Phe Cộng hòa cân nhắc phế truất ông Trump sau bạo loạn

Sau vụ bạo loạn của người ủng hộ ông Trump, nhiều lãnh đạo đảng Cộng hòa muốn tước bỏ quyền lực của tổng thống trước khi nhiệm kỳ kết thúc vào ngày 20/1.

Tiết lộ với CNN, các lãnh đạo của đảng Cộng hòa tin rằng Tổng thống Trump cần bị phế truất trước ngày 20/1, khi nhiệm kỳ của ông chính thức kết thúc và Tổng thống đắc cử Joe Biden nhậm chức.

Bốn nghị sĩ đảng Cộng hòa kêu gọi kích hoạch Tu chính án thứ 25 của hiến pháp Mỹ, qua đó chính thức xem ông Trump không còn phù hợp để đảm đương chức vụ tổng thống và cần thay thế bởi Phó tổng thống Mike Pence.

Hai nghị sĩ khác cho rằng quốc hội cần phế truất chính thức Tổng thống Trump. Các nghị sĩ từ chối tiết lộ danh tính.

"Ông ấy cần bị phế truất và tước quyền", một nghị sĩ vừa đắc cử của đảng Cộng hòa tuyên bố.

Một cựu quan chức cấp cao trong đảng cũng chỉ trích các hành động của Tổng thống Trump thời gian qua là đủ nghiêm trọng để tước bỏ quyền lực của ông, dù cho nhiệm kỳ của nhà lãnh đạo còn chưa đầy 2 tuần.

Phe Cộng hòa cân nhắc phế truất ông Trump sau bạo loạn - 1

Người biểu tình xông vào Điện Capitol, mang theo cờ của ông Trump. Ảnh: 

Getty. Hai kịch bản tước quyền lực ông Trump

Ngày 6/1, người ủng hộ Tổng thống Trump đã tập trung trước Nhà Trắng, lắng nghe bài phát biểu phản đối kết quả bầu cử từ người đứng đầu chính phủ Mỹ. Cuộc tuần hành sau đó leo thang thành bạo lực.

Người biểu tình của ông Trump sau đó đụng độ với cảnh sát thủ đô, xâm nhập Điện Capitol, chiếm phòng họp Thượng viện và tìm cách xông vào phòng họp Hạ viện bằng vũ lực.

Ít nhất 1 người thiệt mạng trong vụ bạo loạn và 30 người bị bắt giữ. Vệ binh Quốc gia, cảnh sát và lực lượng chấp pháp liên bang được huy động khẩn cấp. Thủ đô Washington DC đã ban bố lệnh giới nghiêm.

"Vụ việc là cú sốc lớn đối với toàn hệ thống", một nghị sĩ đảng Cộng hòa nói về những diễn biến trong ngày 6/1 tại Washington DC.

"Làm sao họ có thể kiểm soát được ông ấy thêm 2 tuần nữa sau sự kiện này", ông nhận định.

Nếu phế truất và tước quyền của Tổng thống Trump, dù chỉ còn hai tuần trong nhiệm kỳ, quốc hội Mỹ có thể bỏ phiếu ngăn ông Trump tranh cử cho mọi vị trí trong chính quyền liên bang sau này.

Với kịch bản kích hoạt Tu chính án thứ 25, Phó tổng thống Mike Pence và đa số nội các Mỹ phải bỏ phiếu tước bỏ quyền lực của ông Trump trên cơ sở tổng thống không còn đủ năng lực "thực hiện quyền và nghĩa vụ".

Đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ dùng đến Tu chính án thứ 25.

Phe Cộng hòa cân nhắc phế truất ông Trump sau bạo loạn - 2

Phó tổng thống Mike Pence ngày 6/1 đã tuyên bố sẽ thực hiện đúng nghĩa vụ công nhận kết quả bầu cử. Ảnh: 

Reuters. Đảng Cộng hòa phẫn nộ

Chỉ vài phút sau khi người biểu tình xông vào Điện Capitol vào chiều 6/1, các nghị sĩ đảng Cộng hòa ở lưỡng viện đã cân nhắc lại ý tưởng tước quyền lực của Tổng thống Trump. Điều này từng được thảo luận nội bộ đảng Cộng hòa khi ông Trump bị luận tội vào năm 2019, theo CNN.

Các nhân vật có sức ảnh hưởng lớn trong đảng cũng chỉ trích ông Trump cùng các đồng minh với mức độ gay gắt chưa từng có tiền lệ.

Cựu Tổng thống George W. Bush lên án vụ tấn công Điện Capitol là hành động "phản loạn", gọi sự kiện là "một cảnh tượng kinh khủng và đau lòng". Dù không nhắc tên ông Trump, cựu Tổng thống Bush nói ông "kinh ngạc trước cách hành xử vô trách nhiệm của một số lãnh đạo chính trị từ sau cuộc bầu cử và sự thiếu tôn trọng đối với thiết chế, truyền thống và lực lượng chấp pháp ngày hôm nay".

Thượng nghị sĩ Mitt Romney, cựu ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa vào năm 2012, gọi ông Trump là "một người ích kỷ". Ông nhấn mạnh tổng thống thời gian qua đã "cố tình đưa thông tin sai lệch cho người ủng hộ của mình" về cuộc bầu cử.

Ông Romney lên án vụ tấn công Điện Capitol là "phản loạn", đồng thời cho rằng đây là lỗi của ông Trump vì tổng thống Mỹ đã "kích động hành động này".

Liz Cheney, thành viên cấp cao trong nhóm lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện, phẫn nộ cáo buộc: "Tổng thống đã tạo ra nhóm người này. Tổng thống đã kích động nhóm người này. Tổng thống đã phát biểu trước nhóm người này. Ông ấy đã châm ngòi".

Tom Cotton, một đồng minh trung thành của ông Trump tại Thượng viện trong những năm qua, khẳng định "đã quá hạn để tổng thống chấp nhận kết quả bầu cử". Ông kêu gọi nhà lãnh đạo chấm dứt "đánh lừa người dân Mỹ và thoái thoát trách nhiệm trước bạo lực".

Hạ nghị sĩ Adam Kinzinger, dân biểu bang Illinois, đanh thép chỉ trích Tổng thống Trump "hèn nhát" khi không yêu cầu người biểu tình giải tán hay lên án vụ tấn công Điện Capitol.

Phe Cộng hòa cân nhắc phế truất ông Trump sau bạo loạn - 3

Người biểu tình của ông Trump tìm cách xông vào phòng họp Hạ viện bằng vũ lực. Ảnh: 

AP. Nội các bất bình

Tiết lộ với CNN, hai nhà vận động hành lang nhiều kinh nghiệm của đảng Cộng hòa và từng là đồng minh của Nhà Trắng cũng cho rằng ông Trump cần bị tước bỏ quyền lực.

"Ông Pence cần chống lại tổng thống bằng Tu chính án thứ 25", một nhà hoạt động cho biết.

"Họ cần kích hoạt Tu chính án thứ 25 ngay lập tức", chiến lược gia còn lại khẳng định.

Theo biên tập viên Margaret Brennan của CBS, các bộ trưởng trong chính phủ của ông Trump đang thảo luận khả năng này để tước quyền lực khỏi tay tổng thống. Tuy nhiên, nhóm này trong nội các vẫn chưa đưa ra được phương án nào cụ thể cho Phó tổng thống Mike Pence.

CNN dẫn nguồn tin trong đảng Cộng hòa và đưa ra tiết lộ tương tự. Số bộ trưởng ủng hộ phương án này vẫn chưa được xác định. Các thảo luận về kích hoạt Tu chính án thứ 25 cũng được thông báo đến nhiều thượng nghị sĩ ở Điện Capitol.

Theo Zing

Nguồn zingnews.vn

Tin liên quan

Tin mới nhất

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam gặp gỡ đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc)

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam gặp gỡ đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc)

Sáng 28/3, tại trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Văn Huyên, Hà Nội), PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã có buổi gặp gỡ và làm việc với đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc).