Bút lực Hoàng Thụy Anh

(Arttimes) - Tinh thần quan tâm thường trực văn chương cùng thời là nét ưu trội của ngòi bút phê bình Hoàng Thụy Anh.

Sức mạnh của vết thương là tập tiểu luận - phê bình thứ sáu, xuất bản trong vòng 11 năm (2010-2021) của chị. Tác giả được văn giới đánh giá là một trong mấy cây bút trụ cột của thế hệ 7X, 8X viết lý luận, phê bình văn học, nổi lên trên văn đàn trong vòng một thập niên vừa qua (cùng Nguyễn Hoài Nam, Nguyễn Thanh Tâm, Hoàng Đăng Khoa, Đoàn Ánh Dương, Trần Thiện Khanh, Phan Tuấn Anh, Thái Phan Vàng Anh, Đỗ Anh Vũ,...).

Bút lực Hoàng Thụy Anh - 1
Sức mạnh của vết thương, tiểu luận - phê bình của Hoàng Thụy Anh, NXH Văn học, 2021

Hoàng Thụy Anh cũng đã từng có duyên nợ với Nàng Thơ (tập thơ Người đàn bà sinh ra từ mưa, 2017, đã tạo được hấp lực với công chúng ngày nay vốn vừa thông minh, vừa khó tính không mấy mặn mà với thơ). Cũng không thể nói ngay rằng, Hoàng Thụy Anh chỉ “đi ngang qua” thơ, dù cho viết lý luận, phê bình mới là sở trường của cây bút này. Độc giả tinh tường nhận ra Hoàng Thụy Anh còn nhiều “dan díu” với Nàng Thơ. Chỉ có điều không ai nói trước được, bao giờ thì nữ sỹ quay lại với thơ như chặng cuối cùng của nghiệp cầm bút vinh quang thì ít, nhọc nhằn thì có thừa. Tài năng và danh phận trong lĩnh vực này không mấy khi song hành, suôn sẻ. Đôi khi đầy rẫy những nghịch lý.

Tinh thần quan tâm thường trực văn chương cùng thời ở ngọn bút Hoàng Thụy Anh là nét ưu trội. Ai đó nói vui, nhưng thấu tình đạt lý rằng, viết lý luận phê bình như Hoàng Thụy Anh không khi nào sợ rơi vào “học phiệt”. Tôi quan sát thấy, người viết có cái tâm thế tác nghiệp “bấu chặt” đời sống văn chương Việt Nam đương đại vốn mang đặc điểm ngày càng trở nên phức tạp hơn trong sự phong phú của nó so với thời kỳ cách mạng và chiến tranh (1945-1975), bắt sang cả thời kỳ “quán tính” của văn học (1975-1985). Trong số sáu tập sách tiểu luận - phê bình đã xuất bản, chỉ có hai trường hợp Hoàng Thụy Anh đặc biệt ưu ái “thâm canh” đối tượng nghiên cứu: Thơ Hoàng Vũ Thuật nhìn từ thi pháp học của Roman Jakobson (chuyên luận, 2010) và Thơ Hồ Thế Hà & giấc mơ cỏ hát (chuyên luận, 2020). Bốn tập còn lại, tác giả đã cố gắng lập một “lược đồ chữ” phân bổ đều các vùng miền, các thế hệ, các phong cách, các thể loại trên cùng một lãnh thổ có truyền thống văn hiến - văn hóa - văn chương. Mở rộng, cập nhật nhưng không có nghĩa phân tán, thiếu đào sâu sự viết có thể coi là nỗ lực tối đa của Hoàng Thụy Anh khi đồng nghiệp đôi lúc cũng nhận ra chị phải “rướn” lên cùng ngòi bút vì còn biết bao nhiêu trở lực khác gây khó với tác giả khi muốn toàn tâm toàn ý cho nghiệp văn. Cũng không có gì lạ, bởi thời nào cũng vậy và chân trời nào cũng vậy, cơm áo không đùa với khách thơ không chỉ là câu nói vui đầu cửa miệng, mà là câu chuyện có tính hiện sinh, thực tiễn. Trong một bài viết về Phê bình văn học & ý thức cái khác (tiểu luận - phê bình, NXB Hội Nhà văn, 2018 ) của Hoàng Thụy Anh, tôi có nhận xét: chỉ cần mười cây bút viết lý luận, phê bình như Hoàng Thụy Anh thì diện mạo văn chương Việt Nam đương đại sẽ được “thâu tóm” kịp thời, đầy đủ. Tôi không nghĩ mình quá lời (!?).

Bút lực Hoàng Thụy Anh - 2
Nhà lý luận phê bình văn học, nhà thơ Hoàng Thụy Anh

Sự lựa chọn đối tượng phê bình, theo tôi, cũng là dấu chỉ ánh phản tinh thần viết “bấu chặt” thực tiễn văn chương cùng thời của Hoàng Thụy Anh. Trong tập tiểu luận - phê bình thứ sáu Sức mạnh của vết thương, Hoàng Thụy Anh đã viết về những đồng nghiệp văn chương nào? Sở dĩ tôi đặt câu hỏi như thế vì nhớ kỹ một chỉ dẫn nghề nghiệp của nhà văn Hoài Thanh trong công việc bình thơ: trước tiên phải xem anh ta chọn tác giả nào, bài thơ nào và hơn thế câu thơ nào để “đặt lên bàn cân” khi viết. Hai mươi tư (24) bài viết trong tập sách mới của Hoàng Thụy Anh “chạm” tới 24 tác giả đang có nhiều độc giả cả trong và ngoài nước quan tâm như: Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Linh Khiếu, Nguyễn Quang Lập, Trương Anh Tú, Nguyễn Văn Hùng, Hữu Phương, Trần Quang Đạo, Văn Thành Lê, Hồ Minh Tâm, Mai Nam Thắng, Nguyễn Việt Chiến, Khét, Thy Nguyên, Niê Thanh Mai, Trương Anh Quốc, Bảo Thương, Đỗ Bích Thúy, Trần Nhã Thụy, Trần Quỳnh Nga, Hương Giang, Nguyễn Hương Duyên, Nguyễn Văn Học, Nguyễn Thị Lê Na, Lữ Mai. Thống kê cho thấy, Hoàng Thụy Anh viết phê bình quan tâm đến: thơ (11 tác giả), văn xuôi (10 tác giả), lý luận, phê bình (3 tác giả). Sự lựa chọn đối tượng phê bình không mang tính ngẫu nhiên, ngẫu hứng. Trái lại có tính mục đích, nói khác là có chủ đích. Một bài viết có số trang dầy dặn (30 trang) khi mượn một vài ý tưởng trong cuốn sách Văn học Việt Nam thời toàn cầu hóa của Nguyễn Hưng Quốc để luận bàn về thơ Nguyễn Quang Thiều - Những chuyển động của hiện thực tinh thần, được viết một cách công phu và tâm huyết là cách “lấy ngoài nói trong”. Cách này chính là gián tiếp Hoàng Thụy Anh thêm một lần “kê cao” thơ Nguyễn Quang Thiều khi mượn lời người khác. Thiết nghĩ, nếu Hoàng Thụy Anh không “vay mượn” của ai cả, cứ suy tôn thơ hay của bất kỳ tác giả nào, theo cách của mình, thì sẽ thuyết phục độc giả hơn. Bài Phồn sinh và nguyên lý truyền sinh về trường ca Phồn sinh - như một hiện tượng văn học trên văn đàn Việt Nam đương đại - của Nguyễn Linh Khiếu, tôi thấy, Hoàng Thụy Anh viết như “nhập đồng” với đối tượng. Dường như là người từng làm thơ nên phê bình của Hoàng Thụy Anh cũng “nghiêng” về thơ. Vì thế nên những bài phê bình thơ đều mặn mà, tâm huyết (về thơ Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Linh Khiếu, Nguyễn Việt Chiến, Trần Quang Đạo, Hương Giang, Thy Nguyên, Lữ Mai,...). Tôi nói “nghiêng” theo nghĩa ở đó Hoàng Thụy Anh thể hiện sự tinh tế và sự dũng cảm của phê bình (ai đó nói thêm đó là nơi tác giả thể hiện tinh thần “nữ quyền” cao độ, theo cách bạn văn Nguyễn Hoài Nam nhận xét thì đây là một “nữ cường nhân”). Nhưng đọc mười (10) bài phê bình văn xuôi của Hoàng Thụy Anh về sáng tác của các tác giả Hữu Phương, Nguyễn Quang Lập, Trần Nhã Thụy, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Thị Nê Na, Trương Anh Quốc, Trần Quỳnh Nga, Nguyễn Hương Duyên, Nguyễn Văn Học, Bảo Thương, lại thấy tác giả là người đọc kịp, đọc rộng, đọc kỹ sáng tác văn xuôi cùng thời. Tôi không có ý nói đọc và bình thơ dễ hơn, đọc và bình văn xuôi khó hơn. Thực tế, từ kinh nghiệm bản thân, tôi thấy, đọc thể loại nào cũng khó, bình hay thể loại nào lại khó gấp bội. Những bài viết về Hữu Phương, Nguyễn Quang Lập, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Thị Lê Na, Bảo Thương thể hiện sự đồng cảm sáng tạo giữa phê bình và sáng tác: nói trúng, nói đúng, nói hay. Người phê bình thực sự là người bạn đồng hành của người sáng tác.

Văn phong phê bình của Hoàng Thụy Anh có gì đặc sắc? Đã có người hỏi tôi như vậy khi biết tôi đã có đủ và đọc kỹ cả sáu cuốn sách tác giả tặng. Có người nhận xét phê bình của Hoàng Thụy Anh đứng hẳn về phía “cái khác”, đang được coi là một trend (xu hướng) và tựa vững trên Thi pháp học (như là một mode). Về phương diện này, quả thực Hoàng Thụy Anh không khác một hỏa diệm sơn, lúc nào cũng sôi sục, nóng rẫy. Nhưng nếu có nhiều độc giả thích Hoàng Thụy Anh viết phê bình, theo ý tôi, lại nhờ vào một lối văn mạnh về trực cảm/ trực giác là điều dễ nhận ra chân tủy của ngòi bút phê bình này hơn cả. Là người làm thơ nên năng lượng cảm xúc của Hoàng Thụy Anh sẵn dư thừa, nếu có thể nói như thế. Ngay cả khi viết chuyên luận, nơi đòi hỏi tác giả huy động tối đa lý trí, thì Hoàng Thụy Anh vẫn cứ run rẩy/ run bật cảm xúc, từ đặt tên sách (ví dụ Thơ Hồ Thế Hà & giấc mơ cỏ hát, chuyên luận, NXB Tổng hợp, TP. Hồ Chí Minh, 2020); hay cả một tiểu mục trong chuyên luận này (ví dụ Cái tôi với nỗi cô đơn lộng lẫy). Rất may, quan sát sự viết phê bình của Hoàng Thụy Anh, tôi thấy mừng khi chị không quên chăm chút “văn”, cũng không quên quan tâm “ý”. Văn phê bình của Hoàng Thụy Anh rất nhiều những từ “bản ngã” (Tiếng gọi bản ngã trong Người yêu ơi, về tiểu thuyết Người yêu ơi của Đỗ Bích Thúy; Trần Quỳnh Nga và tiếng vọng của bản ngã, về tập truyện ngắn Xác tín mùa của Trần Quỳnh Nga); “bản thể” (“Xuất phát từ bản thể nữ nên Phồn sinh giàu tính phồn thực” - về trường ca Phồn sinh của Nguyễn Linh Khiếu),... Văn phê bình của Hoàng Thụy Anh có cái gấp gáp của nhịp điệu và sự thổn thức cùng đối tượng: “Trong sự liên thông, chuyển động giữa hồi tưởng, ký ức, cõi âm với “hiện thực tinh thần”, Nguyễn Quang Thiều đã gieo trồng những hạt giống uyên nguyên, thanh khiết” (Những chuyển động của hiện thực, về tập thơ Dưới trăng và một bậc cửa của Nguyễn Quang Thiều).

Con đường văn chương của Hoàng Thụy Anh còn dài rộng. Tôi thích cảm hứng về tương lai nên càng hy vọng về một cây bút nữ viết lý luận, phê bình giàu nội lực như Hoàng Thụy Anh.

Bùi Việt Thắng

Tin liên quan

Tin mới nhất