Nhà báo, đạo diễn Bông Mai: “Hạnh phúc là dám sống một cuộc đời rực rỡ”

“Dám sống một cuộc đời rực rỡ” chính là phải dám sống cho bản thân mình trước, dám có được hạnh phúc, bởi tôi quan niệm bản thân phải hạnh phúc mới có khả năng cho đi hạnh phúc. Còn khi vẫn đong đếm hạnh phúc của mình bằng hạnh phúc của người khác, nghĩa là vẫn đang sống dựa, sống tầm gửi, chứ không phải sống cho mình..."

Đầu năm 2022, đạo diễn, nhà báo Bông Mai đã lên đường thực hiện chuyến đi “99 ngày xuyên Việt cùng Mai” với mục tiêu khám phá và tìm hiểu văn hóa của 54 dân tộc anh em, tập trung vào hai yếu tố chính là trang phục và làn điệu dân tộc. Sau chuyến đi, chị đã thu thập tư liệu dày dặn về 55 bộ trang phục và 49 làn điệu của 35 dân tộc khác nhau.

Nhưng, hơn cả những con số, với việc thực hiện hành trình một mình một xe đi khắp mọi miền đất nước, đạo diễn Bông Mai đã có cơ hội gặp gỡ hàng triệu gương mặt và ghi lại những câu chuyện đời sống đầy màu sắc của đồng bào trên khắp mọi miền đất nước. Từ đó, nữ đạo diễn đã truyền đi thông điệp “Dám sống một cuộc đời rực rỡ” với hy vọng thúc đẩy công chúng nói chung và những người phụ nữ nói riêng phá bỏ các định kiến xã hội và giới hạn của bản thân để thực hiện ước mơ của mình.

Nhà báo, đạo diễn Bông Mai: “Hạnh phúc là dám sống một cuộc đời rực rỡ” - 1

Nhà báo, đạo diễn Bông Mai - con gái cố nhạc sĩ An Thuyên, cựu thành viên nhóm nhạc Con gái nổi tiếng một thời. Ảnh: Phạm Hằng 

Hành trình đó không được tô vẽ bằng xanh đỏ mà rực rỡ bởi những cung bậc cảm xúc có buồn, có vui của cả Bông Mai và các nhân vật mà chị tiếp xúc trên những cung đường. Với mong muốn kể lại những sắc màu ấy, muốn khoe những người bạn, người thân đã may mắn được gặp trên hành trình này, Bông Mai đã tổ chức triển lãm mang tên "Dám sống một cuộc đời rực rỡ" từ ngày 18/2 đến ngày 26/2 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Gặp gỡ và trò chuyện cùng đạo diễn Bông Mai tại triển lãm, tôi đã có dịp cảm nhận một cách chân xác và say mê cái giá trị của “dám sống một cuộc đời rực rỡ” mà chị đang hết lòng san sẻ. Ngoài chuyện được UNESCO thế giới bảo trợ suốt hành trình “99 ngày xuyên Việt cùng Mai”, chuyện văn hóa trên các bản làng Tây Bắc, chuyện phụ nữ đi một mình, Bông Mai khiến người ta cảm nhận được từ chị một tấm chân dung khác - chân dung của người, có lẽ, đang tạo dựng những diễn ngôn rất mới về giới nữ ở thời hiện đại.

99 ngày độc hành nhưng không cô đơn

- “99 ngày xuyên Việt cùng Mai” hẳn không phải là hành trình chỉ xuất phát từ đam mê xê dịch, thưa chị?

Năm 2021, tôi thực hiện một chuyến đi 17 ngày qua nhiều nơi ở miền Trung, Tây Nguyên... Bởi ấn tượng với cảnh đẹp Việt Nam qua chuyến đi này nên tôi đã ấp ủ kế hoạch sẽ đi xuyên Việt một chuyến thật dài ngày để được trải nghiệm nhiều hơn nữa. Không chỉ là trải nghiệm cảnh đẹp mà để có cơ hội gặp gỡ nhiều người mới, đến với nhiều sắc màu văn hóa mới.

Vượt 10000 km trong cuộc hành trình chinh phục tất cả các cung đường, kể cả những cung đường đèo được cho là thử thách đối với các “phượt thủ”, tôi đã gặp gỡ người dân ở 35 dân tộc, chụp và ghi hình được 55 bộ trang phục, thu được 49 làn điệu dân ca, check-in được 4 cực của đất nước, đi trọn vẹn một vòng các tỉnh miền sông nước dưới cả thời tiết nóng nắng đỉnh cao và mưa to tầm tã. Trong cuộc hành trình 99 ngày đêm ấy, tôi được trải qua cả 4 mùa trong suốt chuyến đi.

Tất cả đều là những “cuộc gặp” không hẹn trước nhưng tràn đầy cảm xúc, kỷ niệm và ý nghĩa. Với bất cứ dân tộc nào, tôi cũng đều trò chuyện và ghi lại tỉ mỉ bằng nhật ký hoặc bằng những thước phim, bức ảnh chân thực.

Nhà báo, đạo diễn Bông Mai: “Hạnh phúc là dám sống một cuộc đời rực rỡ” - 2

Nhà báo, đạo diễn Bông Mai trong chuyến đi “99 ngày xuyên Việt cùng Mai”

- Hành trình của chị đặt mục tiêu rõ ràng là nghiên cứu văn hóa dân tộc, trọng tâm là trang phục và các điệu dân ca. Qua chuyến đi này, chị khám phá được những gì?

Trước đây tôi đi theo kiểu du lịch, tức là không đi sâu vào văn hóa, chỉ check-in, trải nghiệm địa điểm. Còn lần này tôi đi sâu hơn, có thể nói sâu hơn rất nhiều so với những người sản xuất nội dung thông thường. Chính vì vậy, tôi nhận thấy có vài câu chuyện đáng bàn về văn hóa ở đây. Như sự khác biệt giữa văn hóa trong sách vở và thực tế. Bản thân tôi đã đọc rất nhiều trước khi đi. Tôi nhận ra những điều viết trong sách, xuất hiện trên các trang thông tin chính thống, tưởng là thực tế nhưng khi đến nơi lại khác rất nhiều.

Đi đến tận nơi, nhìn thấy tận mắt, tôi mới thấy nhiều nét văn hóa đặc sắc từ các bộ trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc. Tôi đặc biệt ấn tượng với trang phục của đồng bào Kháng, La Ha, Xạ Phang bởi những hoạ tiết tinh xảo, những lớp vải mềm, đẹp. Trang phục của họ giúp tôn dáng người phụ nữ không chỉ bằng kiểu cách mà bằng cả sắc màu, phụ kiện đính kèm.

Để tạo nên chúng, người phụ nữ dân tộc đã tự tay làm các công đoạn nhuộm vải, dệt vải. Người phụ nữ vừa dệt vải, vừa hát những bài ca ngợi gia đình, thiên nhiên rộng lớn. Như vậy, trang phục không còn là bộ quần áo để mặc mà là nét đẹp trong văn hóa sinh hoạt của cộng đồng dân tộc. Trang phục đã thể hiện tính cách, tình cảm của người phụ nữ. Sự tỉ mỉ, khéo tay đều thể hiện trên trang phục. Trước đây, tôi không biết về điều này và cũng không mấy để tâm tới nó.

“Hạnh phúc là dám sống một cuộc đời rực rỡ”

- Có câu chuyện đặc biệt nào trong chuyến hành trình mà chị muốn đem tới triển lãm lần này?

“Dám sống một cuộc đời rực rỡ” không phải là triển lãm của một nhiếp ảnh gia mà là nơi để Mai kể những câu chuyện đã trải qua, những hình ảnh đã bắt gặp. Điều mà tôi nhớ nhất, muốn kể với mọi người nhiều nhất trong triển lãm lần này, là tôi đã gặp Mua, một em bé dân tộc 9 tuổi bị liệt sau một trận sốt, từ khi em mới có mấy tháng tuổi.

Mẹ Mua sinh ra em khi còn quá trẻ, kinh nghiệm sống còn ít đôi khi sự chăm sóc bản thân còn hạn chế thì việc chăm sóc những đứa trẻ sẽ khó tránh khỏi những hệ lụy đáng tiếc do những thiếu hụt về kiến thức. Những câu chuyện này kể ở đây để thấy, hệ lụy của việc không được giáo dục, không được học hành sẽ dẫn tới những việc đau lòng như thế.

Nhà báo, đạo diễn Bông Mai: “Hạnh phúc là dám sống một cuộc đời rực rỡ” - 3

Những khoảnh khắc trong suốt chuyến đi đã được nhà báo, đạo diễn Bông Mai lưu giữ tỉ mỉ và trưng bày tại triển lãm "Dám sống một cuộc đời rực rỡ". Ảnh: Phạm Hằng 

Để gặp được Mua, tôi tin chúng tôi có duyên với nhau, câu đầu tiên Mua gặp tôi và hỏi "cô là ai mà cô đến thăm con", chính vì câu hỏi đó tôi nhận ra em không hề có vấn đề gì về não bộ, và trước khi chia tay Mua có nói với tôi "cô đi thì cô nhớ quay về thăm con". Lời hứa của tôi đối với Mua là sẽ giúp em có cơ hội chữa bệnh, thực hiện giấc mơ của mình được đến trường học như các bạn và tôi nghĩ tôi đang trên con đường đó.

Qua câu chuyện của Mua, tôi nghĩ chúng ta đang rất may mắn và chúng ta có cơ hội được làm nhiều điều tốt thay vì ngồi một chỗ than phiền về những điều mà chúng ta đang có. Hay câu chuyện tôi giúp những người phụ nữ đồng bào có cơ hội trong công việc, cho họ học một nghề mới và tự kiếm tiền bằng nghề đó, đấy là việc tôi muốn làm và muốn kể.

Đồng thời, đây cũng chính là câu trả lời của tôi cho câu hỏi thế nào là văn hóa tình người. Trong triển lãm, tôi trưng bày 99 bức ảnh để kể về câu chuyện của mình, nhưng tôi không kể với mọi người rằng "trẻ em ở đây khổ lắm, hãy giúp các em đi" mà tôi muốn mọi người khi nhìn thấy những bức ảnh sẽ khơi gợi trong họ những suy nghĩ gì, những cảm xúc gì. Tất cả bức ảnh tại triển lãm đều có thông điệp rằng hãy giúp đỡ người khác bằng tình thương yêu của mình chứ không chỉ giúp đỡ về mặt vật chất và sự đặc biệt trong chuyến đi của tôi gắn bó với tất cả các bức ảnh tại triển lãm này.

- Slogan của chuyến đi và ngay cả triển lãm này cũng có tên "Dám sống một cuộc đời rực rỡ", chị quan niệm về “một cuộc đời rực rỡ” là như thế nào?

Chữ “rực rỡ” tôi nói đến không phải rực rỡ bằng màu sắc mà là về những cảm xúc, những khoảnh khắc mình nhìn thấy hạnh phúc của người khác, nụ cười của người khác. Rực rỡ còn là khi mình đang ở trong tâm thế nào đó hay một nỗi buồn, mình nhìn vào niềm vui, thậm chí cả nỗi buồn của người khác cũng thấy được an ủi, thấy vui hơn. Rực rỡ cũng là điểm tô những màu sắc trong cuộc sống. Mỗi người đều có những nỗi buồn, những câu chuyện khác nhau, nhưng họ vẫn có một cuộc sống rất tích cực. Rực rỡ bằng cảm xúc bất kể vui hay buồn. Chính vì “rực rỡ” đấy, tôi trân trọng hơn những gì mình đang có.

Cũng nhiều người hỏi tôi vì sao là “dám” mà không phải là “hãy”. Tôi chọn từ “dám” bởi hiện nay có nhiều phụ nữ không được sống cuộc đời của mình. Họ phải gánh trên vai rất nhiều trách nhiệm trong khi đó lại không được chia sẻ lại với người khác. Cái quan trọng của người phụ nữ là biết cách sắp xếp cuộc sống của mình chứ không phải chôn vùi cuộc sống của mình theo những yêu cầu của người khác. Cuộc sống rực rỡ của tôi không phải là sắc màu mà là từ nụ cười và những giọt nước mắt.

Nhà báo, đạo diễn Bông Mai: “Hạnh phúc là dám sống một cuộc đời rực rỡ” - 4

Hình ảnh tại triển lãm "Dám sống một cuộc đời rực rỡ". Ảnh: Phạm Hằng 

Khi phụ nữ muốn làm một điều gì đó, việc đầu tiên chúng ta nghĩ đến không phải mình có làm được hay không mà nếu mình làm thì bố mẹ, chồng con, những người xung quanh nghĩ gì? Tức là phụ nữ luôn phải nghĩ đến người bên cạnh trước khi nghĩ cho bản thân mình, dẫn đến việc không dám ra quyết định để làm điều mình muốn.

Nên thông điệp “Dám sống một cuộc đời rực rỡ” chính là phải dám sống cho bản thân mình trước, dám có được hạnh phúc, bởi tôi quan niệm bản thân phải hạnh phúc mới có khả năng cho đi hạnh phúc. Còn khi vẫn đong đếm hạnh phúc của mình bằng hạnh phúc của người khác, nghĩa là vẫn đang sống dựa, sống tầm gửi, chứ không phải sống cho mình.

Có thể quan điểm sống đó của tôi không phải là quan điểm được nhiều người ủng hộ vì còn rất nhiều người "trao" những vai trò, trách nhiệm lên vai người phụ nữ để họ không dám sống với mong muốn, với ước mơ của mình. Họ phải sống để những người xung quanh mình vui, hài lòng mà vô tình tự chôn vùi những hoài bão, ước mơ của bản thân lại nơi góc sâu trong tâm hồn. Chính điều đó đôi khi khiến họ trở nên cô đơn chính giữa cuộc đời mình.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của nhà báo, đạo diễn Bông Mai!

9 ngày bước vào cuốn du ký hành trình 99 ngày xuyên Việt

Diễn ra từ ngày 18 - 26/2, triển lãm “Dám sống một cuộc đời rực rỡ” hướng tới mục tiêu giới thiệu và quảng bá các nét đặc sắc trong văn hóa dân tộc, triển lãm được UNESCO - Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc tại Việt Nam bảo trợ. Triển lãm lấy ý tưởng từ hai cuốn sách mà nhà báo, đạo diễn Bông Mai dự định sẽ phát hành trong năm 2023. Đó là một cuốn sách về trang phục dân tộc và một cuốn sách du ký viết về hành trình 99 ngày xuyên Việt.

Khách tham quan triển lãm chính là những độc giả đầu tiên tiếp cận với hai cuốn sách này. Với từng trang sách được trưng bày, khách tham quan sẽ cơ hội gặp gỡ hình ảnh 55 bộ trang phục của 35 dân tộc. Phần trưng bày của triển lãm sẽ nêu rõ những điểm khác biệt và đặc sắc của từng trang phục: từ các dùng khăn đội đầu, họa tiết ở cổ tay áo, đến các sử dụng trang sức.

Không chỉ trưng bày hình ảnh về trang phục dân tộc, khách tham quan sẽ gặp những gương mặt, những khoảnh khắc trên hành trình của nữ đạo diễn với các phần trưng bày có kết hợp các trải nghiệm nghe nhìn tại triển lãm. Đồng thời, triển lãm cũng sẽ có sự xuất hiện của các đồng bào dân tộc đã gặp và chăm sóc đạo diễn Bông Mai trên đường đi. Họ có mặt để kể câu chuyện của chính mình, của dân tộc mình và câu chuyện của họ với nhà báo, đạo diễn Bông Mai.

Phạm Hằng

Tin liên quan

Tin mới nhất