Nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam: Sự tôn vinh và chuyển giao thế hệ

Nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà lãnh đạo văn học - nghệ thuật Việt Nam kỳ cựu đã từng nhận định, đánh giá, tôn vinh: “Nhiếp ảnh Việt Nam - một ngành nghệ thuật màu nhiệm, trực tiếp chinh phục trái tim con người. Trong một thời gian không dài, chúng ta đã xây dựng một nền nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam đa sắc, phong phú, đa dạng; xứng đáng là kho lưu giữ tinh thần đồ sộ, vô giá về đất nước, con người Việt Nam qua hai cuộc chiến tranh và công cuộc tái thiết sau hòa bình, biết bao tên tuổi sáng giá đã lưu giữ tinh thần đồ sộ, vô giá về đất nước, con người Việt Nam, tạo cảm hứng, truyền sức sống giúp cho ngành nghệ thuật non trẻ của chúng ta một cách tự tin và sánh vai với nhiếp ảnh nghệ thuật thế giới”.

Nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam: Sự tôn vinh và chuyển giao thế hệ - 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ phóng viên các cơ quan báo chí trong và ngoài nước tại thủ đô Hà Nội (5-1968). Ảnh: TTXVN. 

Quả đúng như vậy. Nhiếp ảnh thế giới ra đời năm 1839. Mãi hơn 30 năm sau đó, nhiếp ảnh thế giới mới du nhập vào Việt Nam qua một nhân vật lịch sử - Cụ Đặng Huy Trứ (1825 - 1874). Ông là một nhà thơ lớn thế kỷ XIX, còn là một nhà quân sự, nhà kinh tế, ngoại giao, nhà khoa học và là người đầu tiên đưa nhiếp ảnh thế giới vào Việt Nam (1869). Ông mất năm 1874, cũng là năm sinh nhân vật Khánh Ký (Nguyễn Đình Khánh 1874 - 1946) tại làng Lai Xá - xã Kim Chung - Huyện Hoài Đức - Hà Đông (nay là Hà Nội). Khánh Ký là một nhà nhiếp ảnh tài năng, một người thầy lớn, trở thành ông Tổ làng nghề nhiếp ảnh duy nhất ở Việt Nam. Khánh Ký còn là một nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng ở Pháp đầu thế kỷ XX cùng với Nguyễn Ái Quốc, Phan Văn Trường, Phan Chu Trinh...

Sau này, chúng ta còn được biết đến tên tuổi các nhà nhiếp ảnh tiền bối như Nguyễn Văn Khải (1885 - 1971), Võ An Ninh (1907 - 2012), Lê Đình Trữ (1904 - 1981), Trương Cam Khuyến (1905 - 1985). Các cửa hàng ảnh nổi tiếng, có nhân vật trở thành nhiếp ảnh gia tài tử như Cheen Phu Ly, Lý Lan Siêu, Chen Vai Tung, Dương Quỳ, Nguyễn Lê Sinh, Bùi Quý Vụ, Lê Văn Lễ, Nguyễn Văn Chiêm, Vũ Năng An, Hồng Tranh, Phạm Văn Mùi, Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh, Nguyễn Mạnh Đan, Đỗ Huân…, cùng một số nhà nhiếp ảnh sang Hồng Kông, Trung Quốc lập nghiệp cũng rất nổi tiếng.

Cách mạng tháng 8 (1945) diễn ra như triều dâng thác đổ, đập tan chế độ cai trị suốt gần một thế kỷ của thực dân Pháp. Các nhà nhiếp ảnh cửa hiệu hoặc tài tử khác cũng xách máy “xuống đường” theo kháng chiến ghi lại những sự kiện lịch sử nổi tiếng ấy như Nguyễn Bá Khoản, Võ An Ninh, Vũ Năng An, Đinh Đăng Định, Hồng Nghi, Nguyễn Tiến Lợi, Bùi Duy Ly, Triệu Đại, Đinh Ngọc Thông… với những ảnh tư liệu lịch sử, báo chí và nghệ thuật về chiến thắng sông Lô, chiến thắng Tây Bắc, Việt Bắc và hàng trăm hình ảnh sống động được Triệu Đại chụp tại trận cuộc chiến cam go và anh dũng giữa ta và quân Pháp ở Điện Biên Phủ. Bộ ảnh vô giá ấy được trưng bày tại Hội nghị Giơnevơ, góp phần quan trọng buộc quân Pháp phải ký hiệp định đình chiến, lập lại hòa bình ở Việt Nam và trên toàn cõi Đông Dương.

Những người quan tâm đến thời cuộc và lịch sử, họ đều biết đến và trân trọng những tác phẩm sống cùng năm tháng như: "Bác Hồ ở mặt trận Đông Khê", “Chiếm Bắc Bộ Phủ” của Vũ Năng An; Hà Nội 60 ngày đêm “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của Nguyễn Bá Khoản và Nguyễn Tiến Lợi; “Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập” (2/9/1945), “Bác Hồ và ông Võ Nguyên Giáp trong ngày Quốc khánh” (2/9/1945) của Võ An Ninh…

Nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam: Sự tôn vinh và chuyển giao thế hệ - 2

Bác Hồ ở mặt trận Đông Khê - Ảnh: Vũ Năng An

Thế hệ nhiếp ảnh thời kháng chiến chống Mỹ có thêm một đội ngũ khá hùng hậu. Thông tấn xã Việt Nam có Lâm Hồng Long, Lê Minh Trường, Minh Lộc, Văn Bảo, Văn Sắc, Nguyễn Đức Chính, Lương Nghĩa Dũng, Vũ Tạo, Hứa Kiểm, Đinh Quang Thành, Chu Chí Thành, Minh Đạo, Văn Phúc, Xuân Lâm, Ngọc Quán… Báo Quân đội Nhân dân có Bùi Duy Ly, Vũ Ba, Triệu Hùng, Đoàn Công Tính, Vũ Đạt, Trần Hồng, Hoàng Như Thính, Bá Thước… Báo Nhân dân có Hoàng Linh, Trịnh Hải, Văn Bang, Phạm Kim, Vũ Quang Huy, Thanh Hảo… Báo Tiền Phong có Mai Nam, Hoàng Thiết; Trên Đỉnh Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh có Hoàng Kim Đáng và Vương Khánh Hồng. Hà Nội có Đỗ Huân, Xuân Liễu, Lê Vượng, Nguyễn Nhưng, Quang Phùng, Xuân Át, Phạm Tuệ, Đan Quế, Hồng Trọng Mậu, Vũ Điều, Hữu Vượng, Trần Cừ, Bùi Việt Hưng, Vũ Nhật, Quang Hạnh…

Có thể nói lực lượng và đội ngũ nhiếp ảnh cả nước trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ khá hùng hậu, họ đã ghi lại cho đất nước một pho lịch sử sống động bằng hình ảnh có giá trị lịch sử và nghệ thuật, nổi tiếng như “O du kích nhỏ giương cao súng" của Phan Thoan, “Hiên ngang cao xạ pháo" của Vũ Tạo, ảnh về thành cổ Quảng Trị của Đoàn Công Tính, "Phúc Tân kêu gọi trả thù" và "Quyết bảo vệ cầu Long Biên" của Vũ Ba, “Chạy đâu cho thoát" và “Cảnh giác" của Mai Nam, “Rực lửa thanh niên" của Trịnh hải, “Trên nóc tòa đại sứ Mỹ" và "Em có ý kiến” của Xuân Liễu, "Bác Hồ bắt nhịp bài ca kết đoàn” và "Mẹ con ngày gặp mặt” của Lâm Hồng Long, "Đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất" của Đinh Quang Thành, “Cuộc trao đổi tù binh trên sông Thạch hãn” của Chu Chí Thành… Đặc biệt là hình ảnh Bác Hồ của Đinh Đăng Định trong nhiều năm tháng tháp tùng theo Bác.

Nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam: Sự tôn vinh và chuyển giao thế hệ - 3

Tác phẩm "Bộ đội Sư đoàn 10 - Quân đoàn 3 đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất" nằm trong phóng sự ảnh “Giải phóng Sài Gòn” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành. 

Thành tựu nhiếp ảnh qua hai cuộc kháng chiến và trong hòa bình xây dựng của giới nhiếp ảnh Việt Nam đã được các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đánh giá rất cao. Bác Hồ, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư Đỗ Mười, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã đến xem triển lãm.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh sau khi xem triển lãm đã ghi trong sổ Vàng truyền thống, có đoạn viết: "Qua các bức ảnh, tôi đã rung động trước cái đẹp. Đẹp cả về mặt kỹ thuật cũng như nội dung. Đặc biệt là những bức ảnh mô tả được sự đổi mới mà Tổ quốc ta, đồng bào các dân tộc Việt Nam ta đang thể hiện hằng ngày. Tất cả những điều này báo hiệu rằng: ngành nhiếp ảnh Việt Nam trong tương lai sẽ có những bước tiến vĩ đại và sẽ xuất hiện những nghệ sĩ thiên tài!”.

Nhà thơ Tố Hữu với tư cách là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Bộ trưởng phát biểu tại Đại hội toàn quốc về nhiếp ảnh, có đoạn viết: "… Các nhà nhiếp ảnh Việt Nam đã để lại cho nhân dân ta một gia tài rất quý báu. Không những cho hôm nay mà mãi mãi về sau, nhân dân ta rất xúc động trước những tấm ảnh mà anh chị em nghệ sĩ đã chụp bằng cả trái tim, cả tấm lòng và tài năng của mình”.

Lời đồng chí Nguyễn Văn Linh đã trở thành linh nghiệm. Năm 2006, tại Đại hội nhiếp ảnh nghệ thuật Quốc tế FIAP 28, nhiếp ảnh Việt Nam đoạt Huy chương Vàng, đứng thứ hai sau Trung Quốc. Năm 2008, cũng tại Đại hội FIAP 29, nhiếp ảnh Việt Nam đoạt Cúp, đứng đầu các quốc gia tham dự Đại hội và liên tiếp nhiếp ảnh Việt Nam có ba nghệ sĩ nhiếp ảnh được phong nghệ sĩ bậc thầy: (M.FIAP) đó là Hoàng Quốc Tuấn, Lê Hồng Linh và Thu An.

Nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam: Sự tôn vinh và chuyển giao thế hệ - 4

Lễ kỷ niệm trọng thể 70 năm Ngày truyền thống nhiếp ảnh Việt Nam.

Vị thế của nhiếp ảnh Việt Nam có vị trí xứng đáng trên diễn đàn nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế. Có vinh quang này, chúng ta ghi nhận công lao những người tiền nhiệm trèo lái qua các nhiệm kỳ đại hội, như Đinh Đăng Định, Hoàng Tư Trai, Lê Phức, Chu Chí Thành… của các Ban chuyên môn và những nhà báo, những cây bút nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh qua các thời kỳ như: nhà nghiên cứu phê bình mMỹ thuật Nguyễn Trân, Nguyễn Đức Chính, Nguyễn Huy Hoàng, Đức Vân, Lê Thanh Đức, Lê Phức, Vũ Huyến, Mạnh Thường, Trần Đương, Vũ Đức Tân…

Vừa chụp vừa viết qua trải nghiệm như Chu Chí Thành, Hoàng Kim Đáng, Mai Nam, Đinh Quang Thành, Xuân Liễu, Hồng Trọng Mậu…

Nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam: Sự tôn vinh và chuyển giao thế hệ - 5

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX (nhiệm kỳ 2020 - 2025) của Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam.

Đại hội IX của Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam nhiệm kỳ 2020 - 2025, - một Đại hội đoàn kết, dân chủ, đổi mới, trách nhiệm, với 484 đại biểu chính thức đại diện cho 1050 hội viên sinh hoạt tại 77 chi hội ở 63 tỉnh thành trong cả nước đã tìm ra một nữ Chủ tịch đầu tiên Trần Thị Thu Đông, một nghệ sĩ trẻ, có đẳng cấp cao (E.Vapa và E.FIAP). Sau gần 2 năm hoạt động, khâu tổ chức sớm được ổn định và hoạt động nhịp nhàng. Tân Chủ tịch đã sớm khẳng định vị trí của mình, điều hành hoạt động với cương vị mới: Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội. Đại hội IX của Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam được xem là sự chuyển giao thế hệ với nhiều niềm tin và hy vọng.

Hoàng Kim Đáng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Gần dân, chăm dân – dân quý, dân thờ là yếu tố tạo nên giá trị đặc sắc của di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trong tâm thức dân gian, sự chăm lo và gắn bó gần gũi với số phận sinh tồn, làm ăn và phát triển của cộng đồng dân chúng từ các thế hệ vua Hùng cùng các bậc tiền nhân thuở xa xưa luôn luôn là “một sự thực lịch sử”, cần được ghi nhớ và tri ân.