Cây bút hồi ký, du ký đặc sắc, lão thực
Tôi quen biết tác giả Nguyễn Thị Nam cách đây gần 60 năm, khi chúng tôi cùng theo học khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, khóa VIII (1963-1967).
Từ khi tốt nghiệp ra trường, tuy mỗi người làm việc ở một nơi, nhưng chúng tôi vẫn gặp nhau thường xuyên bởi cùng làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu - phê bình văn học nghệ thuật. Chị bên ngành điện ảnh gắn bó hơn 30 năm ở đó cho đến lúc về hưu, vẫn không rời tay bút, đã viết hàng trăm bài viết nghiên cứu - phê bình xung quanh các tác phẩm, các tác giả điện ảnh trong và ngoài nước đăng trên báo chí chuyên ngành Trung ương, Hà Nội, tham luận tại các hội thảo khoa học, tên tuổi đã trở nên quen biết với đồng nghiệp, bạn đọc.
Từ khi về hưu đến nay, sống trong một căn hộ nhỏ, xoàng xĩnh giữa trung tâm thủ đô, chị lại có thời gian rảnh rỗi để thực hiện tâm nguyện tiềm ẩn trong con người mình (trong Hồi ký của mình, chị từng viết: ngay từ hồi nhỏ "Mẹ tôi gieo cho tôi ý thích đi du lịch): "xê dịch", tức đi đây đi đó, ở trong nước và cả ngoài nước, cho thỏa chí "giang hồ” của nghiệp cầm bút (!).
Ảnh minh họa
Chị được tin cậy bởi là nhà báo, kiến văn rộng, tiếng Pháp thành thạo, nên trở thành cộng tác viên của một vài công ty du lịch, làm nhiệm vụ hướng dẫn khách du lịch quốc tế theo chương trình tour du lịch của họ, đến hầu khắp các miền vùng trên đất nước ta, từ Tây Bắc, Việt Bắc, Đông Bắc, đến các tỉnh thành miền Trung, Nam Bộ. Nhân đấy, là một người cầm bút ở độ chín, chị không thể không để tâm ghi chép về các chuyến đi đó để góp phần quảng bá cho du lịch Việt Nam, đăng bài sau những chuyến đi trên báo chí Trung ương, Hà Nội.
Đó có thể xem là một cách lưu giữ những kỷ niệm đẹp trong cuộc đời đã vào tuổi xế chiều của mình, cũng là cách rèn luyện ngòi bút sang một thể tài mới, lĩnh vực mới; và đóng góp vào chiến lược phát triển kinh tế du lịch Việt Nam - một ngành kinh tế - văn hóa mũi nhọn, đầy tiềm năng. Đồng thời, với mình, tuy thân gái dặm trường và sức khỏe không còn dẻo dai như hồi thanh xuân, chị vẫn hào hứng bỏ tiền túi của mình để thực thi những chuyến đi du lịch một mình hoặc cùng nhóm bạn bè tới những vùng đất lạ của đất nước mình và ở bên kia trời Âu (cả thảy đến 13 nước).
Tôi đã hân hạnh được đọc các bài báo kèm theo ảnh của tác giả Nguyễn Thị Nam viết về mảng du lịch này sớm, từ cuối thế kỷ trước, trên báo chí Trung ương và Hà Nội. Và chính tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam nơi tôi làm việc, từ những năm đầu thế kỷ XXI, cũng được chị quan tâm dành gửi các bài du ký để đăng trên một chuyên mục của tạp chí. Chúng tôi vui mừng nhận được phản hồi từ phía bạn đọc về những bài du ký của chị, họ thích thú và tấm tắc ngợi khen tác giả viết khéo, dí dỏm.
Tôi vẫn trộm nghĩ, với hàng trăm bài viết về 2 lĩnh vực: nghiên cứu - phê bình điện ảnh và du ký, hồi ký nên chăng chị đã có thể tập hợp và chọn lọc để xuất bản thành những cuốn sách để đời, ghi dấu sự có mặt hoạt động và đóng góp của mình vào đời sống văn học nghệ thuật, đời sống xã hội của đất nước ta?
Vì thế hôm nay tôi rất vui mừng vì tuy có phần hơi muộn, nhưng chị đã làm được một phần công việc mà bạn bè, đồng nghiệp hằng mong mỏi ở chị, một cây bút sáng giá, lão thành, khiêm nhường.
Hôm nay, trên tay tôi là bản thảo tập sách tập hợp, chọn lọc hơn 50 bài viết từ "gia tài" du ký, hồi ký mà chị đã cho công bố suốt gần 30 năm nay cùng là mấy bài mới hoàn thành, chưa in, thành tập sách đầu tay của một đời làm báo, gốc là nghiên cứu - phê bình điện ảnh, siêng năng, cần mẫn, chỉnh chu.
Với chị: Xem - Đọc/ Đi/ Viết là những khâu liên hoàn, một quá trình không thể tách rời, xem nhẹ mặt nào.
Xem - Đọc và Đi vào đời sống là để có những tài liệu thực chứng, những cảm xúc và ấn tương nếm trải, làm cơ sở căn cốt, gợi ra cho mình những suy tư về việc, vấn đề đặt ra từ lĩnh vực chuyên ngành điện ảnh mà mình gắn bó cả đời; về những miền đất lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh với những cư dân bản địa hoặc người nhập cư - nói theo cách nói của chị - mà chị đã gặp gỡ, chủ đích làm quen để tìm hiểu lai lịch, khám phá vẻ đẹp của các vùng miền đã đến cùng nền nếp văn hóa, cung cách làm ăn và nghĩ suy của những con người đã sống chết gắn bó với mảnh đất đó - những "mảnh hồn làng" của họ. Đó là những hạt bụi vàng để ngòi bút tinh luyện,chưng cất thành những bông hồng vàng trên từng trang viết tiếp sau.
Ở những trang viết gần đây nhìn lại, hồi ức về chính cuộc đời của mình cùng với những người thân trong gia đình, gốc gác quê làng Hạc Châu nghèo, miệt Nam Định, rồi theo gia đình bôn ba ra Hải Phòng, lên Hà Nội lập nghiệp, sinh sống, qua mấy lần chuyển nhà, cuối cùng trụ lại nơi ngõ nhỏ Hội Vũ thân thương, ngõ duy nhất có tới 3 lối thông ra các phố lớn của Trung tâm Thủ đô.
Tiếp đó là thời đi học (trung học, đại học) rồi đi làm trở thành cán bộ nhà nước gắn bó với điện ảnh như là duyên nghiệp Trời định (!) Quá khứ với biết bao nhiêu kỷ niệm thân thương, như kết dính vào cân não không phai mờ, không thôi ám ảnh và nhắc nhở người viết cần nâng niu, trân trọng, gìn giữ cho hành trang cuộc đời.
Qua hơn 500 trang của cuốn sách này, có thể nhận ra Nguyễn Thị Nam một nhà báo lão thực, một cây bút từng trải, lành nghề với cách kể chuyện có duyên, có sức cuốn hút người đọc, kể từ cái đầu đề, đến bố cục, nhịp điệu và tiết tấu tự sự lúc thong thả, lúc nhanh gấp, luôn luân chuyển góc nhìn với những điểm nút bất ngờ, tinh tế, đan xen những episode phỏng vấn bất chợt, chớp nhoáng, khắc họa thần tình dáng vẻ, lời ăn tiêng nói tự nhiên của nhân vật…
Qua đó, người viết bộc lộ niềm vui cùng những suy tư, trăn trở khôn nguôi về hiện tình đất nước trên đà đi lên vẫn còn không ít những khó khăn, hạn chế cần chung tay tháo gỡ, sẻ chia. Nhưng trân quý biết bao tấm lòng của bà con, đồng bào mình, của bạn bè quốc tế đã làm tất cả cho ngày mai tươi sáng của đất nước, cho tình hữu nghị giữa các dân tộc, cho sự đùm bọc, đoàn kết, thân ái giữa các dân tộc, vùng miền trong cộng đồng quê hương các dân tộc Việt Nam.
Cây bút du ký, hồi ký Nguyễn Thị Nam đã bộc bạch cái nhìn ưu ái, nhân văn, nặng trĩu tình đời và tình người qua những trang viết về những chuyến đi ra Bắc vào Nam, xuôi/ ngược, trong/ ngoài trên dải đất hình chữ S cũng như dưới mái nhà chung Trái đất này. Ở đây lợi thế về kiến văn phong phú, sự vận dụng tổng hợp các thủ pháp của văn chương, điện ảnh, hội họa và nhiếp ảnh đã làm cho những bài viết của chị sinh động, tươi mới.
Mỗi bài viết in trên báo chí như một lát cắt thật gọn gàng, khuôn trong vài trăm chữ, dài nhất chỉ đến trên dưới một ngàn chữ, đọc liền một mạch rồi kết thúc thật đúng lúc, không thể sớm hơn cũng như không thể kéo dài hơn, nếu không sẽ bị nhàm chán. Bởi đến khi vừa kết thúc, thì bài viết cũng đã hoàn thành phận sự của nó, đã khắc sâu được ấn tượng, đã "làm tổ” trong lòng người đọc rồi!
Cái nhìn và thủ pháp của điện ảnh, nhiếp ảnh đã được sử dụng một cách nhuần nhuyễn, tự nhiên, ở đó có toàn cảnh, cận cảnh, đặc tả, chấm phá, có môngtagiơ lớp lang của điện ảnh, có sự thay đổi góc nhìn nhanh tay "chộp" được những khoảnh khắc Trời cho, có một không hai vào ống kính máy ảnh, của máy quay phim lia trọn vẹn những nét động-tĩnh của cảnh sắc, sự kiện, động tác, dáng vẻ xuất thần, kết hợp đúng lúc hợp tình hợp cảnh ăn khớp với những lời bình luận trữ tình tâm huyết của tác giả bằng sự diễn đạt tinh tế, phác thực mà sâu sắc, hóm hỉnh của ngôn ngữ văn chương.
Cũng cần phải nói thêm rằng do gốc rễ là một nhà nghiên cứu khoa học về nghệ thuật, nên du ký và hồi ký của Nguyễn Thị Nam đã tích hợp vào trong đó chất tiểu luận, gợi mở những vấn đề về cõi nhân sinh, nhẹ nhàng đặt ra cho người đọc những điều cần suy ngẫm tiếp để sống hòa hợp với thiên nhiên, thân thiện với đồng loại, giữ gìn và phát huy bản sắc tốt đẹp của văn hóa dân tộc, bồi đắp nền tảng văn minh của nhân loại.
Có thể nói, từng bài báo của Nguyễn Thị Nam được sắp xếp theo hệ thống các chủ đề đặt ra, có thể ví như những món ăn khoái khẩu của đời thường, thật là đặc sắc, đa dạng, gây ấn tượng mạnh mẽ, để lại dư vị lan tỏa, sâu lắng khó quên - dung dị mà tinh tế, tài hoa, lão thực.
Vui mừng vì sự kết tinh ở độ chín trong lao động viết của cây bút lão thành, nhà báo, nhà tiểu luận - phê bình, đồng môn và đồng nghiệp, tôi trân trọng viết những dòng này để sẻ chia cùng bạn đọc kính quý.
Bình luận