“Chơi” Trung thu cùng những tâm hồn say mê nghệ thuật

Giống như một lễ hội đêm rằm rực rỡ sắc màu, có cả hội họa và điêu khắc với nhiều chất liệu khác nhau: sơn dầu, bột màu, acrylic, điêu khắc gỗ,… triển lãm “Chơi” của nhóm họa sĩ G39 sẽ diễn ra đến hết ngày 12/9 tại nhà triển lãm 29 Hàng Bài (Hà Nội).

“Chơi” Trung thu cùng 13 cá tính nghệ thuật

Trung thu là một cái Tết đặc biệt dành cho trẻ con mà cũng không hẳn chỉ cho trẻ con. Đó là một cái Tết của bạn bè, gia đình, quây quần sum vầy, gặp gỡ trao nhận yêu thương. Có người lớn nào mà đã không từng là trẻ con? Một người lớn đúng nghĩa thì bao giờ cũng có một phần, một góc trẻ con trong mình. Phải chăng người ta đi qua được những bất ưng trong cuộc đời này phần nào cũng là do họ biết, còn biết giản dị, còn biết ngây thơ, còn biết “ấu thơ”.

“Chơi” Trung thu cùng những tâm hồn say mê nghệ thuật - 1

“Chơi” dành cho tất cả con trẻ và những ai đã từng là trẻ con.

Kể từ sự kiện lần đầu tiên được tổ chức nhân dịp Trung thu năm 2016, đến năm nay nhóm họa sĩ G39 đã cùng nhau tổ chức 8 triển lãm về Trung thu.

Tại khai mạc triển lãm, hoạ sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ: Là một triển lãm thường niên được tổ chức vào dịp Trung thu, năm nay nhóm họa sĩ G39 có 13 thành viên, số lượng rất đông so với những triển lãm trước, mang đến 70 tác phẩm hội hoạ, điêu khắc về chủ đề Trung thu.

“Chơi” Trung thu cùng những tâm hồn say mê nghệ thuật - 2

Hoạ sĩ Lê Thiết Cương phát biểu khai mạc triển lãm.

Đó là những cái tên quen thuộc trong làng mỹ thuật: Vương Linh, Lê Thị Minh Tâm, Lê Thư Hương, Hoàng Phương Liên, Lê Minh Trí, Nguyễn Quốc Thắng, Lê Ngọc Thuận, Phạm Trần Quân, Doãn Hoàng Lâm, Lê Thiết Cương, Chu Hồng Tiến, Tào Linh, Đào Trọng Lưu.

“Chơi” Trung thu cùng những tâm hồn say mê nghệ thuật - 3

Các hoạ sĩ tham gia triển lãm.

Nguồn cảm hứng sáng tác cho mỗi nghệ sĩ là hình ảnh trẻ con chơi đùa trong đêm trăng với những trò rước đèn, múa rồng, múa sư tử (chính xác là múa lân)…; hình ảnh cá chép trong đôi lông mày của đầu lân; đèn cá với ước muốn của người lớn về sự tốt lành cho trẻ nhỏ; hình ảnh những vị tiến sĩ bằng giấy màu… tất cả như mang đến một bầu trời ký ức cho công chúng yêu nghệ thuật đến với “Chơi”.

13 hoạ sĩ - 13 cá tính nghệ thuật đến với “chơi’, cùng “chơi” trong cuộc chơi đa sắc màu.

Những bức tranh chủ đề Trung thu với chất liệu bột màu trên vải màn bồi giấy dó được hoạ sĩ Lê Thiết Cương đặt cho những cái tên đầy ấn tượng bằng những câu đồng dao: “Kéo cưa lừa xẻ / Xẻ đôi câu thơ vứt dòng chữ giả / Xẻ đôi cái tủ tháng ngày muối dưa”; “Ú tim / Chi chi chành chành / Cái đanh thổi lửa / Con ngựa chết trương”; “Nu na nu nống / Cái bống nằm trong / Con ong nằm ngoài. Củ khoai chấm mật / Phật ngồi Phật khóc”;…

“Chơi” Trung thu cùng những tâm hồn say mê nghệ thuật - 4

Một số tác phẩm tại triển lãm.

Lê Minh Trí góp mặt bằng 5 tác phẩm điêu khắc, chính xác là điêu khắc kết hợp hội họa, điêu khắc màu. Trên cái hình chung gợi Bồ Tát ngồi thiền, anh cho đồng hiện lên đó một đêm hội trăng rằm bằng những tín hiệu của đèn kéo quân, của mặt nạ với kiểu đi mẫu mảng phẳng, kỷ hà. Có vị Bồ Tát nào mà không mang lại an lành, đó cũng là lời cầu chúc của Minh Trí cho Tết trăng rằm.

Hoàng Phương Liên vẫn độc thủ với tranh giấy màu, cắt dán, xé, ghép. Chị kể câu chuyện về một đêm hội Trung thu vừa thực vừa ảo, có múa lân, cổ đèn xếp, có cây đa, có Nguyệt, có chú Cuội chăn trâu mà vẫn có lô xô mái ngói phố cổ. Trời đất, mây gió, trăng và người giao hòa đầy mơ mộng.

Chu Hồng Tiến kể câu chuyện về những trò chơi đánh bị, đánh đảo, thả diều, nhảy dây bằng ngôn ngữ tạo hình hiện đại. Truyền thống được kể bằng hiện đại, những bức tranh nhỏ thôi, như thì thầm, như tiếc nuối, như tiếng gọi nhau của lũ con trẻ ở đâu đó xa xăm vọng về. Hình màu đều rất kiệm, chấm phá vài nét, gợi mở phần nào thôi. Có lẽ Chu Hồng Tiến cố ý "hé cửa" để những trò chơi đó sẽ được người xem khám phá tiếp, chơi tiếp, theo ký ức riêng của mình.

Đào Trọng Lưu nhập cuộc “Chơi” với 2 bức đại cảnh một đêm Trung thu ở Sapa, có trăng, có núi, có những em bé người Mông, người Dao đỏ múa rồng, rước đèn ông sao... màu tươi, tương phản nóng lạnh, tạo hình ít mảng, nhiều nét, gợi là chính... Ông trọng sự “Chơi”, nghệ thuật của ông không bị nghiêm trọng, gò gẫm, mân mê, gọt giũa tỉ mẩn mỹ nghệ. Vui trẻ, vừa có độ trải nghề của thâm niên, vừa có hồn hậu của thiếu nhi, đúng tinh thần “lão nhi”.

“Chơi” Trung thu cùng những tâm hồn say mê nghệ thuật - 5

Hoạ sĩ Đào Trọng Lưu cho biết, đây là lần đầu tiên ông tham gia triển lãm cùng nhóm G39 với những bức tranh bộc lộ rõ nét về Trung thu.

Một số họa sĩ như Tào Linh, Doãn Hoàng Lâm, Phạm Trần Quân, Vương Linh không rước đèn, không múa may, không đeo mặt nạ cũng không vẽ về những trò chơi. Họ chơi bằng cách đặc biệt, tham gia “Chơi” với những tác phẩm mới nhất, mới sáng tác gần đây do chính họ tự chọn. Đấy cũng là một kiểu chơi.

Góp lửa giữ gìn trò chơi dân gian

Trả lời phỏng vấn phóng viên arttimes.vn, hoạ sĩ Lê Thiết Cương cho biết, triển lãm “Chơi” mang đến sự khác biệt so với những lần trước: “Chúng tôi cùng nhất trí rằng không nhất thiết phải vẽ, phải trưng bày về sư tử, múa lân, mặt nạ,… mà mở rộng hơn, tập trung hơn về đề tài trò chơi dân gian”.

Ngày nay, trò chơi dân gian, những trò chơi của trẻ em ngày trước đang dần dần biến mất. Kéo cưa lừa xẻ, Trồng nụ trồng hoa, Thả diều, Nhảy dây,… theo hoạ sĩ Lê Thiết Cương, nếu mất đi thì đâu chỉ là mất những trò chơi đó mà hiểu rộng ra là mất ký ức, mất tuổi thơ, mất truyền thống.

“Chơi” Trung thu cùng những tâm hồn say mê nghệ thuật - 6

Các hoạ sĩ đưa trò chơi dân gian vào tác phẩm.

Họa sĩ Lê Thiết Cương nhấn mạnh, ẩn chứa trong những trò chơi đó là văn hóa. Phải giữ văn hóa là thông điệp các hoạ sĩ nhóm G39 muốn mang đến qua triển lãm này: "Thay đổi và hiện đại là đương nhiên, nhưng không đồng nghĩa với việc đánh mất bản sắc truyền thống. Tồn tại trong những trò chơi đó còn là nét đẹp văn hóa và dân tộc Việt Nam phải giữ gìn văn hóa đó".

Với quan niệm “nếu không phải là chơi thì không có nghệ thuật”, triển lãm “Chơi” mở ra một không gian Trung thu sống động như lời chúc an lành, hạnh phúc của nhóm họa sĩ G39 dành cho tất cả con trẻ và những ai đã từng là trẻ con.

Một số tác phẩm trưng bày tại triển lãm:

“Chơi” Trung thu cùng những tâm hồn say mê nghệ thuật - 7

Kéo cưa lừa xẻ Ông thợ nào khỏe / Về ăn cơm vuaÔng thợ nào thua / Về bú tí mẹ - Lê Thiết Cương

“Chơi” Trung thu cùng những tâm hồn say mê nghệ thuật - 8

Rước cá Chép - Nguyễn Quốc Thắng

“Chơi” Trung thu cùng những tâm hồn say mê nghệ thuật - 9

Mùa vàng - Vương Linh

“Chơi” Trung thu cùng những tâm hồn say mê nghệ thuật - 10

Chơi - Tào Linh

“Chơi” Trung thu cùng những tâm hồn say mê nghệ thuật - 11

Vân - Lê Minh Trí

“Chơi” Trung thu cùng những tâm hồn say mê nghệ thuật - 12

Chơi Lân - Lê Ngọc Thuận

“Chơi” Trung thu cùng những tâm hồn say mê nghệ thuật - 13

Hằng Nga - Lê Thị Minh Tâm

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Honda City và các đối thủ: Thiết kế nào vừa lòng người Việt nhất?

Honda City và các đối thủ: Thiết kế nào vừa lòng người Việt nhất?

Phân khúc sedan hạng B tại Việt Nam luôn nóng bỏng với những cái tên như Honda City, Toyota Vios, Hyundai Accent, Mazda2 và Kia Soluto. Mỗi mẫu xe mang phong cách thiết kế riêng, từ sự sắc sảo, thể thao của City đến vẻ bền bỉ của Vios hay thời thượng của Accent. Vậy đâu là thiết kế chinh phục người Việt nhất?

Những SUV đáng chú ý sẽ ra mắt trong năm 2025

Những SUV đáng chú ý sẽ ra mắt trong năm 2025

Khi mà thị trường ô tô ngày càng phát triển, các thương hiệu lớn đang chuẩn bị cho ra mắt những mẫu xe mới với thiết kế và công nghệ tiên tiến nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.