Tào Mạt - nhà văn, nhà viết kịch, Nghệ sĩ Nhân dân sau mỗi lần gặp

Lần thứ nhất tôi gặp ông vào dịp Tết Nguyên Đán năm 1970, cách đây đã trên 30 năm. Sau một đợt đi thực tế dài ngày ở chiến trường, ông về nghỉ và ăn Tết ở Phòng Tuyên huấn Cục chính trị Bộ Tư lệnh 559. Cơ quan Bộ Tư lệnh khi ấy đặt trong rừng nguyên sinh trên đất bạn. Đầu xuân ở Việt Nam thời tiết thường mưa phùn và ẩm ướt nhưng ở bên này vẫn nắng với cái nắng khô khốc, nóng như đổ lửa của mùa khô vùng hạ Lào. Đang trưa, như một dàn hợp xướng, hàng ngàn chú ve sầu cùng cất lên từng hồi dài não nề, nặng nhọc. Tôi đang nằm thiêm thiếp thì ông đến gọi tôi dậy.

- Đáng này, mình vừa tìm được dò phong lan tai trâu khá đẹp. Mình đính lên thân cây chỗ có nắng. Cậu xách máy ra chụp mình với giò phong lan ấy nhé!

- Vâng!

Không hiểu sao lúc ấy tôi nhận lời một cách thoải mái đến như vậy. Thực ra tôi thuộc dạng khó tính, “hâm” và khước từ mọi cuộc chụp ảnh sinh nhật, chè chén hiếu hỉ hay chụp ảnh kỉ niệm nhưng đâu nỡ từ chối chụp chân dung nhà viết kịch Tào Mạt ở cái nơi túi bom và cái chết luôn rình rập bất kỳ lúc nào. “Nhặt” được một chân dung con người tài năng hiếm có và giờ đây ông lại đến với lính ngoài mặt trận là một hình ảnh quý, cần phải chụp.

Nghĩ vậy, tôi đã chụp kỷ niệm ông đang cười rất tươi bên dò phong lan tai trâu. Ngay tối hôm ấy tôi tráng phim và làm ảnh luôn. Phải nói dò phong lan và cả con người Tào Mạt trong ảnh cũng khá đẹp. Tôi chợt nhớ đến một nhà văn nổi tiếng – Nhà văn Chu Văn, bạn thân của Tào Mạt đã tả chân dung nhà viết kịch như sau:

“Thoạt nhìn, thật chẳng có tý tướng mạo dáng vẻ gì là một khách văn chương. Tào Mạt cao, gầy, to xương, chân tay thô cứng. Bộ tóc rễ tre rất dày, rất xanh, húi ngắn, lấn xuống vùng trán thấp. Mặt mũi xương xẩu, hốc hác. Riêng đôi mắt sâu, nhìn rất thẳng, toát lên ánh sáng trung hậu, cả tin và đôi môi rộng, nụ cười thật thà, cởi mở… Tướng mạo người kiểu này thật không dễ gần những giờ phút mới quen”.

À ra cái thần thái được ghi trong ảnh hôm nay lại toát lên sự cởi mở, thanh thản và tỏ ra mãn nguyện trước kết quả một chuyến đi.

Tào Mạt - nhà văn, nhà viết kịch, Nghệ sĩ Nhân dân sau mỗi lần gặp - 1

Nhà văn, nhà viết kịch, Nghệ sĩ Nhân dân Tào Mạt. Đây là tấm ảnh cuối cùng do tôi chụp khi ông đến thăm tôi tại nhà riêng.

Chụp xong, ông kéo tôi ngồi bệt xuống một tảng đá dưới lòng suối rồi lôi tôi “vào cuộc” bằng một câu hết sức đường đột:

- Là chiến sĩ Trường Sơn, cậu nghĩ gì về Tư lệnh trưởng Đồng Sĩ Nguyên? Tôi chưa kịp trả lời, ông lại tiếp luôn: “Cái ông Tư lệnh trưởng này mới tài giỏi và khôn khéo làm sao!”.

Tối qua mình vào gặp ông đang trực chỉ huy ở Bộ Tư lệnh. Nhân lúc đường thông, xe hoạt động trên toàn tuyến khá tốt, ông tỏ ra rất vui. Mình tranh thủ “vào đề” luôn:

- Anh Nguyên này, hôm tôi đến một đơn vị công binh ở trọng điểm “Vang Mu”, qua tiếp xúc với lính tôi “tóm” được một chi tiết rất thú và cũng “rất kịch”. Sau bữa ăn trưa, cánh lính công binh nó bảo:

- Bác Tào Mạt ơi, nghe nói cấp trên ngoài Hà Nội có ý định đổi quân số. Những chiến sĩ đã ở Trường Sơn lâu ngày, sức khỏe giảm sút, cần cho ra tuyến sau điều dưỡng và thay vào đó quân số một đổi một nhưng ông Nguyên không đồng ý. “Xin cảm ơn các anh đã quan tâm. Chiến sĩ ở trong này sức khỏe tuy giảm sút nhưng đã được thử thách qua bom đạn, hiểu địch và đánh địch rất giỏi. Chỉ xin các anh tăng nguồn hậu cần, quân trang, thuốc men để điều dưỡng tại chỗ. Được như vậy là quý lắm rồi!”. Hạ máy xuống, ông mỉm cười một mình. “Nếu trên cho thay đổi phải đổi ba tân binh trẻ ở hậu phương lấy một chiến sĩ sốt rét Trường Sơn mới tương xứng”. “Thủ trưởng ‘mê tín’ bọn cháu đến như thế thì có mà chết mất ngáp”!

Nghe xong anh Nguyên chỉ cười. Không phản đối mà cũng không hẳn ra thừa nhận.

- Bọn lính trẻ hóm thật! Ông cười không thành tiếng!

Sau bữa cơm tối ông kéo tôi ngồi lại uống nước và không gọi tôi bằng cậu nữa.

- Hôm trước anh đưa em đọc vở kịch nói “Đỉnh cao phía trước” em đã đọc xong chưa?

- Dạ, em đọc xong rồi ạ. Tôi cũng xưng “em” và gọi ông bằng “anh” cho trẻ trung, tình cảm và thân mật.

- Thế nào, được chứ?

- Vấn đề đặt ra lúc này là rất được. Đây là một vở tốt, rất tốt.

- Vậy mà Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh sau khi đọc xong họ cũng đồng ý cho dựng nhưng với điều kiện cần cắt gọt bớt những chi tiết góc cạnh. Theo em, anh có nên làm theo ý của họ không?

- Nếu anh đồng ý cắt gọt để nó tròn vo như hòn bi thì đâu còn là tác phẩm của Tào Mạt! Nếu không chịu cắt gọt mà không đồng ý cho công diễn thì thôi cũng được. Trước sau vở này vẫn “đứng” được và nó có vị thế nhất định trong “làng” kịch nói Việt Nam. Rồi đấy anh xem.

Tào Mạt - nhà văn, nhà viết kịch, Nghệ sĩ Nhân dân sau mỗi lần gặp - 2

Nhà văn, nhà viết kịch, Nghệ sĩ Nhân dân Tào Mạt qua ký họa bút sắt của họa sĩ, nhà điêu khắc Minh Đỉnh 

Quả nhiên, sau này vở “Đỉnh cao phía trước” anh vẫn giữ nguyên văn bản gốc gửi dự thi đã được Giải chính thức của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.

Sau khi tôi phát biểu chính kiến của mình, anh Tào Mạt cười mắt, gật đầu lia lịa và bắt tay tôi thật chặt.

- Em quả là một người đọc có năng khiếu cảm thụ, rất có “gu”!

Còn tôi cảm thấy vinh dự vì đã được anh trao cho nhiệm vụ “kiểm định” tác phẩm. Tôi nhận biết rất rõ là anh Tào Mạt quý mến và tin cậy tôi thực sự. Tôi xin phép đứng lên đi pha cà phê để hai anh em cùng uống nhưng anh kéo tôi ngồi xuống:

- Khỏi cần! Sáng mai anh lại đi xuống các đơn vị khu vực Bản Đông1, nơi sắp có chiến sự lớn – Theo nguồn tin tình báo của ta cho biết – Anh tiếp – Anh đang có dự định thành lập Viện nghiên cứu Chèo. Anh đã đề xuất với những đồng chí có trách nhiệm và đã có được sự ủng hộ bước đầu! Ai cũng biết nghệ thuật chèo truyền thống đang có nguy cơ mai một. Lớp trẻ ít hiểu biết nên không mấy quan tâm, đó cũng là một thực tế thôi thúc những người sống chết với nghệ thuật chèo phải quan tâm thiết thực. Việc thành lập Viện nghiên cứu Chèo buổi đầu chỉ cần 5-7 nhân sự. Anh thấy em là người ít nói nhưng nội tâm sâu sắc, có triển vọng đi sâu vào công việc nghiên cứu, nếu em được qua một lớp nghiên cứu lý luận nghệ thuật sân khấu.

Tôi đang băn khoăn chưa biết trả lời thế nào thì anh tiếp luôn:

- Chưa cần trả lời ngay, cứ để em suy nghĩ, hôm nào anh về lại sẽ trả lời anh cũng được.

Sáng hôm sau anh xuống vùng Bản Đông theo kế hoạch. Ở lại, tôi suy nghĩ rất kỹ về câu trả lời với anh Tào Mạt. Mình đã thử làm nghề báo viết, tuy viết được nhưng cũng chẳng tài cán gì và đã ba năm đi sâu nghiên cứu về nghệ thuật nhiếp ảnh. Bộ môn nghệ thuật mới mẻ này đang có sức hấp dẫn đối với tôi. Nếu nhận sự ưu ái đối với anh Tào Mạt, chắc chắn tôi chẳng có thể đóng góp được bao nhiêu cho nghệ thuật sân khấu.

Bởi muốn trở thành nhà nghiên cứu “lý sự” hay sáng tác sân khấu thì điều đầu tiên và tối thiểu cũng phải “nghiền” khá kỹ văn học sử, “thuộc” lịch sử phát triển bộ môn nghệ thuật sân khấu Việt Nam và thế giới (nói chung) và nghệ thuật chèo Việt Nam (nói riêng); hiểu và “điểm huyệt” khá chuẩn về các nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đâu là tài năng, đâu là sự nối nghiệp… Chưa kể đến phải có một vốn sống thực tế và cả năng khiếu “trời cho” nữa!

Vậy cho nên tôi túc trực ở nhà để cảm ơn sự quan tâm của “đại ca” Tào Mạt – một trong những nhà kiến trúc sân khấu có công bảo tồn và phát huy nền nghệ thuật chèo truyền thống Việt Nam rằng: “Xin biết ơn đại ca nhưng em không thể nhận cái sứ mạng lịch sử cao quý ấy vì đã để nhiều công sức nghiên cứu bộ môn nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam đương đại rồi!”

Hà Nội và miền Bắc Việt Nam, chiến tranh bằng không quân của Mỹ diễn ra thực sự ác liệt ở thời điểm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Cuối năm 1972, tôi ra Hà Nội, mang theo tập bản thảo đưa duyệt và xin cấp giấy phép xuất bản cuốn sách ảnh “Đường Hồ Chí Minh”.

Cùng đi một xe ở chiến trường ra có nhà văn Hoàng Văn Bổn kiêm nhà biên kịch của xưởng phim Quân đội nhân dân. Ra đến ngã ba Đồng Lộc, xe ô tô của chúng tôi bị máy bay Mỹ oanh kích bốc cháy. Tôi và nhà văn Hoàng Văn Bổn cùng những người cùng đi thoát chết nhưng ba lô, quần áo cháy sạch; chỉ còn bộ trên người, chiếc cặp tài liệu và bản thảo. Trên đường ra Hà Nội phải mang theo giấy giới thiệu “Xin ăn” để dọc đường được các địa phương trợ cấp.

Về Hà Nội, tôi tranh thủ đến thăm anh Tào Mạt ngay. Anh hiện ở tầng cao nhất trong ngôi nhà của Học viện quân sự ở Nghĩa Đô, gần với đoàn chèo Tổng cục Hậu cần.

Thời điểm này kịch tác gia Tào Mạt tên tuổi đã nổi lên như cồn với các vở diễn hoặc đã xuất bản: Vở “Cái ba lô” – Kịch, năm 1958. “Chị Tâm bến Cốc” – Chèo (1960); “Ánh sao đầu núi” – Chèo (1969); “Trong phòng trực chiến” – Kịch nói (1965); “Đường về trận địa – Chèo (1967); “Đỉnh cao phía trước” – Kịch nói (1967); “Nguyễn Viết Xuân” – Chèo (1970)…

Nhà văn Chu Văn khi còn làm Trưởng ty Văn hóa Hà – Nam – Ninh, trong một bài viết về Tào Mạt, ông viết: “… Tào Mạt là một cây bút khác thường từ buổi còn thơ. Tào Mạt là một cây bút có vốn sống súc tích, học vấn sâu sắc, văn phong độc đáo, tiếng nói dân gian, trữ tình và cái nhìn thiết tha về cuộc sống, cái nhìn của con người xuất thân bần hàn vất vả, chìm sâu dưới đáy xã hội… Tuy nhiên, cái ý tưởng thành lập Viện nghiên cứu Chèo Việt Nam của anh Tào Mạt vẫn chưa trở thành hiện thực nhưng khát vọng vẫn hừng hực và hăm hở như hôm anh tâm sự với tôi ở Trường Sơn. Tôi cũng không trở thành chiến sĩ thực thụ của anh ở cái Viện nghiên cứu Chèo ấy nhưng bao giờ tôi cũng là cậu học trò nhỏ của anh, được anh tin cẩn và yêu mến. Anh cũng thuộc “dạng” khó tính, không thích ồn ào, không thích ở chung… với ai một phòng. Có lẽ tôi thuộc dạng ngoại lệ vì ở chiến trường ra, nên anh bảo tôi ở lại cùng anh và không quên đề ra “nội quy”: Lúc nào anh ngồi vào bàn viết là tuyệt đối không gây tiếng động, không hỏi và không nói chuyện. Khi nào anh nghỉ thì tha hồ, nói chuyện xả láng!

Tào Mạt - nhà văn, nhà viết kịch, Nghệ sĩ Nhân dân sau mỗi lần gặp - 3

Hiện tại anh đang vui, rất vui khi tiếp tôi, hỏi chuyện chiến đấu, hỏi thăm sức khỏe người thân. Bây giờ em lấy quần áo chuẩn bị tắm rồi ăn cơm.

Anh Tào Mạt không hề biết dọc đường tôi bị cháy xe, đâu còn quần áo! Nhưng hãy khoan, chớp thời cơ tôi hỏi luôn:

- Tại sao anh lại lấy tên tác giả là Tào Mạt?

- Tại sao ư? Giải thích thì dài nhưng đại để là xung quanh cái tên cũng là một vấn đề hệ trọng. Tên cúng cơm là cả một sự suy nghĩ, thống nhất của cha mẹ, một phần tạo nên bản tính người con. Còn tên tác giả thường do chính con người ấy đặt ra, nó hàm chứa tính cách, bản sắc, văn phong của tác giả. Tính cách con người tác giả thường bộc lộ một phần quan trọng trong việc hình thành tác phẩm. Theo anh hiểu thì Tào Mạt là tên một viên quan mưu thần rất trung thành và cương trực của vua nước Lỗ trong Đông Chu Liệt Quốc. Nước Tề hùng mạnh. Nước Lỗ yếm thế. Vua nước Lỗ mặc cảm trước kẻ mạnh và cam chịu nhịn nhục mọi bề, cốt sao quốc gia tồn tại. Vua nước Tề cậy mình là vua của một quốc gia hùng mạnh nên tỏ ra ngang ngược, lỗ mãng, lấn át vua nước Lỗ. Trước cảnh tượng hai ông vua như vậy, Tào Mạt mặt lại như mình bị xúc phạm. Ông hầm hầm nổi giận. Một tay túm lấy vạt áo, một tay rút gươm múa trước mặt thị uy, bắt vua nước Tề phải bỏ ngay thái độ hống hách trịch thượng ấy đi.

Vua nước Tề vừa sợ vừa thần phục Tào Mạt, đành phải xuống thang hạ mình xin lỗi vua Lỗ và trả lại phần đất đai đã lấn chiếm. Mình không làm được như viên quan mưu thần ấy nhưng mình phục, mình thích tính cách con người ấy mà lấy tên Tào Mạt là tác giả của tác phẩm.

Vẫn xoay quanh câu chuyện nghề nghiệp, ông tiếp:

- Em không đi theo con đường của anh nhưng cũng cần phải biết đôi chút cần có của người làm sáng tác sân khấu. “Người làm sáng tác nghệ thuật sân khấu thường hay mắc nhược điểm là khai thác đề tài lịch sử để phục hiện lịch sử, minh họa lịch sử. Nhưng người làm sân khấu có tâm, có tài chỉ mượn lịch sử là cái “cớ” để anh ta nói những gì mà anh ta quan tâm. Xét cho cùng người làm văn nghệ phải hiểu Văn nghệ là cái bóng đi qua cuộc đời, đi qua sức tưởng tượng thăng hoa của nghệ sĩ, lấy chuẩn mực nhân văn để đo giá trị, phải dựa vào công chúng và thời gian mới đánh giá được. Sau khi tác phẩm còn thiếu chỉ cầu danh và lợi thì đó là tác phẩm cầu danh. Có danh lợi cho người làm ra nó rồi, tự nó chết đi. Danh lợi hết, cả người làm nên tác phẩm cầu danh lợi đều bị vùi trong lãng quên…”.

Sau này, khi các tác phẩm tiếp theo của Tào Mạt ra đời như “Khúc hát dưới chân núi Nguyệt Hằng” – Chèo (1979); “Dọc đường chiến thắng” – Chèo (1984) và bộ ba chèo lịch sử bất hủ “Bài ca giữ nước” ra đời được thử thách qua thời gian và công chúng, khi “Bài ca giữ nước” được Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc trao tặng Huy Chương Vàng với số điểm cao tuyệt đối 10/10 đã nâng tầm tác giả Tào Mạt lên hàng đầu những nhà viết chèo của đất nước, tôi mới nghiệm thấy “tuyên ngôn” của anh càng trở nên giá trị.

Sau hội diễn, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ có lần nói với tôi: “Ông Tào Mạt là một kịch tác gia bậc thầy! Vừa sáng tác, kiêm đạo diễn, lại am tường vũ đạo trong kịch trường, trong âm nhạc… quả là bậc “sư phụ”!

Từ lần được tiếp xúc ban đầu cho đến sau này anh gặp sóng gió phải tự tay chèo lái đến bến bờ vinh quang, tôi đều xem anh, chiêm ngưỡng anh, tôn sùng anh như một người thầy lớn, một tấm gương lao động sáng tạo hiệu quả, mẫu mực và đầy bản lĩnh.

Khi làm sách Hồ Gươm, chuẩn bị cho kỉ niệm 990 năm Thăng Long – Hà Nội, tôi tranh thủ đến xin anh viết cho chữ “Kiếm Hồ” và được anh tặng cho bài thơ viết về Hồ Gươm  như đã in ở trong sách. Khi anh đã ở giai đoạn bạo bệnh tôi vẫn đến thăm anh, đưa bạn Đào Quang Minh mang ảnh chụp về Hồ Gươm để anh xem.

Tào Mạt - nhà văn, nhà viết kịch, Nghệ sĩ Nhân dân sau mỗi lần gặp - 4

Tuy đang nằm trên giường bệnh nhưng vẫn gắng gượng viết chữ "Kiếm Hồ" để in bìa sau của tập sách Hồ Gươm 

Anh rất thích tấm ảnh chụp Hồ Gươm của Đào Quang Minh ở chất “thủy mạc”. Tạo hình tiền cảnh là chiếc cành cây tựa như con rồng Thăng Long đang bay lên trời. Anh tuy mệt nhưng mắt vẫn sáng, tinh thần vẫn minh mẫn tuyệt vời. Anh bảo tôi nâng anh ngồi dậy và anh mở nắp chiếc bút dạ đen. Anh đề vào ảnh bốn chữ “Thiên tải long phi” rồi đóng dấu ấn đỏ tên tác giả, đề ngày tháng rồi anh giải thích cho chúng tôi nghe: Thiên tải long phi có nghĩa là “Thăng Long Rồng bay”.

Tấm ảnh Hồ Gươm ấy của Đào Quang Minh được Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tuyển chọn là một trong mười tác phẩm ảnh đen trắng gửi đi tham dự ở Đại hội FIAP. Ảnh “Ban của mẹ” của Đoàn Đức và ảnh “Hồ Gươm” của Đào Quang Minh được Ban giám khảo đánh giá cao và bộ ảnh của Việt Nam năm ấy được Huy Chương Bạc tại Đại hội FIAP – Đại hội Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật Quốc tế. Nhiếp ảnh Việt Nam là quốc gia lần đầu tiên tham dự.

Tấm ảnh Nhà văn, nhà viết kịch, Nghệ sĩ Nhân dân Tào Mạt in trong bài viết này tôi chụp tại nhà riêng của tôi, cũng là lần cuối anh đến thăm gia đình tôi. Tôi cũng không nghĩ đó là tấm ảnh cuối cùng tôi chụp anh Tào Mạt trước lúc đi xa và tên tác giả Tào Mạt và sự nghiệp sáng chói của anh còn mãi; sống mãi với thời gian.

Biết mình sắp đến giờ phút ra đi, anh gọi vợ vào dặn dò lần cuối: “Khi anh mất, mai táng xong, chờ 49 ngày hay giỗ đầu xong, em chuyển bức tượng của anh do nhà điêu khắc Nguyễn Minh Đỉnh trao cho chú Hoàng Kim Đáng lưu giữ. Đây là một nghệ sĩ đích thực, một con người biết trân trọng lưu giữ những kỷ niệm khó quên, còn mãi với thời gian”.

Nhà viết kịch, nghệ sĩ nhân dân Tào Mạt tên thật là Nguyễn Đăng Thục. Anh sinh ngày 23 tháng 11 năm 1930 – Năm con Hổ – tại xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Anh mất ngày 13 tháng 4 năm 1993 tại Hà Nội, ở tuổi 64, thật đáng tiếc cho anh, gia đình anh, quê hương anh. Đất nước mất đi một kịch tác gia lớn khó thay thế.

Nhà văn, nhà viết kịch, Nghệ sĩ nhân dân Tào Mạt rất xứng đáng được tôn vinh và đón nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật từ đợt I năm 1996.

Hoàng Kim Đáng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Đường lên Điện Biên hào hùng và đầy xúc cảm qua 70 tác phẩm mỹ thuật

Đường lên Điện Biên hào hùng và đầy xúc cảm qua 70 tác phẩm mỹ thuật

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm “Đường lên Điện Biên”, giới thiệu tới công chúng 70 tác phẩm hội họa, đồ hoạ, điêu khắc, ký hoạ, áp phích, sáng tác trong giai đoạn 1949 - 2009 của 34 tác giả, được lựa chọn trong bộ sưu tập của Bảo tàng.