Bảo tàng Nghệ thuật Quang San (Quang San Art Museum) khai trương và mở cửa đón khách
Bảo tàng Nghệ thuật Quang San tọa lạc ở Quận 2, ven sông Sài gòn, trên một mảnh đất 2000 m2 có hình thế rất đẹp và cây lá xanh tươi. Với kiến trúc sang trọng, Bảo tàng là một thiết chế văn hóa đẹp và hoành tráng, được thành lập theo quyết định số 46/QĐ-SVHTT ngày 07 tháng 2 năm 2023 của Sở Văn Hóa và Thể Thao TP. Hồ Chí Minh và địa chỉ số 189B/3 Nguyễn Văn Hưởng, Phường Thảo Điền, Tp. Thủ Đức- TP. Hồ Chí Minh. Bảo tàng được thành lập với mục đích phục vụ nhu cầu thưởng lãm nghệ thuật của công chúng, và được ví như một viên ngọc mỹ thuật đẹp và quý của Thành phố Hồ Chí Minh.
Bên ngoài Bảo tàng Nghệ thuật Quang San.
Giám đốc Bảo tàng - ông Nguyễn Thiều Kiên giới thiệu: “Bảo tàng Nghệ thuật Quang San là một không gian văn hóa vững chắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đối thoại và tư duy sâu sắc về nghệ thuật và văn hóa nước nhà. Việc thành lập các trung tâm văn hóa chính thống ở Việt Nam luôn rất cần thiết vì nó đi đôi với việc bảo tồn các tư liệu quý giá về lịch sử, giáo dục thẩm mỹ, nâng cao giá trị tác phẩm cũng như phát triển tinh thần nghệ thuật của con người Việt Nam.Bảo tàng nghệ thuật Quang San ra đời vì mục đích này.
Sau hơn 20 năm thu thập với hơn 1.000 tác phẩm nghệ thuật, người sáng lập nhận thấy nếu tác phẩm chỉ gói gọn trong một không gian nhỏ hẹp để thụ hưởng mang tính cá nhân và gia đình thì khó có nhiều người yêu thích được chiêm ngưỡng. Vì vậy, mục đích của bộ sưu tập nằm ở việc phục vụ nhu cầu thưởng lãm nghệ thuật của công chúng. Nhận thức này đã đánh dấu cho sự khởi đầu của Bảo tàng Nghệ thuật Quang San.
Các nhà văn Hội Nhà văn VN từ Hà Nội vào ghé thăm Bảo tàng
“Như danh hoạ Pablo Picasso đã nói “Nghệ thuật là lương tâm của một quốc gia”, nghệ thuật đồng hành và cung cấp cho ta một cái nhìn trực quan về quá khứ, giúp chúng ta hiểu hơn về lịch sử phát triển của đất nước nói riêng và cả thế giới nói chung cũng như sự tương tác, giao thoa giữa con người, văn hoá và các lực lượng môi trường khác nhau để tạo ra ‘thực tế’. Qua các di sản nghệ thuật còn được bảo tồn, ta sẽ thấy được lịch sử phát triển của cả đất nước Việt Nam và đó chính là mong muốn của Bảo tàng Quang San” (Nguyễn Thiều Quang)
Lý giải về tên gọi Bảo tàng là 'Quang San', ông Nguyễn Thiều Kiên cho hay: Nó bắt nguồn từ tên gọi ông Nguyễn Thiều Quang, tên người sáng lập, có nghĩa là 'ánh sáng' trong tiếng Trung Quốc, còn “San: là tên người Mẹ của ông Thiều Quang, bà 'San' có nghĩa là 'núi'. {“Quang San” là ánh sáng của núi cao, là hào quang của núi,...”. Hy vọng của chúng tôi là Bảo tàng Nghệ thuật Quang San sẽ trở thành địa điểm vàng cho tất cả mọi người, không chỉ trong nước mà còn công chúng nước ngoài, tìm đến đây thưởng ngoạn những tinh hoa nghệ thuật Việt Nam, có những cuộc gặp gỡ ý nghĩa về lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc và thiên nhiên Việt Nam.
Nhà sưu tập Nguyễn Thiều Quang cùng kiến trúc sự Ngô Viết Nam Sơn và các thành viên trong Bảo tàng nghệ thuật Quang San.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Bảo tàng Nghệ thuật Quang San bao gồm hơn 1000 bức tranh rất có giá trị, được kể như những tinh hoa của mỹ thuật Việt Nam, khá đầy đủ các họa sỹ tiêu biểu, đại diện của các trường phái Hội họa Việt Nam.
Người thưởng lãm bước vào Bảo tàng, sẽ được thưởng lãm rất nhiều các bức tranh quý. Ở tầng 1 tập trung trưng bày tác phẩm của các danh hoạ, nhà điêu khắc có những cống hiến lớn trong thời kỳ đầu của nền mỹ thuật Việt Nam. Từ các giảng viên người Pháp đã khởi xướng cho nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại đến các thế hệ học sinh của những khoá đầu tiên, như các bộ tứ trụ hội hoạ “Trí, Cẩn, Vân, Lân”, “Nghiêm, Liên, Sáng, Phái” hay “Thứ, Phổ, Lựu, Đàm”. Các tác phẩm nghệ thuật được trưng bày ở phòng mở đầu này thuộc bộ sưu tập cố định của Bảo tàng Nghệ thuật Quang San.
Không gian Bảo tàng
Cũng ở tầng 1, được chia ra thành hai khu vực 1A và 1B. Trong đó, Phòng 1A, nằm ở bên trái cầu thang đi lên, nối tiếp về chủ đề những sinh viên các khoá đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương và một số hoạ sĩ cùng thời kỳ như Nguyễn Khang (Khoá IV); Trần Phúc Duyên (Khoá XIV); nhạc sĩ Văn Cao (tác giả của ‘Tiến Quân Ca’, quốc ca đất nước Việt Nam); Trịnh Hữu Ngọc (Khoá IX); Mai Văn Hiến (Khoá XVII); Phan Kế An (Khoá XVIII)....
Khu 1B tập trung vào thời kỳ thời kỳ kháng chiến và chiến tranh chống Mỹ xâm lược, trưng bày các tác phẩm của những danh hoạ tham gia kháng chiến, có cuộc đời gắn bó với chiến tranh, những sinh viên khoá kháng chiến hay còn gọi là khoá ‘Tô Ngọc Vân’ tại trường Cao Đẳng Mỹ thuật Việt Nam, Trường Mỹ thuật Gia Định, và bao gồm cả một số hoạ sĩ cùng thời đã gia nhập quân ngũ như Lưu Công Nhân (khoá kháng chiến 1950-1954); Ngô Minh Cầu (khoá kháng chiến 1950-1954); Mai Long (Khoá kháng chiến 1950-1954); Nguyễn Hiêm (tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Gia Định năm 1940/1941); Huỳnh Phương Đông ...(tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Gia Định năm 1945); Nguyễn Trí Minh (tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Gia Định năm 1946).
Tầng 2 là không gian trưng bày lớn nhất của Bảo tàng. Các tác phẩm mỹ thuật được trưng bày ở đây thuộc thời kỳ sau hoà bình thống nhất đất nước và bắt đầu chính sách Đổi Mới (1986) của nền mỹ thuật hiện đại ở Việt Nam. Phòng này được chia theo ba khu vực chính, bắt đầu từ bên trái sẽ là tranh của các hoạ sĩ miền Bắc, tiếp đó là tranh họa sỹ miền Trung và kết thúc là tranh của các họa sỹ ở miền Nam. Những danh hoạ miền Bắc gồm có Đoàn Văn Nguyên; các thành viên Gang of Five như Đặng Xuân Hoà và Hồng Việt Dũng; Đặng Tiến; Lê Đại Chúc; Hồ Minh Quân; Bùi Quang Ánh. Miền Trung gồm có Hoàng Đăng Nhuận; Đinh Cường; Bửu Chỉ; Dương Đình Sang; Nguyễn Thiện Đức. Miền Nam gồm có Nguyễn Kao Thương; Trần Châu; Nguyễn Phước; Nguyễn Lâm; Trịnh Thanh Tùng...
Giám đốc Bảo tàng Nguyễn Thiều Kiên khẳng định: Với bộ sưu tập tư nhân hơn 1,000 tác phẩm nghệ thuật có giá trị về mặt lịch sử và văn hoá nước nhà như vậy, Bảo tàng chắc chắn sẽ thu hút đông đảo người yêu hội họa . Ngày 9/6 tới đây, Bảo tàng sẽ khai rương và chính thức mở cửa phục vụ du khách trong và ngoài nước kể từ ngày 13 tháng 6 năm 2023.
Ông Nguyễn Khắc Văn, phó Tổng biên tập báo Sài gòn giải phóng cho biết: Chiều 2-6, tại Hà Nội, Ban Biên tập Báo SGGP do...
Bình luận