Mở màn ấn tượng tại Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI

Bộ phim cuối cùng của "bậc thầy điện ảnh" Đặng Nhật Minh, cũng là bộ phim dài duy nhất của Việt Nam được chọn dự thi Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI năm 2022 đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả Thủ đô trong suất chiếu khai mạc.

Chiều 8/11, tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia, bộ phim “Hoa nhài” của đạo diễn Đặng Nhật Minh chính thức ra mắt khán giả Thủ đô, mở màn với suất chiếu khai mạc tại Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VI.

Dự buổi chiếu phim có Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ Trần Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội Điện ảnh Đỗ Lệnh Hùng Tú, Đạo diễn Đặng Nhật Minh cùng diễn viên phim “Hoa nhài”… Đặc biệt, đông đảo nghệ sĩ và khán giả Thủ đô đến đón xem, khán phòng chiếu phim không còn một chỗ trống.

Mở màn ấn tượng tại Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI - 1

Toàn cảnh buổi chiếu phim khai mạc tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia. Ảnh Phạm Hằng

Sinh ra ở Huế nhưng với đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh thì Hà Nội mới là mảnh đất gắn bó với ông nhiều nhất. Chính vì lẽ đó, tên tuổi của vị đạo diễn này cũng gắn với nhiều bộ phim về Hà Nội như Hà Nội mùa đông năm 46, Mùa ổi, Đừng đốtHoa nhài. Với đạo diễn Đặng Nhật Minh, điều ông luôn đau đáu và mong muốn thể hiện qua những tác phẩm điện ảnh chính là nét tinh hoa, phẩm giá và cốt cách của người Hà Nội.

Hoa nhài là bộ phim được đạo diễn Đặng Nhật Minh sản xuất năm 2022, khi đạo diễn 84 tuổi - là bộ phim dài duy nhất của Việt Nam được chọn dự thi Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI năm 2022.

NSND Đặng Nhật Minh chia sẻ, ông đã có trải nghiệm hiếm thấy ở bộ phim này. Ông cũng bày tỏ sự bất ngờ khi Hoa nhài là bộ phim được “chủ nhà” Việt Nam lựa chọn để “thết đãi” công chúng yêu điện ảnh ở HANIFF VI.

Mở màn ấn tượng tại Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI - 2

Đạo diễn Đặng Nhật Minh (thứ ba từ trái sang) tại buổi chiếu phim "Hoa nhài"

Bộ phim khắc họa cuộc sống của người Hà Nội những năm 2000, thời điểm rất xa trước đại dịch Covid. Tuy nhiên, thông điệp về sự hàn gắn bởi lòng tốt của con người trong đời sống thị thành những tháng năm ấy lại rất gần với chúng ta của hôm nay, những người vừa bước qua rạn vỡ và biến cố của đại dịch.

Những mảng lắp ghép đó có thể là mảnh đời của một chú bé đánh giầy hoặc một ông thợ cắt tóc vỉa hè, một ông giáo già dạy hát cho dàn đồng ca học sinh khiếm thị, hoặc một chị nông dân lên Hà Nội làm nghề chăm sóc người bệnh… Những mảnh đời rời rạc ấy kết thành bức tranh đa màu sắc về cuộc sống của người Hà Nội thuộc tầng lớp bình dân những năm 2000. Ở đó, người ta thấy những biến động của Hà Nội trong quá trình chuyển mình vươn lên và mối quan hệ giữa nó với những vùng lân cận.

Mở màn ấn tượng tại Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI - 3

Phòng chiếu phim chật kín khán giả

Tinh tế và sâu lắng, Hoa nhài mang đến thông điệp nhẹ nhàng như chính tên gọi của bộ phim. Cuộc sống luôn luôn vận động, làm thay đổi môi trường sống, làm rạn nứt những mối quan hệ giữa con người với con người. Chỉ có lòng nhân ái, sự quan tâm sẻ chia mới có thể là chất keo gắn kết cuộc sống để nó trở nên bền vững, ý nghĩa.

“Được đạo diễn bởi bậc thầy điện ảnh, NSND Đặng Nhật Minh, bộ phim là những lát cắt về cuộc sống, con người Hà Nội. Với ngôn ngữ điện ảnh dung dị, tinh tế, nhuần nhị, phim đã ngân lên tiếng ca sâu thẳm của tâm hồn người Hà Nội...”, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành chia sẻ.

Mở màn ấn tượng tại Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI - 4

Đạo diễn Đặng Nhật Minh chụp ảnh lưu niệm bên bạn bè nghệ sĩ thân thiết sau buổi chiếu phim. Ảnh Phạm Hằng

Mở màn ấn tượng tại Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI - 5

Nhiều khán giả tặng hoa và bày tỏ sự yêu thích đối với bộ phim Hoa nhài và tài năng của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Ảnh Phạm Hằng

NSND Đặng Nhật Minh hiện là Giám đốc Công ty Truyền thông & Hình ảnh Khánh An (Khánh An Film). Sau những tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt Nam như Thị xã trong tầm tay (1982), Bao giờ cho đến tháng mười (1984), Cô gái trên sông (1988), Trở về (1994), Thương nhớ đồng quê (1995), Hà Nội mùa đông năm 46 (1999), Mùa ổi (2000), Đừng đốt (2009), tác phẩm mới nhất lần này của đạo diễn mang đến những tò mò, trông đợi của khán giả yêu mến điện ảnh Việt.

Phạm Hằng

Tin liên quan

Tin mới nhất