Những rủi ro nghiêm trọng khi đầu tư tiền ảo Pi Network
Sự kiện đồng Pi Network vừa “mở mạng” gây xôn xao cộng đồng đầu tư tài chính. Theo nhiều chuyên gia, hiện đầu tư Pi tiềm ẩn nhiều rủi ro, người chơi rất dễ “sập bẫy”.
Nguy cơ "bơm xả" cao
Sau khi Open Network, tiền Pi bắt đầu được niêm yết trên một số sàn giao dịch từ 15h ngày 20/2 (giờ Việt Nam) với giá 2 USD mỗi đồng, nhưng nhanh chóng sụt mạnh xuống dưới 1 USD, trước khi tăng lên 1,6 USD rồi lại về dưới 1 USD. Tính tới thời điểm 08h40’ sáng 21/1, Pi đang giao dịch quanh mức giá 0,8 USD.
Trước ngày chính thức mở mạng, cộng đồng “Pi thủ” tràn trề hy vọng, mong đợi giá tiền ảo này sẽ đạt mức giá hàng trăm ngàn đô. Thậm chí, họ hô hào, kêu gọi đồng thuận giá mỗi Pi từ 500-1000 USD, mách bảo nhau không phá giá. Trên mạng xã hội, xuất hiện cộng đồng Global Consensus Value (giá trị đồng thuận toàn cầu), kêu gọi đồng thuận giá Pi là 314.159 USD.
Chính vì kỳ vọng lớn như vậy nên việc Pi chào sàn với giá 2 USD, sau đó nhanh chóng rớt giá, giảm 60% xuống mức 0,8 USD đã khiến nhiều người tỏ ra thất vọng.
Sáng 21/2, Pi giao dịch quanh mức giá 0,8 USD
Tổng nguồn cung tối đa của Pi lên tới 100 tỷ. Con số này quá lớn. Trong khi nguồn cung của Bitcoin – đồng tiền ảo có giá trị nhất hiện này chỉ tối đa 21 triệu (trong đó khoảng 19,9 triệu đã được khai thác). Hay như $TRUMP coin cũng chỉ có nguồn cung khoảng 200 triệu.
Vì lẽ đó, mức giá hiện tại được cho là đã phán ánh đúng thực trạng. Thời gian đầu, người chơi bị giới hạn phân bổ, chỉ có khoảng 500-2000 Pi trong ví, bị khóa để tăng tốc độ đào. Nhưng giai đoạn sau, khi Pi tiếp tục được phân bổ thêm, lưu lượng Pi giao dịch trên thị trường càng lớn thì giá trị của nó sẽ càng bị pha loãng, rớt giá sẽ càng mạnh.
Lực bán từ những người đào và những người giao dịch trên chợ đen dường như rất mạnh, có thể khiến giá đồng Pi lao dốc. Một quản trị viên của diễn đàn đào Pi cảnh báo khả năng “bơm xả” có thể diễn ra trong thời gian tới, điều đã từng xảy ra với nhiều dự án phát coin hoặc token miễn phí cho người dùng khi mở mạng.
Có thể sụp đổ do không chứng minh được giá trị thực
Thực tế cho thấy đồng tiền số để thành công như Bitcoin, Ethereum đều có hệ sinh thái riêng gồm hợp đồng thông minh, nền tảng tài chính phi tập trung DeFi, hay hồ sơ xác nhận quyền sở hữu độc nhất NFT... Trong khi đó, Pi được xem là chưa có giá trị thực tế và ứng dụng thực tế rõ ràng. Một số giao dịch Pi với nhau bằng hình thức P2P chưa chính thức và chưa có thị trường giao dịch lớn.
Pi cũng không phải là các meme coin - tiền điện tử mang tính giải trí và biểu tượng cao, từ những nhân vật nổi tiếng như đồng tiền kỹ thuật số $TRUMP, $Melania, Dogecoin... Meme coin không có giá trị kinh tế nội tại nhưng có tiềm năng tạo lợi nhuận cao trong thời gian ngắn. Quan trọng là các coin này hút dòng tiền lớn trên các sàn hàng đầu. Nguồn cung của các coin này cũng không quá lớn, như đồng $TRUMP có cố định gần 200 triệu meme coin được phát hành. Đây là các yếu tố đỡ giá cho các đồng tiền này. Hiện đồng $TRUMP có giá gần 17 USD, tổng vốn hóa gần 3,4 tỷ USD.
Bên cạnh đó, Pi Network khá giống các mô hình tiếp thị đa cấp (MLM) và dự án có thể sụp đổ nếu không chứng minh được giá trị thực tạo ra.
Pi Network chưa đưa ra bằng chứng rõ ràng về một blockchain thực sự, thiếu cơ sở để được xem là một đồng tiền điện tử đúng nghĩa. Pi cũng chưa có thông báo chính thức về việc niêm yết trên các sàn lớn như Binance, Coinbase hay Kraken, qua đó khó hút dòng tiền và có thanh khoản cao.
Tiền mã hóa chưa được công nhận tại Việt Nam
Quan trọng hơn, tại Việt Nam, tiền mã hóa chưa có tính pháp lý, chưa có cơ quan quản lý kiểm soát gian lận, thao túng, chưa được pháp luật bảo vệ.
“Đầu tư vào tiền mã hóa luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, không chỉ riêng đồng Pi. Bởi vì tại Việt Nam, tiền mã hóa chưa có tính pháp lý, chưa có cơ quan quản lý để kiểm soát gian lận, thao túng thị trường, tức là chưa được bảo vệ bởi pháp luật", ông Đặng Minh Tuấn, Chủ tịch Liên minh Blockchain Việt Nam cho hay
"Những người không am hiểu công nghệ thì không nên tham gia đầu tư, khai thác, mua bán tiền ảo Pi. Nếu không cẩn thận sẽ có thể rơi vào bẫy lừa đảo của những người lợi dụng trào lưu Pi để trục lợi cá nhân. Đào Pi thì đơn giản, chỉ cần bấm điện thoại là được. Nhiều người nói đào được 1.000-2.000 Pi nhưng thực chất chưa bán được bởi vì chưa về ví", ông nhận định.
“Hiện có rất nhiều người hô hào gọi vốn đầu tư đào Pi, giống kiểu chơi hụi. Không ngoại trừ rủi ro người đứng ra hô hào gọi vốn sau khi gom được tiền rồi có thể sẽ cao chạy xa bay hoặc cầm tiền đó đầu tư vào những tiền điện tử khác để kiếm lời cho cá nhân”, ông khuyến cáo.
Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 quy định chỉ có đồng Việt Nam và một số phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt như séc, lệnh chi, thẻ ngân hàng mới được pháp luật thừa nhận. Như vậy, việc sử dụng Pi để thanh toán hàng hóa, dịch vụ là trái pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 88/2019/NĐ-CP, với mức phạt lên đến 400 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự 2015 chỉ công nhận các loại tài sản có giá trị xác định được theo luật, trong khi tiền ảo như Pi chưa được đưa vào danh mục tài sản theo quy định pháp luật. Việc giao dịch, mua bán hoặc sử dụng Pi Network làm phương tiện thanh toán tại Việt Nam hiện nay hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.
Không chỉ Pi, tiền mã hóa nói chung chưa được công nhận ở Việt Nam
Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch công ty TAT Law Firm cho rằng Pi Network tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng. Do Pi chưa được pháp luật công nhận, các giao dịch mua bán, trao đổi Pi đều không được bảo vệ, dẫn đến nguy cơ bị lừa đảo rất cao. Trên thực tế, đã có nhiều vụ việc lợi dụng Pi để huy động vốn theo mô hình đa cấp, hứa hẹn lợi nhuận cao nhằm chiếm đoạt tài sản của người tham gia. Khi giao dịch Pi, nếu bị lừa đảo, người bị hại sẽ rất khó đòi lại tài sản do không có cơ sở pháp lý để kiện tụng.
UBCKNN đã có khuyến cáo đối với nhà đầu tư về việc hệ thống pháp luật Việt Nam chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định về các dạng tài sản số, tiền mã hóa. Trong đó chỉ rõ, các loại tiền kỹ thuật số như Pi, USDT, BUSD,.. không phải là chứng khoán và việc mua bán các loại tiền kỹ thuật số nêu trên của nhà đầu tư chưa được pháp luật quy định.
Cuối tháng 6/2023, Bộ Công an cho biết đã phối hợp với công an địa phương để điều tra hoạt động liên quan đến tiền ảo Pi. Theo đại diện Bộ, các hoạt động liên quan đến Pi tại Việt Nam có dấu hiệu của việc lôi kéo, tiền người trước trả cho người sau trong mô hình kinh doanh dạng nhị phân, đa cấp, do đó người dân cần thận trọng trước hành vi lôi kéo tham gia mô hình tiền ảo có lợi nhuận cao bất thường.
Bình luận