Hoàng Quốc Hải nhà văn lớn, trước tiên là sử gia lớn

Tôi biết nhà văn Hoàng Quốc Hải đã từ lâu nhưng quen thì chưa. Khoảng đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, Tuần báo Người Hà Nội ra đời là đã có sự cộng tác của nhà văn Hoàng Quốc Hải. Khi ấy ông là chuyên viên tư vấn hàng đầu của Bộ Văn hóa – Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về lịch sử, văn hóa, văn hóa phong tục. Những bài Hoàng Quốc Hải gửi thường đề cập đến những vấn đề thiết yếu đang nổi cộm khiến bạn đọc rất quan tâm. Sau khi Tổng biên tập – nhà văn Tô Hoài đọc và ký duyệt, với chức năng thư ký tòa soạn, tôi thường để “món ăn tinh thần đặc sản” đó ở trang đầu của bản báo. Nếu không, cũng có tên bài viết in theo một hai cột ngắn rồi mới chuyển ra phía sau.

Hồi đó tác giả thường gửi bài theo đường bưu điện, hoặc cũng có khi trực tiếp đem bài đến tòa soạn, qua đó tôi mới quen biết và rất quý trọng ông. Khoảng năm 2003, tôi được ông ký tặng bộ tiểu thuyết trường thiên “Bão táp Triều Trần” gồm 4 tập. Bốn tập là 4 “lát cắt” tiêu biểu cho triều đại nhà Trần qua 175 năm vinh quang tột đỉnh và suy thoái cũng vô phương cứu chữa. Đó là bài học lịch sử, là quy luật tất yếu lịch sử qua các triều đại.

Hoàng Quốc Hải nhà văn lớn, trước tiên là sử gia lớn - 1

Bộ tiểu thuyết trường thiên “Bão táp Triều Trần” NXB Phụ nữ

Lát cắt thứ nhất, ông đề cập đến bối cảnh lịch sử mang tên “Bão táp cung đình” thể hiện một giai đoạn chuyển giao quyền lực, từ nhà Lý sang nhà Trần một cách êm thấm, bằng sự sắp đặt cuộc hôn nhân giữa Trần Cảnh với Lý Chiêu Hoàng và sau đó “ép” Lý Chiêu Hoàng “tự nguyện” nhường ngôi cho Trần Cảnh. Người đạo diễn triều chính một cách thiên tài ấy là Trần Thủ Độ. Nhân vật này lịch sử thời ấy đến học giả Trần Trọng Kim và cho đến nay vẫn có sự nhìn nhận, đánh giá khác nhau, thậm chí còn lên án là dã man tàn bạo.

Người khen thì nói quá lời: Trần Thủ Độ là người có công dựng nước, giữ nước, mưu kế như thần, dựng Vua, phò Vua, cả đời tận trung với nước.

Người chê thì lên án cũng quá mức: Trần Thủ Độ mắc tội khi quân, lộng hành, bức Vua, giết người hàng loạt không hề thương tiếc; nào loạn luân, dâm dật, thất đức…

Dưới ngọn bút của nhà văn Hoàng Quốc Hải: Trần Thủ Độ là một nhân vật  có tài năng trị quốc, an dân, nhưng vì nghĩa lớn của nhà Trần, ông đã tạo dựng lên nhà vua Trần (là con cháu) trở thành một vị Vua hiền tài, sau này trở thành Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

Ông đã tuyển chọn người tài, tìm ra một Trần Hưng Đạo là Quốc Công tiết chế thống lĩnh quân đội ba lần đánh thắng đế quốc Nguyên – Mông, sau này được quân dân Đại Việt suy tôn là Đức Thánh Trần. Với ngôi thứ và tài năng xuất chúng như vậy, ông có thể xứng đáng làm Vua lắm chứ, nhưng Trần Thủ Độ chỉ làm người đạo diễn thiên tài, dựng lên một triều Trần vô cùng oanh liệt, trong bối cảnh đất nước có nguy cơ nội chiến, đế quốc Nguyên – Mông xâm lược đang lăm le bờ cõi.

Lát cắt thứ hai, “Thăng Long nổi giận” phản ánh cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên – Mông lần thứ hai của quân dân Đại Việt (từ 1284 – 1285). Đây là cuộc đọ sức quyết liệt giữa quân dân Đại Việt với đế quốc Nguyên – Mông đang hùng mạnh nhất thế giới thế kỷ XIII. Thế nước đang “ngàn cân treo sợi tóc”. Sự mất còn diễn ra trong gang tấc, thế mà chỉ trong vòng hơn sáu tháng trời quân dân Đại Việt đã lật ngược thế cờ “chuyển bại thành thắng”, đánh cho tan tác nửa triệu quân xâm lược đã từng “làm mưa làm gió” khắp vùng trời Âu – Á.

Các quốc gia hùng mạnh như Trung Hoa, Nga-La-Tư, Ba Tư… đều phải đầu hàng, chịu nhục làm nô lệ cho quân Mông Thát. Vậy mà bước sang xâm lược Đại Việt, hàng chục vạn quân tinh nhuệ bị tiêu diệt, chém rụng đầu danh tướng giặc. Thoát Hoan (con trời) phải chui vào rọ bọc đồng tránh tên độc thoát chết quay về cố quốc chịu tội trước Vua cha Hốt Tất Liệt, người được mệnh danh là Thiên tử Đại Nguyên!

Lát cắt thứ ba mang tên “Huyền Trân công chúa” thể hiện vua quan nhà Trần (tiêu biểu là Thượng hoàng Trần Nhân Tông) thực hiện đường lối kiên trì hòa bình với các quốc gia lân cận, tránh để xảy ra chiến tranh, đoàn kết hữu nghị với các quốc gia, đặt lợi ích dân tộc lên trên hết.

Trần Nhân Tông là một vị vua anh minh xuất chúng. Từ 27 tuổi đến 29 tuổi đã trực tiếp lãnh đạo quân dân Đại Việt hai lần đánh thắng đế quốc Nguyên Mông. Giặc tan, không màng vinh quang phú quý ăn chơi hưởng lạc. Ở tuổi 35 ông đã nhường ngôi cho con; 39 tuổi trút bỏ hoàng bào, khoác áo cà sa trở thành Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Lát cắt thứ tư “Vương triều sụp đổ” phản ánh một giai đoạn suốt sáu mươi năm (1340 – 1400) Triều Trần dần dần suy thoái và hoàn toàn sụp đổ.

Mỗi tập tác giả phản ánh trọn vẹn một chủ đề. Cả 4 tập trong Bão táp Triều Trần giúp cho người đọc có một cách nhìn khách quan, tổng thể và xuyên suốt 175 năm phát triển, vinh quang tột đỉnh, suy thoái và rút ra những bài học trị quốc thành công và cả những bài học về sự thất bại.

Tháng 12/2010, ông lại tặng tôi bộ mới “Bão táp Triều Trần” vừa xuất bản. Như vậy trọn bộ là 6 tập. Hai tập mới bổ sung là “Đuổi quân Mông Thát và Huyết chiến Bạch Đằng” nhằm cụ thể hóa tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân dân Đại Việt. Thông qua hai tập này xuất hiện những vị vua hiền tài như Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, như Quốc công tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và hàng chục tướng có thực tài chỉ huy cầm quân đánh giặc, thể hiện quân dân Đại Việt đoàn kết trên dưới một lòng, được chứng minh 3 lần đánh tan đế quốc Nguyên – Mông hùng mạnh nhất thế giới thế kỷ XIII khiến khắp nơi nể trọng và khâm phục nước Đại Việt tuy nhỏ bé mà rất mực anh hùng.

“Bão táp triều Trần” hiện ra trước mắt người đọc như đang diễn ra cuộc chiến tranh một mất một còn của quân dân Đại Việt trước một kẻ thù hung hãn, đó là đế quốc Nguyên – Mông, tiêu biểu là Hốt Tất Liệt kiêu căng ngạo mạn, tự nhận mình là Thiên tử của thiên triều Đại Nguyên; là những tên đại tướng khét tiếng gian hùng, nhâng nháo, xấc xược như Thoát Hoan, Toa Đô, Ô Mã Nhi; là A Lý Hải Nha, là Lý Hằng…những tên Hán gian của Trung Hoa hùng mạnh mà hèn hạ quỳ gối đầu hàng trước thiên triều Đại Nguyên làm tay sai mẫn cán cho chúng.

Thế nước đang gặp cơn lâm nguy nhưng quốc gia Đại Việt tự nhiên lại xuất hiện những nhân vật xuất chúng như Trần Thủ Độ, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, như Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, như Phạm Ngũ Lão, các mưu thần văn sĩ, sử gia Triều Trần như Lê Văn Hưu, Nguyễn Hiền, Trương Hán Siêu, Chu Văn An…

Hãy nói đôi điều về nhà Trần và nhân vật Trần Thủ Độ. Không có Trần Thủ Độ ắt không có Triều Trần làm huy hoàng cho quốc gia Đại Việt. Nhà Trần không phế bỏ mà tiếp nhận và kế thừa những tinh hoa, thành tựu của nhà Lý về chính trị, quân sự, văn hóa, ngoại giao và Văn học Nghệ thuật.

Dưới ngòi bút của nhà văn Hoàng Quốc Hải, ông phản biện và giải mã một cách khách quan, công minh, chỉ ra những gì mọi người chưa nhìn thấy:

Trần Thủ Độ mắc tội khi quân hay lộng hành ư? Ông là người làm ra luật lệ để giữ nghiêm phép nước. Phu nhân của ông muốn lợi dụng, nhờ cậy ông cho con cháu mình ra làm quan nhưng ông đã từ chối khéo. Phu nhân của ông có lần ngang nhiên đi kiệu qua cửa Ngọ Môn, lập tức bị lính canh chặn lại theo đúng luật lệ của triều đình. Vợ ông về nhà phàn nàn với quan Thái sư là bị lính canh xúc phạm. Không những ông không cho xử phạt mà còn ban thưởng cho lính canh biết giữ nghiêm kỷ cương phép nước.

Dã man, tàn bạo ư? Nhà Lý đáng lý ra phải thù hận Trần Thủ Độ, nhưng qua

việc đi điền dã, nhà văn Hoàng Quốc Hải đã tìm thấy trên đồi Lim quê hương nhà Lý hiện có đền thờ quan Thái sư Trần Thủ Độ. Ngày nay, Trần Thủ Độ được mang tên đường phố, được xuất hiện trên báo chí, vô tuyến truyền hình.

Trần Thủ Độ trước khi lâm chung, ông chỉ có một nhờ cậy nhỏ: ông cho mời hai vua gặp riêng và nói nhỏ rằng: Các con của Trần Thủ Độ không có thực tài. Triều đình chỉ nên dùng vào việc nhỏ, chớ bổ nhiệm làm quan để có hại cho dân cho nước.

Một Trần Thủ Độ dưới ngọn bút thẩm định của Hoàng Quốc Hải, ông là người có công lớn với triều Trần, với quốc gia Đại Việt làm cho bạn đọc đặt niềm tin cậy, bởi ông đã đánh giá đúng công tích của vị khai quốc công thần.

Lại nói thêm đôi điều về Đức Thánh Trần. Cha ông là Trần Liễu, anh con ông bác của Trần Cảnh. Trần Thủ Độ không đưa Trần Liễu lên ngôi vua mà đưa Trần Cảnh lên chấp chính, tạo nên sự hiềm khích giữa Trần Liễu với Trần Cảnh. Trần Liễu khi sắp qua đời, có lời di huấn lại với con cả là Trần Hưng Đạo rằng: “Lớn lên, bằng mọi giá chớp thời cơ mà giữ lấy…”.

Nhưng Trần Hưng Đạo không nghe lời cha và thử lòng các con, thấy con út có ý nghĩ thoán nghịch, mặc dù là con đẻ ra nhưng ông cũng nghiêm trị. Tuy nhiên, mối nghi kỵ và cảnh giác vẫn chưa dễ dàng được giải quyết. Lợi dụng thời cơ đi kiểm tra vùng có chiến sự, Trần Hưng Đạo có ý ngỏ lời giải tỏa với tướng lĩnh trong triều đình rằng: Đất nước Đại Việt ta giàu và đẹp lắm, kẻ thù phương Bắc luôn nhòm ngó, thèm khát, muốn “ăn sống nuốt tươi” Đại Việt.

Kể từ nhà Tần, Hán, Lương, Đường, Tống… cho đến nay, cái dã tâm xâm lược của người phương Bắc đối với quốc gia Đại Việt không bao giờ, không có gì thay đổi. Kể cả quân Mông Cổ cũng vậy thôi. Muốn giữ yên bờ cõi, mọi cái riêng tư đều có thể thu xếp được, đều phải coi việc giữ nước làm trọng, chớ để cho việc nhỏ cản đường việc lớn. Kể cả khi có điều kiện gần gũi với các vua, ông cũng đứng ở thế họ hàng bề trên mà giải tỏa, giải mã sự kiện hiềm khích này là nhỏ không đáng để tâm đến.

Trần Hưng Đạo dần dần qua thử thách, được nhà vua tin cậy tấn phong là Quốc công tiết chế thống lĩnh quân đội lập công đánh giặc. Bốn con trai của ông đều là hàng danh tướng. Thời cơ ấy chỉ cần một cái phẩy tay là xong ngay lập tức! Nhưng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn không làm thế. Vua là vua, thần là thần, không thể nào khác được. Trần Hưng Đạo một lòng phò vua giúp nước. Với cương vị Tổng chỉ huy (như Bộ trưởng Quốc phòng thời nay), ông thống lĩnh, lãnh đạo toàn quân, toàn dân đánh giặc. Ba lần đại thắng đế quốc Nguyên Mông, đem lại hòa bình ấm no cho dân tộc, thế là toại nguyện rồi. Chính vì thế, từ vua quan đến thần dân thiên hạ đều kính phục suy tôn Trần Hưng Đạo là “Đại vương”, là “Đức Thánh Trần”.

Trong tập “Huyết chiến Bạch Đằng”, nhà văn Hoàng Quốc Hải đã ba lần đi điền dã dài ngày vào các năm 2016 – 2017 – 2018, thị sát gần như thuộc lòng địa hình địa vật diễn ra cuộc đại chiến giữa quân ta với giặc Nguyên Mông. Ông đã dựng tượng đài Trần Hưng Đạo (ở các trang 82, 83, 85) trên đỉnh cao muôn trượng. Trần Hưng Đạo đã nhiều lần lui tới Hạ Long, Vân Đồn, Bạch Đằng, Lục Đầu Giang… bàn với các tướng lĩnh đang trấn ải vùng này rồi sai giương buồm thẳng ra vùng Tháp Sơn núi non hiểm trở.

Quốc công chỉ tay về phía ngọn núi cao, nơi tọa lạc ngôi chùa và một ngọn tháp chọc trời là tháp Tường Long rồi Ngài dạy: Ta lên đó có thể nhìn thấy thế trận rõ hơn. Quốc công đã nhiều lần lên tháp. Người lại dẫn dụ mọi người: dưới chân tháp có tấm bia đá ghi dòng chữ: “Tường Long tháp, Long Thụy thái bình lục niên Lý gia đệ tam đế”, nghĩa là: Tên tháp này do Lý Thánh Tông ban tặng vào năm Long Thụy Thái Bình thứ sáu, đời vua thứ ba của nhà Lý.

Hoàng Quốc Hải tìm đâu ra ngọn tháp Tường Long, lại còn tả rất tỉ mỉ: chân tháp bằng đá đen chạm hoa văn lá đề. Thân tháp xây bằng gạch nung, màu đỏ dịu. Tháp cao 12 tầng, hình bát giác. Mỗi mặt có một cửa cuốn tò vò, trong bầy một pho tượng Phật. Tháp cao 12 tầng, vị chi là có 96 tượng Phật.

Quốc công còn dẫn dụ tiếp: lên tới đỉnh tháp, từ đây phóng tầm mắt nhìn về mọi hướng đều thông suốt, nhất là thuyền bè trên biển đi lại từ xa đã nhìn thấy, khi nó còn là một chấm nhỏ.

Trần Hưng Đạo thầm nghĩ rồi nói với mọi người: Một sa môn đắc đạo. Người cho dựng tháp này ngoài tôn vinh đức Phật còn là một bậc trí tướng siêu phàm! Tháp còn là một vọng hải đài cảnh giới kẻ thù từ xa. Và Quốc công lại tiếp: “Nhà Lý đã để lại cho đất nước, cho cháu con một cơ ngơi đồ sộ mà nhiều đời sau

vẫn còn được thụ hưởng nhưng chưa chắc con cháu đã hiểu hết giá trị”.

Tầm nhìn của Quốc công tiết chế cao siêu như thế, cha con Hốt Tất Liệt - “Thiên tử” của Đại Nguyên gục ngã là phải. Đọc xong lần thứ hai bộ trường thiên tiểu thuyết “Bão táp triều Trần” tôi chưa thể tóm tắt một cách tổng quát để đưa vào nội dung một bài báo và cũng có nhã ý để bạn đọc tập trung theo dõi.

 HOÀNG QUỐC HẢI SỐNG VÀ VIẾT

Nhà văn Hoàng Quốc Hải năm nay đã ngoại bát tuần, khoảng trên 60 năm cầm bút và tuyệt đối trung thành với cây bút máy Parker cùng với loại mực cũng Parker chính hiệu của Pháp. Trong lao động văn học nghệ thuật, đến hôm nay ông vẫn chưa hề ngưng nghỉ và để lại cho “thiên hạ” hai bộ trường thiên tiểu thuyết “tầm cỡ để đời” là “Bão táp Triều Trần” (6 tập) và “Tám triều vua nhà Lý” (4 tập) cùng với nhiều cuốn tiểu thuyết khác đã xuất bản như “Chiến lũy đá”, “Sau mùa lá rụng”, “Chờ đến ngày mai”… và “Đêm qua làng” (tập truyện ngắn); “Văn hóa phong tục” (Sách khảo cứu); “Trắng án Nguyễn Thị Lộ” (phê bình tiểu luận); chưa kể đến 2 tập tạp văn và sự xuất hiện thường xuyên của ông trên văn đàn, báo chí, viết tham luận cho các cuộc hội thảo…

Hoàng Quốc Hải nhà văn lớn, trước tiên là sử gia lớn - 2

Nhà văn Hoàng Quốc Hải tại Hội thảo khoa học mang tên "Hữu tướng quân Phùng Tá Chu", do Hội KHLS Việt Nam, UBND Huyện Thạch Thất (Hà Nội) và Hội đồng họ Phùng ở Việt Nam tổ chức.

Với số lượng và chất lượng hàng vạn trang viết, tôi xin bái phục bậc đàn anh, đáng được suy tôn là “Ngọn bút anh hùng”. Người cầm bút, dù viết văn hay viết báo, trước khi đặt bút viết phải nghiên cứu kỹ lưỡng nguồn tài liệu đã sưu tầm, đi điền dã để hiểu đến ngọn ngành địa hình  địa vật nơi cần biết rồi mới viết.

“Kẻ sĩ Thăng Long” tôi biết ba nhân vật có trí nhớ biệt tài, đó là nhà văn hóa lớn, nhà văn hóa Hữu Ngọc, Giáo sư Hoàng Chí Bảo (tài kể chuyện và khả năng diễn thuyết) và nhà văn Hoàng Quốc Hải viết đã “xuất thần” mà diễn thuyết cả buổi cũng chẳng cần đề cương chi tiết nhưng vẫn mạch lạc, khoa học, đúng trọng tâm. Cụ Hữu Ngọc năm nay đã bước sang tuổi đại thọ 104. Năm 102 tuổi cụ vẫn viết và xuất bản bộ sách “khủng” là “Cảo thơm lần giở” gồm hai tập, tinh tuyển 180 nhân vật thuộc hàng “Vĩ nhân thời đại” ở tầm cỡ thế giới, như Thích ca mâu ni, Giê - su, Ta-go…; Ở Việt Nam như Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh.

Nhà văn Hoàng Quốc Hải qua hai bộ tiểu thuyết đồ sộ ấy, tôi dám chắc ông nghiên cứu đến thuộc lòng chính sử và dã sử Việt Nam và thế giới qua các triều đại, thuộc tên từng ông vua, quan lại, danh tướng và kẻ sĩ tài năng, thuộc từng vùng đất, con đường, dòng sông đến rừng cây, ngọn cỏ để viết “Bão táp cung đình”, “Đuổi quân Mông Thát”, “Thăng Long nổi giận”, “Huyết chiến Bạch Đằng”, “Huyền Trân công chúa và Vương triều sụp đổ”.

Chỉ riêng tập “Huyết chiến Bạch Đằng”, ông đã lui tới vùng có chiến sự đến ba năm liền (2016, 2017 và 2018) và ông trả lời với báo chí là ông viết tập này như lên đồng! Ông đi điền dã tới hàng năm để nghiên cứu văn hóa, phong tục Chăm Pa ở Ninh Thuận, Bình Thuận, trước khi hạ bút viết tập “Huyền Trân công chúa”.

Hoàng Quốc Hải là một cây bút tài hoa và đầy bản lĩnh. Trong một cuộc hội thảo về khoa học lịch sử về Triều Trần ở Thái Bình (2018), có đại biểu hỏi ông: Quê hương nhà Trần ở Thái Bình có nhân vật Trần Hoằng Nghị được lập đền thờ phụng từ rất sớm, phải chăng nhân vật Trần Hoằng Nghị là cha đẻ của Trần Thủ Độ? Trả lời câu hỏi đó với Trần Nguyên Trung, ông nói: “Tôi đã đọc rất nhiều tài liệu lịch sử trong nước và nước ngoài, cũng đi điền dã ở nhiều nơi trong cả nước, trong đó có tỉnh Thái Bình nhưng chưa hề tìm thấy bất cứ tài liệu, văn bản nào từ trước năm 1945, kể cả các chứng cứ khảo cổ học, thần tích, thần phả, sắc phong nào của các triều đình phong kiến từ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn… nhắc đến nhân vật có tên Trần Hoằng Nghị”.

Trong lịch sử xưa nay, không có nhà viết sử nào dám làm cái việc liều lĩnh và táo tợn như PGS.TS Nguyễn Minh Tường khi đưa vào sách giáo khoa môn lịch sử về nhân vật Trần Hoằng Nghị. Hoàng Quốc Hải phản biện cũng quyết liệt đến cùng, giải mã cũng đến cùng và “cãi” cho Nguyễn Thị Lộ (vợ của Nguyễn Trãi) trắng án.

Đôi điều tản mạn tưởng như lạc đề nhưng vô cùng hệ trọng, rất cần nói: Thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay thuộc sử Tàu, sử Hàn hơn lịch sử Việt Nam. Đó cũng là vấn nạn mà Bộ Giáo dục và Đào tạo cần báo động và quan tâm xem xét. Đài truyền hình cũng có liên đới một phần. Nên chăng nhà đài cần bớt đi rất nhiều quảng cáo rẻ tiền, vô duyên, nhạt nhẽo và những chương trình ít văn hóa như “Hãy chọn giá đúng” và phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo mở cuộc thi thường xuyên về lịch sử Việt Nam qua các triều đại.

Lịch sử của dân tộc Việt Nam quả thực anh hùng và vĩ đại. Ba lần đánh thắng đế quốc Nguyên Mông hùng mạnh nhất thế giới ở thế kỷ XIII, liên tiếp đánh tan đại quân xâm lược của nhà Đường, Lương, Tống, Minh, Thanh… Thời đại Hồ Chí Minh lại liên tiếp chiến thắng ba đế quốc to là Nhật, Pháp và Mỹ, cũng vào loại mạnh nhất thế giới.

Những nhân vật lịch sử vĩ đại, những anh hùng hào kiệt đâu có ít. Nào Phùng Vương, Ngô Vương, nào Hai Bà Trưng, Lý Nam Đế, Lý Thái Tổ, Trần Nhân Tông (trở thành Phật Hoàng), Trần Hưng Đạo – Danh tướng thế giới thế kỷ XIII (trở thành Đức Thánh Trần), nào là Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung, nào là Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp – danh tướng hàng đầu thế giới thế kỷ XX, cùng hàng trăm nhân vật quan trọng và nổi tiếng khác.

Hoàng Quốc Hải nhà văn lớn, trước tiên là sử gia lớn - 3

Nhà văn Hoàng Quốc Hải (bên phải) trong ngày Hội thơ Việt Nam tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, TP. Hà Nội. Ảnh Hoàng Kim Đáng.

Tôi hy vọng sẽ có người có tâm, có tài và có tầm sớm nhận trách nhiệm cầm bút viết đề cương kịch bản truyền hình nhiều tập về hai bộ phim “Bão táp triều Trần” và “Tám triều Vua nhà Lý” của nhà văn Hoàng Quốc Hải.

Nhà văn Hoàng Quốc Hải và vợ là nhà thơ Nguyễn Thị Hồng sống một cuộc đời thanh bạch và hạnh phúc bằng một khoản tiền lương hưu khiêm tốn, dám đánh đổi cả tuổi trẻ, tài năng và sức khỏe của mình để lấy một gia tài tác phẩm văn chương đồ sộ và vô cùng giá trị.

Hoàng Quốc Hải, ông đích thực là nhà văn lớn, trước tiên là một sử gia lớn. Ông rất xứng đáng và vinh dự được đón nhận giải thưởng văn học lớn  -  “Giải văn học trọn đời” do sáng kiến của Ban Chấp hành và toàn thể hội viên Hội Nhà văn Hà Nội trao tặng năm 2020.

Hoàng Kim Đáng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật

Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật

“Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật” là một hội thảo ý nghĩa được tổ chức nhân dịp Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), giúp lan tỏa những giá trị của Điện Biên Phủ trong đời sống văn học nghệ thuật nước nhà. Đồng thời, thúc đẩy sự thăng hoa, bền bỉ, nuôi dưỡng cảm xúc sáng tạo cho các văn ng

(Ảnh) “Qua miền Tây Bắc - về với Điện Biên”: Thăm và phát động cuộc thi vẽ tranh tại Trường Tiểu học Him Lam

(Ảnh) “Qua miền Tây Bắc - về với Điện Biên”: Thăm và phát động cuộc thi vẽ tranh tại Trường Tiểu học Him Lam

Trong khuôn khổ chương trình “Qua miền Tây Bắc - về với Điện Biên”, đoàn đại biểu là các văn nghệ sĩ Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã có dịp đến thăm và tặng quà cho học sinh Trường Tiểu học Him Lam, đồng thời phát động cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Hoan Hô chiến sỹ Điện Biên”. Sự kiện do Thời báo Văn học nghệ thuật, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Điệ