Từ Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam đến Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam

Sau ngày thống nhất, đất nước sớm đối mặt những vấn nạn và thách thức mới. Miền Bắc kiệt quệ vì hao tổn sức người sức của sau hàng chục năm chiến tranh, lại gánh chịu thêm những tác động tiêu cực của mô hình sản xuất nông nghiệp hợp tác hóa và nền công thương quốc doanh. Miền Nam bất an vì những lệnh tập trung cải tạo viên chức, quân nhân chế độ cũ, vì việc cải tạo kinh tế tư doanh, đưa thợ giỏi đô thị đi khai hoang ở các địa phương xa xôi. Kế tiếp hiện tượng di tản ngay trong và sau ngày 30/4/1975 là các đợt vượt biên những năm 1980 gây ra nạn thuyền nhân (boat people) và các trại tỵ nạn ở một số nước ngoài khiến dư luận thế giới quan tâm. Rồi chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến tranh biên giới phía Bắc gây thiệt hại và bất an xã hội tuy củng cố được tinh thần yêu nước. Đầu những năm 1980, khủng hoảng kinh tế trở nên gay gắt, trầm trọng, lãnh đạo phải đi tới giải pháp đổi mới về chính trị và quản lý kinh tế xã hội.

Về văn học nghệ thuật, sau ngày thống nhất, văn nghệ sĩ hai miền có dịp tiếp xúc lẫn nhau, công chúng hai miền dễ dàng tiếp cận các sản phẩm văn nghệ được tạo ra ở phía bên kia trong thời kỳ đất nước chia cắt. Ảnh hưởng của những xúc tiếp này không đơn dạng mà hết sức đa dạng, phức tạp, tác động đến tâm lý tiếp nhận của công chúng, đến chính các quá trình văn nghệ hiện tại.

Nhiều nhà văn, nghệ sĩ thấy bức bối vì khuôn khổ chật hẹp của cơ chế văn nghệ chính thống bao cấp; ý kiến của họ va chạm với luồng ý kiến bảo thủ, muốn giữ nguyên khuôn phép của định hướng cũ. Tiêu biểu cho trạng huống này là những thảo luận kéo dài trong các giới sáng tác và phê bình đối với các truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Cạnh đó, xu hướng sáng tác mô tả trực tiếp hoạt động kinh tế xã hội đang diễn ra sôi động như các cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Mạnh Tuấn (Đứng trước biển, Cù lao Tràm) cũng gây những luồng ý kiến khen chê trái ngược gay gắt.

Về các tổ chức hội, ở cấp toàn quốc, sau năm 1975 có thêm Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam (thành lập tháng 12/1989). Ở cấp địa phương tỉnh thành, từ 1976 đến 1995 có 31 hội văn học nghệ thuật được thành lập: Hải Hưng (1976), Tp. Hồ Chí Minh (1976), Hậu Giang (1976), Hà Nam Ninh (1977), Quảng Nam - Đà Nẵng (1978), Bình Trị Thiên (1978), Đồng Nai (1979), An Giang (1980), Bến Tre (1980), Lai Châu (1981), Kiên Giang (1981), Nghĩa Bình (1983), Hà Bắc (1983), Sơn La (1984), Phú Khánh (1985), Thuận Hải (1986), Sông Bé (1986), Đồng Tháp (1986), Bắc Thái (1987), Hà Tuyên (1988), Lâm Đồng (1988), Tiền Giang (1988), Hoàng Liên Sơn (1988), Bà Rịa - Vũng Tàu (1989), Long An (1990), Đắc Lắc (1990), Cao Bằng (1993), Hà Tây (1995), Gia Lai - Kon Tum (1990), Minh Hải (1992), Tây Ninh (1994).

Kể từ đó, mỗi tỉnh, thành đều có một hội văn học nghệ thuật, cơ quan hội được cấp kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước; mỗi khi tách hoặc nhập tỉnh, các hội sẽ được chia tách hoặc hợp nhất nhanh chóng.

Trong các ngày 26 - 27/4/1984, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội nghị đại biểu các hội văn học nghệ thuật trong cả nước, sau khi được sự nhất trí của Ban Văn hóa - Văn nghệ Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và được Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cho phép. Tham dự hội nghị có 150 đại biểu từ 7 hội chuyên ngành ở Trung ương (Hội Nhà văn, Hội Nghệ sĩ Sân khấu, Hội Nghệ sĩ Tạo hình, Hội Nhạc sĩ, Hội Điện ảnh, Hội Kiến trúc sư, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh) và đại diện của 35 hội văn học nghệ thuật của 35 tỉnh, thành phố; một số văn nghệ sĩ tiêu biểu của các ngành văn học nghệ thuật được mời tham dự.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam Đặng Thai Mai đọc lời khai mạc, nêu bước phát triển của mặt trận văn nghệ 40 năm qua, từ “Hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam” (1943), “Hội Văn nghệ Việt Nam” (1948), “Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam” (1957) với các hội chuyên ngành; cùng với các tổ chức đó là những thành tựu văn nghệ cách mạng đã được nghị quyết các Đại hội Đảng IV, V ghi nhận.

Từ sau 1975 đến lúc này, hàng loạt hội văn học nghệ thuật ở các địa phương được thành lập, 7 hội chuyên ngành ở Trung ương được củng cố, đủ sức đảm nhiệm công tác tổ chức, quản lý, chỉ đạo các hoạt động chuyên ngành, vì vậy, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam cũng cần có thay đổi, bổ sung về vị trí, chức năng, quy mô và phương thức hoạt động. Hội nghị nghe bức thư của Chủ tịch hội đồng nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trường Chinh gửi hội nghị.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam Cù Huy Cận đọc báo cáo “Mặt trận văn học nghệ thuật Việt Nam trước những nhiệm vụ mới của cách mạng”. Hội nghị dành 2 buổi thảo luận, nghe tham luận của các ngành, các địa phương và các văn nghệ sĩ tiêu biểu xung quanh vấn đề tổ chức và hoạt động của đoàn thể văn học nghệ thuật trong thời gian tới. Ban chấp hành Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam trình bày dự thảo “Điều lệ” của Ủy ban Trung ương Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam (thay cho tên gọi “Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam” trước đây), được cơ bản nhất trí sau khi có nhiều ý kiến bổ sung.

Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Hoàng Tùng có bài nói chuyện về thời cơ một thời đại phục hưng mới của văn học nghệ thuật, về việc tạo điều kiện cần thiết cho sự ra đời những tác phẩm nghệ thuật xứng đáng với tầm vóc dân tộc và thời đại. Hội nghị nhất trí cử ra “Ủy ban Trung ương Liên hiệp Văn học và nghệ thuật Việt Nam” với 69 ủy viên, đại diện đầy đủ cho các chuyên ngành, các hội văn học nghệ thuật các tỉnh, thành phố và một số văn nghệ sĩ tiêu biểu, và Đoàn Chủ tịch 12 người, gồm: Chủ tịch: Cù Huy Cận, các Phó Chủ tịch: Nguyễn Đình Thi, Trần Văn Cẩn, Lưu Hữu Phước, Ủy viên: Tô Hoài, Bảo Định Giang, Lý Thái Bảo, Huy Du, Dương Ngọc Đức, Nguyễn Trực Luyện, Hoàng Tư Trai, Dương Viên.

Thời gian những năm trước và trong cao trào đổi mới, tức là suốt những năm 1980, không những ở lĩnh vực sáng tác văn học, mà các lĩnh vực nghệ thuật như sân khấu, điện ảnh, cả điện ảnh nghệ thuật (phim truyện hư cấu) lẫn điện ảnh tư liệu (phim tư liệu chính luận), đều có những đột phá mới, tác giả dấn thân vào các vấn đề chính trị - xã hội, làm thức dậy tư duy đổi mới, cổ vũ và hưởng ứng công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng (tại đại hội thứ VI của Đảng, tháng 12/1986).

Có thể kể các phim Hà Nội trong mắt ai (1982) và Chuyện tử tế (1985) của Trần Văn Thủy, Thị xã trong tầm tay (1983) và Bao giờ cho đến tháng Mười (1985) của Đặng Nhật Minh, các vở kịch nói Tôi và chúng ta (viết 1984, dựng diễn những năm 1980 - 1990), Hồn Trương Ba, da hàng thịt (viết 1981, dựng diễn những năm 1990) và nhiều vở kịch khác nữa của Lưu Quang Vũ, các ký sự của Phùng Gia Lộc (Cái đêm hôm ấy đêm gì), Trần Huy Quang (Câu chuyện về một ông “vua lốp”; Lời khai của bị can), Hoàng Minh Tường (Anh hùng khi đã sa cơ; Làng giáo có gì vui), Trần Khắc (Người đàn bà quỳ), Minh Chuyên (Thủ tục để làm người còn sống)...

Do nhiều nguyên nhân, gồm cả sự thất bại bên trong nền kinh tế và tổ chức xã hội kiểu chỉ huy - bao cấp, cả sự sụp đổ của phe xã hội chủ nghĩa thế giới và kéo theo đó là sự sụp đổ của mô hình xã hội - kinh tế nhà nước hóa, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiến hành công cuộc đổi mới, bao gồm “đổi mới tư duy” và đổi mới mô hình kinh tế xã hội, chuyển sang nền kinh tế hàng hóa - thị trường, có sự quản lý của nhà nước.

Lãnh đạo Đảng tiếp xúc lắng nghe ý kiến các văn nghệ sĩ.

Từ Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam đến Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam - 1

Đại hội X Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam

Hai ngày 6 và 7 tháng 10/1987, tại thủ đô Hà Nội diễn ra một sự kiện quan trọng: Cuộc gặp gỡ của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với gần 100 văn nghệ sĩ và nhà hoạt động văn hóa.

“Có mặt các nhà văn Nguyễn Khải và Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng và Nguyễn Kiên, Nguyễn Đình Thi và Tế Hanh, Nguyên Ngọc và Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Trọng Oánh và Bằng Việt, Chính Hữu và Chu Văn...; các nhà hoạt động sân khấu Dương Ngọc Đức và Tất Đạt, Lưu Quang Vũ và Tào Mạt, Phạm Thị Thành và Hồ Ngọc, Thanh Hương và Nguyễn Đình Nghi...; các nhà hoạt động âm nhạc Huy Du và Phạm Tuyên, Ái Vân và Xuân Thanh, Hoàng Vân và Đàm Linh, Trung Kiên và Vũ Tự Lân...; các nghệ sĩ tạo hình Nguyễn Tư Nghiêm và Phan Kế An, Đặng Thị Khuê và Dương Viên, Nguyễn Quân và Nguyễn Thụ, Thái Bá Vân và Phạm Viết Hồng Lam...; các kiến trúc sư Tạ Mỹ Duật và Trọng Chi, Hoàng Nghĩa Sang và Ngô Thúc Hoàng...; các nhà hoạt động điện ảnh Trần Đắc và Hải Ninh, Trần Văn Thủy và Bùi Đình Hạc, Đoàn Lê và Lý Thái Bảo, Như Quỳnh và Đặng Nhật Minh...; các nhà nhiếp ảnh Hoàng Tư Trai, Hoàng Kim Đáng, Đinh Ngọc Thông...; cùng các nhà hoạt động văn hóa nổi tiếng Nguyễn Khắc Viện, Phan Huy Lê, Nguyễn Hồng Phong, Vũ Khiêu, Nông Quốc Chấn, Phan Hữu Dật... Những tên tuổi gắn liền với những công trình sáng tạo văn hóa và nghệ thuật đã đành. Những tên tuổi ấy, cũng gắn liền với những tìm tòi, trăn trở trong nhiều năm qua về những vấn đề lớn, nóng bỏng của đất nước, của xã hội, của thời đại”.

Đáp lại câu hỏi mở đầu của Tổng Bí thư, “hình như từ sau ngày giải phóng đất nước đến nay những thành tựu văn học nghệ thuật của chúng ta nghèo hơn trước?” các ý kiến văn nghệ sĩ xác nhận điều đó và chỉ ra các nguyên nhân. Nhà phê bình sân khấu Hồ Ngọc cho rằng chúng ta đã “đồng nhất, thậm chí đồng hóa văn nghệ với chính trị, coi văn nghệ là công cụ của chính trị, phục vụ chính trị một cách thô thiển, đơn giản... biến văn nghệ thành vũ khí tuyên truyền, thành tuyên truyền...”.

Nhà hoạt động văn hóa Nguyễn Khắc Viện cho rằng “Sự lãnh đạo văn nghệ trong mấy năm qua nhiều lúc còn thô sơ, tỉa cành bắt sâu trong một vườn hoa quý lại dùng dao búa làm rừng khai hoang... Những người làm báo, viết văn, làm phim thường xuyên được nhắc nhở: phải làm như thế này, không được làm như thế kia, bị trói buộc bởi một loạt húy kỵ... Lâu lâu lại nổ ra một vụ án: bài báo này, quyển sách kia, cuốn phim nọ bị kết án là “xét lại”, là “chống Đảng”, là “có tính kích động”.

Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đặc biệt nhấn mạnh đến điều anh gọi là “sự bao cấp về tư tưởng” từng phổ biến suốt một thời. Đó là tình trạng “chỉ cần một người suy nghĩ cho mọi người, một cái đầu tối cao suy nghĩ cho mọi cái đầu”. Nhà phê bình văn học Nguyễn Đăng Mạnh: “Vấn đề sinh tử của văn nghệ là tự do. Văn nghệ cũng như con chim, trói nó lại thì nó không hót. Hoặc nó hót vớ vẩn! Mà thả ra thì lại sợ nó bay mất! Lãnh đạo giỏi là phải làm sao cho con chim văn nghệ bay bổng và hót vang trên bầu trời tự do của chúng ta...”.

Hai đạo diễn điện ảnh Trần Đắc và Hải Ninh nêu những quan niệm hẹp hòi, thiển cận đang hạn chế những khả năng lớn của ngành điện ảnh chúng ta. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng nói, hiện nay người viết chưa thật sự có tự do sáng tác. “Rõ ràng là người viết luôn luôn có mối lo, nói là sợ thì quá đáng, nói sờ sợ thì đúng hơn. Sợ trên, sợ chung quanh và nỗi sờ sợ ấp ủ ngay trong bản thân mình...”.

Nhà biên kịch Tất Đạt, nữ đạo diễn Phạm Thị Thành, hai nữ nghệ sĩ Ái Vân và Xuân Thanh, thông qua thực tế ngành sân khấu, cũng nói đến những vấn đề chung của văn học nghệ thuật ta hiện tại: vấn đề tự do sáng tạo bị cản trở thậm chí có khi bị “chà đạp” vì những quan niệm lãnh đạo ấu trĩ, thô bạo, sai trái; vấn đề một thứ “chế độ kiểm duyệt” vô hình và không có pháp luật; vấn đề đời sống và điều kiện lao động nghệ thuật của người diễn viên sân khấu bị bỏ bê đến tồi tệ... Nhà viết kịch Tào Mạt cho rằng: “Không những phải làm một cuộc tự phê bình của toàn Đảng mà còn phải làm một cuộc tự phê bình của toàn dân tộc, thì chúng ta mới tiến lên được”.

Nhiều ý kiến khác nữa. Nhà văn Nguyên Ngọc nói về vai trò xã hội của văn học nghệ thuật; nhà sử học Nguyễn Hồng Phong nói về các vấn đề Đảng lãnh đạo văn nghệ, vấn đề công chúng, vấn đề giao lưu văn hóa nghệ thuật; nhà văn Nguyễn Đình Thi nói những suy nghĩ về vấn đề dân chủ ở các nước xã hội chủ nghĩa.

Kết thúc hai ngày thảo luận, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh hoan nghênh những ý kiến đã phát biểu mà theo ông, “tất cả đều thẳng thắn, chân thành, đa dạng, phong phú, sâu sắc”. Ông nhận ra qua các phát biểu 3 điểm thống nhất. “Một là: sự lãnh đạo của Đảng trong nhiều năm qua đã đánh giá thấp vai trò vị trí của văn học nghệ thuật và của văn nghệ sĩ. Hai là: chẳng những thế, sự lãnh đạo ấy còn thiếu dân chủ, trói buộc văn nghệ, nhiều khi độc đoán, sát phạt. Ba là: cơ chế quản lý tổ chức không đúng, nhiều chính sách bất công, không chỉ làm cho đời sống các đồng chí khổ cực mà công việc của các đồng chí rất khó khăn, phức tạp”.

Tổng Bí thư đồng cảm với những trăn trở dằn vặt của anh chị em văn nghệ sĩ. Ông nói đến những khó khăn hiện nay của người cầm bút, đến tình trạng còn là “tranh tối tranh sáng” trong hiện thực đời sống xã hội, đến cái xấu cái tiêu cực còn lan tràn mà văn nghệ có nhiệm vụ phải phanh phui, đến tình trạng văn nghệ còn bị “trói buộc”, cần phải được cởi trói cho sự sáng tạo. Và ông khuyên anh chị em: phải làm theo câu thơ Hồ Chí Minh “Ở trong thơ cần có thép”. Ông nói: Phải dũng cảm. Đừng chùn bước. Lịch sử sẽ chứng minh cho mình... Phải nắm vững trường phái tả chân xã hội chủ nghĩa. Văn nghệ phải nói lên sự thật, dù là sự thật phũ phàng, nhưng mà có thật... Nếu như còn bị trói thì thà đừng viết, chưa viết. Hãy đi vào trong thực tế quần chúng đã. Cởi trói được rồi hãy viết, chứ đừng uốn cong ngòi bút của mình, đừng uốn cong tư duy, tình cảm của mình. Đừng viết cho “hợp thời”. Làm thế tức là vứt bỏ hết chất cách mạng của mình rồi...

Sau cuộc gặp mang tính lịch sử kể trên, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra nghị quyết 05 (khóa VI) “Đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới”. Ban Bí thư Trung ương Đảng có chỉ thị hướng dẫn thực hiện nghị quyết này.

Cuộc gặp kể trên là một trong những sự kiện mang tính lịch sử của nền văn nghệ, của lịch sử các tổ chức văn nghệ đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Không ngạc nhiên là sau đó trong giới văn nghệ các vùng trong nước nổi lên luồng dư luận hoan nghênh, hưởng ứng ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Tiêu biểu là bài của nhà văn Nguyễn Minh Châu “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa” và nhiều phát biểu sâu sắc khác.

Tinh thần cởi mở, khai phóng của đổi mới kinh tế xã hội đã đưa tới những chuyển biến mới trong sáng tác văn nghệ. Những tác phẩm văn học như truyện ngắn truyện dài của Dương Thu Hương, của Nguyễn Huy Thiệp, của Phạm Thị Hoài, với giọng điệu, màu sắc, tư tưởng và phong cách vượt ra ngoài các chuẩn mực quen biết của văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa, có thể xuất hiện vào thời gian ấy và được công chúng hoan nghênh, cho thấy rằng, văn nghệ Việt Nam khi đó đã có những sáng tác đi sang khu vực chủ nghĩa hiện đại, thậm chí ít nhiều tới chủ nghĩa hậu hiện đại, như một số nghiên cứu sẽ chỉ ra. Ngay những tác phẩm được Hội Nhà văn tặng giải thưởng năm 1992 như các tiểu thuyết Bến không chồng của Dương Hướng, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Thân phận tình yêu (Nỗi buồn chiến tranh) của Bảo Ninh, đều thấy đã ít nhiều vượt ra ngoài các yêu cầu và khuôn khổ của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Cũng trong tư duy đổi mới, hàng chục văn nghệ sĩ và trí thức đã trên ba chục năm mang các mức án kỷ luật dài ngắn khác nhau từ thời đàn áp “Nhân văn - Giai phẩm” (1958), đến lúc này đều được khôi phục hội tịch các hội chuyên ngành, khôi phục quyền công bố tác phẩm; một số tác giả trong số đó về sau còn được trao tặng các giải thưởng lớn.

Cũng do tác động của đổi mới, thị trường tự do dần dần xuất hiện ở một số hoạt động biểu diễn, ca nhạc, mỹ thuật, xuất bản phẩm. Với tính cạnh tranh của mình, thị trường tự do dần dần ảnh hưởng đến các hoạt động văn nghệ chính thống. Đối phó tình trạng này, lãnh đạo các ngành đề ra một số chính sách nhằm trợ giúp các hội văn học nghệ thuật và văn nghệ sĩ về đời sống và sáng tác. Hoạt động của các hội chuyên ngành và của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật nằm trong khu vực chính thống, trong khi các văn nghệ sĩ các hội thì hoạt động cả ở khu vực văn nghệ chính thống, đôi khi cả ở thị trường nghệ thuật.

Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ V họp tại Hà Nội các ngày 9 - 11/9/1995; Tổng Bí thư Đỗ Mười tới dự và phát biểu với Đại hội. Đại hội đã quyết nghị đổi tên “Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam” thành “Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam”, đổi tên cơ quan lãnh đạo “Ủy ban Trung ương Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam” thành “Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam”.

Thay vì bỏ phiếu bầu cử, Đại hội đã tiến hành hiệp thương để cử ra các thành viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhiệm kỳ mới, gồm: Chủ tịch Nguyễn Đình Thi, các Phó Chủ tịch Huy Cận, Hà Xuân Trường, Bảo Định Giang, Vũ Giáng Hương; Tổng Thư ký: Tô Ngọc Thanh; các Ủy viên Đoàn Chủ tịch: Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Trực Luyện, Trọng Bằng, Dương Ngọc Đức, Chu Thúy Quỳnh, Đặng Nhật Minh, Hoàng Tư Trai, Tô Hoài.

Văn kiện thể hiện tập trung đường lối phát triển văn hóa văn nghệ của Đảng trong thời kỳ mới là Nghị quyết hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII (16/7/1998) về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Về việc phát triển sự nghiệp văn học nghệ thuật, nghị quyết chủ trương:

- Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm vǎn học - nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thấm nhuần tinh thần nhân vǎn, dân chủ, có tác dụng sâu sắc xây dựng con người. Khuyến khích tìm tòi, thể nghiệm mọi phương pháp, mọi phong cách sáng tác vì mục đích đáp ứng đời sống tinh thần lành mạnh, bổ ích cho công chúng. Bài trừ các khuynh hướng sáng tác suy đồi, phi nhân tính.

- Phát huy vai trò thẩm định tác phẩm, hướng dẫn dư luận xã hội phê bình vǎn học, nghệ thuật. Bảo đảm tự do sáng tác đi đôi với nêu cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội của vǎn nghệ sĩ, các nhà vǎn hóa. Nâng cao chất lượng, phát huy tác dụng của nghiên cứu, lý luận.

Như đã thấy, để thích hợp với thời kỳ mới, Đảng đã không còn nêu các yêu cầu về tính đảng của tác phẩm văn nghệ và của văn nghệ sĩ, không còn nêu yêu cầu sáng tác theo phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa như thời gian trước.

Về tổ chức văn nghệ, nghị quyết quy định rõ: “Liên hiệp Vǎn học nghệ thuật Việt Nam (bao gồm các hội sáng tạo vǎn học, nghệ thuật ở Trung ương) và các hội vǎn nghệ ở các tỉnh, thành phố là những tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp do Đảng lãnh đạo có bộ máy chuyên trách gọn nhẹ, có sự tài trợ của Nhà nước về kinh phí”. 

Như vậy, đoàn thể Liên hiệp Vǎn học nghệ thuật Việt Nam vẫn là đoàn thể văn nghệ như thời bao cấp, chưa phải là tổ chức nghề nghiệp của văn nghệ sĩ trong xã hội dân sự. Vẫn còn khoảng cách giữa “tổ chức chính thống” và tổ chức xã hội - nghề nghiệp thông thường.

Một phương hướng cởi mở hơn, thích hợp với thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng không chỉ về kinh tế mà còn cả về các hoạt động tinh thần, sẽ tạo thêm điều kiện thuận lợi cho sự phát triển văn nghệ dân tộc trong thời đại mới.

Lại Nguyên Ân

Tin liên quan

Tin mới nhất

TS. Phạm Việt Long, văn nhân nặng lòng với văn hóa dân tộc

TS. Phạm Việt Long, văn nhân nặng lòng với văn hóa dân tộc

Tôi đến tư gia thăm nhà văn, TS. Phạm Việt Long sau ngày cơ quan cũ của ông tổ chức ra mắt “Tín ngưỡng thờ mẫu từ góc nhìn văn hóa”, NXB Dân Trí năm 2024. Ông tặng tôi tập sách, hay nói đúng tầm là công trình nghiên cứu này. Sách dày đến gần 600 trang, bìa cứng, trang trọng.