Cây bút nữ nghiên cứu - phê bình, dịch văn học đặc sắc

Tôi hân hạnh được quen biết nữ sĩ Chu Nga từ cuối năm 1967, cách nay đã hơn 55 năm, tại một làng mà Viện Văn học sơ tán, thuộc huyện Yên Phong, tỉnh Hà Bắc cũ. Hồi đó, chị đã kết hôn với anh Thúy Toàn, anh chị vừa sinh con gái đầu lòng hãy còn nhỏ tuổi.

Chu Nga - Thúy Toàn là cặp đôi hoàn hảo thuộc lớp đàn anh, đàn chị của chúng tôi. Thời ấy, sau khi tốt nghiệp Văn khoa khóa VIII Đại học Tổng hợp Hà Nội (1963 - 1967) tôi được phân công về Viện Văn học tập sự nghiên cứu, làm trợ lý nghiên cứu tại Ban Lý luận. Chị Chu Nga lúc này chưa đầy tuổi 30, đã là cán bộ nghiên cứu Ban Văn học Việt Nam hiện đại hơn 5 năm - một cây bút quen thuộc với độc giả từ năm 1962, khiến tôi rất ngưỡng mộ.

Bài viết đầu tay, gia nhập làng Văn của chị, đã tập trung phân tích, bình luận về sự sáng tạo nhân vật Đavưđốp của M. Sôlôkhốp trong tiểu thuyết 2 tập Đất vỡ hoang vừa được dịch sang tiếng Việt, do Trúc Thiên - Văn Hiến - Hoàng Trinh thực hiện, NXB Văn hóa thuộc Viện Văn học xuất bản từ năm 1959. Bài viết dài hơn 10 trang in trên tập san Nghiên cứu văn học số 3 năm 1962, hé lộ bút lực sung mãn của Chu Nga. Từ đó, chị tiếp tục thử sức trên những tiểu phẩm là những bài đọc sách, điểm tác phẩm mới xuất bản thuộc văn học Việt Nam hiện đại hoặc văn học xô - viết được dịch sang tiếng Việt, in đều đều trên tập san Nghiên cứu văn học rồi Tạp chí Văn học.

Cây bút nữ nghiên cứu - phê bình, dịch văn học đặc sắc - 1

Rồi rất nhanh, Chu Nga luyện bút chuyển hẳn sang viết những bài phê bình, nghiên cứu dài hơi về các tác phẩm và các tác giả văn xuôi Việt Nam hiện đại và đương đại xuất hiện ở cả 2 miền Nam - Bắc từ giữa những năm 60 đến giữa những năm 80 của thế kỷ XX: Nguyên Hồng, Bùi Hiển, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khải, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Thế Phương, Nông Minh Châu, Huy Phương, Anh Đức, Nguyễn Trung Thành (tức Nguyên Ngọc), Lê Vĩnh Hòa… Trong số đó, là một cây bút nữ nghiên cứu - phê bình, chị cũng đã dành sự quan tâm, chăm chút viết về các cây bút nữ trẻ được dư luận chú ý thời đó: Nguyễn Thị Ngọc Hải, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Thị Như Trang, Vi Thị Kim Bình.

Chỉ tính từ năm 1962 đến 1985, lúc đầu công tác ở Viện Văn học, tiếp đến chuyển sang NXB Khoa học xã hội, NXB Tác phẩm mới, rồi lại trở về Viện Văn học, chị đã lần lượt công bố và cho in khoảng 30 bài đọc sách, nghiên cứu, phê bình văn học lớn nhỏ về các tác gia, tác phẩm phần nhiều thuộc văn học việt Nam đương đại cùng một số ít bài về tác phẩm văn học Nga - Xô viết, đăng trên báo chí chuyên ngành và sách biên soạn như: báo Văn nghệ, tập san Nghiên cứu văn học, Tạp chí Văn học; sách nghiên cứu do nhà xuất bản Khoa học xã hội phát hành.

Trong thời gian 2005 - 2010, khi tôi chủ biên (với sự cộng tác của một số đồng nghiệp ở Viện Văn học) bộ tùng thư Văn học Việt Nam thế kỷ XX - Quyển Năm. Lý luận, phê bình văn học, chúng tôi đã xếp Chu Nga là một trong số ít nhà nghiên cứu - phê bình nữ trong số 262 lượt tác giả lý luận, phê bình văn học Việt Nam được tuyển chọn tác phẩm in vào bộ sách đồ sộ nói trên, gồm 13 tập với hơn 14.200 trang in khổ lớn, giới thiệu 1.075 đơn vị tác phẩm nghiên cứu (trích) và tác phẩm phê bình đã hiện diện trong thế kỷ XX.

Riêng về tác giả Chu Nga, chị đã có mặt trong tập IX của bộ sách, thuộc giai đoạn văn học 1945 - 1975, với 3 bài viết nghiên cứu - phê bình gồm nhiều chục trang in.

Những năm sau này, do hoàn cảnh công việc và gia đình, chị chuyển sang làm việc tại một Trung tâm biên soạn Từ điển, không cầm bút viết bài nghiên cứu - phê bình nữa mà thi thoảng dịch sách văn học từ tiếng Nga sang tiếng Việt, do các nhà xuất bản đặt hàng.

Lúc này, chị Chu Nga chưa nghĩ đến việc cần in thành sách mảng bài viết nghiên cứu, phê bình văn học đã để lại dấu ấn, tên tuổi của chị trong làng văn.

Nay theo lời khuyên chân tình và mong đợi của bạn bè, đồng nghiệp cũ, cuối cùng Chu Nga cũng quyết định sưu tầm, tập hợp vài ba chục bài viết mình đã công bố trong hơn 20 năm trước (từ 1962 đến 1985) vào cuốn sách mà chị tâm đắc đặt tên là Thả hồn theo trang sách.

Sách này theo chị, chỉ nhằm là vật kỷ niệm ghi dấu hoạt động và chút ít đóng góp của mình trên một chặng đường nghiên cứu phê bình văn học của đất nước giai đoạn nửa sau thế kỷ XX.

Theo con mắt nghề nghiệp chuyên môn, tôi nhận ra Chu Nga là một trong số hiếm hoi những cây bút nữ thuộc thế hệ thứ hai, nhưng vẫn vào hàng tiên khu (sau các bậc đàn chị nửa đầu thế kỷ XX: Đạm Phương, Nguyễn Thị Kiêm, Phan Thị Nga, Mộng Sơn…).

Xuất hiện từ đầu những năm 60 của thế kỷ XX (cùng thế hệ với Vân Thanh, Thiếu Mai, Lê Thị Đức Hạnh - những nữ đồng nghiệp trong cơ quan nghiên cứu văn học hàng đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa hồi đó), chị đã cầm bút liên tục, bền bỉ cho đến giữa những năm 80 của thế kỷ trước. Qua các bài viết của mình, Chu Nga hiện ra là một cây bút nữ đặc sắc, đáng quý, có tài, có đức, thạo nghề.

Phát lộ tài năng nghiên cứu, phê bình văn học vào tuổi sung sức nhất, chị đã năng nổ, nhạy cảm, bắt kịp với đời sống văn học đương thời, triển khai có lớp lang công việc nghiên cứu, phê bình những tác phẩm, tác gia hiện diện cùng thời.

Chọn góc độ và phương pháp nghiên cứu xã hội học - thi pháp cổ điển khá thông dụng lúc này, tâm đắc kiểu phê bình cảm thụ của Hoài Thanh “lấy hồn tôi để hiểu hồn người”, trên vị trí của một người cầm bút nữ, chị đã nhất tâm đồng cảm khám phá hệ thống các chủ đề sáng tác bức thiết với đời sống xã hội của một tác giả hay nhóm nhiều tác giả; nêu bật các kiểu loại hình tượng nhân vật điển hình của thời đại qua các tác phẩm văn xuôi; đi sâu cho thấy những nét riêng thuộc phong cách, bút pháp, cá tính sáng tạo nghệ thuật đặc thù của mỗi tác giả trong từng tác phẩm thuộc các thể tài tự sự khác nhau: bút ký, truyện ngắn, tiểu thuyết…

Là một nhà nghiên cứu, phê bình văn học chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản, chỉn chu, lại có vốn ngoại ngữ tiếng Nga thành thục, chị đã xác lập được vị trí chắc chắn, có “thương hiệu” của mình trong làng văn nghiên cứu, phê bình, dịch thuật. Chị đã công phu, tâm huyết dụng bút trên những trang viết, để có được những bài viết hấp dẫn, sắc sảo về tư duy khoa học, chuẩn mực hàn lâm về diễn đạt, trình bày các văn bản, công trình nghiên cứu - phê bình. Chị đã đưa ra những căn cứ xác đáng, biện luận về những tìm tòi, khám phá cái mới cùng sự đóng góp, thành công bên cạnh những phương diện còn bất cập, hạn chế của các sáng tác từ các cây bút được chị đề cập tới.

Cây bút nữ nghiên cứu - phê bình, dịch văn học đặc sắc - 2

Vốn là một người làm khoa học văn chương có bản lĩnh, am hiểu thấu đáo lao động nghệ thuật “đãi cát tìm vàng” của mỗi nhà văn, tôn trọng tính thực chứng, khách quan, liên văn bản của tác phẩm nghệ thuật ngôn từ, chị luôn luôn xem xét tác phẩm trong nhiều mối quan hệ giữa cái khách quan và cái chủ quan, hiệu quả thực tế của tác phẩm để tác giả không rơi vào tình trạng “lực bất tòng tâm” cần tránh. Từ những trang viết, Chu Nga đã không áp đặt ý kiến riêng của mình cho tác giả và công chúng, mà đã luôn coi trọng mở ra sự đối thoại dân chủ, tôn trọng lẫn nhau, tranh luận bình đẳng có văn hóa để giữa các bên chủ thể: nhà sáng tác, nhà nghiên cứu - phê bình, người thưởng thức có được mối quan hệ thân thiện “tâm phục, khẩu phục” lẫn nhau…

Có thể nói, trong thế hệ thứ hai các nhà nghiên cứu - phê bình văn học nữ ở Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, Chu Nga là một trong những cây bút xuất sắc, hiếm có với những đóng góp không bị mai một theo thời gian, cần được tiếp tục ghi nhận và khẳng định.

Đồng thời, nói đến nữ sĩ Chu Nga ta còn phải thấy ở chị một nữ dịch giả văn học thành thục. Vốn được đào tạo cơ bản bậc Đại học Sư phạm Ngữ văn ở Matxcơva (Liên Xô), về nước từ 1961, trong giai đoạn sau của đời cầm bút, chị đã nồng nhiệt, say mê tham gia các hoạt động dịch thuật (từ tiếng Nga). Ngoài các sách dịch chung trong đó có cuốn chị cùng chồng là nhà văn - dịch giả Thúy Toàn thành cặp đôi đồng dịch giả, chị đã sở hữu những cuốn sách dịch in riêng. Đây là một đóng góp khả ái thuộc phương diện thành tựu nghề nghiệp của chị - dịch giả nữ rất hiếm hoi của văn học Việt Nam hiện đại, cần được xác quyết.

Vui mừng về sự ra đời một tuyển tập khiêm tốn của một đời cầm bút nghiên cứu - phê bình văn học, tôi trân trọng viết những dòng này, kính chuyển tới quý vị bạn đọc một ấn phẩm quý, rất đáng tìm đọc, thưởng ngoạn.

Nguyễn Ngọc Thiện

Tin liên quan

Tin mới nhất

Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh lần thứ II vinh danh 69 tác phẩm

Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh lần thứ II vinh danh 69 tác phẩm

Ngày 30/3, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc (thành phố Bắc Ninh) đã diễn ra Lễ trao Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh lần thứ II và Gặp mặt văn nghệ sĩ xuân Ất Tỵ năm 2025 nhằm biểu dương những kết quả đã đạt được của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh; động viên, khuyến khích văn nghệ sĩ tiếp tục cống hiến, sáng tạo nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá tr

Giá vàng tăng như lên đồng: Cơn sốt vàng vẫn chưa hạ nhiệt?

Giá vàng tăng như lên đồng: Cơn sốt vàng vẫn chưa hạ nhiệt?

Giá vàng tiếp tục lập kỷ lục mới khi các yếu tố như thuế quan, lạm phát và rủi ro địa chính trị thúc đẩy nhu cầu tìm đến tài sản an toàn. Dù có những lo ngại về việc giá vàng đã tăng quá đà, các chuyên gia vẫn lạc quan về đà tăng trưởng của kim loại quý này.

Bước nhảy vào xuân

Bước nhảy vào xuân

Mùa xuân khiến bao người say đắm. Nhiều người ví mùa xuân như một bức tranh sơn dầu với rất nhiều màu sắc. Cuộc sống, con người và thiên nhiên đã tạo nên một bức tranh mùa xuân đầy sức sống.