Lưỡng cực sắc thái của Vincent Van Gogh: vàng và xanh

Danh họa Vincent van Gogh có một đời sống nội tâm và sáng tạo phong phú, chưa nói là hỗn mang đến tận cùng. Song, những bất an và bệnh chứng của Van Gogh đã mang lại cho nhân loại một khối lượng kiệt tác bất hủ, là niềm cảm hứng bất tận cho nhiều nghệ sĩ đời sau, và không những thế, còn trở thành một ca bệnh điển hình mà những nhà tâm lý học, phân tâm học, rồi thậm chí là tâm bệnh học hiện đại đi sâu mổ xẻ. Sự giải phẫu tâm lý này không phải đơn thuần nhằm mục đích điều trị lâm sàng, thay vào đó, nhằm thám mã một nguyên lý sáng tạo đằng sau não trạng Van Gogh và lý giải thế giới quan nghệ thuật đặc thù của ông.

Lưỡng cực sắc thái của Vincent Van Gogh: vàng và xanh - 1

Starry Night, 1889

Chuyện nghệ sĩ mắc bệnh tâm thần hay rối loạn tinh thần không còn là lạ. Giữa thiên tài và người điên chỉ cách nhau một số phẩy milimet. Nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng đã được chẩn đoán mang những triệu chứng của rối loạn lưỡng cực (bipolar) hay rối loạn khí sắc theo chu kỳ (cyclothymic) như E. Dickinson, E. Hemingway, N. Gogol, A. Strindberg, V. Woolf, Lord Byron, J. W. Goethe, V. van Gogh, F. Goya, G. F. Händel, G. Mahler, R. Schumann…

Những nhiễu loạn tinh thần này, trái với quan niệm phổ thông như một sự lệch lạc tâm lý cản trở quá trình sáng tạo, lại là ngọn nguồn của sáng tạo. Sáng tạo nghệ thuật trở thành cái thay thế cho thỏa mãn bản năng, thỏa mãn cái ham muốn vô thức. Với S. Freud và phân tâm học, tác phẩm nghệ thuật là kết quả của chuỗi dồn nén - ẩn ức - thăng hoa, nên nó phản ánh những ham muốn vô thức và ẩn ức dồn nén của tác giả. Bởi vậy, nó mang tính chất của mộng, là mộng (nhưng là mơ tưởng, rêverie, theo Bachelard), còn tác giả là kẻ mộng mơ.

Quay trở lại trường hợp Vincent Van Gogh. Người ta đã từ lâu đào sâu nghiên cứu ảnh hưởng tình trạng thể lý và tâm lý tới các bức họa của ông. Những nhà nghiên cứu tiếp cận theo lối tiểu sử học lao vào bối cảnh ấu thời và bệnh lý gia đình của Van Gogh, những bức thư ông viết cho người em trai Theo và bạn bè, hay mối quan hệ bằng hữu tri âm đầy khúc khuỷu giữa ông và Paul Gauguin. Còn với những nhà tâm lý học lâm sàng, họ lại tìm đến thông tin bệnh sử của Van Gogh được bác sĩ của ông ghi chép lại để phán đoán. Tất cả đều đi đến kết luận Van Gogh mắc rối loạn tinh thần, cụ thể là rối loạn lưỡng cực hay còn gọi là rối loạn hưng-trầm cảm (manic-depressive disorder). Tạm mặc định cho đó là một tiên đề căn cứ, tôi muốn minh thị sắc thái tâm bệnh này qua hai màu sắc chủ đạo mà Van Gogh thường hay sử dụng, vàng và xanh, lần lượt là sự phóng chiếu của hai pha hưng cảm (mania) và trầm cảm (depression) trong diễn biến tâm lý của ông.

Những nốt thăng lạc quan trong cuộc đời Van Gogh thể hiện không đâu rõ hơn loạt tranh Hướng dương (Sunflowers) được ông vẽ tại Arles năm 1888. Hướng dương, đối với Van Gogh, đã không còn là đối vật hữu hình (object). Nó là một ảnh tượng hưng cảm có chức năng sưởi ấm.

Lưỡng cực sắc thái của Vincent Van Gogh: vàng và xanh - 2

Wheatfield, 1888

Về màu vàng của Van Gogh, triết gia Pháp Gaston Bachelard nói nó “mang thanh sắc của vàng giả kim, một loại vàng được kết tinh từ hàng nghìn đóa hoa, trổ lên như mật ngọt của mặt trời. Nó không bao giờ là màu vàng của lúa mì, của lửa, hay của chiếc ghế mây; nó là màu vàng kim được cá tính hóa vĩnh cửu bởi những giấc mơ bất tận của một thiên tài. Nó không còn thuộc về thế giới này, mà là phẩm chất, là trái tim của con người, chân lý cơ bản tìm thấy trong suy ngẫm cả đời người. Ngọn lửa này thắp sáng những vì tinh tú trên trời cao.Về sắc diện liều lĩnh của một thành tố, đó là một thành tố đủ khuấy động vật chất để tạo ra một ánh sáng mới” (Le droit de rêver, Quyền mơ mộng, 1970). Sắc vàng này có đơn thuần chỉ là một màu sắc Van Gogh ưa thích sử dụng, hay là sự biến dạng thị giác màu sắc gây ra bởi việc lạm dụng rượu absinthe, hoặc bị điều trị động kinh bằng mao địa hoàng quá liều? Không hẳn hoàn toàn. Sắc vàng này là ngọn lửa hưng cảm, một hồi quang phản chiếu, hy vọng mong muốn thăng hoa trở nên bất diệt của Van Gogh, nhưng đóa hướng dương này chóng úa tàn trước vực thẳm đối lập tột độ của sắc xanh, là màn đêm u uẩn bao trùm trong nội tâm của ông.

Lưỡng cực sắc thái của Vincent Van Gogh: vàng và xanh - 3

Olive Trees in a Mountainous Landscape, 1888

Xanh vừa là một sắc thái, vừa là một trạng tính tinh thần nhuốm màu bi quan (feeling blue). Trong bảng màu, xanh là màu gốc, nằm ở phía đối diện với màu vàng, một màu phụ là hỗn hợp của hai màu gốc đỏ và lục. Trong lý thuyết màu phụ, việc sử dụng các màu đối lập với nhau trên bảng màu phát xạ sẽ tăng cường hiệu ứng tương phản và độ sáng cho tranh. Giống như phần lớn họa sĩ đương thời, Van Gogh ưa dùng màu xanh cobalt, màu của biển tĩnh mịch và của bầu trời đêm huyền bí.

Đối với Van Gogh, vàng là ngày còn xanh là đêm, nhưng giữa chúng luôn có một ái lực thu hút nhau, như những dao động chuyển pha thường trực giữa hưng cảm và trầm cảm. Bản thân Van Gogh khi sử dụng màu vàng luôn chủ ý pha nó với màu tiêu sắc (achromatic colors, trắng hoặc đen), để đưa màu vàng về gần hơn với màu xanh trong không gian màu. Trường thị lực bị nhiễu động và bóp méo, vốn là một hệ quả thứ phát của pha trầm cảm, luôn tập trung trong những bức tranh có gam xanh là gam chính (Starry Night, Olive Trees in a Mountainous Landscape).

Lưỡng cực sắc thái của Vincent Van Gogh: vàng và xanh - 4

Wheatfield with a reaper, 1888 - 1889

Mặt khác, màu xanh trong tranh Van Gogh gắn liền nổi bật với đêm (Starry Night Over the Rhône, Café Terrace at Night). Đêm bao trùm, nuốt chửng lấy biển tạo nên một sầu cảnh thê lương, che giấu vũ trụ và nhấn chìm thang bậc cảm xúc của người họa sĩ cô độc xuống đáy đại dương của sự tuyệt vọng. Van Gogh là kiểu nghệ sĩ tự hủy điển hình, đã đổi lấy những chớp lóe thiên tài bằng sự nhạy cảm dễ bị tổn thương, luôn bị cuốn hút bởi ma lực của cái gọi là bản năng chết (Todestrieb/Thanatos).

Thực chất, Van Gogh luôn biết sáng tạo nghệ thuật là cứu cánh tinh thần của mình (“Đời biết bao chuyện buồn! Nhưng nhất quyết không được trở nên u sầu. Phải truy tầm sự phân tán ở những điều khác, và việc đúng đắn là lao động”, Thư gửi Theo van Gogh tháng 9/1883). Trong ba năm cuối cuộc đời mình, bất chấp những giằng xé bệnh lý tâm thần và định mệnh bất toàn, Van Gogh đã đến bờ giới tận cùng của mỹ thuật Hậu Ấn tượng, và để lại những danh tác tầm thước nhất cho lịch sử hội họa nhân loại.

Phạm Minh Quân

Tin liên quan

Tin mới nhất

Triển lãm Sách chào mừng Ngày Giải phóng Thủ đô giới thiệu hơn 500 tư liệu quý hiếm

Triển lãm Sách chào mừng Ngày Giải phóng Thủ đô giới thiệu hơn 500 tư liệu quý hiếm

Chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10//2024), Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Triển lãm Sách Chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô tại Thư viện Quốc gia Việt Nam.