Thanh xuân hóa tuổi 75

Tháng 7 năm 2023, Tổ chức tập hợp văn nghệ sĩ nước nhà vừa tròn 75 tuổi. Nếu tính từ Hội tiền thân là Văn hóa Cứu quốc là tròn 80 năm. Ra đời, trưởng thành trong mấy cuộc chiến tranh lớn,văn nghệ sĩ Việt Nam đã đồng hành cùng dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, góp phần đáng tự hào vào chiến công chung giành và xây dựng một nước Việt Nam Độc lập và Thống nhất.

Tuổi sáng tạo sung sức

Bằng những sáng tác ra đời trong nhiều hoàn cảnh và thời điểm khác nhau, rất nhiều văn nghệ sĩ đã tự tạc tượng đài cho mình trong lịch sử cũng như trong lòng công chúng rộng rãi bằng những tác phẩm còn sống mãi với thời gian. Dễ thấy nhất, trong âm nhạc chẳng hạn, với Diệt phát xít, Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi, Quốc ca, Trường ca Sông Lô, và nhiều bài khác của Văn Cao, Du kích Sông Thao và nhiều bài khác của Đỗ Nhuận, Vì nhân dân quên mình của Doãn Quang Khải, Giải phóng Miền Nam của Lưu Hữu Phước, Tiến bước dưới quân kỳ của Doãn Nho, Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng của Phạm Tuyên,…mỗi lần cất lên là gợi lại một không gian và thời gian lịch sử khó quên.

Thanh xuân hóa tuổi 75 - 1

 Các nhạc sĩ đang biểu diễn trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Mọi sự nhắc tên cụ thể luôn là một thiếu sót và dễ làm mếch lòng nhiều người. Bởi cho đến nay, chung cả nền văn nghệ cũng như từng chuyên ngành VHNT chưa có một công trình sưu tầm, nghiên cứu nào ôm trọn được thực tiễn hoạt động phong phú, đa dạng, với rất nhiều thăng trầm, cùng rất nhiều thành tựu của nền văn nghệ nước nhà gần một thế kỷ qua. Một thi nhân Việt Nam ghi tạc được những gương mặt tiêu biểu 15 năm của Thơ mới, là một may mắn không thể lặp lại.

Chỉ có một điều chắc chắn, thế hệ  đầu tiên của nền văn nghệ mới ấy, mà giờ đây hầu hết đều đã thành người thiên cổ, (tháng 11 tới đây có kỷ niệm 100 năm sinh nhạc sĩ- nhà thơ Văn Cao), là họ đã sáng tác những tác phẩm đó khi tầm tuổi đôi mươi.Văn Cao, Chế Lan Viên, Nguyên Hồng Tô Hoài… thậm chí có tác phẩm khi mới 16, 17 tuổi. Bước qua 9 năm kháng chiến chống Pháp và trở thành lực lượng chủ lực của nền văn nghệ mới, khi hầu hết trên dưới 30. Nay nhìn lại thành viên các hội chuyên ngành, không biết có bao nhiêu Hội viên ở lớp tuổi sáng tạo sung sức đó?

Nhiều Hội, số Hội viên đã trên cả nghìn người, nhưng do lịch sử, nên số Hội viên ở tuổi hưu trí nhiều hơn hẳn số đang trong tuổi làm việc hành chính. Đã đành, người sáng tạo, sáng tác thì không phụ thuộc tuổi tác. Nhiều người vẫn liên tục có tác phẩm  mới. Hiện nay, số người về hưu còn ở lại làm việc trong Lãnh đạo và các cơ quan nghiệp vụ của các Hội chiếm một tỉ lệ cao. Cơ quan và các báo, Tạp chí, Nhà xuất bản các Hội Trung ương và địa phương, vốn có thể là nơi phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng những người tài năng, để bổ sung cho bộ máy của Đảng và Nhà nước những nhân lực hiểu biết chuyên sâu về văn hóa, văn nghệ, thì không biết tự bao giờ, đã thành nơi hạ cánh của cán bộ các cơ quan Đảng và Nhà nước về hưu, mà không chắc những người đó đã có hiểu biết về văn hóa, văn nghệ.

Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới  tháng 6 năm 2008, có nhận định : “Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của các cấp ủy Đảng, cơ quan Nhà nước, bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, nội dung và phương thức lãnh đạo chậm đổi mới,chưa lường hết được tác động phức tạp, tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường, dẫn tới sự lúng túng, thụ động khi định hướng và xử lý những vấn đề mới phát sinh…. Một bộ phận cán bộ lãnh đạo, tham mưu, quản lý văn nghệ thiếu hiểu biết về văn học, nghệ thuật, ít học tập, ngại tiếp xúc, nên hiệu quả lãnh đạo,quản lý còn thấp, có sự hẫng hụt đội ngũ này ở cả tầm vĩ mô và ở các đơn vị cơ sở”. Hơn 15 năm đã qua, nhưng tình hình đó hình như vẫn chưa được khắc phục.

Có một thực tế là nhờ sự phát triển của kinh tế, đất nước mở rộng giao lưu, mặt bằng đời sống  cũng như  văn hóa toàn xã hội được nâng cao rõ rệt. Nhu cầu hưởng thụ văn hóa đa dạng, đa sắc và nhiều hơn về số lượng. Đặc biệt số người trẻ chọn các loại hình văn học nghệ thuật để thể hiện mình là khá nhiều: Văn, thơ, nhạc, họa, làm phim và nhiều dạng thức nghệ thuật mới khác….

Để văn học nghệ thuật không chỉ là sân chơi

Điều kiện kinh tế và kỹ thuật giúp họ tự xuất bản, công bố và giao lưu với công chúng rộng rãi. Động cơ và mục đích sáng tạo đã khác xưa. Bức bách và ngặt nghèo kinh tế buộc phải sáng tác để kiếm sống xem ra đã hiếm hoi. Rất hiếm nhà văn sống được bằng nhuận bút. Vì thế văn nghệ chỉ còn là sân chơi, nơi thể hiện và khám phá năng khiếu bản thân.

Thanh xuân hóa tuổi 75 - 2

Thanh xuân hóa một tổ chức ở tuổi 75 là công việc đang trong tầm tay của những người đang làm VHNT nước nhà. Ảnh: Huyền Thương

Trưởng thành, họ phải kiếm sống bằng nhiều nghề khác. Bởi từ năng khiếu ban đầu, đến một tác giả nghiêm chỉnh còn cần rất nhiều kiến thức, thực tế, và lao động nhọc nhằn, hy sinh nhiều cơ hội hưởng thụ bình thường, mà sản phẩm làm ra không thể nuôi sống bản thân, nói chi đến gia đình. Trên mặt bằng văn nghệ, tác phẩm những người làm nghiệp dư hình như đang lấn lướt những người làm chuyên nghiệp về số lượng.

Thực tiễn đó đang đòi hỏi hoạt động của các Hội VHNT cần có những chuyển biến cần thiết và cụ thể để đem lại sức tập hợp nguồn lực sáng tạo trẻ, làm thanh xuân hóa các tổ chức văn học nghệ thuật Trung ương và các địa phương.

Văn nghệ sĩ Việt Nam hôm nay có một may mắn lớn là hoạt động trên một đất nước có gần một trăm triệu dân, lại có hơn 5 triệu người Việt ở nước ngoài  rất yêu văn hóa Việt. Trước khi mong xuất khẩu văn hóa, chỉ cần chinh phục được trái tim, khối óc của một phân số nhỏ trong số đó đã có thể có cuộc sống đàng hoàng. Một dân số trẻ, có 24 triệu người đi học, 11 triệu người ăn lương, hơn chục triệu công nhân, hơn 5 triệu Đảng viên, hơn 100 trường Đại học. Và hàng chục triệu người dân thuộc 54 dân tộc đời nối đời sáng tạo, bảo vệ và giữ gìn văn hóa nguồn cội. Ngay trong dân tộc Kinh, dù chung một ngôn ngữ, nhưng qua biến động của lịch sử dựng nước, mà khí chất con người từng vùng miền, cho đến ngày nay vẫn có những nét khác nhau.

Fukuzawa Yukichi (1835-1901), người được coi là nhà nhà tư tưởng khai sáng vĩ đại của Nhật bản thời kỳ Duy Tân từng định nghĩa Khí chất dân tộc: Khí chất này là thứ không bán mà cũng chẳng mua được, lại càng không phải là thứ dùng sức người mà tạo ra được. Khí chất thâm nhập trong dòng chảy đời sống của dân chúng, biểu hiện rộng khắp trên các dấu tích của đất nước, nhưng lại không nhìn thấy được bằng mắt và khó mà biết nó tồn tại ở đâu (Khái lược văn minh luận - Nguyễn Đỗ An Nhiên dịch- NXB Thế giới - 2018).

Không thể chỉ ra cụ thể, nhưng ai cũng thấy cái chất riêng có của người dân các vùng Bắc - Trung - Nam của nước ta, thậm chí của những vùng giới hạn hẹp hơn. Và còn 53 dân tộc ít người, mà sự khác biệt trong từng dân tộc cư trú ở những vùng miền khác nhau cũng thấy khá rõ. Điều đó đã, đang và sẽ tiếp tục làm nên sự đa dạng và giàu có về bản sắc và tài nguyên văn hóa của đất nước ta. Nhưng để biến những tiềm năng đó thành những sản/ tác phẩm văn hóa cụ thể, Lãnh đạo Liên hiệp các Hội VHNT nhân dịp này có thể lưu ý những công việc thiết thực:

 1/ Kiến nghị Đảng và Nhà nước thực hiện những điều rất cụ thể về tổ chức nhân sự lãnh đạo, đào tạo đội ngũ văn nghệ sĩ, nâng cao chất lượng các trường văn hóa nghệ thuật đầu tư đúng mức cho văn hóa và hoạt động của các Hội như nội dung NQ 23/BCT đã có từ năm 2008. Mục tiêu là xây dựng một thế hệ văn nghệ sĩ mới trong thời đại công nghiệp hóa, số hóa, với những hình thức sáng tạo VHNT mới, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao, càng đa dạng, phong phú, bắt kịp nhịp điệu phát triển của thế giới mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc. Bảo đảm người sáng tạo VHNT có thể sống bằng tác phẩm của mình.

  2/ Có những quyết sách cụ thể để tập hợp lực lượng sáng tạo trẻ từ các địa phương, các ngành nghề, các dân tộc, đặc biệt các dân tộc ít người. Hội không chỉ là nơi xét duyệt để kết nạp người đủ tiêu chuẩn, mà còn cùng các đơn vị, địa phương, tham gia phát hiện, bồi dưỡng, tạo điều kiện công bố các tác phẩm, kiến nghị những nhân sự có triển vọng để Nhà nước đào tạo trong và ngoài nước. Làm sao cho mỗi người thấy, Các Hội không chỉ là nơi sinh hoạt tinh thần, mà còn mang lại những lợi ích thiết thực, khi họ có tác phẩm tốt.

  3/ Cân đối lại hình thức khen thưởng của các Hội. Từ nhiều năm nay, trong kinh phí thường xuyên Nhà nước cấp cho các Hội, mỗi Hội đều có cách xét duyệt và trao thưởng riêng. Trong khi các Hội, hàng năm xét thưởng với số lượng khá lớn, thì riêng Hội Nhà văn, hàng năm mỗi thể loại chỉ chọn 1 tác phẩm, thậm chí nhiều năm, có thể loại không chọn được tác phẩm. Hậu quả là, khi xét Giải thưởng Nhà nước về VHNT, với tiêu chí phải có một số lượng giải thưởng nào đó, thì xem ra, Hội viên Hội nhà văn thiệt thòi nhất. Cứ nhìn sang những người sáng tác kịch bản – một thể loại văn học- ở Hội Điện ảnh, Hội Nghệ sĩ Sân khấu, được nhận giải thưởng Nhà Nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh mấy đợt vừa qua là thấy rõ.

   4/ Lãnh đạo Liên hiệp nên cùng các Hội chuyên ngành và Hội địa phương tìm thêm  các phương sách để đưa các tác phẩm VHNT vào với công chúng rộng rãi. Xã hội ngày nay đã phân hóa, mỗi đối tượng có những yêu cầu, thị hiếu khác nhau, tìm đúng đối tượng cần thiết không dễ, nhưng không phải không làm được. Đã có những MV âm nhạc trên mạng thường xuyên có hàng chục triệu người theo dõi, những bộ phim điện ảnh thu về 4-500 tỉ, nghĩa là có khoảng hơn 5 triệu người xem, những cuốn sách mỗi lần in hàng trăm nghìn bản. Đó đều là những con số hiện thực. Tổ chức công chúng cho văn hóa, cho VHNT là một việc có thể làm được trong xã hội hiện đại, khi đời sống người dân ngày càng được nâng cao, cộng với sự phát triển của các phương tiện kỹ thuật truyền dẫn. Thanh xuân hóa một tổ chức ở tuổi 75 là công việc đang trong tầm tay của những người đang làm VHNT nước nhà.

Bởi vì, chỉ khi đưa được VHNT hiện đại thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân, thì vị trí xã hội của người nghệ sĩ mới được nâng cao, người nghệ sĩ mới xứng đáng đứng trong đội ngũ những người SOI ĐƯỜNG CHO QUỐC DÂN ĐI, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: VĂN HÓA SOI ĐƯỜNG CHO QUỐC DÂN ĐI. 

Ngô Thảo

Tin liên quan

Tin mới nhất