Long), Ánh trăng hoà bình (Hồ Bắc), Có con chim vành khuyên, Hò thả trâu (Hoàng Vân), Hè về, Tuổi 15 (Nguyễn Đình San), Em đi thăm miền Nam (Hoàng Long – Hoàng Lân), Cây bàng trước ngõ (Hàn Ngọc Bích), Em yêu đất mỏ quê em (Bùi Đức Huyên), Xe cần cẩu (Hoàng Hiển)… Đó là những bài hát rất quen biết, được nhiều thế hệ thiếu nhi ưa thích. Trong khi đó lại xuất hiện nhiều bài không thể so được với các bài trên (chất lượng nghệ thuật bình thường, không được nhiều thiếu nhi biết đến so với các bài vừa kể). Xin dẫn cụ thể những trường hợp còn gượng ép này: Khi tóc thầy bạc trắng, Dàn đồng ca mùa hạ, Trẻ em hôm nay thế giới ngày mai, Năm 2000 của chúng em, Hoa thơm dâng Bác, Màu mực tím, Mùa xuân tình bạn, Tấm ảnh Bác Hồ… Cần nói ngay: Những bài này không phải là không có chất lượng, không phải là các em không biết, nhưng không thể nằm trong số 50 bài hay nhất trong tổng số nhiều nghìn bài như đã nói. Và rõ là kém hơn một số bài hay hơn mà không xuất hiện trong cuốn sách như đã kể ở trên. Nếu cần tuyển một tập 500 bài hát hay nhất (chẳng hạn) thì những bài này sẽ xứng đáng được nhắc tới.

Một điều không thể không nói: Đây là tập tuyển chọn những bài hát thiếu nhi hay nhất thì cứ bài hay từ thứ 1 đến thứ 50 mà chọn (có thể lúc in thì để theo thứ tự vần A, B, C… tên bài). Như vậy, có thể có tác giả được chọn nhiều bài vì đều hay và có người không chọn được bài nào tuy có thể sáng tác rất nhiều hoặc nổi tiếng ở lĩnh vực sáng tác cho người lớn.

Nếu vì một sự “tế nhị” nào đó không thể không đưa một vài bài của ai đó vào tập sách thì nên lấy tên chung chung là “50 bài được thiếu nhi ưa thích”, chứ không thể dùng từ “hay nhất”, vì thực sự không thuyết phục như đã nói. Mới hay, dẫu có mang danh hiệu cơ quan, đoàn thể nào chăng nữa, rút cục vẫn là những con người cụ thể. Tuyển chọn mà thiếu sự vô tư, khách quan, không có “con mắt tinh đời”, sành sỏi, không có “gu” thẩm mỹ tinh tế thì quả là khó làm cho mọi người, trong đó có các em thiếu nhi “tâm phục khẩu phục”.

Những đánh giá kiểu như thế này thiết nghĩ nên tổ chức một cuộc thăm dò mang tính điều tra xã hội học mà đối tượng chính, hàng đầu là các em thiếu nhi, sau đến những người làm công tác phụ trách đội ở các nhà trường phổ thông chứ không thể là người lớn, lại không phải ai cũng vô tư và có khả năng thẩm định chính xác.

 

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Nguyễn Hưng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Một năm đầy biến động, những người đầu tư vàng lãi bao nhiêu?

Một năm đầy biến động, những người đầu tư vàng lãi bao nhiêu?

Với mức tăng 27% trong năm 2024, vàng trở thành một trong những tài sản đáng chú ý nhất của thị trường kim loại. Đà tăng trưởng này được thúc đẩy bởi các chính sách tiền tệ nới lỏng tại Mỹ, các rủi ro địa chính trị kéo dài và làn sóng mua vào từ các ngân hàng trung ương. Trong khi đó, các kim loại cơ bản có một năm đầy biến động, với quặng sắt và lithium giảm mạnh.

Những ý kiến thẳng thắn tâm huyết trong Hội nghị Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt các văn nghệ sĩ

Những ý kiến thẳng thắn tâm huyết trong Hội nghị Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt các văn nghệ sĩ

Chiều ngày 30/12, tại Hội nghị Gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ được tổ chức tại Hà Nội, Tổng bí Thư Tô Lâm chủ trì cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà, các Ban, Bộ, ngành gặp gỡ, lắng nghe những ý kiến trao đổi, chia sẻ thẳng thắn của các văn nghệ sĩ với mục tiêu tìm ra những giải pháp qua đó góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Phát triển năng lượng tái tạo ở nông thôn: Từ triển vọng đến thực tiễn

Phát triển năng lượng tái tạo ở nông thôn: Từ triển vọng đến thực tiễn

Các dự báo cho thấy nhu cầu năng lượng cho sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 4-5%/năm trong giai đoạn từ nay đến 2030. Điều này cho thấy tính cấp bách trong việc có các giải pháp phát triển năng lượng tái tạo ở khu vực nông thôn, góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới phát triển bền vững và cải thiện điều kiện sống cho người dân.