Di Li khai phá chủ đề gai góc và đầy tính rủi ro - “Tật xấu người Việt”

Tính tự ái, trọng tình hơn lý, sự phiến diện, thích đổ lỗi, lười cảm ơn, lười đọc sách,… là những tật xấu của người Việt được nhà văn Di Li chỉ đích danh trong cuốn sách cùng tên. Trong không gian thoáng đáng của một buổi chiều Hà Nội đẹp đẽ, rất nhiều độc giả đã đến để chia sẻ với Di Li về những tật xấu – điều mà không thể có quá nhiều dịp để bàn luận.

Di Li khai phá chủ đề gai góc và đầy tính rủi ro - “Tật xấu người Việt” - 1

Không gian Rooftop của khách sạn La Mejor chật kín độc giả tới tham dự buổi ra mắt sách của nhà văn Di Li. Ảnh: Huyền Thương

Viết về tật xấu của người khác là một công việc đầy rủi ro vậy mà Di Li lại can đảm chỉ ra hàng loạt tật xấu trong cuốn sách “Tật xấu người Việt”.

Đó là 48 câu chuyện về tính tự ái, trọng tình hơn lý, sự phiến diện, thích đổ lỗi, lười cảm ơn, lười đọc sách, lười biểu hiện cảm xúc tích cực mà chỉ ưa nói thẳng những điều tiêu cực, chê vùi dập khen bốc giời, vô duyên hay xen vào chuyện cá nhân, trọng nam khinh nữ, hay cả nể, hay gây ồn ào, quan cách, ưa hối lộ, tham nhũng vặt, ưa thành tích, thích làm thầy không thích làm thợ, sính bằng cấp, học chỉ để thăng tiến, thiếu tính độc lập, sĩ diện, hay khoe khoang, tham lam chủ nghĩa, không bảo vệ tài sản công cộng, ích kỷ, nghĩ ngắn chỉ thấy lợi ích trước mắt, thói quen phạm luật, không bao giờ biết đủ, lãng phí…

Di Li khai phá chủ đề gai góc và đầy tính rủi ro - “Tật xấu người Việt” - 2

Cuốn sách “Tật xấu người Việt”. Ảnh: Nhã Nam

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, Di Li cần 15 năm để sống, để suy nghĩ, để quan sát, để viết, để chuẩn bị cho sự ra đời của cuốn sách này. Ở đây, những tật xấu được nhìn một cách khoa học, chứa đựng các tri thức về xã hội học, nhân chủng học, kinh tế, lịch sử, văn học và cả những vấn đề của đương đại.

“Chứa đựng trong tật xấu đó là một sự chia sẻ, tình yêu thương, lòng tự trọng. Di Li là một người yêu nước, chị đã nói tất cả những gì chị muốn nói để làm sao một ngày nào đó những tật xấu đó được nhỏ lại, biến mất và thay vào đó là những vẻ đẹp mà người Việt đã có”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ.

Cuốn sách nằm trong bộ đôi sách khảo cứu về tính cách người Việt hiện đại “Tật xấu người Việt” và “Tính tốt người Việt” (chưa phát hành). Với “Tật xấu người Việt”, Di Li là tác giả nữ đầu tiên đưa ra quan điểm phân tích về những thói tật của người Việt và lý giải dựa trên những nghiên cứu kỳ công trong hàng chục năm, cùng trải nghiệm phong phú của mình.

Nếu “Tính tốt người Việt” ra đời, có thể nói chị sẽ là tác giả đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu một cách hoàn chỉnh nhất về hai khía cạnh tính cách của dân tộc mình.

Di Li khai phá chủ đề gai góc và đầy tính rủi ro - “Tật xấu người Việt” - 3

Tác giả Di Li chia sẻ tại toạ đàm. Ảnh: Huyền Thương

Khi cuốn sách “Tật xấu người Việt” chưa được ra mắt tác giả cho biết chị đã rất lo lắng về vấn đề cấp phép xuất bản và cũng nghĩ rằng cuốn sách sẽ gây ra nhiều tranh cãi: Tôi biết rằng cuốn sách này sẽ gây nhiều tranh cãi, bởi quan điểm là thứ không thể “định lượng”, nên sẽ không bao giờ có đáp số chung nhất.

Hơn nữa, khi những quan điểm ít nhiều “va chạm” đến một số người, rất có thể sẽ gây chạnh lòng. Nhưng tôi thực bụng mong muốn độc giả tiếp nhận những câu chuyện này với thái độ thiện chí nhất, bởi cuốn sách là một kết quả nghiêm túc đã được tôi nghiên cứu trong suốt thời gian dài về tính cách của dân tộc Việt, bao gồm cả tật xấu và tính tốt.”

Nhà báo Yên Ba khi viết lời giới thiệu cho cuốn sách đã cho rằng “Có đủ hết trong cuốn sách này những tính cách (và tính nết) mà người ta kiêng kị không nói đến một cách công khai, lại càng tránh tập trung chúng vào một chỗ. Lắc rắc vài hạt tiêu làm cho bát cháo ngon hơn, nhưng cả một bát cháo toàn hạt tiêu thì cay lắm, làm sao mà nuốt nổi!

Nhưng, câu chuyện ở đây không phải là một bát cháo quá nhiều hạt tiêu; đây là một bát thuốc và nó rất đắng! Viết về tật xấu của người khác là một công việc đầy rủi ro. Viết về tật xấu của một dân tộc, hơn thế, là một công việc nguy hiểm. Nhưng tác phẩm này là một trong những bước đi văn chương đầu tiên cho thấy người Việt, ở đây là người viết, người xuất bản, người đọc, đang trưởng thành.”

Di Li khai phá chủ đề gai góc và đầy tính rủi ro - “Tật xấu người Việt” - 4

Cuốn sách khai phá một chủ đề gai góc và đầy tính rủi ro. Ảnh: Nhã Nam

Người đọc có thể nhìn thấy rất rõ, Di Li nhìn cuộc đời và nhìn con người không có sự cay nghiệt, đây là một sự phê phán nhưng lại mang tính tự trào nhiều hơn, nó có mình ở trong đó chứ mình không tác mình ra ngoài dân tộc để phê phán. Việc nhìn tật xấu bằng con mắt khách quan cùng sự hài hước mang tính chất xây dựng, góp ý giúp người nghe có được cảm giác không quá khó chịu.

Nhà báo Hoàng A Sáng nhận xét: “Nhà văn Di Li viết cuốn sách này như một cách tự răn dạy bản thân mình, để mỗi ngày bớt đi được một tật xấu. Cô không viết theo lối thống kê, kể lể hoặc lên án những cố tật của người Việt, mà qua đó tác giả và bạn đọc cùng nhau rút ra những bài học bổ ích cho cuộc sống.”

Di Li khai phá chủ đề gai góc và đầy tính rủi ro - “Tật xấu người Việt” - 5

Cuốn sách nhận được sự quan tâm của nhiều độc giả với những ý kiến tâm huyết, đầy thuyết phục. Ảnh: Huyền Thương

Nhà báo Phan Đăng giãi bày: “Có người thích nói về tật xấu, có người thì không. Nhưng thích hay không cũng chỉ là cảm xúc cá nhân, không giải quyết được bản chất vấn đề – như nó đang là, như nó vốn có. Bạn hãy thực hành đọc những cuốn sách kiểu này bằng cách vứt bỏ cảm xúc của mình đi. Khi đó bạn sẽ trả lời được một cách chân xác: Cuốn sách có giá trị với mình hay không?”

Là nữ tác giả viết đa dạng nhiều thể tài, với những tác phẩm từng được xem là hiện tượng của văn học phía Bắc Di Li đã rất thành công với thể loại tiểu thuyết trinh thám kinh dị. Với “Tật xấu người Việt”, nhà văn lại tiếp tục khẳng định tài năng của mình qua việc khai phá một chủ đề gai góc và đầy tính rủi ro.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Việt kiều ở Pháp với chiến thắng Điện Biên Phủ

Việt kiều ở Pháp với chiến thắng Điện Biên Phủ

Do những điều kiện lịch sử cụ thể, nhiều thập kỷ qua, dân tộc ta luôn có một số lượng không nhỏ – với các nguyên nhân khác nhau – đã đến sống và lập nghiệp tại nhiều quốc gia trên thế giới, được gọi chung là “Việt kiều”; trong đó, Việt kiều tại Pháp đã đóng vai trò đáng kể, góp phần vào thắng lợi của đất nước qua hai cuộc kháng chiến. Trên con đường

Chiến thắng Điện Biên Phủ dưới góc nhìn hội hoạ của cô bé 12 tuổi Nguyễn Đăng Vân Châu

Chiến thắng Điện Biên Phủ dưới góc nhìn hội hoạ của cô bé 12 tuổi Nguyễn Đăng Vân Châu

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc Gia Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm chuyên đề “Lịch sử dưới góc nhìn của thế hệ trẻ” nhằm bồi dưỡng tinh thần yêu nước, yêu lịch sử dân tộc và phát huy vai trò của thanh – thiếu niên trong sáng tạo nghệ thuật.

Những trang sử bằng tranh sống động của hoạ sĩ, đại tá Lê Huy Toàn

Những trang sử bằng tranh sống động của hoạ sĩ, đại tá Lê Huy Toàn

Hoạ sĩ - Đại tá Lê Huy Toàn là một trong những nghệ sĩ - chiến sĩ có công lớn trong việc ghi lại những khoảnh khắc dấu ấn của chiến tranh. Tác phẩm của ông chứa đựng những ý nghĩa cao đẹp, trong kháng chiến nó thổi bừng lên ngọn lửa nhiệt huyết trong lòng quân và dân ta, trong thời bình nó đem đến niềm xúc động to lớn cho những người được may mắn được sống trong hòa bình.