Gặp lại chính mình trong phim, vị tướng già như trẻ lại

Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước sinh năm 1930. Năm 1949, ông nhập ngũ vào Sư đoàn 304. Bởi tinh thần chiến đấu dũng cảm và những thành tích chiến đấu nổi bật, sau hơn 5 năm chiến đấu ông đã trở thành đại đội trưởng Đại đội 71, Tiểu đoàn 375, Trung đoàn 9 và được nhận nhiều hình thức khen thưởng của cấp trên. Ngày 10/10/1954, đơn vị ông được về tiếp quản thủ đô. Sau đó, ông được tham gia cuộc duyệt binh chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ về lại thủ đô ngày 1/1/1955. Khí thế hào hùng của những ngày tháng lịch sử ấy đã in sâu vào trí óc của ông thành những ký ức không bao giờ phai mờ.

“Người lính già đầu bạc, kể mãi chuyện Nguyên phong”

Chính vì vậy, cứ mỗi độ thu về, ông lại bồi hồi nhớ về những ngày tháng ấy và không quên kể lại cho con cháu trong nhà nghe về cuộc đời chiến đấu cùng những kỷ niệm sâu sắc của mình. Ông kể: “Ngày 8/10/1954, Trung đoàn 9 chúng tôi tiến vào thị xã Hà Đông trong sự đón mừng nhiệt liệt của nhân dân thị xã. Ngày 10/10/1954, từ hướng Hà Đông chúng tôi vào tiếp quản thủ đô Hà Nội tại khu vực Ngã Tư Sở, trường Đấu Xảo (nay là Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô)...

Đi giữa sự đón tiếp tưng bừng của người dân thủ đô, tôi như người nằm mơ giữa ban ngày. Thật không thể tưởng tượng được một đội quân nhỏ bé, trang bị vô cùng thiếu thốn lại có thể đánh bại một đội quân nhà nghề, trang bị đến tận “răng” lại được sự ủng hộ của đế quốc Mỹ nữa.Với cá nhân tôi, một đứa trẻ “chân đất, mắt toét” chỉ biết đi làm thuê kiếm sống qua ngày lại được trở thành chiến sĩ của đội quân ấy. Và chính đội quân ấy đã dìu dắt tôi trưởng thành, trở thành một cán bộ cấp đại đội của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đó thật sự là một cuộc lột xác lịch sử. Còn tôi, vừa là một chứng nhân song cũng chính là người trong cuộc của tiến trình lịch sử ấy (Trích hồi ký Một đời nhìn lại - NXB Quân đội nhân dân).

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tiếp quản, đơn vị của ông về đóng tại khu vực Miếu Môn. Ông được thăng chức lên tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 375, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 rồi tham gia cuộc duyệt binh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam tại quảng trường Ba Đình. Ông kể: “Ngày 1/1/1955, tôi vinh dự được đứng trong đội ngũ các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam duyệt binh đón chào Hồ Chủ tịch và Chính phủ trở về thủ đô sau 9 năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ. Đây là cuộc duyệt binh đầu tiên của quân đội ta từ ngày lập nước, cũng là dịp để biểu dương sức mạnh trước nhân dân trong nước và thế giới. Trên gương mặt của mỗi cán bộ chiến sĩ đều toát lên niềm tự hào, vinh dự vô biên (trích hồi ký đã dẫn).

Gặp lại chính mình trong phim, vị tướng già như trẻ lại - 1

Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 375, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 Nguyễn Văn Phước trong Lễ duyệt binh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1955. Ảnh cắt từ video của báo Vietnamplus

Đến linh giác của người con chí hiếu

Những câu chuyện ấy đã thấm vào trí óc cậu bé Nguyễn Kháng Chiến từ thuở ấu thơ. Giờ đây, khi đã là một doanh nhân hơn 60 tuổi ông vẫn nhớ như in những câu chuyện ấy. Dịp kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ Đô năm nay (10/10/1954- 10/10/2024), mặc dù đang hết sức bận rộn với công việc ở nơi xa nhà, doanh nhân Nguyễn Kháng Chiến vẫn dành thời gian xem lại những tấm ảnh, thước phim về sự kiện này. Ông lần mò trên Youtube tìm xem các đoạn phim về ngày tiếp quản thủ đô, hy vọng tìm thấy bóng dáng cha mình - Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước trong đoàn quân ngày hôm ấy. Nhưng có lẽ quân về thì trùng trùng điệp điệp mà các nhà quay phim thì ít nên không thể ghi lại hết gương mặt những người lính được. Tiếp tục truy cập, ông bắt gặp bộ phim Lễ duyệt binh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1955. Chợt nhớ về những câu chuyện của cha và thái độ tự hào của ông khi kể về sự kiện này, Chiến quyết định mở ra xem.

Thật may, đó là những thước phim tài liệu màu do nhà quay phim Roman Karmen người Liên Xô quay nên khá là sắc nét, sống động; âm nhạc cũng thật hào hùng, thúc giục. Đến giây thứ 44, một gương mặt cương nghị của người chỉ huy khối hiện ra. Vừa thoáng nhìn thấy, Chiến đã giật mình. Ông dụi mắt như không tin vào mắt mình: “Đó có phải là cha mình không nhỉ?”. Để cho mọi cảm xúc chộn rộn trong lòng lắng xuống, ông xem đi, xem lại đoạn này rồi nhớ lại hình ảnh của cha khi còn trẻ và lời kể của ông, để so sánh. Mặc dù xuất hiện chỉ trong vòng 2 giây song Nguyễn Kháng Chiến đinh ninh tin rằng đây chính là cha mình - tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 375, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 Nguyễn Văn Phước.

Mặc dù lúc đó đã là đêm muộn song Nguyễn Kháng Chiến vẫn gọi điện về cho đứa cháu giúp việc ở nhà. Ông bảo nó sáng mai mở cho cha mình xem bộ phim này trên chiếc tivi cỡ lớn. Ông cũng dặn thêm: “Cứ để ông xem tự nhiên, đừng nói gì trước cả”.

Gặp lại chính mình

Cũng như mọi năm, từ đầu tháng 10, tâm trạng của thiếu tướng Nguyễn Văn Phước phấn chấn hơn bao giờ hết bởi đây là tháng có những sự kiện vô cùng quan trọng đối với ông. Tháng 10/1954, ông cùng đơn vị mình về tiếp quản thủ đô; tháng 10/1959, Trung đoàn xe tăng 202 - đơn vị xe tăng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời mà ông là tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, đơn vị chủ công của trung đoàn... Thế mà năm nay lại đều là năm chẵn của các sự kiện này nên ông càng háo hức. Bởi vậy, gần như suốt ngày ông theo dõi các chương trình trên truyền hình, đặc biệt là những nội dung liên quan đến các sự kiện này.

Dường như trời cũng chiều người! Sáng 4/10/2024, Ban liên lạc Cựu chiến binh Tăng Thiết giáp thành phố Hà Nội đã đến chúc mừng ông - một trong những cán bộ đầu tiên của Trung đoàn xe tăng 202. Nhận bó hoa tươi và chút quà nhỏ của anh em, lòng ông vô cùng xúc động trước tình cảm của những người lính thế hệ sau đã không lãng quên những người đi trước. Từ hôm đó ông lại càng háo hức đón đợi các chương trình về những ngày lễ lớn năm nay. 

Buổi sáng 9/10/2024, sau khi ăn sáng xong như thường lệ ông bảo cháu giúp việc mở tivi. Tuy nhiên, cậu ta lại nói: “Cháu mới tìm được bộ phim hay lắm, ông xem nhé!”. Khi ông hỏi: “Phim gì?” thì cậu ta trả lời: “Phim về duyệt binh mồng 1 tháng 1 năm 1955”. Nghe vậy, trong lòng ông chợt trào lên một cảm xúc phấn chấn khác thường. Ông bồi hồi nhớ lại những ngày tập luyện gian khổ ở sân bay Tông và sân bay Bạch Mai khi ông được giao chỉ huy khối “Chiến sĩ thi đua” toàn quân. Đây sẽ là khối đi đầu trong đội hình duyệt binh nên rất cần sự chuẩn chỉ, mẫu mực nên đòi hỏi rất cao từ người chỉ huy đến từng người trong khối.

Trong không khí đó, mặc dù toàn là những cán bộ, chiến sĩ xuất sắc có thành tích trong chiến đấu nhưng vì được tập hợp về từ nhiều đơn vị, có chủ lực, có địa phương, có miền Bắc, có cả miền Nam... nên trình độ khác nhau, thói quen khác nhau làm người chỉ huy vất vả hơn rất nhiều so với khi chỉ huy đơn vị của mình. Nhưng rồi với kinh nghiệm huấn luyện của bản thân cộng với sự giúp đỡ của các cán bộ của đoàn duyệt binh và quyết tâm cao của anh em nên khối của ông đã tiến bộ nhanh chóng. Cảm động nhất là ba lần đoàn duyệt binh của ông được Bác Hồ đến thăm (một lần ở sân bay Tông và hai lần ở sân bay Bạch Mai). 

Phim đã mở ra, những hình ảnh đầu tiên về đội ngũ đội hình duyệt binh cùng với nhạc điệu của bài hát Tiến về Hà Nội sôi động nổi lên thu hút sự chú ý của ông, gợi mở cho ông những ký ức đã hằn sâu trong tâm tưởng. Kia là đoàn trưởng đoàn duyệt binh Nguyễn Hữu An báo cáo Đại tướng Võ Nguyên Giáp thật oai phong, dõng dạc. Sau đó, Đại tướng đi duyệt đội ngũ lực lượng duyệt binh. Đúng lúc đó, trên màn hình xuất hiện một người chỉ huy khối đang giơ tay chào với gương mặt vô cùng cương nghị. Ký ức ông vụt sáng, ông nhớ lại khi xe Đại tướng đến trước khối “Chiến sĩ thi đua toàn quân” mà ông làm khối trưởng thì ông đã đứng nghiêm và giơ tay chào. Ông giật mình thoáng nghĩ: “Chả lẽ là mình?” rồi thốt lên với mấy đứa cháu: “Ông đấy! Đúng là ông đấy, các cháu ơi!”.

Bộ phim sau đó được chiếu đi chiếu lại mấy lần. Cả cháu giúp việc và mấy đứa cháu ông đều tập trung theo dõi và công nhận: “Đúng là ông nhà mình rồi!”. Còn ông, ngây ngất trong niềm xúc động khi gặp lại chính mình trong phim. Ông như thấy mình trẻ lại và lại hào hứng kể về những ngày tháng ấy…

Nguyễn Khắc Nguyệt

Tin liên quan

Tin mới nhất

MC Khánh Hào: Người truyền cảm hứng và phát triển tài năng nghệ thuật trẻ tại Việt Nam

MC Khánh Hào: Người truyền cảm hứng và phát triển tài năng nghệ thuật trẻ tại Việt Nam

Không chỉ là một MC và Đạo diễn sự kiện tài năng, Nguyễn Khánh Hào còn mang trong mình niềm đam mê mãnh liệt với việc phát triển thế hệ trẻ, đặc biệt là trong lĩnh vực nghệ thuật. Với phong thái tự tin, chuyên nghiệp và lối dẫn dắt đầy lôi cuốn, Khánh Hào đã toả sáng trên nhiều sân khấu lớn, truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ, đặc biệt là những phụ nữ trẻ có đam mê ngh

Những cuốn sách về Lý Tự Trọng - người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên

Những cuốn sách về Lý Tự Trọng - người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên

Kỉ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng (20/10/1914 - 20/10/2024), người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên, Nhà xuất bản Kim Đồng tái bản hai cuốn sách viết về cuộc đời và tấm gương hi sinh anh dũng của đồng chí cho sự nghiệp cách mạng, đấu tranh giải phóng dân tộc. Đó là truyện kí “Lý Tự Trọng - Sống mãi tên Anh” của tác giả Văn Tùng và truyện tranh “Lý Tự Trọng” c