Họa sĩ Văn Dương Thành và cuộc hành trình miên viễn với hội họa

Họa sĩ Văn Dương Thành là một tên tuổi lớn, có sức ảnh hưởng trong nền mỹ thuật Việt Nam. Bà may mắn được sống trong môi trường hội họa từ khi còn nhỏ nên tài năng nghệ thuật đã phát lộ từ rất sớm: cầm cọ từ khi lên 7 tuổi, 12 tuổi đã thi vào trường Mỹ thuật Hà Nội, 20 tuổi đã có bức tranh đầu tiên được lựa chọn vào bảo tàng Mỹ thuật quốc gia và là họa sĩ trẻ nhất Việt Nam có được vinh dự này từ 1971 cho đến nay.

Hiện tại, họa sĩ Văn Dương Thành đứng trên đỉnh cao của sự nghiệp và là một trong rất ít họa sĩ có thể sống khỏe bằng nghiệp vẽ. Sở hữu một nhan sắc mà thời gian trót bỏ quên, giọng nói ngọt ngào mang âm vực của người Hà Nội gốc, người được mệnh danh là “nàng thơ” trong tranh của danh họa Bùi Xuân Phái cũng có nhiều câu chuyện ấn tượng về hành trình sống và làm việc của mình với nghiệp vẽ.

Họa sĩ Văn Dương Thành và cuộc hành trình miên viễn với hội họa - 1

Họa sĩ Văn Dương Thành. Ảnh: NVCC

Một tình yêu bền bỉ với Hà Nội

Tôi đến thăm họa sĩ Văn Dương Thành khi bà vừa hoàn thành bức tranh “Quý Mão” để chào đón năm mới 2023. Biệt thự Hoa sen trắng ở mạn Tây Hồ (Hà Nội) là không gian hội họa rất riêng của bà. Ở đó, những bức tranh khổ lớn treo kín các bức tường, những bức tranh nhỏ điểm xuyết. Trên giá vẽ, những tác phẩm đang hoàn thành. Năm nào bà cũng triển lãm dăm ba cuộc, nhiều cuộc được tổ chức ngay tại địa chỉ này. Vì vậy, biệt thự Hoa sen trắng trở thành điểm đến thân quen của nhiều người yêu mỹ thuật.

Họa sĩ Văn Dương Thành và cuộc hành trình miên viễn với hội họa - 2

Tranh "Quý Mão" của họa sĩ Văn Dương Thành. Ảnh: Phạm Hằng 

Khách mộ điệu từng ghé thăm nơi đây, hẳn sẽ ấn tượng với một mảng tranh tạo nên dấu ấn riêng của họa sĩ Văn Dương Thành, đó là tranh về Hà Nội. Với họa sĩ Văn Dương Thành, Hà Nội luôn luôn ấp ủ những ký ức, hoài niệm và một tình yêu vô bờ bến với mảnh đất mình gắn bó suốt những năm tháng đầu đời tươi trong. Tình yêu ấy dồn cả vào những nét vẽ để người xem, khi ngắm những tác phẩm về Hà Nội của Văn Dương Thành đều thấy được một Hà Nội theo dặm dài thời gian, vừa cổ xưa lại hiện đại, vừa tĩnh lặng nhưng cũng không kém phần sôi động, vừa mang mang hoài niệm của kí ức, lại ăm ắp hiện thực cuộc sống đương thời.

Họa sĩ Văn Dương Thành và cuộc hành trình miên viễn với hội họa - 3

Không gian hội họa tại Biệt thự Hoa sen trắng của họa sĩ Văn Dương Thành. Ảnh: Phạm Hằng 

Họa sĩ Văn Dương Thành kể, khi còn thơ bé, sống ở phố Quán Thánh, bà thường đến phường Ngũ Xã bên đầm lầy của hồ Trúc Bạch, nơi có nghệ thuật đúc đồng tinh xảo của Hà Nội. Những hình nét đó đã in đậm dấu ấn trong ký ức của bà và dường như vô thức luôn ẩn hiện trong bố cục, nét bút, nhịp điệu của tranh Văn Dương Thành.

Hà Nội trong ký ức Văn Dương Thành còn đong đầy những kỉ niệm ấu thơ với người cha dù nghèo nhưng vẫn khuyến khích con gái học vẽ. Bởi vậy mà sau này, mỗi khi nhớ đến cha là bà lại nhớ về Hà Nội với những góc phố nhỏ, quán nước, quán phở, với vỉa hè, ngôi nhà đọng lại màu kiến trúc, màu thời gian rất đậm được cha dẫn đi từ khi còn nhỏ xíu. Hay cái màu hồng điều đậm sắc xuân xứ sở Á Đông đã ăn sâu, bắt rễ vào tâm hồn bà…

Họa sĩ Văn Dương Thành và cuộc hành trình miên viễn với hội họa - 4

Bức tranh sơn dầu trên toan - "Hoa bên hồ Hoàn Kiếm" được họa sĩ Văn Dương Thành vẽ vào ngày 12/01/2019. 

Sau 12 năm học tại Trường Nghệ thuật l’Ecole de Beaux Đông Dương và Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, bà tốt nghiệp Cao học Mỹ thuật năm 1980 và gặt hái được thành công từ khi còn rất trẻ, có tác phẩm đoạt giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam các năm 1972, 1974, 1975. Suốt gần 30 năm qua bà là “đại sứ văn hóa” giữa Việt Nam - Thụy Điển, nỗ lực giới thiệu văn hóa Việt Nam thông qua việc giảng dạy hội họa, ẩm thực và bằng chính những tác phẩm của mình. Nhưng, cũng giống như bao nhiêu người “dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn hướng về Hà Nội”.

“Nàng thơ” trong tranh Bùi Xuân Phái

Trong những câu chuyện về nghề, họa sĩ Văn Dương Thành thường hay nhắc tới danh họa Bùi Xuân Phái. Theo lời kể của nữ họa sĩ, danh họa Bùi Xuân Phái đã vẽ bà gần 300 bức ký họa và khoảng 20 bức tranh sơn dầu cỡ lớn. Phần lớn những bức tranh đó vẫn được họa sĩ Văn Dương Thành lưu giữ cẩn thận. Đó là một món quà vô giá mà danh họa nổi tiếng Bùi Xuân Phái đã tặng cho “nàng thơ” của mình, suốt từ khi gặp Văn Dương Thành năm bà 17 tuổi cho tới năm 1988, trước khi danh họa qua đời.

Họa sĩ Văn Dương Thành và cuộc hành trình miên viễn với hội họa - 5

Họa sĩ Bùi Xuân Phái và họa sĩ Văn Dương Thành. Ảnh: NVCC

Họa sĩ Văn Dương Thành kể rằng, bà ngưỡng mộ những họa sĩ tài danh như Bùi Xuân Phái, Văn Cao, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng… bắt đầu từ việc xem những minh họa trên tờ báo Văn nghệ. Khi ấy, cô bé Thành thường để dành 5 xu tiền ăn sáng để mua báo, đọc xong thì cắt những minh họa của các thầy dán vào một quyển sổ để làm kỉ niệm.

Sau đó, khoảng năm 1967, khi 17 tuổi, trong một lần tình cờ, họa sĩ Văn Dương Thành được gặp người mình vốn ngưỡng mộ - danh họa Bùi Xuân Phái. Từ đó, mặc dù chưa được học ngày nào, nhưng bà luôn coi mình là học trò của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Sau này, mỗi lần bán được tranh, họa sĩ Văn Dương Thành thường dùng một phần tiền mua quà để biếu “bác Phái”…

Họa sĩ Văn Dương Thành và cuộc hành trình miên viễn với hội họa - 6

Tranh vẽ danh họa Bùi Xuân Phái của họa sĩ Văn Dương Thành 

Năm 2000, có một triển lãm của danh họa Bùi Xuân Phái tại Thụy Điển. Triển lãm đã tạo ra một tiếng vang lớn khi thu hút hàng nghìn người ở Bắc Âu trong khi trước đó ở Bắc Âu, hội họa Việt Nam chưa được biết đến rộng rãi. Người tạo ra thành công của triển lãm đó phải kể đến họa sĩ Văn Dương Thành - người được mời đến cùng Ban tổ chức thẩm định và lựa chọn tranh Bùi Xuân Phái trưng bày tại triển lãm.

Luôn mong muốn người thầy của mình được biết đến nhiều hơn trên thế giới cũng như khẳng định giá trị của hội họa Việt Nam, họa sĩ Văn Dương Thành bày tỏ: “Khi bác Phái mất, năm nào tôi cũng tâm niệm sẽ có một sự kiện để kỷ niệm, để nhắc nhớ mọi người nhớ đến Bùi Xuân Phái, nhắc nhớ đến họa sĩ tài năng hội họa của đất nước. Như một thói quen, năm nào tôi cũng vẽ bác Phái, mỗi năm ít nhất 5 đến 10 bức chân dung, vẽ họa sĩ Bùi Xuân Phái đến bây giờ đã hàng trăm bức tranh”.

Khi vẽ chân dung Bùi Xuân Phái, họa sĩ Văn Dương Thành cho biết “chẳng có gì khó khăn cả”. Bởi với nữ họa sĩ: “Khi vẽ một người đã nghiên cứu rất lâu, hàng bao nhiêu năm nhìn thấy gương mặt của ông, đôi mắt của ông, con người của ông, hiểu tâm tính của ông, sự sáng tạo của ông thì khi đó tôi chỉ việc thể hiện giống như việc viết sách nếu có đầy đủ tư liệu và trải nghiệm sẽ có thể viết mãi, viết mãi được mà không cạn”.

Bùi Xuân Phái vẽ Văn Dương Thành, nay Văn Dương Thành vẽ Bùi Xuân Phái - quả là một sự tương giao hiếm thấy trong nghệ thuật.

Người nghệ sĩ "ngoại giao văn hóa" qua hội họa 

Rời Việt Nam để tu nghiệp cao học ngôn ngữ Thuỵ Điển từ những năm 1990, họa sĩ Văn Dương Thành định cư ở Thụy Điển, lúc này bà đã là họa sĩ có danh tiếng ở trong nước và khu vực, tuy nhiên xứ trời Tây thì vẫn chưa nhiều người biết đến. Sau những năm tháng bền bỉ học ngoại ngữ, tình cờ chính bà hiệu trưởng Ann-katerin là người phát hiện ra tài năng hội họa của “nàng thơ trong tranh Bùi Xuân Phái”, bà hiệu trưởng đề nghị họa sĩ Văn Dương Thành đứng lớp để giảng dạy những kiến thức mỹ thuật phương Đông và kỹ thuật sơn dầu.

Sau 10 năm kể từ khi định cư, với thời gian biểu kín mít lịch làm việc, vừa giảng dạy vừa sáng tác, họa sĩ Văn Dương Thành đã dành dụm mua được một biệt thự tại Stockkhom Thụy Điển, đó là niềm vui của nữ họa sĩ khi nhìn lại hành trình sống và làm việc miệt mài của mình.

Họa sĩ Văn Dương Thành và cuộc hành trình miên viễn với hội họa - 7

Họa sĩ Văn Dương Thành thời trẻ. Ảnh: NVCC

Trong các hoạt động ngoại giao nhân dân liên quan đến văn hóa nghệ thuật, giới chức đều đặt niềm tin, quý trọng và gọi họa sĩ Văn Dương Thành là “đại sứ văn hoá”, kể cả các đại sứ đặc mệnh toàn quyền hiện đang công tác tại Việt Nam. Trong hầu hết các chương trình, sự kiện giao lưu về văn hóa cấp quốc tế, họa sĩ Văn Dương Thành đều được Bộ ngoại giao và Chính phủ trao trọn niềm tin để vẽ các tác phẩm của mình dành tặng cho loạt chính khách năm châu.

Với mỗi chính khách, nữ họa sĩ lại dày công nghiên cứu về xuất thân, tích cách, học vấn, sở thích và thậm chí là cả trường đại học mà chính khách đó theo học. Từ tâm huyết tận đáy lòng cùng với việc tìm tòi tường tận sở thích của mỗi người, họa sĩ Văn Dương Thành đã cho ra đời những tác phẩm dành tặng Tổng thống Obama (năm 2016), Tổng thống Bil Clinton, phu nhân của Tổng thống Trump (năm 2019), Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un hay công chúa kế vị Thụy Điển Victoria Desiree… và được các nguyên thủ này gửi thư tay đến tận nhà để cảm ơn, đồng thời ghi nhận, trân trọng tác phẩm mà nữ họa sĩ đã trao tặng.

Họa sĩ Văn Dương Thành và cuộc hành trình miên viễn với hội họa - 8

Nhà điêu khắc bậc thầy Brancusi qua nét vẽ của họa sĩ Văn Dương Thành

Dường như, tạo hóa đã ban tặng cho họa sĩ Văn Dương Thành rất nhiều món quà lớn lao, đó là tâm thái thiện lương và tài năng hội họa xuất chúng. Có lẽ bởi thế mà tạo hóa lấy đi của bà một bờ vai. “Nàng thơ” trong tranh của Bùi Xuân Phái vẫn bình thản đi về giữa Việt Nam và Thụy Điển một mình. Cuộc sống hiện tại của bà gắn liền với các tác phẩm hội họa, giảng dạy, chia sẻ, truyền cảm hứng cho rất nhiều thế hệ học sinh theo đuổi nghệ thuật, là cầu nối uy tín, lan tỏa những thông điệp văn hóa đậm đà bản sắc Việt đến với thế giới.

Sau các cuộc viễn du trong cuộc đời cũng như trong hội hoạ, nữ họa sĩ đã tìm thấy “sự thanh thản, biết ơn đời, ơn người và an nhiên tự tại”.  

Phạm Hằng

Tin liên quan

Tin mới nhất

“Tháng 3 giỗ Mẹ”: Tưởng nhớ Thánh Mẫu Liễu Hạnh

“Tháng 3 giỗ Mẹ”: Tưởng nhớ Thánh Mẫu Liễu Hạnh

Người Việt có câu “Tháng 8 giỗ Cha, tháng 3 giỗ Mẹ", trong đó tháng 3 âm lịch giỗ Mẹ là để tưởng nhớ công đức của Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Đó là đạo lý uống nước nhớ nguồn có từ hàng nghìn năm nay của người Việt.