Cổ phiếu từng đắt nhất lịch sử chứng khoán Việt Nam giờ ra sao?

Cổ phiếu VNZ từng là một hiện tượng hi hữu khi có mệnh giá vượt 1 triệu đồng.

Vn-Index mở cửa tăng nhẹ nhưng đà tăng không chắc chắn. Loạt cổ phiếu vốn hóa lớn đồng loạt giảm như VCB, SAB, BVH, GAS, FPT, VIC, HPG,...

Chỉ số chính duy trì mức tăng nhẹ phần lớn thời gian giao dịch. Tuy nhiên, những phút cuối của phiên thì nguồn cung giá thấp bất ngờ được đẩy mạnh vào thị trường. Nhóm CP trụ bị bán mạnh ngay sát đợt khớp lệnh ATC khiến NĐT hoảng loạn và đẩy mạnh lệnh bán ở các mã CP khác. Điều này khiến chỉ số đổi màu, từ số điểm xanh, VN Index nhanh chóng chuyển sang sắc đỏ 

Chốt phiên giao dịch ngày 26/5, Vn-Index giảm 0,87 điểm (0,08%) còn 1.063,76 điểm. HNX-Index tăng 0,87 điểm (0,4%) lên 217,64 điểm, UPCoM-Index giảm 0,13 điểm (0,16%) còn 80,58 điểm.

Theo các chuyên gia, xét về khung đồ thị giờ, RSI và MACD đã cho tín hiệu tạo đáy đầu tiên, tuy nhiên chỉ báo ADX vẫn đang ở mức thấp cho thấy VN-Index sẽ vẫn duy trì xu hướng phân hóa, tăng giảm đan xen từ 3-5 phiên tới.

Cổ phiếu từng đắt nhất lịch sử chứng khoán Việt Nam giờ ra sao? - 1

Vn-Index giảm điểm dù thị trường ngập sắc xanh

Thanh khoản tiếp tục giảm nhẹ so với phiên hôm qua. Tổng giá trị giao dịch hôm nay đạt hơn 13,2 nghìn tỷ đồng. 

Toàn sàn HoSE có 227 mã tăng (15 mã trần) so với 146 mã giảm (2 mã sàn) và 72 mã đứng giá.

GVR là cổ phiếu tác động tích cực nhất lên đà tăng của Vn-Index trong phiên này khi đem về 0,46 điểm. Ở chiều ngược lại, VCB là cổ phiếu tác động tiêu cực nhất lên thị trường khi lấy đi của chỉ số chính 1,4 điểm.

Phiên hôm nay cũng là phiên thứ hai cổ phiếu VNZ của Công ty cổ phần VNG bị đưa vào diện hạn chế giao dịch theo quyết định của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Chốt phiên, VNZ giảm 2,5%, còn 740 nghìn đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu này tăng gần như phần lớn thời gian và quay đầu giảm vào cuối phiên. Có 5,7 nghìn đơn vị được giao dịch trong phiên.

Cổ phiếu VNZ từng là một hiện tượng hi hữu khi có mệnh giá vượt 1 triệu đồng. Thời điểm trung tuần tháng 2, mã này từng đạt thị giá 1.358.700 đồng và trở thành cổ phiếu có thị giá cao nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cổ phiếu từng đắt nhất lịch sử chứng khoán Việt Nam giờ ra sao? - 2

Ông Lê Hồng Minh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VNG

VNZ bị đưa vào diện bị kiểm soát vì VNG đã chậm nộp báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán năm 2022 quá 45 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn công bố thông tin, thuộc vào trường hợp bị hạn chế giao dịch theo quy định. Theo đó, cổ phiếu VNZ sẽ chỉ được giao dịch vào phiên thứ sáu hàng tuần. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 25/5.

VNG cho biết đang thực hiện song song BCTC theo chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) và Chuẩn mực quốc tế (IFRS) do công ty hiện hoạt động không chỉ tại Việt Nam mà còn tại nhiều nước trên thế giới, với 33 công ty con và 7 công ty liên kết. Trong đó, 18 công ty con và 1 quỹ xã hội - tổ chức phi lợi nhuận hoạt động tại Việt Nam và 14 công ty con ở nước ngoài với các quy định về kế toán và pháp lý khác nhau.

Do đó, VNG cho biết cần nhiều khá nhiều thời gian để kiểm tra, đối chiếu, xác nhận các thông tin, đảm bảo số liệu của BCTC thống nhất và đáp ứng chuẩn mực kế toán cả trong và ngoài nước.

Kì Lân

Tin liên quan

Tin mới nhất