Cuộc hội ngộ tác phẩm của họa sĩ Ngô Minh Cầu

Cố họa sĩ Ngô Minh Cầu được giới nghệ thuật mệnh danh là "ông vua chép tranh lụa", bởi thường được bảo tàng nhờ chép tranh lụa của các danh họa.

Kỷ niệm lần thứ 95 ngày sinh của cố họa sĩ Ngô Minh Cầu, triển lãm “Ngô Minh Cầu - Cách nhìn phong cách đặc biệt” đã khai mạc vào chiều 6/12 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội). 

Cuộc hội ngộ tác phẩm của họa sĩ Ngô Minh Cầu - 1

PGS, TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam; Họa sĩ Vi Kiến Thành - Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cắt băng khai mạc triển lãm.

Triển lãm giới thiệu gần 50 tác phẩm được sáng tác với nhiều chất liệu như sơn mài, sơn dầu, lụa… Đây là cuộc triển lãm thứ hai về nghệ thuật hội họa của họa sĩ Ngô Minh Cầu, tròn 30 năm sau cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên của ông tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh năm 1992. Nhân dịp này, cuốn sách thứ hai về hội họa của ông cũng đã được xuất bản, sau cuốn đầu tiên ra mắt năm 2005.

Triển lãm cũng là sự “hội ngộ” của các tác phẩm Ngô Minh Cầu từ các nhà sưu tập nghệ thuật ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và những tác phẩm đang được lưu giữ tại gia đình họa sĩ.

Như đã nói ở trên, Ngô Minh Cầu có triển lãm cá nhân đầu tiên năm 1992, và có cuốn sách đầu tiên năm 2005. Bởi vậy, nếu tính đến thời điểm ông sáng tác bức tranh cuối cùng năm 2009 (tức là vào năm ông mất) - thì tại cuộc triển lãm năm nay và qua cuốn sách thứ hai về ông (2022) - chúng ta lại được biết thêm, một cách trực quan và đầy đủ, về 17 năm hoạt động nghệ thuật cuối cùng cũng như về thân thế và toàn bộ sự nghiệp hội họa của ông.

Cuộc hội ngộ tác phẩm của họa sĩ Ngô Minh Cầu - 2

Không gian triển lãm “Ngô Minh Cầu - Cách nhìn phong cách đặc biệt” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Triển lãm kéo dài từ 6/12 đến 12/12/2022.

Tiêu đề chung “Ngô Minh Cầu - Cách nhìn phong cách đặc biệt” dành cho cả cuộc triển lãm lẫn cuốn sách lần này, trên thực tế được rút ra từ một lời đánh giá của họa sĩ bậc thầy Tô Ngọc Vân về Ngô Minh Cầu, trong thời gian Ngô Minh Cầu đang theo học tại Trường Mỹ thuật Việt Nam Khóa Kháng chiến ở Việt Bắc do Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng.

Đó là vào tháng 1 năm 1953, khi trường Mỹ thuật cho học sinh đi vẽ tự do ba tuần. Hết đợt, tất cả học sinh đều phải trình bày công việc đã làm được để “hội đồng giáo sư” nhận xét, góp ý kiến. Về Ngô Minh Cầu, Tô Ngọc Vân đánh giá: “… Có một cách nhìn phong cách đặc biệt, không giống ai. Đó là lối nhìn giản dị để tạo dựng hình, màu minh bạch, rõ ràng”.

Còn được mệnh danh là “ông vua chép tranh lụa”, bởi từ năm 1960 - 1975 họa sĩ Ngô Minh Cầu thường được các bảo tàng mỹ thuật nhờ chép tranh lụa, đặc biệt là tranh của Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Tường Lân, Lê Văn Đệ, Nguyễn Tiến Chung... Tuy nhiên, sự nghiệp sáng tác tạo dấu ấn mạnh nhất ở Ngô Minh Cầu là mảng tranh ký họa nhân vật và sơn mài.

Cuộc hội ngộ tác phẩm của họa sĩ Ngô Minh Cầu - 3

Khách tham quan triển lãm chiêm ngưỡng bức tranh sơn mài "Đêm trăng" (1995) của họa sĩ Ngô Minh Cầu. Ảnh Phạm Hằng 

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận xét về phong cách vẽ tranh của họa sĩ Ngô Minh Cầu: Cuộc đời của họa sĩ Ngô Minh Cầu là sự dâng hiến thầm lặng, tận tụy cho nghệ thuật. Ông đã có những đóng góp quan trọng cho ký họa túc đức trong dòng chảy đa dạng của nền mỹ thuật đương đại Việt Nam ngay từ những năm tháng của kháng chiến chống Pháp. Bởi Ngô Minh Cầu cũng chính là một họa sĩ được đào tạo ở khóa kháng chiến do danh họa Tô Ngọc Vân đứng đầu. Và những tên tuổi của khóa kháng chiến ấy cũng là gạch nối từ thế hệ vàng Đông Dương sang khóa kháng chiến chống Pháp, rồi đến chống Mỹ.

Cuộc hội ngộ tác phẩm của họa sĩ Ngô Minh Cầu - 4

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn chia sẻ tại khai mạc triển lãm “Ngô Minh Cầu - Cách nhìn phong cách đặc biệt”. Ảnh Phạm Hằng 

"Thế nhưng, tôi cho rằng dấu ấn quan trọng của họa sĩ trong khóa kháng chiến là họ cũng tạo ra một tiền đề, một quan niệm, cách nhìn về hiện thực cuộc sống. Có thể nói rằng, nếu họa sĩ Ngô Minh Cầu được đào tạo bài bản, được những lời mách bảo hết sức quan trọng của danh họa Tô Ngọc Vân thì ông đã lựa chọn cho mình một cái lộ trình riêng biệt đấy là gắn liền xúc cảm của mình, tâm hồn của mình với vẻ đẹp của cuộc sống, với hiện thực cuộc sống", họa sĩ Lương Xuân Đoàn nói. 

Là một trong 21 họa sĩ tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Việt Nam ở Chiến khu Việt Bắc, thời của Ngô Minh Cầu là thời của các nghệ sĩ, họa sĩ đồng thời cũng là những chiến sĩ, cán bộ điển hình cho tầng lớp “cốt cán” được rèn luyện trong gian khổ cách mạng. Dễ thấy, trong các tác phẩm của Ngô Minh Cầu, chất cách mạng, chất kháng chiến, chất nhân văn luôn luôn nổi bật, nhất quán, như là cái lõi, cái then sống xuyên suốt toàn bộ sự nghiệp. Sự chung thủy của Ngô Minh Cầu với lý tưởng nghệ thuật vì cách mạng kháng chiến, vì đất nước, vì nhân dân phải nói là hiếm có.

Cuộc hội ngộ tác phẩm của họa sĩ Ngô Minh Cầu - 5

“Về nông thôn sản xuất” - Tranh lụa nổi tiếng của họa sĩ Ngô Minh Cầu với bối cảnh là một xóm làng trù phú, nhà gạch hai tầng, mái ngói đỏ tươi, rơm vàng chất thành đống to trong sân, ngoài ngõ. Tất cả đằm trong một màu sắc nóng, ấm ửng hồng gây cảnh sắc một buổi bình minh mới rạng.

"Trên từng tác phẩm của họa sĩ Ngô Minh Cầu đều nói lên một tình cảm đặc biệt, cảm xúc nồng nàn khi ghi giữ lại những nét đẹp Việt, những người đàn bà Việt ở Đồng bằng sông Hồng hay trên các mạn ngược. Chính điều này giúp chúng ta thấy được nghệ thuật của họa sĩ Ngô Minh Cầu lúc nào cũng trẻ trung, lúc nào cũng cảm giác chúng ta đang đến gần với cuộc sống, đến gần với hiện thực và đến gần với vẻ đẹp của người Việt", họa sĩ Lương Xuân Đoàn nói.

Ngô Minh Cầu, ở đâu và vào lúc nào, cũng “có một cách nhìn phong cách đặc biệt, không giống ai… lối nhìn giản dị để tạo dựng hình, màu minh bạch, rõ ràng” - như lời đánh giá của Tô Ngọc Vân, mà về gần cuối đời chính người được đánh giá đã phải thừa nhận là “hoàn toàn chính xác”.

Chiêm ngưỡng một số tác phẩm nổi bật của cố họa sĩ Ngô Minh Cầu: 

Cuộc hội ngộ tác phẩm của họa sĩ Ngô Minh Cầu - 6

Bức “Mắc go cửi” biểu lộ sở thích của ông đối với các đề tài con người, cuộc sống, sinh hoạt ở các vùng núi cao (Tranh sơn mài)
Cuộc hội ngộ tác phẩm của họa sĩ Ngô Minh Cầu - 7

"Chùa Trấn Quốc" - một ngôi chùa cổ nổi tiếng ở chốn kinh kỳ Thăng Long, Hà Nội (Tranh sơn mài)

Cuộc hội ngộ tác phẩm của họa sĩ Ngô Minh Cầu - 8

"Tuổi áo trắng" (Tranh sơn mài)

Cuộc hội ngộ tác phẩm của họa sĩ Ngô Minh Cầu - 9

"Đập lúa" (Tranh sơn mài). Đây là một bức tranh có thể cho chúng ta thấy cách nhìn cuộc sống của Ngô Minh Cầu luôn luôn toát ra tinh thần lạc quan, niềm vui sống, mà hay nhất, thi vị nhất là cái nhìn về con người, cảnh vật và cuộc sống ở thôn quê, bình dân, thuần phác, chưa phai mờ nét xưa.

Cuộc hội ngộ tác phẩm của họa sĩ Ngô Minh Cầu - 10

"Hai thiếu nữ Bản Tôm" (Tranh màu nước) 

Cuộc hội ngộ tác phẩm của họa sĩ Ngô Minh Cầu - 11

"Trong Bản Bi" (Tranh màu nước)

Cuộc hội ngộ tác phẩm của họa sĩ Ngô Minh Cầu - 12

"Hợp tác xã chia thóc" (Tranh lụa)

Sinh ngày 10 tháng 5 năm 1927 tại Hà Nội (nguyên quán Hà Nội, phố Hàng Bút), trong một gia đình tiểu tư sản viên chức. Cha là cụ Ngô Kỳ - công chức nhỏ, mẹ là cụ Trần Thị Thược - nội trợ, đều mất trước Cách mạng Tháng Tám. Gia đình có sáu người con: Ngô Bích San (nguyên Phó Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng), Ngô Bội Giao (nguyên thành viên Trung ương Đảng Dân chủ Việt Nam), Ngô Minh Cầu (họa sĩ), Ngô Thị Mộng Lê (sống ở miền Nam từ trước 1975), Ngô Thị Mộng Hà (nguyên cán bộ Xí nghiệp Thiết bị Điện ảnh, Bộ Văn hóa) và Ngô Thị Bích Tùng (nguyên công nhân Xí nghiệp Dệt kim Hà Nội.

Kể từ khi tốt nghiệp Trường Mỹ thuật cho đến khi nghỉ hưu, trong suốt gần 30 năm công tác, Ngô Minh Cầu đã trải qua ít nhất 10 vị trí khác nhau: khi vẽ cổ động tuyên truyền ở Sở Văn nghệ Trung ương; khi vẽ ghi, vẽ đạc họa ở Tổng cục Đường sắt; khi giảng dạy tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, khi thì giảng dạy tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp Việt Nam; khi làm xuất bản, khi làm báo; khi làm họa sĩ sáng tác, khi làm chuyên viên, khi làm cán bộ chuyên trách... Có thể nói, trong các họa sĩ Việt Nam nói chung, các họa sĩ Khóa Kháng chiến nói riêng, Ngô Minh Cầu là họa sĩ có quá trình công tác nghệ thuật đa dạng bậc nhất.

Bên cạnh các giải thưởng mỹ thuật, ông cũng được trao Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huy chương vì sự nghiệp văn học nghệ thuật, Huy chương vì sự nghiệp mỹ thuật.

Ngày 11/10/2009, họa sĩ Ngô Minh Cầu qua đời, hưởng thọ 83 tuổi. Từ đó đến nay, tranh của ông được giới sưu tập săn đón, một số tác phẩm còn được lưu giữ tại gia đình.

Phạm Hằng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Những trải nghiệm tư tưởng của Nguyễn Huy Tưởng trên bước đường lập thân, lập nghiệp

Những trải nghiệm tư tưởng của Nguyễn Huy Tưởng trên bước đường lập thân, lập nghiệp

Cuốn nhật ký “Con đường Văn sĩ” là tác phẩm không chỉ dành cho những ai yêu văn chương của Nguyễn Huy Tưởng mà đó còn là kho tư liệu quý giá để hiểu về ông và rộng hơn là thế hệ nhà văn tiền chiến. Cuốn sách đặc biệt hướng đến độc giả trẻ tuổi – những người đang háo hức và băn khoăn, quả quyết và khắc khoải bước vào đời với những khát khao giống như bậc tiền nhân