Nhân 105 năm sinh nhà nhiếp ảnh, điện ảnh Nguyễn Hồng Nghi (1918-2023)

Nghệ sĩ nhiếp ảnh, điện ảnh Nguyễn Hồng Nghi sinh ngày 19/12/1918 tại Mỹ Lộc, Nam Định trong một gia đình nho học, hiếu học, yêu nước. Mới 13 tuổi, vừa tiếp tục học chữ, vừa theo nghề chụp ảnh ở Hà Nội. 19 tuổi, thành nghề, với bằng tú tài, không học lên mà về quê hành nghề và… lấy vợ. Mở Á Châu ảnh viện ở phố Cửa Đông (nay là Trần Phú, TP Nam Định). Truyền nghề cho vợ quán xuyến cửa hàng để rảnh tay hoạt động.

1. HIẾM CÓ, KHÓ TÌM

Nghệ sĩ nhiếp ảnh, điện ảnh Nguyễn Hồng Nghi sinh ngày 19/12/1918 tại Mỹ Lộc, Nam Định trong một gia đình nho học, hiếu học, yêu nước. Mới 13 tuổi, vừa tiếp tục học chữ, vừa theo nghề chụp ảnh ở Hà Nội. 19 tuổi, thành nghề, với bằng tú tài, không học lên mà về quê hành nghề và… lấy vợ. Mở Á Châu ảnh viện ở phố Cửa Đông (nay là Trần Phú, TP Nam Định). Truyền nghề cho vợ quán xuyến cửa hàng để rảnh tay hoạt động.

Nhân 105 năm sinh nhà nhiếp ảnh, điện ảnh Nguyễn Hồng Nghi (1918-2023) - 1

Nghệ sĩ nhiếp ảnh, điện ảnh Nguyễn Hồng Nghi

Nhà nước Cộng hòa non trẻ vừa mới trải qua nạn đói khủng khiếp. Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào thi đua “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt”. Sau Toàn quốc kháng chiến thêm “Diệt giặc xâm lăng”. Trước Cách mạng tháng Tám đã có phong trào truyền bá chữ quốc ngữ do Hội Truyền bá chữ quốc ngữ tổ chức để xóa nạn mù chữ. Hồng Nghi đã hăng hái tham gia. Sau độc lập, chuyển thành Bình dân học vụ. Năm 1949, Bộ Quốc gia giáo dục có hẳn Nha Bình dân học vụ. Năm 1946, Hồng Nghi Triển lãm ảnh Bình dân học v ở nhà thông tin triển lãm Tràng Tiền Hà Nội; trong đó có bức ảnh nổi tiếng Qua bến đò Quan.

Tháng 3/1946, Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp cho phép Hồng Nghi ra Tân Quang tạp chí, tháng 2 kỳ xuất bản ở Nam Định. Toàn quốc kháng chiến, ông bỏ tất cả nhà cửa, cửa hàng, vườn tược đưa gia đình tản cư lên ATK (An toàn khu) Thái Nguyên. Được tuyển vào làm Trưởng ban nhiếp ảnh, Sở Thông tin tuyên truyền Liên khu 1.

Năm 1947, lần đầu tiên được chụp ảnh Hồ Chủ tịch. Cuối năm 1946, được cử phụ trách Ban Nhiếp ảnh - Điện ảnh  thuộc Nha thông tin - Tuyên truyền.

Đột nhiên, nhận được thư Bác Hồ gửi do Người tự tay đánh máy: 

“Gỡi ông Nguyễn Hồng Nghi (Liên khu 1)

Cảm ơn chú đã gỡi biếu tôi một tập ảnh rất tốt. Tiếc vì tôi bận việc chưa có thể gặp chú. Vậy tôi gỡi bức ảnh chung tặng anh chị em záo viên BDHV. Nếu có thể thì in ra thành nhiều bản rồi gỡi cho các nam nữ záo viên. 

Hồ Chí Minh

Chào thân ái và quyết thắng

8/1948”

Thật là vinh dự và hạnh phúc. Từ đó, ông là một trong mấy người được chụp nhiều ảnh nhất về Người. Đấy là những bức ảnh đen trắng vô giá, như bảo vật quốc gia… 

Đây, tấm ảnh Bác đội mũ cát, đang cưỡi ngựa lội qua suối, nước gần chấm bụng ngựa. Tấm khăn tay trắng vắt qua hai vai, buông thõng trước ngực.

Đây, cảnh Bác mời cơm Đoàn Điện ảnh Nam Bộ ra thăm Thủ đô kháng chiến, và báo cáo với Bác. Bữa ăn ngay trước ngôi nhà lợp lá cọ. Xung quanh, nửa phía trước trên thưng bằng liếp nứa đan mắt cáo cho thoáng. Phía dưới là liếp nứa đan nong đôi. Mâm cơm đặt trên mặt bàn nứa đan nong đôi cho cứng. Mặt bàn đặt trên 5 chân bàn - vốn là một gốc cây có 5 cành từ gốc, sát đất mọc lên được cắt bằng chằn chặn theo mặt phẳng ngang.

Bữa cơm mời khách xa vào năm 1950, không thấy trên mâm bày biện gì, nhưng chắc chắn có món sườn lợn băm kỹ cả xương lẫn nạc, rang muối, đựng trong ống bương đậy kín để ăn dần. Vẫn gọi là “Sườn Việt Minh”.  

Tấm ảnh có tên “Phút nghỉ ngơi’, chụp năm 1948. Bác gầy gò, giản dị trong bộ nâu sồng đang chăm chú giở một cuốn sách. Mãi đến năm 1990 bức ảnh mới được công bố và đoạt giải nhất thi ảnh toàn quốc nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 Người. Ngoài ra ông còn được giải nhất cuộc thi ảnh toàn quốc với bức “Trở về” (1961).

2. NHỮNG CÁI ĐẦU TIÊN KHÁC

Những phút giây ngắn ngủi được gần Bác không nhiều. Hồng Nghi còn phải đảm trách nhiều công việc trong cuộc Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến và một phương châm nữa luôn có ý thức thực hiện: Kháng chiến hóa văn hóa, Văn hóa hóa kháng chiến. Chiếc máy ảnh là vũ khí để ông nhiếp ảnh hóa những khoảnh khắc kỳ diệu chụp được của kháng chiến thần kỳ là một cách tuyên truyền cổ vũ cho cuộc kháng chiến. Năm 1948, ông là người đầu tiên mở cuộc triển lãm ảnh với hơn 20 bức ảnh 18x24cm (khổ lớn nhất thời đó) ở Phú Bình, Thái Nguyên. Sau đó lại tổ chức triễn lãm lưu động ở chân núi Cô Kê giữa thị xã Thái Nguyên.

Nhân 105 năm sinh nhà nhiếp ảnh, điện ảnh Nguyễn Hồng Nghi (1918-2023) - 2

Đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi (trái) nghe giới thiệu về máy chiếu bóng KPCM-35 do Liên Xô viện trợ vào tháng 11 năm 1950.

Sau chiến dịch Biên Giới thắng lợi (1950), cùng với triển lãm ảnh lưu động Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, được giao trách nhiệm mở lớp nhiếp ảnh đầu tiên trong kháng chiến chống Pháp, nhằm đào tạo phóng viên nhiếp ảnh cho Ban thông tin tuyên truyền các tỉnh. Ông mời các ông Tố Hữu, Tô Ngọc Vân, Bàng Bá Lân (tác giả câu thơ nổi tiếng mà nhiều người cứ ngỡ là ca dao: “Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”) đến giảng bài. Lớp nhiếp ảnh đầu tiên ấy còn lưu lại những tấm ảnh do các đồng nghiệp chụp của Trúc Vinh, Trần Văn Lưu (chụp năm 1948), Đại hội Đảng Lao động Việt Nam họp ở Tuyên Quang (1951), chiến dịch Tây Bắc (1952), Nguyễn Tiến Lợi (1954)…

Sau đó, Hồng Nghi là người đầu tiên được giao chiếc máy quay phim duy nhất (không rõ là chiến lợi phẩm hay từ viện trợ của nước bạn?). Nhờ thế, ông mới ghi lại được nhiều thước phim quý về Bác trong thời gian 1950-1951. Nhờ thế mới có bộ phim ngắn đầu tiên Dân công phục vụ chiến dịch Hoàng Hoa Thám. Gửi sang Cộng hòa Dân chủ Đức in tráng, dựng. Năm 1952, ông lại cùng Mai Lộc, Nguyễn Tiến Lợi làm phim Chiến thắng Tây Bắc (các bạn Trung Quốc in, tráng dựng hộ).

Năm 1954, cùng Nguyễn Tiến Lợi, Nguyễn Phụ Cần quay phim chiến dịch Điện Biên Phủ (phim được giải Bông Sen vàng liên hoan phim lần thứ 2, 1973). Cũng năm đó, cùng Ro-man Các-men (Liên Xô) và các bạn Mai Lộc, Nguyễn Tiến Lợi, Quang Huy quay bộ phim mầu đầu tiên Việt Nam trên đường thắng lợi. Tiếp đó lại cùng các bạn Việt Nam, Liên Xô làm bộ phim Mừng Hồ Chủ tịch và Chính phủ về Thủ đô và các sự kiện lớn của Đảng, Bác, Chính phủ ông đều có vinh dự tham gia trong suốt thời kỳ khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, các cuộc đi thăm nước ngoài của lãnh đạo Đảng, nhà nước, ông đều được phục vụ.

Tiếp đó Hồng Nghi được giao nhiệm vụ cùng với các đồng nghiệp làm những phim ngắn như vở kịch “Lòng dân”, “Hội diễn văn công toàn quốc”.

Cách mạng Việt Nam lúc này có hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà. Ngành điện ảnh, dù còn non trẻ cũng phải mở bước đột phá. “Chung một dòng sông” là bộ phim truyện đầu tiên, dài 90 phút mở đột phá khẩu cho nghệ thuật điện ảnh Việt Nam ra đời, là do Hồng Nghi và Phạm Kỳ Nam đạo diễn. “Bộ phim truyện đầu tiên của ta thành công là nền móng cho nền điện ảnh trẻ tuổi của Việt Nam…” như đánh giá của đồng chí Tố Hữu (Ủy viên Bộ Chính trị Bí thư Trung ương, Trưởng Ban tuyên truyền Trung ương) sau khi xem (1959) sẽ thấy đóng góp của Hồng Nghi cho nền điện ảnh như thế nào.

Chưa kể những phim thời sự, tài liệu, phim ngắn đã nói. Tác động của nghệ thuật thứ bảy thời ấy như thế nào, giờ các bạn trẻ không hình dung ra được trong thời đại Internet so với nửa thế kỉ trước. Cho nên đóng góp của những người mở đầu, khai phá như Hồng Nghi là rất lớn.

15 năm sau, và 40 năm sau, giới điện ảnh vẫn tổ chức kỷ niệm sự ra đời của đứa con đầu lòng “Chung một dòng sông” như một sự kiện của ngành. Năm 1973, Liên hoan phim toàn quốc, “Chung một dòng sông” đoạt giải Bông Sen vàng. Bộ phim được mang ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa chiếu. Bạn bè anh em thấu hiểu được khát vọng thống nhất đất nước của đồng bào hai miền Nam Bắc vốn chung một dòng máu Lạc Hồng, chung một dòng sông lịch sử.

Sau đó, Hồng Nghi lại được cử làm đạo diễn cùng với Hiếu Dân (nghệ danh khác của Phạm Kỳ Nam) làm phim “Vật kỉ niệm của Người đã mất”.

Năm 1960, Hồng Nghi cùng với một số người khác trong đó có ông Hiếu Dân được tin cậy giao trách nhiệm, xây dựng bộ phim “Hình ảnh về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” để mừng thọ Người 70 tuổi. Phim được công chiếu đúng vào dịp mừng ngày sinh Bác 19/5/1960. Một lần nữa phim này cũng đoạt giải Bông Sen vàng liên hoan phim Việt Nam lần thứ 2 năm 1973.

Quãng thời gian 1965-1968, vừa làm Phó giám đốc xưởng phim Thời sự Tài liệu Trung ương, trực tiếp quay và dựng bộ phim màu đầu tiên “Tiếng gọi mùa xuân” về Bác Hồ theo Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy mang sang Paris trình chiếu.

Miền Bắc đã bước vào cuộc kháng chiến lần thứ 2, Hồng Nghi lại được giao tổ chức và huấn luyện lớp quay phim chiến trường (gần 30 học viên). Ngày 2/9/1969, Bác đi xa, ông được tin cậy cùng 2 người nữa được giao quay và dựng phim “Tang lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Tháng 12 năm ấy, Hội Điện ảnh Việt Nam thành lập, ông được bầu làm “Tổng thư ký đầu tiên Hội”. Trước đó đã được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam (nay là Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam).

Trên cương vị mới, càng tận tâm, tận lực phát huy những năng lực quản trị, năng lực chuyên môn, đoàn kết thống nhất trong xây dựng, bảo vệ đất nước.

Cuối năm 1974, Hồng Nghi xin đi thực tế chiến trường. Không còn phải trèo đèo lội suối bằng chân trần mà đi ô tô nên ngày 30/4/1975 đã hội ngộ với các bạn đi trước ở Dinh Độc lập. Với cả máy ảnh, máy quay phim, ông ghi lại những giây phút hạnh phúc của Bắc - Nam sum họp. Là người đồng hành của ngành nhiếp ảnh nên sau đó, ông tổ chức nhiều triển lãm ảnh như: Triển lãm “Một số hình ảnh kỉ niệm 25 năm ngành Điện ảnh Việt Nam 15/3/1951-15/3/1978”.

Ngày 1/1/1979, nghỉ hưu. Nhưng năng lượng sáng tạo vẫn tràn đầy, ông mở triển lãm ảnh “Đất nước" ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và, lần đầu tiên tổ chức ở nước ngoài  (Luân đôn, Anh) năm 1982. Cá nhân tổ chức triển lãm tranh ở nước ngoài thì nhiều. Nhưng cá nhân tổ chức ảnh cách mạng ở nước ngoài giới thiệu về đất nước ta tươi đẹp, giàu truyền thống đấu tranh bảo vệ xây dựng đất nước thì Hồng Nghi là người đầu tiên.

3. CÔNG TRÌNH VÀ CÔNG TRẠNG, NHƯNG…

Với những đóng góp như thế, Hồng Nghi được Chủ tịch nước trao tặng: Huân chương chống Mỹ hạng nhất (năm 1985); Huân chương Lao động hàng nhì (1985). Truy tặng: danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân” (2012); Huân chương Độc Lập hạng nhất (2017); Tước hiệu Nghệ sĩ nhiếp ảnh có cống hiến đặc biệt xuất sắc (2007) và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (2007).

Nhưng, đấy là về nhiếp ảnh.

Còn về điện ảnh?

Hồng Nghi có nhiều đóng góp đáng kể, nhưng lại chưa được ghi công.

Nhân 105 năm sinh nhà nhiếp ảnh, điện ảnh Nguyễn Hồng Nghi (1918-2023) - 3

Cảnh trong phim "Chung một dòng sông" của đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi.

Đạo diễn Vũ Phạm Từ, trên báo Thế giới Điện ảnh (6/2000) và báo Thương Mại (8/12/2000) đã nói: “Nhớ ông Nguyễn Hồng Nghi – Tổng thư ký đầu tiên của Hội Điện ảnh Việt Nam”, có nhắc đến việc năm 1957-1958 Hồng Nghi được sang Trung Quốc học tập tại xưởng phim Trường Xuân, nên về nước mới được giao làm đạo diễn chính phim truyện đầu tiên của Việt Nam – “Chung một dòng sông”. Tháng 11/1969, Hội Điện ảnh Việt Nam được thành lập, nhà nhiếp ảnh, quay phim kiêm nhà đạo diễn Hồng Nghi đã được bầu làm Tổng thư ký đầu tiên của Hội cùng với một Ban chấp hành gồm 36 người”. Tác giả kể “chính người anh cả thân thiết” này đã dạy mình chụp ảnh, in, tráng phim…”.

Nhà thơ, đạo diễn điện ảnh Đỗ Minh Tuấn (Tiền Phong chủ nhật, ngày 16/7/2006) trong bài Cần có sự đánh giá công bằng với điện ảnh đã viết: “Khi một bức ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh của nghệ sĩ Nguyễn Năng An cũng được Giải thưởng Hồ Chí Minh thì bộ phim tài liệu Hình ảnh về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch của đạo diễn Hồng Nghi (Bông Sen vàng, Liên hoan phim quốc gia 1960) không được giải thưởng gì và cả bộ ảnh quý về Bác Hồ của Hồng Nghi lại chỉ được đề nghị trao Giải thưởng Nhà nước”.

Năm sau, 2007, cũng được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Nhưng bức ảnh “Phút nghỉ ngơi” về Bác, chụp năm 1948, đoạt giải nhất cuộc thi ảnh nhân kỷ niệm 100 năm sinh Người năm 1990 của Hồng Nghi cũng chỉ nằm trong Giải thưởng Nhà nước truy tặng ông.

Ông Vũ Đức Tân, Trưởng ban Lý luận phê bình Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cũng phát biểu trên tờ Nhiếp ảnh, chủ nhật 16/7/2006: “Cả năm nghệ sĩ này đều xứng đáng, dù tài năng có khác nhau, nhưng cống hiến về nghề, đạo đức cá nhân đều rất tốt. Việc không công nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh cho các nghệ sĩ trên làm chúng tôi rất buồn vì cảm giác chưa có sự chính xác trong phân loại. Đáng tiếc nhất là trường hợp của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồng Nghi. Ông có nhiều đóng góp cho nhiếp ảnh. Đó là chưa kể trong lĩnh vực điện ảnh”…

Còn nhiều bài khác viết về sáng tạo nghệ thuật của ông như “Chung một dòng sông” trên Thời mới (19/7/1959) của HN; “Chung một dòng sông” (Nhân Dân chủ nhật 19/7/1959); “Chung một dòng sông” đánh dấu bước trưởng thành mới của nghệ thuật điện ảnh Việt Nam (Lao động 25/7/1959); Chung một dòng sông – thể hiện cuộc sống và con người ở hai miền Nam-Bắc (PV).

Tạp chí Điện Ảnh số 17, kỷ niệm Quốc khánh 2/9/1959, “Chúng tôi đã gặp những anh em làm phim “Chung một dòng sông” (T/C Điện ảnh số 5/1960), Nhớ về “Chung một dòng sông” Tạp chí Điện ảnh số 4 (12/1979) của Nguyễn Hồ, “Trò chuyện với đạo diễn Hồng Nghi” của Đỗ Văn, “Đất nước - những tình yêu” (Tạp chí Nhiếp ảnh số 23, 1982) của Vũ Huyến. “Ống kính với tình yêu đất nước” (Nhân Dân 10/2/1985) cũng của Vũ Huyến, “Đặc sắc Hồng Nghi” (Nội san nghiệp vụ Thông tấn 1985) của PV, “Một tấm gương của tinh thần lao động nghệ thuật” (Sài Gòn giải phóng (3/3/1991), “Nguyễn Hồng Nghi - cái danh và cái thực” (Lao động Chủ nhật số 8/19993), “Thương tiếc nghệ sĩ Hồng Nghi” (Điện ảnh – TP Hồ Chí Minh 15/3/1991), “Quay phim ở đồi cây Đón Bác - Nguyễn Hồng Nghi và những tấm ảnh đầu tiên được chụp Bác Hồ” (Diễn đàn văn nghệ Việt Nam số 9, 10/1997) của Dương Tuấn Hoa…

Cuộc đời nghệ thuật của Hồng Nghi như thế, được nhà nước ghi nhận như thế, được bạn bè đồng nghiệp - qua báo chí đánh giá như thế là quý lắm, hiếm lắm. Song, đến lúc ông ra đi mới là sự ghi nhận đầy đủ, trọn vẹn.

4. LỄ TANG KHÁC THƯỜNG

Ông ra đi ngày 12/2/1991 (28 Tết Canh Ngọ). Quá cập rập nên đành phải lùi lại, đến 20/2 (mùng 5 Tết Tân Mùi) mới tổ chức tang lễ.

Nghĩa tử là nghĩa tận nên rất đông người đến đưa tang là chuyện bình thường. 

Nhưng một cán bộ hàm vụ trưởng như Nguyễn Hồng Nghi ra đi, theo thông lệ mà những vị sau đây đến là khác thường: đồng chí Tố Hữu, Ủy viên Bộ Chính trị, từng làm Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Bộ trưởng, phụ trách lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, đồng chí Đào Duy Tùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, đồng chí Nguyễn Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Ai cũng biết, CÁCH quan trọng hơn CÁI, nhưng không thể trích dẫn ra đây xem mọi người ghi trong sổ tang như thế nào. Chỉ cần nói, theo thông lệ, ban lãnh đạo thường phân công một người đi, nhưng Bộ Văn hóa Thông tin Thể thao, Du lịch, cả bộ trưởng Trần Hoàn, thứ trưởng Nông Quốc Chấn, thứ trưởng Đình Quang đều đi là... khác thường.

Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương cả Phó ban Thái Ninh và Hồ Anh Dũng cũng đến là… khác thường…

Trong thành phố Hồ Chí Minh cũng tổ chức lễ tang. Rất đông người đến viếng, trong đó có giáo sư Trần Văn Giàu, người từng giữ chức Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, từng thay mặt Chính phủ lâm thời phát biểu trong cuộc mít tinh ngày 2/9/1945, tuyên bố trước đồng bào Sài Gòn - Gia Định và cả miền Nam, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời cũng đến viếng, đủ thấy Hồng Nghi sống trong tim mọi người cả Bắc lẫn Nam như thế nào.

Đấy cũng là điều khác thường.

Dịp 19/12, nhân sinh nhật lần thứ 105 của một người như thế, viết về ông cũng là chuyện… bình thường.

Một người đã cống hiến như thế, được dư luận cả hai ngành nhiếp ảnh và điện ảnh đánh giá như thế, công chúng ghi nhận như thế, tổ chức đánh giá như thế, vì những lý do chưa rõ, có thể cũng là điều… chưa bình thường.

Hy vọng mọi chuyện sẽ bình thường, tự nhiên như vốn có.

Nguyễn Bắc Sơn

Tin liên quan

Tin mới nhất

Đôi dòng hồi ức của những người lính Điện Biên

Đôi dòng hồi ức của những người lính Điện Biên

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đi vào lịch sử 70 năm, nhưng những sự kiện “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ấy vẫn còn vang vọng mãi với non sông đất nước, là niềm tự hào của con dân nước Việt. Đọc lại những trang hồi ký của các cựu chiến binh, chúng ta càng thêm xúc động trước những câu chuyện thú vị của một thời oanh liệt. Và theo năm tháng những con người nhân ch

Dự báo giá vàng ngày 9/5: Tiếp tục lao dốc

Dự báo giá vàng ngày 9/5: Tiếp tục lao dốc

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Kitco News, đối tác quản lý Ryan McIntyre của Sprott Inc đánh giá cao sức mạnh của vàng và dự báo các nhà đầu tư sẽ tiếp tục mua vào khi giá giảm.