Ký sự trần trụi về cuộc binh biến đêm đỏ lửa

“Yên Bái đêm đỏ lửa” - tác giả Bốn Mắt, dịch giả Nguyễn Thành Quang - cuốn sách mang lại một góc nhìn hoàn toàn mới về một sự kiện nổi bật trong giai đoạn lịch sử đầy biến động của nước nhà. Cuốn sách xuất hiện với độc giả đương đại như một sự công nhận, hưởng ứng và một sự tiếp nối những truyền thống mà cha ông đã để lại. Bên cạnh đó cũng là mong muốn lan rộng giá trị lịch sử, giá trị tinh thần đã đang và sẽ chảy mãnh liệt trong huyết quản của mỗi người con đất Việt chúng ta.

Bắc Kì đêm mùng 9, rạng ngày 10 tháng 2 năm 1930.

“Đèn trong phòng của sĩ quan và hạ sĩ quan đã tắt.

[…]

Có thể chỉ là một giờ đồng hồ, khi tiếng gáy đầu tiên của chú gà trống cất lên trong vùng chiến thuật, nơi mọi người đang say sưa giấc nồng. Vào lúc các sĩ quan và hạ sĩ quan đang ngủ say trong phòng thì tiếng bom nổ, tiếng súng ngắn, súng dài gầm vang trong vùng quân sự của tỉnh lị Yên Bái.” (Trích Yên Bái đêm đỏ lửa).

Khởi nghĩa Yên Bái nổ ra. Một cuộc nổi dậy bằng vũ trang do Việt Nam Quốc dân Đảng tổ chức và lãnh đạo nhằm đánh chiếm một số tỉnh và thành phố trọng yếu của Bắc Kì. Dù nhanh chóng bị thất bại do nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, nhưng cuộc khởi nghĩa Yên Bái cho đến ngày nay vẫn mang nhiều bài học.

Ký sự trần trụi về cuộc binh biến đêm đỏ lửa - 1

"Yên Bái đêm đỏ lửa" - tác giả Bốn Mắt - dịch giả Nguyễn Thành Quang (Ảnh: Phạm Hằng)

Tiếng vang của khởi nghĩa Yên Bái làm chấn động cả nước Pháp. Nhà thơ Pháp nổi tiếng Louis Aragon, tháng 6 năm 1930 đã viết bài thơ “Yên Bái” đăng trên tờ Front Rouge tại Paris: “Yên Bái, đây là cái từ nhắc nhở ta rằng, không thể bịt miệng một dân tộc mà người ta không thể khuất phục bằng lưỡi kiếm của đao phủ!”...

Và trong Yên Bái đêm đỏ lửa của tác giả Bốn Mắt, một sĩ quan quân đội Pháp - các nguyên nhân dẫn đến cuộc khởi nghĩa Yên Bái cũng như sự tan rã của xứ Đông Dương thuộc Pháp được ông phê phán và chỉ trích một cách không nể nang từ các quyết sách sai lầm về nhân sự của Bộ Quốc phòng và Bộ Thuộc địa ở Paris đến chiến thuật, chiến lược của các nhà quân sự tại Đông Dương.

Dù ở phe đối lập, dù vô cùng choáng váng trước cuộc binh biến Yên Bái nhưng tác giả, một người đã dành tình cảm yêu mến và sự thấu hiểu đối với mảnh đất và con người nơi đây (ông đã hai lần đến phục vụ Đông Dương, lần thứ nhất được cử đi, lần thứ hai tự ông bỏ tiền túi để quay lại xứ sở mà ông từng gắn bó) đã có những đánh giá hết sức khách quan đối với người dân An Nam, đặc biệt là người dân vùng núi Bắc Kì.

Tại tọa đàm ra mắt tác phẩm với độc giả Việt Nam, dịch giả Nguyễn Thành Quang - người đã dày công nghiên cứu và chuyển ngữ thành công cuốn sách Yên Bái đêm đỏ lửa nhận xét: “Với cái nhìn sắc sảo, khách quan, với đầu óc quan sát tỉ mỉ, cụ thể cộng với sự phân tích mang tính khoa học của một nhà quân sự, tác giả đã đưa ra những nhận định tổng quan về tình hình Bắc Kì lúc đó. Những phân tích và đánh giá của ông khá bao quát, từ vị trí địa lí các vùng miền, từ tâm tính, đặc điểm của con người đến những giá trị đạo đức và tinh thần dân tộc của người An Nam”.

Ký sự trần trụi về cuộc binh biến đêm đỏ lửa - 2

Dịch giả Nguyễn Thành Quang tại tọa đàm ra mắt bản dịch "Yên Bái đêm đỏ lửa" diễn ra tại Viện Pháp tối 28/7 (Ảnh: Phương Linh)

Và một điểm nhấn vô cùng đáng trân trọng trong cuốn sách là tác giả đã dành hẳn một chương dài viết về cái chết của cô Nguyễn Thị Giang - vị hôn thê của lãnh tụ Nguyễn Thái Học.

“…Câu chuyện tình lãng mạn đau thương của cô gái có tên Thị Giang được dệt nên từ những tình cảm đẹp đẽ sẽ là đề tài cho những thiên tình sử bi tráng được viết trên những trang sách gấm hoa và xứng đáng được đóng bìa trang trọng tại các nhà xuất bản hạng nhất.

Rồi đây, những kỉ niệm về sự kiện Yên Bái sẽ dần mờ nhạt, dần bị xóa khỏi kí ức thì các thế hệ nối tiếp vẫn sẽ mãi nuôi dưỡng, tôn vinh sự tuẫn tiết của cô Thị Giang như một bản trường ca về tình yêu, về tinh thần không khuất phục nỗi ô nhục của người dân xứ này.” (Trích Yên Bái đêm đỏ lửa)

Ông không tiếc lời ca ngợi thiên tình sử bi tráng của họ, sự tuẫn tiết của cô gái trẻ vì người yêu, vì lí tưởng đã tác động mạnh mẽ và sâu sắc đến tâm hồn ông, người được coi là “kẻ thù” của cô. Và xúc động hơn cả là khi đọc những trang viết của ông về các lãnh tụ khởi nghĩa. Ông đánh giá họ là những người nêu cao tinh thần chủ nghĩa dân tộc, những con người dũng cảm, tiêu biểu cho một đất nước không dễ bị cai trị.

Tác giả cuốn sách cho đến nay vẫn còn là bí ẩn. Những thông tin có được về ông chỉ vỏn vẹn bút danh Bốn Mắt (khiến tôi liên tưởng tới một người sĩ quan quân đội với cặp “đít chai” dày cộp) cùng những trang viết sống động, tỉ mẩn, trần trụi dưới ngòi bút đầy chính kiến sắc sảo, về cuộc binh biến đã dẫn đến hàng loạt những vấn đề vĩ mô khác. 

Cũng trong tọa đàm ra mắt Yên Bái đêm đỏ lửa, diễn giả - nhà sử học Dương Trung Quốc đưa ra phân tích, rằng Bốn Mắt có thể là một nhà báo, hơn là một nhà sử học. Bởi trong ngôn ngữ và cách tiếp cận vấn đề của ông đều cho thấy tư duy và góc nhìn của một người làm báo. Đặc biệt trong những chương cuối, ông đề cập nhiều đến mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, về tương lai Bắc Kì… những câu chuyện “nóng” không chỉ với xã hội đương thời mà còn mang tính thời sự cho đến ngày nay.

Ký sự trần trụi về cuộc binh biến đêm đỏ lửa - 3

Nhà sử học Dương Trung Quốc (Ảnh: Phương Linh)

“Liệu có nên ngừng nói về vụ Yên Bái, để nó “ngủ yên” trong tấm vải liệm vô tri hay không? Tôi nghĩ là không, thay vì đó tôi tin tưởng mãnh liệt vào điều ngược lại. Vì tình yêu với Đông Dương, tình yêu với nghệ thuật và mong muốn cứu lấy tương lai, tốt hơn hết là nhìn thẳng và gọi đúng tên sự vật, hiện tượng.

Thật có giá trị khi làm phát lộ những sai sót, đánh giá chúng và làm cho chúng trở nên rõ ràng bằng cách chiếu những hình ảnh của chúng lên một màn hình đầy đủ ánh sáng. Đó là mục đích chính của những trang sách này”. (Trích Yên Bái đêm đỏ lửa)

Gần một thế kỉ đã trôi qua, lịch sử vẫn luôn ghi nhớ, các thế hệ con cháu chúng ta luôn kính cẩn nghiêng mình trước tinh thần quả cảm, trước sự hi sinh anh dũng của các chiến sĩ Yên Bái trong cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất vì độc lập, tự do của dân tộc. Và cuốn sách Yên Bái đêm đỏ lửa chính là một trong những minh chứng sống động về kí ức hào hùng của dân tộc mà những độc giả quan tâm đến lịch sử Việt Nam sẽ khó lòng bỏ lỡ!

Phạm Hằng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - 2024

Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - 2024

Tối 17/4, tại Khu Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND Thành phố Hà Nội cùng các bộ ngành, địa phương tổ chức Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3-2024 với nhiều hoạt động, sự kiện phong phú, đa dạng.