Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và một lần “chữa cháy” cho cuộc thi hoa hậu

(Arttimes) - Bây giờ, mỗi khi nghe những bài hát mà tôi yêu thích của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, tôi lại nhớ về những kỷ niệm mà người nhạc sỹ tài hoa làm tôi cứ muốn viết một cái gì đó, nói đến một cái gì đó trong những năm tháng tôi quen biết ông… để nói về nhân cách của người nghệ sỹ đích thực, bởi những tài năng lớn, đích thực bao giờ cũng là những nhân cách lớn.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là người của một thời và có lẽ của nhiều thời, tôi thiển nghĩ vậy.

Tôi nhớ lại Cuộc thi Người đẹp miền Đông Nam bộ và TP Hồ Chí Minh chẩn bị cho Cuộc thi Hoa hậu toàn quốc năm 1992 diễn ra trên sân khấu khá hiện đại tại Nhà thi đấu Phan Đình Phùng.

Dạo đó, Cuộc thi Hoa hậu toàn quốc (Hoa hậu Việt Nam) do báo Tiền Phong tổ chức vòng chung khảo khu vực được diễn ra ở cả bốn miền (hiện nay chỉ có hai miền, chỉ tổ chức một hôm và không bán vé). Khu vực phía Bắc tổ chức ở Hà Nội, miền Trung ở Đà Nẵng, miền Tây ở Cần Thơ và miền Đông ở thành phố Hồ Chí Minh. Chung khảo khu vực lúc đó diễn ra ba tối, được tổ chức khá quy mô và có bán vé.

Khu vực miền Đông Nam Bộ và thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ở Nhà thi đấu Phan Đình Phùng và ba đêm chung kết toàn quốc cũng tổ chức ở đây nên sân khấu được dàn dựng rất quy mô.

Đêm cuối cùng của vòng chung khảo khu vực, khi chúng tôi bước vào sân Phan Đình Phùng, đi về phía mé phải nhà thi đấu, nơi có những dãy bàn, ghế đá mà ban ngày vẫn là nơi giải khát cho vận động viên và khách vào đây, tôi nhìn thấy nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và giáo sư mỹ học Hoàng Thiệu Khang, hai thành viên trong Ban giám khảo đang ngồi khề khà bên một chai rượu. Tôi bảo với đồng chí Trưởng Ban đại diện của báo lúc đó đến nhờ chị Trà Giang thuyết phục hai vị giám khảo nổi tiếng…

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và một lần “chữa cháy” cho cuộc thi hoa hậu - 1

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh Internet

NSND Trà Giang đi về phía hai người bạn rượu đang say sưa trò chuyện… Chị Trà Giang cầm lấy chai rượu đã uống hết già nửa và nói: “Thôi, uống thế thôi để còn làm… nhiệm vụ”.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và giáo sư Hoàng Thiệu Khang đứng dậy đi vào phòng họp của Ban giám khảo. Tôi nhìn hai người: Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn coi như không có chuyện gì xảy ra, chừng ấy rượu đối với ông chưa có nghĩa lý gì. Riêng giáo sư Khang có vẻ ngà ngà. Tôi đã hơi lo. Quả đúng như tôi dự đoán, qua ba vòng chấm (áo dài dân tộc, áo tắm liền mảnh, trang phục tự chọn), Ban giám khảo vào hậu trường hội ý để tổ thư ký cộng điểm. Ngoài hội trường, hai người dẫn chương trình rất có duyên là Phương Thảo và Thanh Bạch đang tiếp nối các tiết mục văn nghệ.

Lúc bấy giờ, Hồng Tuyến là Tổ trưởng thư ký chạy đến ghé vào tai tôi:

- Chết rồi, giáo sư Hoàng Thiệu Khang không chấm, phiếu của ông ấy chưa có điểm.

Tôi đến bảo giáo sư:

- Sao phiếu của giáo sư không có điểm?

Giáo sư Khang à lên:

- Ủa, chưa hả?

Tôi biết suốt thời gian ngồi ghế giám khảo vừa rồi có lẽ ông lơ mơ. Ông bảo tôi là đèn bàn tối quá không thấy gì mà ghi. “Để moa, để moa chấm bây giờ, toa chấm thế nào?...”. Ông kéo Trịnh Công Sơn ngồi xuống ghế và hỏi. Tôi thấy giáo sư hình như đã tỉnh rượu hẳn…

Công việc của Tổ thư ký rối lên như canh hẹ do phải lục lại các phiếu điểm và tìm phiếu điểm mà giáo sư Khang chưa chấm gì. Tình huống này chưa bao giờ xảy ra nên cả ban giám khảo rất lúng túng. May sao, giáo sư Nguyễn Quang Quyền (nay đã mất vì tai nạm ô tô) vốn có rất nhiều kinh nghiệm về nhân trắc học đã ngồi gợi lại cho giáo sư Hoàng Thiệu Khang chấm…

Ngoài sân khấu các tiết mục văn nghệ phụ trợ đã hết. 10 phút, rồi 15 phút, 20 phút trôi qua. Cả màn tấu hài của Thanh Bạch khá hấp dẫn, thu hút khán giả cũng kết thúc. Làm sao bây giờ? Những người hâm mộ chương trình hoa hậu mua vé vào đây không thể ngồi chờ… Khán giả đã bắt đầu ồn ào suốt ruột. Tôi bảo nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Thôi, anh ra chữa cháy đi, tại anh mua rượu mời ông ấy mà…”.

Tôi nói là nói thế thôi, chứ đâu ngờ người nhạc sỹ tài hoa họ Trịnh làm thật.

Trịnh Công Sơn không chần chừ, ông lấy cây đàn ghi ta bước lên sân khấu. Ông hát say sưa, hết bài này đến bài khác, khán giả vỗ tay rào rào…

Tôi chưa bao giờ chứng kiến nhạc sỹ Trịnh Công Sơn tự biểu diễn ca khúc của mình nên rất ngạc nhiên. Giọng hát của ông tuy hơi khàn nhưng có sức lôi cuốn kỳ lạ. Ông hát một vài ca khúc Da vàng, rồi đến những ca khúc quen thuộc với hàng triệu người…

“Bao nhiêu năm làm kiếp con người

Chợt một chiều tóc trắng như vôi

Lá úa trên cao rụng đầy…”

Bài hát buồn thế, nhưng cũng tinh khiết thế. Tôi như quên hết mọi sự phiền toái, quên đi những chuyện hàng ngày để chìm vào âm nhạc, để biết cuộc đời nhiều khi chỉ là cõi hư không!

Cả hội trường bốn năm ngàn con người lặng phắc. Rồi, mỗi lần kết thúc một ca khúc, tiếng vỗ tay lại rào lên tưởng như không dứt.

Các phiếu điểm cuối cùng cũng đã cộng xong. Đại diện ban thư ký lên cánh gà sân khấu để trao bản danh sách những người đẹp lọt vào vòng chung kết toàn quốc cho người dẫn chương trình. Nhưng hàng ngàn khán giả vẫn đắm chìm vào những ca khúc do chính người nhạc sỹ tài ba họ Trịnh biểu diễn.

Khi mười lăm người đẹp đại diện cho gần hai ngàn thi sinh dự thi của khu vực miền Đông và thành phố Hồ Chí Minh được đọc tên và bước ra sân khấu trong màn pháo bông và tiếng vỗ tay lại rào rào vang lên…

Không ai biết rằng một sự cố đã xảy ra làm tất cả chúng tôi toát mồ hôi. Sau lần ấy, Ban giám khảo đưa ra một quy định bắt buộc đối với các thành viên: Qua mỗi vòng trình diễn, Giám khảo nào không chấm xong nộp cho Ban thư ký thì coi như phiếu đó không có giá trị. Ban thư ký chỉ việc cộng điểm các thành viên chấm đúng, chấm đủ, chấm theo quy định thời gian, cộng lại rồi chia đều để lấy điểm trung bình cho mỗi thí sinh. Nhờ có quy định này, các thành viên Ban giám khảo về sau làm việc rất nghiêm túc, khẩn trương và rất khách quan và không hề xảy ra sự cố nào tương tự.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và một lần “chữa cháy” cho cuộc thi hoa hậu - 2

Ban giám khảo cuộc thi Hoa hậu Toàn quốc 1992. Ảnh Internet

Suốt thời gian ngồi ghế Ban giám khảo khu vực và cả mấy đêm chung kết sau đó, có một điều kỳ lạ là cả tôi và Trịnh Công Sơn đều “mê” một thi sinh. Đó là một cô gái quê Đà Nẵng, đang học năm thứ hai Đại học Y khoa thành phố Hồ Chí Minh, tên là Mạc Lê Đan Thanh. Trên sân khấu, cô gái họ Mạc không phải như đang đi mà như đang lướt nhẹ như một thiên thần áo trắng. Vẻ đẹp của Mạc Lê Đan Thanh là vẻ đẹp của âm nhạc, của thi ca.

Nét dịu dàng, e lệ, thanh mảnh với gương mặt hồn nhiên trong sáng đến kỳ lạ. Suốt thời gian luyện tập, cô gái họ Mạc đã cuốn hút Trịnh Công Sơn bởi sự nên thơ, nên nhạc trong vẻ đẹp của cô. Tuy chiều cao và các số đo nhân trắc học chưa thật chuẩn cho tiêu chí hoa hậu, nhưng cả hai chúng tôi đều có cảm giác rằng, nếu được chọn hoa hậu cho riêng mình, chúng tôi chỉ có thể chọn Mạc Lê Đan Thanh chứ không phải người đẹp nào khác.

Là Trưởng Ban tổ chức, kiêm Trưởng Ban giám khảo, tôi chỉ lo nhạc sỹ Trịnh Công Sơn cho điểm cô gái họ Mạc quá cao so với phiếu chấm điểm và có thể quên mất tiêu chí và các chuẩn mực mà Ban tổ chức và Ban giám khảo đã đặt ra.

Thế nhưng, khi xem lại phiếu chấm điểm của ông, ông rất khách quan, ông cho điểm đúng theo thang điểm mà ban tổ chức và ban giám khảo đặt ra và đã được chính ông cũng như các thành viên ban giám khảo nhất trí thông qua.

Từ đó, tôi thường nói với mọi người rằng, một tài năng lớn, bao giờ cũng là một nhân cách lớn. Luôn khách quan, công bằng, biết đặt tình cảm riêng tư của mình phái sau lợi ích chung.

Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam lần đó (1992) thành công vang dội, Hà Kiều Anh là Hoa hậu, Vi Thị Đông là Á hậu, còn Mạc Lê Đan Thanh lọt vào tốp 10 người đẹp nhất.

Hôm tổ chức liên hoan sau thành công vang dội của cuộc thi hoa hậu lần đó, tôi đến ngồi cạnh nhạc sỹ Trịnh công Sơn để nói lời cảm ơn về việc anh “chữa cháy” quá thành công, Trịnh Công Sơn cười rất hiền rồi nói: “ Mình đền cho Dương kỳ Anh cái bìa thơ… hỉ” .

Phải một lúc, tôi mới hiểu ra. Tôi đã tâm sự với anh rằng tôi có một tập thơ sắp xuất bản đang tìm người vẽ bìa.

Nếu được Trịnh công Sơn vẽ bìa cho thì còn gì bằng. Anh là một người đa tài. Không những là một nhạc sỹ tài năng mà anh vẽ cũng rất đẹp.

Tập thơ Đi qua thời gian của tôi xuất bản sau đó, tiếc thay lại không được anh vẽ bìa cho vì sau lần đó anh bị ốm, sau trận ốm anh lại lên đường ra nước ngoài một thời gian thì phải… Nên tôi không thể làm phiền anh.

“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi

Để một mai tôi biến thành cát bụi

Ôi, cát bụi cuộc đời…”

Anh đã về cõi vĩnh hằng, về nơi cát bui như anh viết về cát bụi đời người… Nhưng, hình ảnh người nhạc sỹ tài hoa với những ca khúc say đắm lòng người qua bao thế hệ… đã từng tham gia ban giám khảo các cuộc thi hoa hậu Việt Nam thì còn mãi trong tôi…

None

Dương Kỳ Anh

Tin liên quan

Tin mới nhất