Gặp hai vị thủ khoa mỹ học Việt Nam và thế giới

Với vị thủ khoa mỹ học Việt Nam Dương Viết Á, trong vai trò nhà giáo, hơn 60 năm làm việc không ngừng nghỉ, bền bỉ với giảng đường, ông đã góp phần đào tạo cho đất nước nhiều tài năng lớn trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Với vị thủ khoa mỹ học thế giới Đỗ Văn Khang, Giáo sư – Viện sĩ Phan Cự Đệ đã viết: “Lưỡng quốc Tiến sĩ khoa học Đỗ Văn Khang là một nhà phê bình có bản lĩnh, có tính chiến đấu cao, là người kiên quyết đấu tranh bảo vệ “cái đẹp”, “cái cao cả”, là người có thế mạnh của một nhà mỹ học, nghệ thuật học đi vào lý luận phê bình văn học”.

VỊ THỦ KHOA MỸ HỌC VIỆT NAM CÓ NHIỀU HỌC TRÒ THÀNH TÀI

Vị thủ khoa mỹ học đầu tiên tôi đề cập đến là PGS, Nhà giáo Nhân dân Dương Viết Á. Ông Dương Viết Á cùng là “hàng xóm” với tôi trong khu tập thể Tân Mai, quận Hai Bà Trưng (nay là quận Hoàng Mai – Hà Nội). Tôi làm nghề viết báo, chụp ảnh, còn ông Dương Viết Á là PGS. Nhà giáo Nhân dân, nhà nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo tài năng âm nhạc cho đất nước. Chỗ ngồi của ông xem ra có vẻ sang trọng hơn nhưng chúng tôi sống với nhau rất bình đẳng. Bây giờ, ông đã chuyển về khu tập thể Nhạc viện ở Hào Nam. Tuổi cao, sức đã yếu nhiều nhưng trí nhớ vẫn còn rất tốt.

Gặp hai vị thủ khoa mỹ học Việt Nam và thế giới - 1

PGS. NGND Dương Viết Á (Ảnh: Hoàng Kim Đáng)

Ở tuổi 85, ông vừa cho ra đời một công trình nghiên cứu mỹ học - âm nhạc mang tên “Phạm trù cái cao cả trong âm nhạc Việt Nam” do NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật ấn hành năm 2019.

Con người ta khi tuổi càng cao càng hay nhớ lại những kỷ niệm thời thơ ấu về mẹ cha, bạn hữu, về quê hương xứ sở, những dòng sông, cây đa, bến nước, sân đình… còn ông Á sau khi “gặp nhau cuối tuần” tại nhà riêng, ông thường nhớ đến: Thuở lọt lòng mẹ, với cảm quan của một sinh thể - người, bé thơ, trong vành nôi, dần dà nhận ra những sắc màu xanh đỏ của những quả bóng bay lơ lửng… để rồi theo năm tháng mà lớn lên, tiếp nhận thêm rặng tre đầu ngõ, dòng sông cuối làng, cánh đồng xanh trải rộng, bầu trời bao la cao vút…

Cứ thế, cái cảm quan của con người – xã hội lớn dần, đồng thời nảy sinh nhận thức về cái đẹp của quê hương. Nhận thức về cái đẹp đó lớn dần, rộng mở về không gian và thời gian. Từ cái đẹp gói gọn trong xóm nhỏ, mở rộng đến biển rộng, trời cao, đến vũ trụ bao la vô cùng, vô tận mà thành một Dương Viết Á ngày nay – Nhà nghiên cứu, giảng dạy về cái đẹp tự lúc nào không biết!

Ông nói với cái giọng khàn khàn rồi nheo mắt cười hiền, rất hiền.

Ông sinh năm 1934, trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở Quảng Bình, nơi có bề dày truyền thống lịch sử và văn hóa. Dương Viết Á sớm bộc lộ năng khiếu về mỹ học – âm nhạc từ thời niên thiếu khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Năm 1957, cách năm sinh 23 năm, Dương Viết Á đậu thủ khoa ở tuổi 23 – khóa mỹ học đầu tiên của Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Dương Viết Á được cử về giảng dạy Văn hóa và Mỹ thuật âm nhạc tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam).

Từ đây, ông khai mở từng bước, định vị con đường đi và những đóng góp của mình. Vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu chuyên sâu từ con đường nhận thức thẩm mỹ của từng người, cũng như cả loài người. Đi từ cái đẹp cụ thể, cảm tính của đời thường, là cái đẹp hữu hình, hữu hạn, dần dần, mở rộng đến cái đẹp vô hình, vô hạn, vượt cả nhận thức của con người.

Năm 1960 – 1962, ông nói: tôi được theo học lớp nghiên cứu mỹ học do chuyên gia Liên Xô (cũ) giảng tại trường Lý luận nghiệp vụ Bộ Văn hóa và PGS Hoài Nam (đã mất) dùng thuật ngữ “Cái tuyệt vời”. Về sau, trong các lớp học đại học nghệ thuật, tôi đã dùng thuật ngữ đó.

Ngay sau đấy GS Phan Ngọc dịch bộ “Mỹ học” của Heghen, rồi GS, TS Đỗ Văn Khang tiếp tục dùng một thuật ngữ khác: “cái trác tuyệt”. GS Khang còn đưa ra những thuật ngữ khác là “cao cả”, “cao thượng”, “tuyệt vời”, “tuyệt đẹp” được viện dẫn ra trong “Mỹ học Đại cương” của tác giả. Sau nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy, tôi dùng thuật ngữ “cái cao cả”, đó là tiền đề để hình thành công trình nghiên cứu và xuất bản mới đây: Phạm trù cái cao cả trong âm nhạc Việt Nam.

Tôi đang nói về tác giả chứ không có ý giới thiệu tập sách này. Học về triết học, mỹ học, việc tiếp thu đã khó “vào”, huống chi lại “xuất” ra. Vậy mà trong cuộc đời, ông vừa làm nhiệm vụ truyền thụ kiến thức về cái đẹp từ cái cao cả hữu hình, hữu hạn đến cái cao cả vô hình, vô hạn cho sinh viên, ông còn dành thời gian “chắt lọc” đãi cát lấy tinh, cho ra đời gần 10 đầu sách khá kinh điển, như: “Âm nhạc Lý luận và cây đời”, NXB Âm nhạc, Hà Nội 1994; “Theo dòng âm thanh”, “cái Đẹp sải cánh”, Nhạc viện Hà Nội và Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội xuất bản năm 1996; “Ca từ trong âm nhạc Việt Nam”, Viện Âm nhạc Hà Nội năm 2000, “Âm nhạc từ góc nhìn văn hóa” (2 tập), NXB Hà Nội, năm 2005; “Mấy vấn đề về Văn hóa âm nhạc Việt Nam” Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Hà Nội năm 2009; “Hà Nội ca, diễn trình nhận thức thẩm mỹ”, Viện âm nhạc Hà Nội, năm 2014 và “Phạm trù cái cao cả trong âm nhạc Việt Nam”, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, năm 2019…

Sách viết ở dạng này mà “xuất xưởng” nhiều như vậy là khá hiếm.

Gặp hai vị thủ khoa mỹ học Việt Nam và thế giới - 2

Không chỉ viết sách, Dương Viết Á còn là tác giả thường xuyên có mặt trên báo chí ở trung ương và Hà Nội. Ông còn xuất hiện, tham luận trong các cuộc Hội thảo khoa học.

Hơn 60 năm làm việc không ngừng nghỉ, bền bỉ với giảng đường. Thầy là thủ khoa từ khi còn trẻ, tất các thế hệ học trò phải thông minh. Vâng, đúng là như vậy. Trong vai trò nhà giáo, ông đã góp phần đào tạo cho đất nước nhiều tài năng lớn trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, như: NSND Đặng Thái Sơn, Nghệ sĩ Tôn Nữ Nguyệt Minh, GS,TS,NGND, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới Trần Thu Hà, PGS, NSND Trung Kiên, GS, nhạc sĩ Ca Lê Thuần, NSND Chu Thúy Quỳnh, NSND Phùng Nhạn, NSND Đàm Liên, NSND Lâm Tới, NSND Lê Khanh, các nhạc sĩ như: Trần Tiến, Nguyễn Cường, An Thuyên, Đức Trịnh, Văn Thành Nho, Phạm Minh Tuấn, Linh Nga Nie Kđăm…

Nói về Dương Viết Á, PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng,  nguyên Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương có đoạn viết trong lời giới thiệu sách: “…ở lĩnh vực nghiên cứu, ông đã công bố nhiều chuyên luận, công trình nghiên cứu có giá trị, nhận được nhiều giải thưởng cao quý của nhà nước và Hội nhạc sĩ Việt Nam.

PGS.NGND Dương Viết Á là nhà khoa học, nhà giáo đã dành tâm huyết trọn đời gắn bó với nền Âm nhạc Cách mạng Việt Nam, có những cống hiến quan trọng trong nghiên cứu và giảng dạy, trở thành chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực Mỹ học và Âm nhạc Việt Nam…”

Lần gặp mới đây, ông đang ở tuổi 87 (2021) tôi hỏi:

- Thưa ngài PGS ngành âm nhạc họ Dương khả kính, Hội Nhạc sĩ Việt Nam hiện nay có đến hàng nghìn hội viên là nhạc sĩ sáng tác, biểu diễn, nghiên cứu lý luận phê bình âm nhạc. Ở tuổi này ngài có thể đảo mắt đến từng người được chăng?

Ông Dương Viết Á cười ngất, cười rất to mà rằng:

- Đảo mắt đến từng người ư? Để làm gì? Người làm nghiên cứu, giảng dạy phải nhìn bao quát và chi tiết chỉ như người nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc. Người nghiên cứu còn có cái khác người là không nên sa vào chi tiết, cần nắm bắt được cái tổng quan mà truyền đạt cho người khác hiểu điều mình cần nói. Trong các “ô ngăn kéo trí tuệ” của tôi luôn phải nhớ, phải thuộc những nhạc sĩ sáng tác danh tiếng như: Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Văn Tý, Xuân Hồng, Huy Du, Phan Huỳnh Điểu, Phạm Tuyên, Hoàng Việt, Hoàng Vân, Nguyễn Đức Toàn, Trần Hoàn, Doãn Nho, Hoàng Hà, Chu Minh, Đinh Ngọc Liên, Hoàng Hiệp, Văn Chung, Trọng Bằng, Thuận Yến, được giải thưởng Hồ CHí Minh hoặc ngoài giải thưởng Hồ Chí Minh, tôi cũng cần biết đến: Trần Chung, Hồng Đăng, Đàm Linh, Văn Ký, Tân Huyền, Nhật Lai, Phòng Nhã, Phó Đức Phương, Huy Thục, Đỗ Hồng Quân, La Thăng, Lư Nhất Vũ, Trần Long Ẩn, An Chung, Nguyễn Cường, An Thuyên, Trần Tiến, Trương Quang Lục, Nguyễn Trọng Tạo, Cao Việt Bách… Chi tiết đến như thế là tạm đủ rồi. Những nhân vật ấy tôi đều có thể nói sơ qua thân thế, sự nghiệp sáng tác, thành công đến mức nào? Có như vậy mới làm nhà nghiên cứu mỹ học âm nhạc được chứ! (cười).

Tôi nhìn ông thán phục: “Trí nhớ của ngài quả là siêu việt!”. Tôi tin chắc rằng tác phẩm “Phạm trù cái cao cả trong Âm nhạc Việt Nam” chưa phải là công trình cuối cùng của một đời người hết mình yêu cái đẹp, dìu dắt nhiều lớp người trở thành tài năng phụng sự cho đất nước! Ông đúng là PGS, NGND, Nhà nghiên cứu khoa học uyên bác Dương Viết Á.

NGƯỜI VIỆT NAM ĐẦU TIÊN ĐẬU THỦ KHOA MỸ HỌC THẾ GIỚI

Người Việt Nam đầu tiên đậu thủ khoa – Tiến sĩ Mỹ học tại trường đại học danh tiếng thế giới, đó là cậu bé Đỗ Văn Khang, người phố Huế (thủ đô Hà Nội). Năm 13 tuổi, với trình độ lớp 4 đã cùng gia đình tham gia kháng chiến tại chiến khu Việt Bắc. Bố là cán bộ kinh tế công tác ở Tuyên Quang. Đỗ Văn Khang thuộc diện ưu tiên con em cán bộ, được học tập kỹ thuật ngành in và xuất bản sách báo Văn nghệ. Cậu bé Khang ngày ấy chỉ là công nhân xếp chữ nhà in nhưng đã đánh bạo tiếp xúc với những văn nghệ sĩ nổi tiếng như Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyên  Hồng, Văn Cao… khi các văn nghệ sĩ đến nhà in đọc lại bài của mình trước khi xuất bản và cậu bé Khang cũng được các danh sĩ yêu mến.

Cuộc kháng chiến chín năm kết thúc thắng lợi, Đỗ Văn Khang cùng gia đình trở về Hà Nội, anh tiếp tục làm công nhân nhà máy in Tiến Bộ và tham gia học bổ túc văn hóa tại trường Trưng Vương, thực hiện ý nguyện của người cha mong ước: “Phải học, học không bao giờ thừa. Có giỏi xã hội mới trọng”.

Gặp hai vị thủ khoa mỹ học Việt Nam và thế giới - 3

PGS. TS Đỗ Văn Khang năm 2019.

Đọc xong bản thảo cuốn tự truyện của nhà giáo, lưỡng quốc tiến sĩ Đỗ Văn Khang, nhà thơ Mạc Khải Tuân thán phục: “Ông là người luôn đi tắt, đón đầu và luôn dẫn đầu trong đi tắt”. Quả đúng như vậy. Học bổ túc công nông chương trình 10 năm, Đỗ Văn Khang chỉ mất có 3 năm và đỗ loại ưu. Được cử đi học đại học tại Nga hệ 5 năm, chỉ 4 năm hoàn thành, đỗ loại ưu, bằng cử nhân Triết học trường Đại học quốc gia Nga (năm 1964). Về nước, Đỗ Văn Khang tự viết luận văn Phó tiến sĩ chuyên ngành Ngữ văn, được Hội đồng giám khảo Đại học Tổng hợp Hà Nội, do Giáo sư – Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn làm Chủ tịch Hội đồng, cũng xếp loại ưu (1984).

Lần thứ hai, PTS Đỗ Văn Khang lại được cử sang Nga làm nghiên cứu sinh hệ 4 năm nhưng chỉ mất hai năm đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ khoa Mỹ học với bằng Tiến sĩ Hạng Ưu, là người Việt Nam đầu tiên đậu thủ khoa trường đại học danh tiếng thế giới – Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Nga tại Moskva mang tên nhà khoa học danh tiếng Lômônôxốp (năm 1987). Năm 1990, Tiến sĩ khoa học Đỗ Văn Khang được nhà nước phong học hàm học vị Phó giáo sư, Tiến sĩ, được phong tặng Nhà giáo ưu tú.

Gặp hai vị thủ khoa mỹ học Việt Nam và thế giới - 4

Một số sách, giáo trình, tập thơ của PTS Đỗ Văn Khang.

Trong Tạp chí Tinh hoa Đất Việt số 11 + 12 năm 2013, qua bài viết “Người đặt nền móng cho nền Mỹ học Việt Nam hiện đại”, tác giả Nguyễn Ngọc Điệp có đoạn viết: Năm 1984, thầy Khang đạt học vị “Tiến sĩ Văn học” của Đại học Tổng hợp Hà Nội. Chỉ ba năm sau, năm 1987, thầy đạt học vị Tiến sĩ khoa học Mỹ học tại Đại học Tổng hợp quốc gia Nga (MTY). Thầy là người đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam đạt hai học vị Tiến sĩ tại hai trường Đại học Tổng hợp danh tiếng của hai nước. Từ đó, các sách xuất bản của thầy đều được các nhà xuất bản “Văn hóa thông tin”, “Thông tin và Truyền thông”, “Lao động” vinh danh là “Lưỡng quốc Tiến sĩ”.

Hơn 40 năm (từ năm 1964 đến năm 2015) thầy Đỗ Văn Khang làm việc và giảng dạy ở hai khoa: Khoa Văn học và khoa Triết học của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Thầy là người có công thành lập bộ môn Mỹ học và Đạo đức học tại khoa Triết học, là Chủ nhiệm khoa đầu tiên của bộ môn này.

Gặp hai vị thủ khoa mỹ học Việt Nam và thế giới - 5

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú cho Lưỡng quốc Tiến sĩ Đỗ Văn Khang.

Mở đầu những năm đổi mới đất nước, trên văn đàn Việt Nam xuất hiện một cây bút trở thành “hiện tượng văn học”, được xem là “Ngôi sao sáng trên bầu trời Văn học Việt” nhưng Đỗ Văn Khang là người đầu tiên có những lời phản biện khá tỉnh táo, quyết liệt. Và ông cũng trở thành “Hiện tượng trong lý luận phê bình văn học”.

Đồng thời, với nhân danh cá nhân, ông tiến cử nhà văn Ông Văn Tùng là Nhà tiểu thuyết chính hiệu, là người chủ trương dùng văn chương để kích thích sự tự nghiệm của bạn đọc qua các hình tượng, các chi tiết để hướng đến sự giao cảm và hoàn thiện của mỗi người. Nhà văn đi vào gia đình với bốn ngả: Bản thể người – Tri thức – Văn hóa – Doanh nghiệp. Ông Văn Tùng đã chọn cho mình một khuynh hướng mới – Khuynh hướng dùng văn để phản tỉnh con người.

Trong bài viết Một mỹ cảm văn chương khảng khái… báo điện tử Sức khỏe đời sống viết: …Tiến sĩ khoa học Đỗ Văn Khang ghi dấu ấn bởi những công trình nghiên cứu khoa học, các bài báo khoa học, các chuyên khảo có tính học thuật Mỹ học cao như “Lịch sử Mỹ học”, “Mỹ học đại cương”, “Nghệ thuật học”, “Lý luận văn học”…

Trong lời giới thiệu cuốn “Bình văn hiện đại”, Giáo sư – Viện sĩ Phan Cự Đệ đã viết: “Lưỡng quốc Tiến sĩ khoa học Đỗ Văn Khang là một nhà phê bình có bản lĩnh, có tính chiến đấu cao, là người kiên quyết đấu tranh bảo vệ “cái đẹp”, “cái cao cả”, là người có thế mạnh của một nhà mỹ học, nghệ thuật học đi vào lý luận phê bình văn học”. Quả như vậy, Giáo sư Khang nhận thấy, mở đầu thời kỳ đổi mới, số nhà văn hết lòng đi tìm cái đẹp đâu có nhiều.

Mới chỉ xuất hiện “Thời xa vắng’ của Lê Lựu, Chu Lai với “Ăn mày dĩ vãng”, Nguyễn Minh Châu với “Phiên chợ Giát”… Trong khi tốt xấu lẫn lộn. Đỗ Văn Khang kiên quyết bác bỏ và tìm ra anh chàng cho thuê sách cũ, ở chiếc lều rách trên bãi rác thành “Nhà tiểu thuyết phản tỉnh hàng đầu Việt Nam”.

Trong vòng hơn chục năm, Ông Văn Tùng đã xuất bản 9 tiểu thuyết và nhiều đoản thiên tiểu thuyết, hai tập truyện ngắn, biên soạn Từ điển thành ngữ Hán – Việt. Trong dịch thuật, có “Khổng tử truyện” (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam) và hơn 50 công trình dịch thuật khác. Cho đến nay, sự phát hiện của GS Khang là hoàn toàn đúng. Ông Văn Tùng hiện đang có một  “kho sách” đáng trân trọng trên bốn lĩnh vực sáng tác, nhàn đàm, biên soạn và dịch thuật, được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.

Gặp hai vị thủ khoa mỹ học Việt Nam và thế giới - 6

PGS. TS Đỗ Văn Khang năm 2012.

Cái khả năng tiên đoán bẩm sinh của GS Khang đã có từ thời là sinh viên du học tại Liên Xô, khi bộ phim “Người thứ 41” của nhà biên kịch, đạo diễn Chu Khrai mới khởi chiếu đã bị chê là “mất lập trường giai cấp” vì để cho cô nữ Hồng quân yêu tên sĩ quan Bạch vệ, cho là “có tư tưởng xét lại” nhưng Đỗ Văn Khang đã phản đối cách nhận xét này với một cô giáo Nga xinh đẹp và tài năng Natasa Nhicôlaiépvơna với những lập luận tinh tế và sắc sảo làm cho cô giáo xúc động, cảm phục và mời Đỗ Văn Khang đến nhà riêng.

Theo lời hẹn, Đỗ Văn Khang đến nhà cô giáo Nga. Cô rất mừng vì Đỗ Văn Khang đúng hẹn và giới thiệu: “Đây là chồng tôi, đạo diễn Chu Khrai với bộ phim đang khởi chiếu Người thứ 41”. Cuộc gặp gỡ đường đột rất đặc biệt này càng làm cho Đỗ Văn Khang phấn khích và tỉnh táo qua cuộc trao đổi tay ba giữa vợ chồng tác giả với anh. Anh tranh thủ tóm tắt từng trường đoạn trong kịch bản một cách khúc chiết, với khả năng hùng biện thiên phú và chinh phục đạo diễn Chu Khrai ngay từ giờ phút đầu.

Ở tuổi 83, GS Khang kể lại sự kiện như vừa mới xảy ra:

- Chuyện về điện ảnh, tôi nói không tồi, sau ông biết tôi hiểu khá nhiều về nghệ thuật, ChuKhrai hỏi: Anh thích loại bi kịch nào? Tôi nói. tôi thích bi kịch khát vọng bộ phim “Người thứ 41” của ông chẳng phải bi kịch khát vọng là gì? Khát vọng càng lớn, đau đớn càng sâu, thương tâm càng đậm. Một nữ Hồng quân mới 18 tuổi, yêu một sĩ quan Bạch vệ ngay trên đường giải hắn về bản doanh. Bi kịch ở đây là cả hai đều coi trọng lý tưởng, xung đột ở đây tất phải dẫn đến hy sinh tình yêu. Lỗi chẳng của ai cả. Đó là thiên định. Tác giả và đạo diễn cũng không có lỗi. Tôi nói tiếp: Phim của đạo diễn có cái vẻ gần với “Ông già và biển cả’ của Hê-minh-uây là gì? “Người thứ 41” chỉ có hai nhân vật, hành động ít, tâm trạng nhiều. Mỗi cảnh quay đều chở theo một nỗi niềm, chỉ một cơn gió thổi vào lều cũ, một ngọn sóng nhỏ cũng đầy tâm trạng. Phim thật tuyệt vời! Nếu phim không có nhạc hay thì nhạt lắm. Bây giờ đang có dư luận khen chê nhưng thời gian sẽ trả lại chân giá trị của “Người thứ 41”! ChuKhrai đồng tình và hỏi: Việt Nam có bi kịch khát vọng không? Tôi đáp: Phim thì chưa có nhưng chuyện thì nhiều. Bi kịch khát vọng trong “Người thứ 41” là bi kịch tự sự, thì chuyện Trương Chi của chúng tôi là bi kịch trữ tình diễm lệ, đầy chất thơ, nhiều ẩn ý, chan chứa tình đời.

Cả hai ông bà đều yêu cầu tôi thuật lại. Tôi thấy trong phòng có đàn piano. Tôi học mỹ học nên có học đàn. Tôi xin phép dạo một khúc nhạc Trương Chi của nhạc sĩ Văn Cao. Vừa đàn tôi vừa hát. Tôi dịch khá sát lời và nhạc của Văn Cao. Cả nhà đều thích bi kịch này. Chú bé Vích-to (chiến thắng) tóc vàng mượt như tóc mẹ, chạy lại thơm vào má tôi. Cả hai đều sung sướng cảm động.

Ngưng một lát, ông tiếp:

- Ấy vậy mà đã trên 30 năm rồi, nhanh thật! Tôi nghĩ, cuộc đời du học của tôi cũng không hổ thẹn, nếu không nói là rất đáng tự hào lắm chứ! Nhờ triết học, mỹ học và văn học mà tôi có đủ bản lĩnh và trí tuệ để tìm ra “cái đẹp đích thực”. Học trò của tôi có những anh chị trở thành viện trưởng, trưởng khoa, hàng trăm sinh viên, hàng chục tiến sĩ ra đời đã trưởng thành thực sự. PGS, TS Nguyễn Hồng Dương khi là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo Việt Nam tặng tôi 18 chữ:

“Động thông thái, luận tới Đạo, Triết nghệ thuật;

Tây bác học, bình thấu Mỹ, Chở Văn Chương”

Tôi thiết nghĩ, đây là 18 chữ vàng học trò tặng cho thầy giáo, như vậy cũng đủ mãn nguyện lắm rồi. Được như ngày hôm nay vì tôi đã thực hiện được lời di huấn của cha tôi, sự hướng dẫn chỉ bảo tận tình của Giáo sư – Viện sĩ (GSVS) Nguyễn Khánh Toàn, GSVS Hoàng Trinh, GSVS Phan Cự Đệ, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Hà Minh Đức, bạn nghĩa tình – GSVS Hồ Sỹ Vịnh… Đặc biệt là các thầy giáo, cô giáo Nga là những Giáo sư, Viện sĩ đích thực đã chắp cánh cho tôi và tôi cũng là một trong số hàng chục sinh viên Việt Nam du học, trưởng thành từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.

Hoàng Kim Đáng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - 2024

Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - 2024

Tối 17/4, tại Khu Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND Thành phố Hà Nội cùng các bộ ngành, địa phương tổ chức Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3-2024 với nhiều hoạt động, sự kiện phong phú, đa dạng.